Chuyên mục TRUYỆN HAY cuối cùng của năm Nhâm Dần, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ĐÒ DỌC SÔNG TRÔI của nhà văn LÊ QUANG TRẠNG

Lê Quang Trạng sinh ngày 17 tháng 01 năm 1996 tại huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang. Anh bắt đầu sáng tác từ những năm ngồi trên ghế nhà trường tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Quang Sáng tại quê nhà Mỹ Luông, Chợ Mới An Giang. Anh tốt nghiệp ngành Ngữ văn tại trường Đại học An Giang. Anh hiện công tác trong ngành văn hóa tại tỉnh An Giang và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT An Giang.

Lê Quang Trạng đã xuất bản các đầu sách như:

Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn, 2016), Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn, 2022), Khói biên phương (tập truyện ngắn, 2022), Màu của lửa (tập truyện ngắn, 2022)

Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài, 2018, 2019), – Cá linh đi học (truyện dài)…

Ngoài ra:

Áp tai vào đất (tập thơ, 2017),

Những hạt bùn vạn dặm (tập tản văn)

Người chở chữ qua sông (tập bút ký, 2022),

Đạt được các giải thưởng: Giải Ba – Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII (2019 – 2022); Giải A – Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI (2016 – 2020), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2018 – 2019), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ (2015 – 2017), giải thưởng cuộc vận động sáng tác VHNT của Bộ Quốc phòng (2017), giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2016)…

– Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Xứ Thanh (2015 – 2016),

– Giải Ba cuộc thi truyện ngắn và bút ký của tạp chí Cửa Việt (2018 – 2019),

– Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động (2018 – 2019)

– Giải Ba cuộc thi truyện ngắn khu vực đồng bằng sông Cửu Long – 2019.

ĐÒ DỌC SÔNG TRÔI

Truyện ngắn

Tác giả: LÊ QUANG TRẠNG

Miếu thờ Bà Cậu cũng là bến đò dọc. Một bữa nắng trải đầy sân, con sáo già nua rướn cổ gọi “Đò qua, đò qua”. Có bà già héo hắt, lưng còng queo như cái lưỡi câu, chạy vụt qua. Mặc kệ đò có qua hay không, bà vẫn tư thế chổi cặp sát vào hông như tướng thủ gươm, chân nhanh nhẹn như con sóc, rượt đánh thằng con tóc bàng bạc màu bông. Vừa rượt, bà già vừa hét thánh thót, như rọi lại giọng con sáo, suốt đời gọi khơi khơi hai chữ: Đò qua…

Đứa con vừa chạy, vừa ngó lại để điều chỉnh tốc độ sao cho cân đối. Chạy chậm thì bị ăn đòn, bà già còn khỏe lắm, ăn một chổi của bà cũng ê ẩm. Nhưng nhanh quá thì bà mẹ già chạy không lại, sẽ tức tối lên, tim bà sẽ rung như cái chuông đồng hồ báo thức.

Cuộc rượt đuổi như diễn tuồng đã có ở xóm sông Trôi từ lâu, khi người mẹ còn ở tuổi ba mươi và thằng con trai già nua kia, khi ấy chỉ là đứa trẻ lên ba lên bốn. Như một cuốn phim không hồi kết, diễn viên mẹ và con tiếp tục hoài một kịch bản, mặc cho cả xóm đã chán òm từ rất lâu rồi. Người ta (trong đó có cả trẻ nít) cũng không còn hào hứng nữa, nói chi là một sự hoảng hốt hay bất ngờ dành cho khán giả. Khi thấy bà mẹ già vừa quơ cây chổi, vừa chửi vang vang: “Mầy không phải con tao, Tum ơi là Tum!” thì mọi người biết chút nữa thôi bà sẽ lôi tai thằng con về, như chiếc máy cày kéo theo rờ mọt. Bà thả những lời giận dỗi, rầy la, hù hét… dọc theo sông Trôi, rằng “Bà Cậu bắn mầy, tại sao lấy dầu lửa đổ vô hủ đường cát của má?”, “đem cái mùng đi ra đìa bắt cá tế ông nội mầy hay gì Tum?”. Bà thấy rõ những lời rầy mấy mươi năm trải chật kín bờ sông, mà đứa con vẫn ngu ngơ không lớn lên sau những mùa cấy lời của mẹ. Không buồn trách, vài hôm lại tức nước vỡ bờ thì bà cầm chổi rượt thôi.

Đứa con tóc bạc mà thần trí cũng bạc phếch, vẫn không khác gì đứa trẻ lên mười, vẫn nét mặt sợ sệt, vừa chạy, vừa mếu, vừa thở. Chạy được một đoạn thì tìm bụi lùm nào đó chui vào trốn, hồi hộp và lo sợ rằng mẹ già sẽ đứt hơi vì mệt. Hơi thở bà mấy mươi năm qua đã bị thời gian bào mỏng díu rồi. Dẫu rượt đứa con như thể dục hàng ngày, nhưng Tum vẫn sợ một lúc nào đó mẹ không thở nữa. Đó là nỗi sợ duy nhất mà ý thức tỉnh táo mong manh có được của Tum tạc lại. Nó vẫn sợ cho đến lúc ngủ, bật dậy trong đêm, giật tay mẹ mếu máo “rượt con đi mẹ, đánh con đi, mẹ đừng bỏ con”, làm bà già xúc động nghẹn ngào. Nếu là lúc bình thường, bà sẽ nệnh cho nó một chổi, nhưng thôi, bà nghĩ gì đó mà nhẹ giọng, “Ngủ đi nè, con!”.

Tum không nghĩ đó là lần đầu tiên, hay sẽ là lần cuối cùng mẹ dịu dàng với mình. Đứa trẻ được đút cho ăn viên kẹo lạ, nhưng vị ngọt làm nó đê mê, không lo lắng nghĩ suy, cũng không bất an chút nào. Tum tóc bạc, ôm lời mẹ ngọt ngào vào giấc mơ thần tiên của tuổi tóc xanh, rồi chìm nhanh vào cơn mơ lắng…

Có lẽ vậy, nên cho đến lúc ra bến đò dọc, Tum vẫn không mảy may lo nghĩ. Mãi đến khi thấy mẹ lạnh lùng đẩy mình xuống đò với mớ hành lý, cùng lời nhắn gửi chuyến sang sông. Mắt mẹ ngấn ướt mênh mông làm Tum bật lên sự hoảng hốt tột cùng. Phóng lên bờ, Tum chạy theo ôm chầm lấy chân mẹ già mà khóc như mưa bấc. Đứa con quỳ trên bến, ngước mặt lên nhìn. Dáng mẹ già còng queo như cây bông trong vườn nhà, rủ xuống vì héo hắt, mà vẫn không thôi tỏ vẻ dửng dưng.

Thằng Tum khóc rấm rứt ngó lên, mẹ già vẫn không cảm xúc gì, lôi nó xềnh xệch như hồi năm nẵm bà lôi thằng con lớn thây ham vui ở sân miếu Bà Cậu mà bỏ học. Tum ngó mẹ hồi lâu, rồi khóc lớn lên. Tiếng khóc như muốn ăn vạ. Chiêu này Tum chỉ xài trong quá khứ đôi ba lần, bị bà mẹ đánh bằng cán chổi, nên bỏ luôn. Nay không hiểu sao mà khóc lại, khóc như muốn nằm mãi ở chỗ này.

Đoạn vài mươi giây sau, không hiệu nghiệm, Tum vẫy vùng như đứa trẻ đòi theo mẹ ra chợ, không được nên bắt đầu lăn lộn bất chấp bờ sông vừa mới mưa xong, đất sình dậy lên lầy lội. Lúc này, đứa con ghì nặng hơn. Bà mẹ già không cách nào kéo nổi nên đành ngước xuống vuốt mái đầu con trai, nơi đó đã bạc phếch màu vàng nhạt như khói rơm chiều, không thua kém gì bà. Vừa nói, mẹ vừa chỉ tay lên trán đứa con, rằng: “mầy không thương má thì cũng phải thương người ta, rồi mầy phải thương cái thân mầy nữa Tum à”. Đứa con lớn chồng ngồng vẫn không thôi vừa khóc vừa lắc đầu lia lịa, một tay buông mẹ ra để quẹt nước mắt tèm lem trên mặt, rồi nhanh chóng nắm lại cái tay già nua như cọng dây chuối cũ, như sợ sẽ bị bỏ rơi một cách chóng vánh, lạnh lùng, dứt khoát.

Người lái đò đã bước lên lấy cái giỏ đệm và xấp giấy tờ xuống mui tự bao giờ. Ông vẫn kiên nhẫn cầm cây sào chấm xuống lòng sông Trôi để chờ. Cảnh này mấy mươi năm trước khi còn là chàng trai trẻ, ông đã từng chứng kiến, nên giờ cũng không mấy lạ gì. Nhưng ông biết, lần này Tum đi, sẽ có nhiều nỗi niềm ở lại. Không biết rõ là nỗi buồn hay vui, nhưng trong dạ ông – là một “người dưng”, cũng thấy chạnh lòng.

Có tiếng con sáo nào đó gọi “đò qua”, làm ông chợt nhớ chuyện cũ năm nào…

Cứ mỗi sáng, khi mặt trời còn ngái ngủ ở phía trời xa, đường quê tù mù tiếng dế, người mẹ đơn thân đội thúng cốm dẹp ra chợ. Thằng con trai bám theo đến bến đò dọc rồi ôm chầm chân mẹ đòi theo ra chợ cho bằng được. Người lái đò năm ấy phải ra vẻ hung hăng như thủy quái, hù hét thì đứa nhỏ mới buông mẹ để chạy một mạch về nhà. Có lúc ông thấy mình hơi ác, nhưng thằng Tum chỉ sợ chút thôi, trí óc nó trắng phau, không ghi lại quá lâu điều gì, nên sự ám ảnh không hề đọng lại. Vậy nên nó cũng không có bất kỳ sự ghét dơ nào, điều đó cũng làm lòng ông nhẹ đi như lòng sông tên Trôi mà phẳng lặng.

Nhưng lúc này thì ông biết, việc hù ấy cũng vô phương rồi. Thằng Tum có một nỗi sợ khác lớn hơn, nên dẫu có thủy quái thật hiện ra ở đây lúc này, nó cũng không sợ đến mức nghe lời mà chạy lẹ xuống đò sang sông, lìa bỏ mẹ. “Mà thôi, bây giờ hù làm gì nữa” – ông nghe lòng mình dậy lên tiếng nói – “trời ơi, đứt ruột lìa gan”.

Ông thương cảm, ắt có cái lý của ông. Bởi mấy chục năm ròng, ông đưa không biết bao nhiêu chuyến đò, nhưng vẫn không thể nào quên được hình ảnh người con gái sang sông hồi trại lính mới mọc lên phía xa xa, đêm đêm ánh đèn rọi sáng rực một góc trời xao động. Cuộc sang sông như cuộc sang đời. Phía đây tối tù mù, nhưng phía kia xa là phố xá đêm rừng rực sáng. Cô gái thắp cuộc đời mình như ngọn đèn. Cháy sáng và lộng lẫy cả xóm sông Trôi nghèo xơ xác. Ban đầu cháy chập chờn, rồi cháy đượm, cháy sáng cả một khung trời. Như đèn, có lúc tan dần, lịm dần và chỉ còn là đốm lửa nhỏ nhoi, có thể tắt bất cứ lúc nào gió nổi.

Người con gái ông thương, ngày ấy không thương ông. Không biết lý do là gì. Chỉ biết không lâu sau cuộc “đưa người thương sang sông Trôi, đò dọc chở đầy nước mắt” ấy, thì cô gái è ạch bụng bầu từ phố trở về, với gương mặt tưởng chừng như vĩnh viễn rơi mất ở một hẻm hóc tù mù nào đó. Người lái đò dọc sông Trôi lại đưa người thương quay về bến cũ, sóng cứ bám táp lấy bụng đò, như mừng vui đón người trở về, mà người thì lặng thinh không nói. Bữa đó đò cũng xốn xang, nếu không láy khéo thì chắc đã chìm, sau mấy đợt sóng muốn nuốt lấy cho hả dạ.

Căn nhà cũ sau mùa cày bừa của lửa đạn, không còn nữa. Dấu vết là một hố bom hun hút, nước đọng lại xanh trong, mấy bầy lòng ròng đỏ ao đang bơi theo cá mẹ. Người ta ra công đốn cây cối, đan lá dừa thành một cái chòi cho người phụ nữ khốn khổ. Lâu lâu thấy bóng dáng anh đưa đò ghé qua cho đút đồ đồng quê, lúc con cá, lúc trái bí trái cà. Người tưởng chết đi cũng dần sống lại. Như cái dây leo héo úa, có cơn mưa qua, đất giàu phù sa thì lẽ nào chết khô cho được.

Người xóm nhớ đứa trẻ ra đời sau đó không lâu lắm, bởi những con lòng ròng hôm nào nay mới chừng cùm tay. Bà mụ vườn đỡ đẻ xong, vừa thở vừa xá mấy xá, nói chắc thằng nhỏ có căng con Bà Cậu. Nó không giống bất cứ đứa trẻ nào trong xóm: nó nặng tới năm ký lô, nằm lì như trâu nằm nước, mắt xanh như viên đạn cu li. Bù lại da nó trắng phao, trắng như bông bưởi. Để nó dễ nuôi, bữa đầy tháng, bà mụ “quăng” đứa trẻ ra sân miếu ở bến đò dọc sông Trôi rồi nói, “cho nó làm con Bà Cậu”. Mẹ đứa trẻ lò dò bồng bế con về, từ đó đứa nhỏ có cha, một người mù mờ nào đó được cả làng kính nể gọi là Bà Cậu.

Dù đã quen với câu chuyện, quen với thằng cháu bất đắc dĩ, nhưng nhiều lúc cắm sào chờ khách, ngó lên bờ, người lái đò vẫn thấy rõ đứa trẻ con trai Bà Cậu lẫn trong đám con nít quê, đang đu đưa trên nhánh bần ven sông rồi nhảy đùng đùng xuống nước. Lòng ông dậy lên một nỗi niềm gì đó lạ thường. Cảm giác như dưới con đò, Bà Cậu đang cuồn cuộn trăm ngàn con sóng dậy, ôm lấy đứa con ruột của mình.

Hay cũng cảnh quen, trong đám trẻ đen nhẻm quê mùa có một đứa cao to, da trắng tóc vàng, xưng là con trai của thần linh trong miếu. Nhưng thằng “Thái tử Bà Cậu” ấy đang bị bọn trẻ đè đầu đánh cho một trận vì “tội… nổ như bom Mỹ, lép”. Mặc cho bầy sáo rát cổ gọi “đò qua, đò qua”, đám trẻ vẫn không tha. Như bầy sói say mồi cấu xé con nai vàng ngơ ngác, lăn lộn nát lá vàng rơi. Thấy cảnh đó từ xa, ông bỏ đò, nhảy ùm xuống sông lội lẹ vào bờ rồi phóng một mạch thật nhanh, vừa chạy tới vừa hét như lùa đám vịt đang cấu xé một con lạc đàn. Từ bữa đó, ông thấy sao mình thương thằng bé, như chính thằng con mình đến như vậy?

Rồi mười sáu tuổi, mười bảy tuổi đi qua… Thần trí đứa trẻ tên Tum ở xóm nhỏ ven sông vẫn không mấy lớn lên theo tuổi đời. Dường như nó đứng lại mãi mãi ở tuổi mười hai, hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác bầu bạn với Tum, rồi năm sau nó lại có lớp trẻ mới tiến lên. Và nó thì mãi đứng yên, như chờ đợi một điều gì đó, như bí mật dúi vào trong tay cầm hoài không dám mở.

Có người biểu, hay là mầy kêu ông lái đò bằng cha đi. Tum nhất quyết không chịu. Nó nói, nó có cha rồi, cha nó làm lớn lắm, giàu có lắm, mẹ nó dạy như vậy. Người lái đò cúi mặt, như không nghe thấy rồi lặng lẽ tách bến, chèo dọc sông Trôi.

Mẹ già từ bỏ thúng cốm dẹp theo đò dọc ra chợ mỗi sáng, thay vào đó xấp vé số gieo những hy vọng vào cái xóm sông Trôi nghèo như muốn trôi đi được. Bà cũng không quên chừa lại một tờ mỗi ngày, như cấy vào lòng một hạt mầm đổi đời dù đã tuổi xa trời gần đất. Dẫu rằng nhiều năm qua, hy vọng lên đời vẫn chưa đến với bà. Nhưng là con người, cần có một ước mơ bám víu vào, để háo hức chờ đợi một nỗi gì đó ngay phía ngày mai, như bón thêm cho cuộc sống phần nào ý nghĩa.

Nhiều năm, xóm sông Trôi quê ngoại cưu mang hai mẹ con một già đi, một trẻ hoài; như hai nốt trầm, tựa vào nhau, lui cui cuối xóm. Lâu lâu cao hứng tại tưng bừng rượt đuổi nhau như trò chơi. Họ quen vậy, và chấp nhận vậy.

Một bữa sau cơn giông, miếu Bà Cậu bị gió tốc mấy tấm ngói rêu phong bay đâu mất biệt. Con sáo già thê thiết gọi “đò qua đò qua”. Lần này đò qua thật, đưa người từ phương xa tìm đến xóm sông Trôi. Mẹ Tum khóc ròng ngay lúc gặp đầu tiên. Bà không thể nào ngờ rằng, anh lính đánh thuê năm nào vẫn còn sống và canh cánh về một người thương cùng đứa con thất lạc. Bà càng không ngờ rằng cuộc sống lại thay đổi đến chóng mặt chỉ trong mấy tháng. Nhanh và bất ngờ hơn cả những việc bà liệu định trong giấc mơ trúng số. Nhà cửa xong rồi, giấy tờ cũng xong, giờ là lúc bà tiễn thằng con xuống lên đò dọc, theo cha. Nó hỏi cha có phải là Bà Cậu không? Cha nó không hiểu, còn mẹ thì ngó xa xôi, mắt không thôi ngừng ướt.

Đứa con gần quá tuổi trung niên, ôm chân mẹ già nua khóc ròng. Bà cố đẩy nó xuống đò để ra đi xa một cách lạnh lùng nhất, dứt khoát nhất. Bà thấy trong mơ, phía xa xôi là bao điều màu đỏ, đỏ như rượu vang, đỏ như hoa hồng, mà sao cũng đỏ như máu rớm trong lòng, nhăn nheo, teo tóp…

Đứa con hỏi mẹ sao không đi với nó về xứ Bà Cậu? Bà lạnh lùng nói “không”. Bà không thể đi xa mồ mả ông bà, cũng không sao rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đứa con chăm chú nhìn mẹ và lắng nghe nhưng vẫn không sao hiểu được. Nó lay tay mẹ hỏi, vậy nơi đâu mới là nơi chôn nhau cắt rốn của Tum? Bà mẹ không trả lời, dùng hết sức bình sinh đẩy đứa con xuống đò, rồi nhanh tay đẩy luôn cái mũi đò ra xa. Đò chầm chậm trôi đi, bà lạnh lùng quay lưng, không ngó theo, cũng không có dấu hiệu lấy tay quẹt nước mắt. Đứa con bặm môi khóc không thành lời, ngó bờ không rời mắt.

Lúc đò ra giữa sông trôi dọc một đỗi, tại đôi mắt mờ hay tại đò đã đi xa quá mà bà không còn thấy đứa con của mình nữa. Người mẹ cô đơn trên bến vắng ngó quanh chỉ còn Bà Cậu là ở lại với mình. Bà ngồi sụp xuống bất lực. Cái lưng như dấu hỏi còng queo, như bông hoa héo úa giữa miền đất phù sa ăm ắp. Bà thấy mình sao giống đứa trẻ năm nào xưa thật là xưa, ngồi bên miếu Bà Cậu khóc ròng khi mẹ ra chợ huyện. Dẫu biết mẹ sẽ về nhưng lòng cứ ứ đầy mất mát. Con sáo rướn cổ gọi đò qua đò qua, như nó cũng muốn níu lại hơi người. Bà mẹ cố gom hết những hơi thở già nua còn có được, gọi “Tum ơi, Tum ơi…, về với má Tum ơi…, về với mắm với cà con ơi là con”.

“Thằng” Tum vẫn không thôi ngó lại mẹ mình, người con trai cũng không biết rõ mình đang đi, hay là đang về. Sông Trôi vẫn cứ trôi về một nơi vô định mênh mông, gió chướng đang mùa trở ngọn. Tiếng nói của bà mẹ già biết có đến được đò không?