Trong khoảng thời gian ngắn gần đây, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã nhận được nhiều niềm vui cùng lúc: trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đoạt Giải thưởng Hội NVVN cho tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” và Giải Nhất cuộc thi thơ Làng Chùa lần thứ II với chủ đề “Thơ ca và nguồn cội” (được tổ chức ba năm 1 lần)… Đến với thơ như một mối duyên, còn nghiệp chính của chị là dạy học. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đinh Thị Như Thúy về “duyên” và “nghiệp” trước ngày trao giải cuộc thi thơ Làng Chùa (tổ chức vào sáng 17/3/2012 tại đình Làng Chùa, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội).


Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Ảnh: Đỗ Hiếu.

1. Chị có một “hành trình dịch chuyển” mà không phải ai cũng có may mắn được trải nghiệm trong chừng đó năm tháng cuộc đời: Sinh tại Huế (năm 1965), học phổ thông ở Đà Nẵng, học đại học ở Đà Lạt và hiện đang dạy học tại Đắc Lắc… Những vùng đất đã đi qua để lại dấu ấn như thế nào trong thơ của chị?

Những vùng đất trong “hành trình dịch chuyển” là những nơi tôi được sinh ra, lớn lên, học tập, và công tác. Mỗi nơi ít nhiều đã để lại một điều gì đó trong thơ tôi. Mà thơ lại là cách “văn bản hóa” trung thực nhất những suy tư, cảm xúc của con người.

Khi nghĩ về những vùng đất đó, nơi tôi ưu tư nhất là Huế, vì Huế làm tôi luôn thấy thiếu quê hương. Bởi tôi chỉ được sinh ra ở đó. Ba mẹ tôi đã vào sống ở Đà Nẵng từ trước năm 1960. Mối liên hệ của tôi với Huế chỉ là đôi chuyến về thăm trong cả một khoảng thời gian dài tuổi thơ. Những suy tư, những băn khoăn trong tôi về thân phận con người, về tình thương yêu, lòng bao dung, về sự hy sinh đã đến từ những câu chuyện kể của ba mẹ tôi, đặc biệt là những câu hò của mẹ tôi.

2. Chị là giáo viên dạy môn văn, tưởng như mối liên hệ chữ nghĩa giữa nghề và nghiệp (nếu tạm coi làm thơ là một duyên nghiệp) khá mật thiết. Nhưng trong thực tế, chị có thấy rằng việc dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay lại khác xa với việc sáng tác của chính mình?

Có thể thời nào việc dạy văn và học văn trong nhà trường cũng có sự khác biệt với việc sáng tác. Bởi bản chất của sáng tác là sáng tạo. Còn sự sáng tạo trong dạy và học văn của chúng ta hiện nay, nếu có, cũng chỉ là sự sáng tạo trong khuôn khổ quá chừng chật hẹp. Ngay cả những khống chế chặt chẽ về thời lượng của chương trình, những khuôn cứng trong cách hiểu, cách nhìn nhận tác phẩm cũng là một khuôn khổ rất mệt mỏi cho người dạy và người học. Trong khi lòng yêu cái đẹp lại có tính hồn nhiên. Đôi khi tôi nghĩ cứ để cho tác phẩm văn học, một bài thơ, một truyện ngắn, một bài tùy bút tự do tràn ngập các em. Và điều gì thức dậy trong các em mới là điều quan trọng. Chứ không phải là tất cả những áp đặt của chúng ta.

3. Thưa nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, với cương vị là người dạy học và cũng là người sáng tác, chị “truyền lửa” tình yêu và lòng đam mê đối với văn chương tới học sinh bằng cách nào, trong khi học sinh ngày càng ít hứng thú với môn văn?

Tôi chỉ là một cô giáo, việc học sinh bây giờ chán học môn văn là một thực trạng đáng buồn, và tôi không làm gì được nhiều. Nhất là khi môn văn không có sự đãi ngộ của xã hội về mặt vật chất. Tuy vậy trong khuôn khổ của lớp học tôi chịu trách nhiệm, bằng chính đam mê của mình, tôi chia sẻ với học sinh tôi những vẻ đẹp của văn chương và của đời sống. Quan niệm của tôi dạy văn không chỉ dạy kiến thức văn chương mà còn uốn nắn các em ngay từ cách cư xử nói năng… Tôi thường dùng các chi tiết trong tác phẩm để liên hệ và dẫn dắt, để các em biết phân biệt cái đẹp cái xấu cái hay cái dở cái tốt cái tệ hại. Kết quả đến đâu thì còn tùy vào đối tượng học sinh tôi giảng dạy.

4. Khi lên bục giảng, ngoài việc đảm bảo đúng và đủ thời lượng chương trình, có khi nào cô giáo – nhà thơ Đinh Thị Như Thúy cho học sinh “ngoại khóa” bằng những bài thơ của mình?

Thật sự là tôi thấy ngượng khi nói về thơ mình cho dù với bất cứ đối tượng nào huống hồ là với học sinh. Tôi luôn thấy đó là những giãi bày rất riêng tư. Khi học sinh hay ai đó đọc những bài thơ của mình, tôi như thấy mình đứng ngoài các bài thơ đó vì thế tôi thấy tự nhiên hơn. Vì thế đôi khi để “ngoại khóa”, tôi thường kể chuyện cho học sinh nghe. Tôi mê thần thoại Hy Lạp và tôi thường dẫn dắt học sinh tôi vào đó. Những câu chuyện kể phần nào cũng đã nhen nhóm lên trong các em tình yêu cái đẹp, cái nhân văn trong đời sống vốn đang rất nhiều thực dụng này.

5. Câu hỏi cuối cùng với nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Thơ đã đem lại và lấy đi của chị những gì? Danh xưng “nhà thơ” có khi nào là một thuận lợi hay trở ngại đối với cuộc sống của chị?

Tôi là một người viết lặng lẽ. Ở ngôi trường tôi dạy, ở xóm nhỏ tôi sống, hầu như rất ít người biết tôi làm thơ. Vậy nên danh xưng nhà thơ, với tôi, không có tác động gì với cuộc sống của mình. Thơ chưa lấy đi của tôi điều gì. Nếu cuộc sống có gì đó bất trắc buồn bã tôi nghĩ do số phận nhiều hơn. Nhưng số phận cũng bù đắp khi cho tôi đến với thơ. Thơ cho tôi sự an ủi. Cho tôi những người bạn. Cho tôi nhận biết ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá nhân và của riêng bản thân tôi trong đời sống này.

Xin cảm ơn nhà thơ. Chúc chị luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc!

Phong Lan thực hiện