THI PHONG THỰC HIỆN

Các đại diện xuất bản Việt Nam tại gian hàng Chibooks-Hội sách Frankfurt 2015.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã nêu vấn đề đẩy mạnh quảng bá văn hóa, văn học nghệ thuật đất nước ra thế giới. Thời gian qua, công tác dịch thuật, xuất bản sách Việt ra nước ngoài đang được chú trọng hơn và có những dấu hiệu tích cực. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Tháng 7/2021, Chibooks hợp tác một số nhà xuất bản ra mắt Tủ sách văn hóa Việt Nam. Là người ấp ủ ý tưởng và trực tiếp thực hiện, chị kỳ vọng gì đối với tủ sách này?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Với mong muốn độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực từng vùng miền của Việt Nam, Chibooks đã nảy ra ý tưởng xây dựng tủ sách. Chúng tôi kỳ vọng với các ấn bản các thứ tiếng khác, độc giả nước ngoài sẽ thêm yêu quý và tôn trọng con người, văn hóa, đất nước Việt Nam.

PV: Tại sao là Tủ sách văn hóa Việt Nam mà không phải lĩnh vực khác?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này bởi nó thật sự rất quan trọng. Và quyết định lựa chọn những cuốn sách mang đậm màu sắc của văn hóa bản địa, nêu bật được những điểm giá trị, thú vị, nhiều màu sắc trong văn hóa, lối sống, ẩm thực và đặc trưng tính cách của con người mỗi vùng miền của Việt Nam. Lối viết cần hiện đại, gần gũi, thuyết phục. Ngôn từ được sử dụng phù hợp độc giả trẻ hiện nay, dễ hiểu, dễ đọc.

Ngoài việc in ấn bản sách tiếng Việt, chúng tôi đang triển khai chuyển ngữ ra tiếng Trung, tiếng Anh để chào bán bản quyền ra quốc tế. Chúng tôi mong muốn xây dựng được tủ sách ngày càng đầy đặn hằng năm với nhiều đầu sách có giá trị và hấp dẫn bạn đọc.

PV: Có thể thấy rất rõ nhiệt huyết quảng bá Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Chị có thể chia sẻ về điều này?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Thật ra, giới xuất bản Việt lâu nay do quá mải mê mua bản quyền sách nước ngoài vào Việt Nam, bận rộn công việc xuất bản và phát hành sách trong nước phục vụ độc giả Việt nên đã bỏ lỡ mất độc giả quốc tế. Nhiều độc giả quốc tế các nước cũng có nhu cầu muốn được đọc sách Việt do chính tác giả Việt viết. Họ tin rằng bằng con mắt của người trong cuộc, đang sống trên mảnh đất Việt, viết về cuộc sống, văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay sẽ rất khác với góc nhìn của các tác giả nước ngoài hoặc của tác giả Việt sống ở nước ngoài. Vì vậy, cần đem lại nhiều cơ hội lựa chọn cho độc giả nước ngoài tìm hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa, con người Việt.

PV: Có điều kiện tham gia nhiều hội chợ sách quốc tế, chị có thể cho biết cảm nhận, đánh giá của chị về chỗ đứng của sách Việt hiện nay trên thị trường thế giới?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Trong 5 năm trở lại đây, Cục Xuất bản và giới xuất bản Việt đã rất nỗ lực trong việc giới thiệu sách Việt ra thế giới bằng các hoạt động tham gia triển lãm sách Việt tại các hội sách quốc tế Frankfurt, Cuba, Bắc Kinh…; tham gia các diễn đàn, hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề quốc tế về xuất bản. Vì vậy, vị thế của giới xuất bản Việt trong khu vực đã có nhiều thay đổi, được bạn bè giới xuất bản các nước quan tâm và nể trọng hơn trên “sân chơi” quốc tế.

Không thể phủ nhận rằng sách Việt được thiết kế, in ấn với trình độ thẩm mỹ cao, ngày càng đẹp, giấy tốt, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, được nhiều bạn bè chuyên ngành xuất bản các nước phải ngạc nhiên khen ngợi. Vì vậy, nếu sách Việt có nội dung tốt, mẫu mã hình thức đẹp, được có cơ hội đi ra bên ngoài sẽ là một cơ hội thật sự rất tốt để giới xuất bản Việt khẳng định được tài năng và vị trí của mình trên quốc tế.

Ngày 15/12 vừa qua, lễ chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) trong nhiệm kỳ hai năm 2022-2023 cho Hội Xuất bản Việt Nam đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Điều này được giới xuất bản Việt Nam đánh giá cũng là cơ hội để ngành xuất bản trong nước “bơi ra biển lớn”.

PV: Một số cá nhân, tổ chức, đơn vị xuất bản đang dành nhiều sự quan tâm đến việc đưa sách Việt hội nhập quốc tế. Chị đánh giá chung về cái được và chưa được trong hoạt động này?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Đây là tín hiệu vui cho thấy các đơn vị xuất bản Việt đã đặt nặng trọng trách của mình hơn trong việc này. Chỉ khi mình tâm huyết và đặt nặng trách nhiệm lên nó, chúng ta mới có thể làm tốt được. Tuy nhiên, do chưa có kết nối rộng rãi nên các hoạt động hiện nay thường là tự phát, nhỏ lẻ, chưa đạt hiệu quả cao.

Đưa sách Việt ra thế giới cần được tổ chức bài bản thống nhất, chuyên nghiệp, rất cần sự hỗ trợ về vật chất và điều kiện của Nhà nước. Cần phân biệt rõ các dạng: đưa sách Việt ra nước ngoài để triển lãm cùng các hoạt động giao lưu tác giả, đưa sách Việt ra nước ngoài để chào bán bản quyền hoặc chào bán xuất khẩu. Với mỗi dạng khác nhau, chúng ta cần đưa ra những chính sách thực hiện khác nhau cho phù hợp, đồng thời cũng quy tụ cụ thể những đơn vị sách có nhu cầu trong hoạt động chung đưa sách Việt ra thế giới. Sách là tượng trưng cho tri thức và vốn văn hóa của một dân tộc, vì vậy các khâu tổ chức nếu không có bài bản và không tạo được dấu ấn dân tộc sâu đậm nhiều khi lại phản tác dụng, gây ấn tượng tiêu cực đối với khách quốc tế.

PV: Chân thành cảm ơn chị!

Theo báo Nhân dân/báoThời Nay