Thưa quý vị

Vậy là chúng ta đã đồng hành cùng Đất và Máu trong suốt hơn 4 tháng qua.

Cầm Kỳ Official xin được cảm ơn nhà văn Đặng Huỳnh Thái đã viết một tiểu thuyết có giá trị về một thời kỳ biến động có một không hai trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt; như một nhân chứng lịch sử, tố cáo chiến tranh do thực dân đế quốc gây nên trên mảnh đất Việt Nam; tố cáo tội ác khiến hàng triệu người dân vô tội chết đói năm 45; tố cáo những mưu ma chước quỷ của những thế lực hòng xâu xé mảnh đất Việt Nam. Đồng thời kể lại, khắc họa thật cảm động những số phận những con người, dũng cảm, hy sinh, nhường cơm xẻ áo cho đồng bào. Không những thế, có cả những bài học về sự ứng xử và giải quyết rất nhân bản, thông minh, thức thời, thậm chí vượt cả thời đại của những nhân vật như thầy Tế Mỹ cùng gia đình, như ông bà Tiên, hay sức mạnh dân làng Khánh Hữu và dân bản người Sán Dìu… Sự xuất hiện của Việt Minh và phác họa một vài nét chấm phá Lễ Tuyên ngôn Độc lập mùng 2 tháng 9 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội quân kháng chiến thắng lợi. Trên hết là một cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn thời đại đã qua, một góc chiếu rọi lại những năm tháng mà số phận dân tộc Việt Nam phải chịu thử thách.

Tôi, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã đọc cuốn tiểu thuyết này trong sự đồng cảm, xa xót, tự hào… Và mong cầu các thế hệ sau sẽ biết được những gì mà dân tộc Việt Nam đã trải qua; để cùng bước tới tương lai.

Xin được cảm ơn tất cả những ai đã nghe và sẽ nghe trọn 32 phần cuốn tiểu thuyết Đất và Máu của nhà văn Đặng Huỳnh Thái, được phát trên kênh Cầm Kỳ Official, thuộc Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc.

Năm 2022 sắp đi qua.

Chào đón năm mới 2023 với sự tin yêu của quý độc giả với Cầm Kỳ Official.

Trân trọng.

Cầm Kỳ Official

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT CỦA TÁC GIẢ

Kính thưa các quý vị!

Hơn bốn tháng qua Tiểu thuyết Đất và Máu, đã được phát trên kênh youtube Cầm Kỳ Official thuộc Chương trình Tôn vinh Văn hóa Đọc do Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sáng lập.

Với 32 buổi phát sóng đã đọc trọn 730 trang viết cuốn Tiểu thuyết này. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có giọng đọc mượt mà, tình cảm và cuốn hút, nâng giá trị của tác phẩm vượt lên khỏi những trang giấy khô cứng. Tôi Đặng Huỳnh Thái tác giả của Tiểu thuyết Đất và Máu chân thành cám ơn Nhà văn Võ thị Xuân Hà. Cảm ơn hàng nghìn bạn đọc trong nước và nước ngoài đã lắng nghe và chia sẻ cùng tác giả.

Kính thưa các quý vị!

Ngay ngoài bìa cuốn sách, tôi đã đưa ra thông điệp: “Mỗi thửa đất của tổ tiên để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăn nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da… Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt… Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên…”

Cuốn Tiểu thuyết có bề dầy lịch sử, gần một trăm năm cuộc đời của những người nông dân Việt Nam. Không dám nói rộng, nhưng có thể hiểu rằng đây là một bài học tổng kết về đời sống của người nông dân, thông qua câu chuyện của các thế hệ nối tiếp ở một gia đình, một làng nhỏ ven biển như bao gia đình khác ở Việt Nam để nhìn về hoàn cảnh lịch sử đất nước, và rộng ra hơn nữa – Chính vì thời gian trải dài qua bao thăng trầm của lịch sử: Thời kỳ phong kiến, Thực dân Pháp đô hộ, Đế quốc Nhật xâm chiếm, Trung Quốc bành trướng, Chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Chiến tranh Đế Quốc Mỹ, Xây dựng CHXH…

Đất sẽ dạy cho con người thế nào là lẽ sống và biết sống với ý nghĩa thực của sự sống.

 Tất cả những sự kiện và hàng trăm nhân vật được huy động vào cuốn tiểu thuyết là cả cuộc đời tích lũy của tôi. Là vốn sống và quan sát cuộc sống dồn lại trong quyển sách này. Mỗi một nhân vật đều có một số phận riêng, câu chuyện riêng không trùng lặp…

Đất và Máu là tác phẩm viết về nơi chôn nhau cắt rốn quê hương Thái Bình, tôi Kính dâng lên Hương hồn Cha Mẹ và những người nông dân nghèo khổ đã phải trải qua bao đau thương mất mát “sống không có đất ở, chết không có đất chôn, máu nhuộm đất; đất, nước sông, nước biển thấm máu người”… Ngàn đời nay và mãi mãi diễn ra những cuộc tranh giành đất đai. Nước này tranh giành biên giới của nhau, làng này lấn đất của làng kia. Gia đình anh em, bố mẹ chia ly cũng chỉ vì đất đai nhà cửa… Sự kiện diễn ra như những dòng lịch sử, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Trên trái đất này ở đâu cũng thế – Có người là có máu đổ…

Qua tiểu thuyết Đất và Máu tôi muốn khắc họa lại những chân dung của đám chức dịch trong làng, chân dung những kẻ bần cùng, rẻ rúng, oan khuất, đau thương và cô độc. Là những cuộc chạy trốn của đám dân đen khi không sống nổi với đám chức dịch trong làng hà hiếp. Là cuộc trốn chạy không có đích đến và chết đói. Khi sáu tuổi tôi đã được chứng kiến những cảnh chết đói năm 1945 tại Thị tứ nhỏ ở Thái Bình, thê thảm, đau thương và tức tưởi của người dân nghèo khổ. Thầy thuốc Tế Mỹ trong truyện chính là cha tôi đã ra tay cứu giúp người chết đói, cho ăn và cho thuốc, lại đi khắp miền quê để chống đại dịch tả. Người mẹ yêu quý của tôi chết cháy vì bom Napal của thực dân Pháp ném xuống giết hại những người dân thường, để chiếm đất đai xây đồn bốt.

Trong cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam” GS Văn Tạo mong muốn một điều: “Đến nay hai triệu người chết đói, có gia đình chết cả nhà, cả họ tộc, không bao giờ được nhắc đến, không biết xương cốt nằm nơi đâu, không biết ngày giỗ, thật đau buồn”. Chính vì vậy tôi đã dành những trang cuối sách để dân làng tự xây dựng nghĩa trang Hoang Điền cho những người nghèo khổ xấu số có nơi an nghỉ cuối cùng. Lấy một ngày chung nhất làm lễ “Mông sơn thí thực”. Đời đời con cháu sau này có chỗ tìm về với ông bà tổ tiên. Có được Nghĩa trang Hoang Điền là một cuộc đấu giá với mọi thế lực tranh giành để xây khu đô thị lộng lẫy ngang nhiên đè lên hàng ngàn ngôi mộ.

Đất và Máu như một bộ phim dựng lại những thân phận con người – thân phận của lịch sử một ngôi làng gắn liền với lịch sử dân tộc, vô cùng kiêu hãnh sống, và sống chết với điều chính nghĩa.

Bộ phim này không được dựng bằng hình ảnh, mà được dựng bằng câu từ bằng thanh âm, vang lên khắp nơi, đến với những độc giả đã nhiệt tình theo suốt câu chuyện Đất và Máu mấy tháng qua.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe Nhà văn Võ Thị Xuân Hà dẫn dắt câu chuyện dài 730 trang, với hơn 202 ngàn chữ, hấp dẫn và cảm động. Thật kỳ lạ, cũng được kết thúc vào tháng 12 năm 2022. Truyện tôi viết và được xuất bản là hình hài thứ nhất. Truyện được đọc lên qua tư duy tái tạo của nhà văn Võ Thị Xuân Hà là hình hài thứ hai.

Gấp sách lại, kết thúc cả thiên truyện được đọc và phát mỗi tuần một đến hai buổi, mà lòng lưu luyến nhớ nhung.

Xin cám ơn các quý vị.

Hẹn gặp lại./.

                                                   Nhà văn Đặng Huỳnh Thái.

PHẦN 32 – PHẦN CUỐI

Thằng Nho nói vậy, nhưng không có lửa sao có khói. Thầy cho gọi Nho về:

– Có thật không? Đây là chuyện hệ trọng.

Nho vội thưa:

– Con đã sang Bạch Tuộc hỏi. Họ cho biết lão già ấy đã trả phòng đi rồi.

Im lặng, mỗi người suy nghĩ một kiểu.

Bỗng bước nhanh vào, quay lại khép cửa. Thì thào vào tai Thầy:

– Con lấy được đầy đủ rồi. Đây ạ.

Bỗng đưa toàn bộ tập hồ sơ, xin đấu thầu của công ty YV. Thầy xem từng tờ và đoán. YV có nghĩa là Y Vân vợ thằng Bằng, con mẹ Cả Trường. Tên thằng Martin Mon, lấy chữ Mon mà xét nghĩa là Bái Môn. Thầy bấm đốt ngón tay, ngày sinh tháng đẻ trùng khớp với tờ khai, đúng rồi nó là đứa đẻ ngược. Đêm ấy Bà Đỡ, Hạnh Mỹ và Na phải xoay đầu, cho nó chui ra. Thầy đặt tên nó là Dần.

Còn thằng Nang không có căn cứ gì. Nhưng khớp với chuyện, Nho thấy thằng Bằng trên chợ Huyện. Vậy đích thực, ba cha con nó đã về đây.

Thầy quay sang bảo Bỗng:

– Tìm thêm căn cứ, ta sẽ có cách xử lý.

Bỗng chạy vội. Một loáng sau về, kể lại:

– Còi và hai thằng Môn, Nang đang tắm biển, vừa tắm vừa thì thầm. Con giả vờ đi bắt cáy, nhìn thấy trên lưng thằng Nang có vết chàm đen to, còn hai thằng kia chốc lại cười đắc thắng.

Thầy reo lên.

– Đúng rồi, thằng Nang đẻ ở đồn Mả Nàng. Bà Đỡ đã lấy thỏi mực, đánh dấu vào lưng nó. Báo cho mọi người biết, ba đời nhà nó là ác ôn. Thế rồi bà bị nó giết chết. Ngừng một lát Thầy nói tiếp. Hai anh phải giữ kín. Thằng Còi có dính líu đến chuyện này. Thật không ngờ. Tâm nó đang lụi tàn.

Đêm ấy, trên con thuyền nhỏ dập dềnh ngoài biển, ba cha con Bằng bày mưu tính kế. Nếu đấu giá, ta phải bỏ giá cao, để thắng, Tiền đã có Borel Trang. Hai cái biệt thự là của ta. Miễn sao mang được hài cốt của quan hai Borel về. Còn hài cốt của chú Khiếu tính sau. Trước mắt phải có được bản đồ vị trí các ngôi mộ. Lâu ngày gió cát đã san bằng, không biết đâu mà lần.

Nang càu nhàu:

– Phải tiền thêm thôi.

Bằng:

– Đưa cho thằng Còi bao nhiêu rồi?

Nang:

– Đúng như vậy.

Bằng:

– Nhồi thêm nữa đi, bản đồ mồ mả phải về tay.

Mấy chị em Hạnh, đi chợ may quần áo dài vừa về, mở ra xem lại khoe với nhau. Còi đứng xem, vui vẻ móc tiền trong túi, đòi trả tất. Gọi là có chút quà tặng các chị. Chả đáng là bao, tấm lòng là chính. Na trố mắt nhìn, không biết lão này lấy tiền ở đâu ra. Sợ sỹ, không dám nói. Để rồi về nhà. Còi viện cớ sang tìm Na, lấy lòng Thầy, lân la vào câu chuyện:

– Thầy ạ, con vừa ra Hoang Điền về. Mấy trận bão, cát san bằng hết cả các mộ. Con tìm thắp hương cho bố mẹ con mà chẳng biết đâu mà lần. Sắp đến giỗ rồi. Thầy cho mượn cái bản đồ, để con tìm.

Thầy nhả hơi thuốc lên trời. Chắc là cha con thằng Bằng sai khiến đây. Thầy thủng thẳng nói:

– Hiếu thảo như thế là tốt. Thế mọi năm, thanh minh, giỗ tết sao tìm được? Bây giờ ai lấy mất hồn rồi?

– Na nhà con làm ạ.

Thầy quay ra bảo Na:

– Mày dẫn chồng ra Hoang Điền, nó quên mất cả lối rồi.

Na quay sang Còi:

– Điên à, từ ngày bám mấy thằng Tây lai, lú lẫn hết cả.

Hai vợ chồng kéo nhau về.

Còi cố làm lành, hỏi Na:

– Em có biết mộ thằng quan hai Borel, chôn ở chỗ nào trong Hoang Điền không?.

Na gắt toáng lên:

– Anh sao thế, giở chứng à? Mộ bố mẹ không biết, đi tìm mộ thằng Tây làm gì? Tôi hỏi, anh lấy tiền đâu ra mà tặng chị em chúng tôi nhiều như vậy?

Còi ấp úng rồi lặng lẽ, chuồn mất. 

 Hanh, Á Bung và Bác sỹ Hayato ở Khe Cau xuống. Nghe Hanh kể về ý định xây nhà điều dưỡng ở vùng biển thơ mộng này, Bác sỹ Hayato rất thích và sẵn sàng đầu tư. Thầy vui mừng, dang rộng vòng tay đón nhận. Nhà điều dưỡng, không những tô đẹp cho cảnh quan Khánh Hữu, mà là cầu nối cho các dân tộc, đoàn kết yêu thương. Bác sỹ Hayato, cám ơn Thầy đã quan tâm và hứa sẽ làm tốt.

Trên trang Web do Hanh và A Sinh, Akina thiết lập, đã có rất nhiều doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hưởng ứng. Nộp đơn đăng ký. Tập đoàn du lịch của Việt kiều Pháp, có tên Laura Seo, viết tắt là LS. Hồ sơ xin thầu là đầy đủ nhất. Tại trụ sở Ủy ban xã, Còi trân trọng nhận đơn và thông báo, đến giờ phút này có năm đơn xin thầu gồm: Tổng công ty YV. Tập đoàn chế biến NT. Công ty thiết kế TV. Nông tường KC và Tập đoàn du lịch LS. Hai mươi bốn giờ mai, khóa sổ. Thông tin này, cũng được Bỗng phát thanh trên đài và mời bà con Khánh Hữu ra Hội trường Ủy ban dự.

Còi lên chủ tịch, cho xây Hội trường Ủy ban cùng với đợt làm đường bê tông, kéo điện về làng. Xây Hội trường to đẹp trên nền nhà kho chứa đồ chống đê. Một thời Chủ tịch Tế đã làm việc ở đây. Cái gì cũng đổi mới, mà Chủ tịch tên Còi nghe cũ quá. Đi chiến đấu thì được. Làm kinh tế, tiếp xúc với người nước ngoài không gọi thế được. Ngay việc, đất tên phố thì giá cao, ngõ thì giảm, ngách, hẻm rẻ như bèo. Đất còn vậy, huống chi tên mình, cứ mang tên làng quê, ngõ xóm, còn ra thể thống gì. Cái tên là cái tính con người. Thế là đổi luôn thành Cảnh. Chủ tịch Cảnh, nhẹ nhàng, thông thoáng, oách hơn nhiều.

Nhưng ra đường người ta vẫn quen gọi Còi.

Tức điên.       

Bao ngày, hồi hộp, lo âu chờ đợi. Phiên đấu giá đất ven biển làng Khánh Hữu, được tổ chức trọng thể. Ngồi trên cao, Chủ tịch Cảnh, trước mặt là bàn phủ khăn đỏ, trên đặt cái búa công lý. Bàn ở góc phía xa cũng phủ khăn đỏ, Đào ngồi làm thư ký. Dưới hội trường, hàng ghế đầu là các đối tác, tham gia đấu giá.  

Tổng công ty YV là David Nang và Martin Mon

Tập đoàn chế biến NT, là Robel Nam và Nho

Công ty thiết kế TV, là thầy giáo Tuấn và Vang

Nông tường KC, là Bác sỹ Hayato và Hanh

Tập đoàn du lịch LS vắng mặt.

Thầy không ra dự, biện cớ già yếu. Nhưng Thầy vui, nhường chỗ cho lớp trẻ, có học, thông minh, năng nổ, tiếp cận nhiều cái mới. Đất nuôi người là thế đấy. Dù sao, sáng nay Thầy vẫn dặn dò mọi người, phải thắng. Từ xưa, hàng năm các cụ vẫn mở thầu (đấu cố), đấu giá đất công điền, lấy tiền lo việc khánh tiết, hội hè, nhưng nó chỉ toàn người làng với nhau. Tịnh cấm các hương chức không được tham gia. Nay bung ra cả thế giới, phải thận trọng, kẻo hỏng việc. Nếu không đủ, Thầy sẽ bán nhà, cho Hạnh Mỹ lấy tên, để tránh điều tịnh cấm. Hai thưng bằng một đấu mà. Không để bất cứ kẻ nào làm loạn, trên mảnh đất Tổ tiên. 

 Bà con trong làng ngồi kín hội trường. Mấy chị em Hạnh, trưng những bộ áo dài mới may. Tuấn và Vang nhìn thấy chị Hạnh, giơ tay chào vì về muộn, vào thẳng đây chưa kịp về nhà chào Thầy. Vang ngồi bên anh Hanh mà không biết, hai anh em im lặng nhìn nhau như hai đối thủ. Hạnh Mỹ ngồi sau, đập vào vai Tuấn nói nhỏ “Em còn nhớ Hanh đây không”. Tuấn và Hanh hai người bắt tay nhau. “Trời ơi, mấy chục năm rồi mới gặp lại, Tình bạn lại trở thành đối thủ”. “Thương trường là chiến trường mà”. “Chuyện dài lắm, tan cuộc ta hàn huyên nhé”.

Chủ tịch Cảnh, gõ ba tiếng búa xuống bàn. Phiên đấu giá bắt đầu. Sau khi tuyên bố lý do và nội dung đầu tư xậy dựng, vùng đất ven biển Khánh Hữu. Giá mời thầu, mười điểm một mét vuông. Cảnh lại gõ búa xuống bàn một tiếng, mời các nhà đầu tư, bỏ giá.

Mở đầu YV hăng hái: mười một điểm.

TV: Mười hai điểm

KC: Mười hai phẩy năm điểm

NT: Mười ba điểm

YV: Mười bốn điểm

Chủ tịch gõ một búa xuống bàn. Xướng: Mười bốn lần hai

Im lặng, cả hội trường nín thở. David Nang và Martin Mon, đứng dậy, đắc thắng. Từ cửa hội trường một người đàn bà sang trọng, bước vào. Theo sau là mấy trợ thủ Tây có, lai có. Bà ta dõng dạc nói:

– Khoan đã, tôi là Tập đoàn du lịch LS, bỏ giá hai mươi điểm.

Cả hội trường nhao nhao. David Nang nói to:

– Không công nhận, chủ tọa đã xướng lần hai rồi.

Martin Mon:

– Căn cứ vào đâu bà là chủ tịch LS

Hanh đứng phắt dậy:

– Tôi là người nhận đơn xin thầu của bà qua mạng. Ảnh trong hồ sơ chính là bà. Đề nghị chủ tịch tiếp tục.

Chủ tịch, gõ búa, xướng. Hai mươi điểm lần hai.

YV: Hai mươi mốt điểm.

LS: Ba mươi điểm.

Cả hội trường vỗ tay reo hò. Chủ tịch Cảnh ngửa người ra thành ghế, hai tay mềm nhũn không gõ được búa. Hai đại gia Martin Mon và David Nang, gục mặt xuống bàn. Người đàn bà thắng cuộc, từ tốn đi lên phía trên dõng dạc nói:

– Kính Thưa dân làng, con là cái Mận, con của bố Tráng và mẹ Sẹo đây… Mận nghẹn ngào không nói tiếp được nữa.

Cả hội trường ồ lên. Chị Sen, Na, Sửu gọi to – Mận. Họ người ôm chầm lấy nhau, cổ nghẹn chặt, một khối người rung lên bần bật. Hồi lâu, trấn tĩnh lại, Na và Sửu kéo Còi đến bên Mận:

– Em gái của anh đây.

Còi như người say, tựa vào vai Mận. Sửu cõng anh đi ra khỏi đám đông.

David Nang, Martin Mon, chạy như bay xuống thuyền. Từ sáng đến giờ, Bằng vẫn cắm thuyền ngồi nghe ngóng. Ba cha con, đẩy thuyền ra xa toan tính. Không ngờ, cái con nhóc ấy đã lên bà. Thằng Tây đốt đèn biển Cồn Bà, cưu mang, tha về Pháp. Mấy chục năm rồi, lấy đâu ra tiền mà đầu tư. Đây chỉ là vở kịch của chúng nó. Thua, chúng ta sẽ mất hai ngôi biệt thự ở Tân Sài. Phải điều tra gốc tích của con mẹ này. Nhất định thế, phải đánh gục.

Mẹ Tiên vui nhất, khóc rồi lại cười. Ôm Mận vào lòng, Mẹ nựng như ngày còn bé. Mân mê ngón tay có vết sẹo dài, Mẹ đặt lên má mình, nức nở:

– Tại vì con, chứ đã ai mắng mỏ gì đâu.

– Con nắm chặt, mảnh vỡ tách Giang Tây đâm vào, chảy máu thành sẹo đấy mẹ ạ.

Sen thêm vào:

– Em chạy một mạch ra bãi biển, dì đuổi theo cũng không kịp. Nhặt được mảnh tách vỡ, bố Tráng bảo đây là linh hồn của con Mận, dẫn đường ra Cồn Bà tìm được hai chữ THOMAS-MAN. Mừng quá, thế là nó còn sống. Em ra thăm lại đi, dì mới ra thắp hương cho bố dì.

Mận mở valy, lấy cái bị cói, cũ rách của ông già đánh cátrao cho Mậntrước khi chết. Mận cảm động nói:

– Ông bảo, cả đời ông lênh đênh trên biển, chỉ có thế này thôi. Cháu giữ làm của hồi môn. Dì xem có phải của dì không?

Không phải kim cương, không phải vàng bạc, gấm vóc. Chỉ có vòng ốc to là của mẹ, vòng ốc nhỏ là của con. Con nhà nghèo có vài bộ quần áo rách, cái khố của con gái tuổi lớn lên, đựng trong bị cói. Nó đã đi theo những tấm lòng, cao cả, nhân ái vòng quanh quả đất. Trở thành báu vật, của tình yêu thương. Sen òa khóc, khóc rất to, gọi bố, gọi chồng, gọi con, đang nằm sâu dưới đáy biển. Tay Sen, kéo vạt áo dài mầu xanh nước biển, mới may, chấm nước mắt. Tay kia cầm mảnh áo rách. Lòng người, ai mà không lay động.

Thầy nghe được câu chuyện, liền gọi Vang và giáo Tuấn đến:

– Các anh xây dựng thành phố ven biển, nhớ làm nhà bảo tàng trưng bày những vật báu này. Cái bị cói. Con ốc tù của ông già đánh cá. Bộ xương Ông cá voi lưng gù. Bộ sưu tập của người lính Nhật bị bắn chết. Lồng chim mồi của Ông Phiêu. Đồ nghề mò Ngọc trai của cụ Vận. Cái gáo dừa của mẹ Tráng, ném vào mặt tên quan Nhật. Vũ khí đánh đồn Mả Nàng và nhiều nhiều thứ nữa, các anh sưu tầm hết cho tôi.

Vang hí hoáy ghi chép, những lời thầy dạy.

Từ hôm đấu thầu về, Còi như người mất hồn, không dám bước chân ra ngoài. Bệnh đa cảm, em gái đột ngột về, vui quá, sinh bệnh. Người bảo vậy. Người bảo chắc gì đã phải. Mận từ tốn hỏi:

– Em về, anh phải vui lên chứ?

– Vui lắm. Nhưng anh khổ vì sự có mặt của em. Rồi có thể, em sống thì anh lại chết.

Mận ngạc nhiên:

– Anh nói gì vậy?

– Đáng lý, dự án này, phần thắng thuộc về hai anh em nhà David Nang, Martin Mon.

Còi sợ, chính là lẽ ấy. Cấp dự án bằng phí “lót tay dưới gầm bàn”. Thua cuộc, nó đòi lại. Hoặc phải đưa tấm bản đồ mồ mả ở Hoang Điền, nếu không sẽ giết. Mục đích làm gì, Còi không biết. Dân biết. Na hét toáng lên:

– Hai đứa, Nang và Mon, là con của thằng Bằng đấy. Máu nhà nó, giết người như chơi. Dính vào làm gì.

Còi vùng dậy:

– Thằng Bằng à?

– Để đấy em trị. Cho nó ra bã.

Sửu gạt phăng, rồi chạy nhanh ra Hoang Điền.

Ngoài bãi biển, Mận và các nhà đầu tư đang chia lô cắm đất. Sau thắng cuộc, đất đai dọc bờ biển Khánh Hữu rộng mênh mông. Mận mời mọi người cùng tham gia. Ưu tiên khu đất đẹp nhất có bãi cát trắng mịn cho nhà đầu tư KC. Xây nhà điều dưỡng cho đồng bào các dân tộc. Bác sỹ Hayato và anh Hanh, cho khởi công ngay. Ngoài nhà điều dưỡng còn xây làng văn hóa các dân tộc, có các hoạt động đa dạng, để giới thiệu về cuộc sống và bản sắc văn hóa các dân tộc.

 Tập đoàn đánh cá và chế biến NT, có đất mở rộng nhà máy và xây xưởng sửa chữa tàu, thuyền. Robel Nam sẽ bán tất cả cơ sở ở bên Pháp, về đây lập nghiệp. Việt Nam là quê mẹ mà.

Hai em, giáo Tuấn và Vang công ty thiết kế TV, thả sức xây dựng thành phố ven biển. Ước mơ những ngôi nhà trên cát đã thành hiện thực.

Mục đính của Mận, là xây dựng nghĩa trang Hoang Điền, thành Công viên An Lạc, nơi an nghỉ của Ông bà, Tổ tiên và hàng trăm người vô gia cư, chết đói chết dịch, bom đạn, chiến tranh. Người sống thế nào, người chết là vậy. Hoang Điền là đất hoang phế. Cái tên ấy đã không kính trọng người đã khuất. Nằm sát bờ biển, quanh năm hứng chịu sóng gió, bão cát, bào mòn, che lấp. Nhiều khi không nhận ra, đâu là mộ, đâu là mô cát. Bố mình không cúng, lại cúng người thiên hạ.

Dưới đáy biển, còn biết bao xương cốt đang nằm ở đó. Dù bất kỳ ai, người ngư dân, tên ác ôn, quan Tây, quan Nhật, chết trận, chết bão đều được vớt về an táng tại đây. Việc này vất vả, tốn kém, nhưng với lòng nhân đức, Mận sẽ được Trời Phật và những oan hồn, phù hộ.

Mận quay sang hỏi Na:

– Ở đây có chôn cất Lý Khiếu, Lý Khoái bố thằng Bằng không chị?

– Không. Chỉ có thằng quan hai Borel.

– Nó nằm ở chỗ nào?

– Chị cũng không biết, mấy hôm nay anh Còi cứ hỏi về mộ thằng này.

Thanh ra đúng lúc, đưa cho Mận tấm bản đồ nói:

– Bản đồ các phần mộ ở Hoang Điền đây chị.

Mận mừng rỡ hỏi:

– Em giữ à?.

– Vâng, ngay khi vẽ xong, Thầy bảo em giấu kỹ, tuyệt đối không để cho ai biết. Em cất vào Hậu cung đình Làng. Chị có tâm có lòng, Thầy mới bảo em đưa cho chị. Thầy còn dặn, không được khai quật các mộ. Chỉ mộ cụ Tiên phải bốc lên để đặt thủ cấp vào thôi.

Na chen vào:

– Cụ Tiên bị thằng Bằng và thằng Toái chém đầu, lúc chôn chỉ có người, không có đầu. Bố mình cũng thế, trâu nó bừa nát hết thịt, May mà xương còn.

– Vậy thủ cấp của Cụ Tiên đâu?

– Em giữ.

Mận vội chắp tay, quay sang Thanh: 

– Nam mô Bồ Tát đại bi Quan Thế Âm.

Mận bật khóc. Trong nghĩa địa bé nhỏ này, mà chứa đựng bao cái chết đau thương. Không biết trên khắp thế gian này, có bao nhiêu nghĩa địa, chất đầy đau thương như thế này?

Tàu của Thuận, sáng nay chở các nhà đầu tư ra Cồn Bà. Ủy viên văn hóa Bỗng, lanh chanh giới thiệu: Xin mời các đại gia ra thăm “Hòn ngọc biển đông” của chúng tôi.

Nghe cứ ngọt xớt. Tỉnh bơ, Bỗng khoe.

Vùng biển này là kho đặc sản quý hiếm. Nhiều loại cá còn sót lại từ thời kỳ trung đại như cá Ông voi lưng gù, chúng tôi vừa bắt được. Bộ xương khổng lồ dài hai mươi mét, đang được lưu giữ để trưng bày trong nhà bảo tàng tương lai. Dưới đáy biển là rừng san hô và trai lấy ngọc. Ngọc trai Khánh Hữu là sản phẩm tiến Vua, và hoàng hậu, công chúa. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tôm, cá cho Nhà Máy chế biến của Robel Nam. Không những thế, vùng biển này còn lập nhiều công trong lịch sử, đó là Cồn Bà “Hòn ngọc biển đông” mà các ngài đang đi tới.

Các nhà đầu tư mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Chung quy lại là xây dựng Khánh Hữu sánh vai cùng năm châu, bốn biển.

  Bác sỹ Hayato rất thú vị, trao đổi với Hanh những ý định của mình. Tiếng Việt không nhiều nên ông ta nói chưa rõ nghĩa. Hanh quay sang bảo Mận. Phải thử thách đã.

Chẳng mấy chốc, tàu đã đến Cồn Bà. Đối với Mận nơi đây là cửa tử. Cái sống, cái chết treo trên sợi tóc. Hôm nay đi trên Tàu, hôm ấy lênh đênh trên thuyền mủng rách nát. Người đốt đèn biển Thomas đã liều mình cưu mang. Lo cho ăn, canh chừng cho giấc ngủ. Một người ở cõi xa xăm không quen biết, đã giang rộng vòng tay nhân ái, ôm Mận vào lòng, ru con trong tiếng sóng biển rì rầm. Trở về Pháp, Thomas được thừa kế một gia tài khổng lồ. Cánh đồng Nho bát ngát, các nhà máy rượu vang Boóc đô nổi tiếng. Số phận trời đã định, Thomas không vợ, không con. Khi chết đi, quyền thừa kế chuyển sang cho Mận. Lấy chồng, Mận sinh được một cô con gái. Ít lâu sau chồng cũng mất. Hai mẹ con côi cút, nhớ quê hương, nhớ thầy mẹ. Nhớ làng xóm xơ xác, đói nghèo, chết đường, chết chợ. Bao đời không có đất ở, chết không có đất chôn. Máu trộn đất, nhuộm đỏ dòng sông, nước biển. Ước mong được trở về, thôi thúc đêm ngày.

Bây giờ Mận đang đứng đây, nhìn về hướng đông mặt trời mọc, biển mênh mông, bát ngát. Gió biển thổi về tanh tanh, mằn mặn có trong đó những giọt máu của cha ông pha lẫn.

Vợ chồng anh Hòa ra đón đoàn, nhìn thấy Mận reo ầm lên:

– Mận, mày có nhớ chú không?

– Chú Hòa. Mận cũng ào đến, ôm lấy chú.

– Thì ra mày vẫn nhớ.

– Nhớ lắm chú ơi. Lúc ấy không có chú và bà Tiên thì cháu và cu Sửu chết rồi.

– Ừ, Mẹ cháu nằm trên tàu lá chuối. Máu chảy lênh láng, bắn lên cả người chú. Thằng cu Sửu òa lên tiếng khóc. Mẹ cháu nở được nụ cười, xong tắt thở.

Sửu ôm chặt lấy chú, ân hận:

– Sao giờ chú mới nói. Cháu xin lỗi, hôm ấy vì bênh chú Thuận, nên cháu đánh chú. Chú có đau không?

Sự đời là vậy. Làm ơn không đòi trả ơn, nhận ơn thì phải trả.

Đứng dưới chân tượng thần Ngư dân, Mận nói với thầy giáo Tuấn và Vang:

– Mọi người phải dựng lại bức tượng này to hơn, cao hơn để từ xa có thể nhìn thấy. Rừng tre không được phá. Tôi trồng chỉ có một cây, bây giờ đã thành rừng xanh biếc. Sống hòa thuận với thiên nhiên thì có thể tạo ra các năng lượng chuyển hóa, lan tỏa mạnh mẽ. Cây đèn biển là biểu tượng của Cồn Bà, để cho khách tham quan ngắm biển. Mãi mãi đi vào lịch sử. Logo của “Hòn ngọc biển đông” phải có Bức tượng Thần ngư dân và cây đèn biển, xin mọi người nhớ nhé.

Tàu không quay về đất liền, mọi người thích ngủ lại Cồn Bà. Đi bắt cá, câu mực. Hưởng gió biển trong lành. Sóng rì rào ru ngủ. Hanh và bác sỹ Hayato bảo: Đây là viên thuốc khổng lồ, trời, biển ban cho loài người, hãy uống, hãy hưởng.

Với những gì đã học được ở trường Kỹ thuật, Thanh và Sửu, đôi bạn gắn bó với nhau từ hồi trẻ. Lúc hoạn nạn, tản cư lên bờ đê, cùng đi cất vó tép. Những con tép đầu to, mắt xanh, râu dài nhẩy tanh tách trong lòng bàn tay. Sướng lắm. Cả làng ai cũng khen hai thằng thông minh và dũng cảm. Lần ấy một thằng lính đói, ăn trộm rổ khoai, mang ra sườn đê, nhai ngấu nghiến. Thanh và Sửu, nhanh chóng sáng chế ra súng ba chạc tre, lấy đá làm đạn, bắn vỡ đầu, trúng mắt, hắn lăn xuống sông chết. Từ đó, hai thằng say mê nghiên cứu kỹ thuật và sưu tầm đồ biển.

Hôm nay, chị Mận giao nhiệm vụ nặng nề – Tìm kiếm và thu nạp các hài cốt đang nằm sâu dưới đáy biển. Quy tập về Công viên An Lạc. Một tàu nhỏ chở Thanh, Sửu và chú Hồng thợ lặn giỏi, trong đội mò ngọc trai của cụ Vận ngày xưa. Thanh điều khiển Robot, lặn sâu xuống đáy biển. Khi tín hiệu báo về, thấy hài cốt. Chú Hồng và Sửu lặn xuống giúp sức, cùng Robot đưa lên.

Mấy ngày tìm kiếm, từ Cồn Bà mở rộng ra các vùng chung quanh. Robot đã vớt được mười hai bộ hài cốt. Chị Sen, nhận ra hài cốt của chồng. Xương ống chân còn một sợi dây chão thuyền, làm bằng vỏ cây sú chịu nước mặn rất bền. Khi bế con nhẩy xuống biển, chị đã trói hai chân, không cho đuổi theo hành hạ. Thế là chị Sen đã làm tròn nghĩa cử của người con. Mang hài cốt bố từ Cồn Bà về, bây giờ là chồng.

Trọn vẹn. Một bộ hài cốt, bọc trong tấm lưới đánh cá. Anh Thuận nhận đấy là Lý Khiếu. Sau khi Còi bắt được ở sông Nê, giao cho anh. Anh đã bọc thi thể trong tấm lưới, sau này xương cốt, không bị thất lạc. Người làng Bái Môn, đã lên nhận mang về an táng bên cạnh Lý Khoái, cho có anh, có em.

Một bao tải xương cốt, được những hòn đá neo đậu, nằm sâu dưới đáy biển. Hỏi ai cũng không biết. Thầy cho hỏi mấy người làng Cao Đồng, là lính của đồn trưởng Bằng. Họ nhận ra đó là Huyện thừa Bùi Kiệm, làm xong sổ sách, điền bạ. Mẹ con Bằng cho người nén xuống biển, phi tang.  

Còn lại, Mận cho lấy mẫu, mang về xét nghiệm, phân tích để xác định tên tuổi của từng người. Trong đó có Ông ngoại Mận, cụ bị bão lật thuyền.

Đội bát âm của làng Khánh Hữu và các làng bên, sang giúp, nhập thành một đoàn đông. Gọi là giúp, chứ thực ra họ hàng của các làng bên, có nhiều người nằm ở nghĩa địa này, Thời cụ Tiên, những ai chết đói, chết dịch, chết bom đạn. Có nhà chết cả nhà, cả họ, ai làm cho. Cụ cho trai tráng khỏe mạnh, khiêng vác về đây tất. Hôm nay, làm lễ động thổ xây dựng An Lạc, khang trang, ai cũng muốn góp công, góp sức, góp giọt dầu thắp nén nhang cho người đã khuất.

Đội trống ếch của làng, do Sanh dẫn đầu, rước thủ cấp của cụ Tiên từ đình, ra An Lạc. Bất ngờ, không ai biết, thủ cấp của cụ Tiên, lại được cất kỹ như vậy. Sau đội trống ếch. Tám cô gái trẻ, xinh đẹp, rước kiệu cung nghinh Thủ cấp. Đi sau là anh Thuận và Còi là hai người cùng chú chó Mực trực tiếp chiến đấu, giành được Thủ cấp từ đồn Mả Nàng. Nhưng hôm nay Còi không về vì đã được điều lên Huyện làm việc. Chỉ có anh Thuận, đi bên cạnh là Thanh. Người được Thầy bí mật, giao cất giữ Thủ cấp ở sau Hậu cung. Mật hiệu, sơ đồ chỉ đường, đặt dưới bệ tượng Thành Hoàng làng.

Những người có tấm lòng cao cả ấy, hôm nay uy nghiêm trong bộ quần áo Tế.

Thầy lang Tế và Bà Tiên, rực rỡ trong bộ quần áo đỏ, có hoa văn chữ thọ. Hai cụ, ngồi trong hai võng điều. Khênh võng là bốn anh, mặc quần áo lính lệ, xanh đỏ, đầu đội nón chóp. Hạnh Mỹ, Hương, Sen, Na, vợ chồng Alisa Sivilay, vợ chồng Á Bung cùng các con, các cháu tíu tít vây quanh Ông Bà.

Xưa nay ai cũng nói, ông bà Tiên không có con, Hôm nay, cả làng là con, là cháu, chít khăn, đông nghịt rừng thông. Thể hiện lòng biết ơn, nghĩa cử cao đẹp của Ông Bà, đã hy sinh cả đời cho dân nghèo, khổ đau trong hoạn nạn.

Thầy lang Tế, đọc Chúc văn:

“…Hôm nay, nhân ngày động thổ,

Xây lăng mộ, lập ban thờ phụng.

Dâng lễ vật, hương hoa, thành tâm cúng bái.

Dâng Thủ cấp cụ Tiên – Hoàn hảo.

Được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Ông là ánh lửa, soi tỏ lòng người.

Mang ấm no, hạnh phúc cho muôn dân.

Khánh Hữu, nay đã khác xưa.

Bao nhiêu đổi mới, đậm đà tình quê

Chữ nhân, chữ hiếu làm đầu.

Quốc, dân, gia tộc trước sau vững bền…”

Sau mỗi đoạn, mỗi câu, chiêng trống nổi lên. Mọi người chắp tay, đồng phụng bái. Ngân vang cả góc trời, góc biển.

Mọi giây phút trong quá khứ, dù sâu nặng, dù đầu rơi, máu chảy, dù anh em gia đình lưu tán, dù cộng đồng đất nước phân chia, cũng rạng rỡ. Gió đã xoay chiều, báo hiệu những trận cuồng phong, dữ dội sắp ập đến. Cuốn phăng đi những rác rưởi, bụi trần, mở cửa cho tương lai, vô cùng rạng rỡ ùa vào.  

Hai anh em nhà David Nang, Martin Mon, trà trộn trong đám đông. Chen vào bãi tha ma, hắn nhìn thấy tấm biển nhỏ, đánh dấu vị trí – Borel. Chúng chạy vội về thuyền. Ba cha con Bằng hồ hởi. Chắc ăn rồi.

Trời nổi cơn dông. Biển động, sóng xô bờ cát  ầm ầm. Chớp giật xé toang bầu trời tối om. Ba cha con Bằng bấm nhau. Thiên thời, địa lợi đây rồi, phải nhanh tay đào lấy hài cốt, quan hai Borel, trước khi trời sáng. Ba cha con Bằng, mang theo mai, cuốc, đi nhanh về bãi tha ma Hoang Điền. Một tia chớp sáng lòe, xanh lét, từ trên trời giáng xuống. Ba cha con Bằng cháy xém, nằm lăn ra bãi cát.

Sáng sớm mai, dân đi biển, nhận ra Bằng và thằng David Nang mất hai bàn tay. Thằng Martin Mon, ngoắc ngoải. Thì ra bọn kẻ trộm nhanh tay hơn, chặt bốn bàn tay của người bị sét đánh, làm bảo bối hành nghề.

Những bàn tay quỷ ác, lại tiếp nối gây ác./.

                                 Hà Nội, tháng 6 năm 2021