Thưa quý vị

Vậy là chúng ta đã đồng hành cùng Đất và Máu trong suốt hơn 4 tháng qua.

Cầm Kỳ Official xin được cảm ơn nhà văn Đặng Huỳnh Thái đã viết một tiểu thuyết có giá trị về một thời kỳ biến động có một không hai trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt; như một nhân chứng lịch sử, tố cáo chiến tranh do thực dân đế quốc gây nên trên mảnh đất Việt Nam; tố cáo tội ác khiến hàng triệu người dân vô tội chết đói năm 45; tố cáo những mưu ma chước quỷ của những thế lực hòng xâu xé mảnh đất Việt Nam. Đồng thời kể lại, khắc họa thật cảm động những số phận những con người, dũng cảm, hy sinh, nhường cơm xẻ áo cho đồng bào. Không những thế, có cả những bài học về sự ứng xử và giải quyết rất nhân bản, thông minh, thức thời, thậm chí vượt cả thời đại của những nhân vật như thầy Tế Mỹ cùng gia đình, như ông bà Tiên, hay sức mạnh dân làng Khánh Hữu và dân bản người Sán Dìu… Sự xuất hiện của Việt Minh và phác họa một vài nét chấm phá Lễ Tuyên ngôn Độc lập mùng 2 tháng 9 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội quân kháng chiến thắng lợi. Trên hết là một cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn thời đại đã qua, một góc chiếu rọi lại những năm tháng mà số phận dân tộc Việt Nam phải chịu thử thách.

Tôi, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã đọc cuốn tiểu thuyết này trong sự đồng cảm, xa xót, tự hào… Và mong cầu các thế hệ sau sẽ biết được những gì mà dân tộc Việt Nam đã trải qua; để cùng bước tới tương lai.

Xin được cảm ơn tất cả những ai đã nghe và sẽ nghe trọn 32 phần cuốn tiểu thuyết Đất và Máu của nhà văn Đặng Huỳnh Thái, được phát trên kênh Cầm Kỳ Official, thuộc Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc.

Năm 2022 sắp đi qua.

Chào đón năm mới 2023 với sự tin yêu của quý độc giả với Cầm Kỳ Official.

Trân trọng.

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT CỦA TÁC GIẢ

 

Kính thưa các quý vị!

Hơn bốn tháng qua Tiểu thuyết Đất và Máu, đã được phát trên kênh youtube Cầm Kỳ Official thuộc Chương trình Tôn vinh Văn hóa Đọc do Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sáng lập.

Với 32 buổi phát sóng đã đọc trọn 730 trang viết cuốn Tiểu thuyết này. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có giọng đọc mượt mà, tình cảm và cuốn hút, nâng giá trị của tác phẩm vượt lên khỏi những trang giấy khô cứng. Tôi Đặng Huỳnh Thái tác giả của Tiểu thuyết Đất và Máu chân thành cám ơn Nhà văn Võ thị Xuân Hà. Cảm ơn hàng nghìn bạn đọc trong nước và nước ngoài đã lắng nghe và chia sẻ cùng tác giả.

Kính thưa các quý vị!

Ngay ngoài bìa cuốn sách, tôi đã đưa ra thông điệp: “Mỗi thửa đất của tổ tiên để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăn nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da… Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt… Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên…”

Cuốn Tiểu thuyết có bề dầy lịch sử, gần một trăm năm cuộc đời của những người nông dân Việt Nam. Không dám nói rộng, nhưng có thể hiểu rằng đây là một bài học tổng kết về đời sống của người nông dân, thông qua câu chuyện của các thế hệ nối tiếp ở một gia đình, một làng nhỏ ven biển như bao gia đình khác ở Việt Nam để nhìn về hoàn cảnh lịch sử đất nước, và rộng ra hơn nữa – Chính vì thời gian trải dài qua bao thăng trầm của lịch sử: Thời kỳ phong kiến, Thực dân Pháp đô hộ, Đế quốc Nhật xâm chiếm, Trung Quốc bành trướng, Chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Chiến tranh Đế Quốc Mỹ, Xây dựng CHXH…

Đất sẽ dạy cho con người thế nào là lẽ sống và biết sống với ý nghĩa thực của sự sống.

 Tất cả những sự kiện và hàng trăm nhân vật được huy động vào cuốn tiểu thuyết là cả cuộc đời tích lũy của tôi. Là vốn sống và quan sát cuộc sống dồn lại trong quyển sách này. Mỗi một nhân vật đều có một số phận riêng, câu chuyện riêng không trùng lặp…

Đất và Máu là tác phẩm viết về nơi chôn nhau cắt rốn quê hương Thái Bình, tôi Kính dâng lên Hương hồn Cha Mẹ và những người nông dân nghèo khổ đã phải trải qua bao đau thương mất mát “sống không có đất ở, chết không có đất chôn, máu nhuộm đất; đất, nước sông, nước biển thấm máu người”… Ngàn đời nay và mãi mãi diễn ra những cuộc tranh giành đất đai. Nước này tranh giành biên giới của nhau, làng này lấn đất của làng kia. Gia đình anh em, bố mẹ chia ly cũng chỉ vì đất đai nhà cửa… Sự kiện diễn ra như những dòng lịch sử, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Trên trái đất này ở đâu cũng thế – Có người là có máu đổ…

Qua tiểu thuyết Đất và Máu tôi muốn khắc họa lại những chân dung của đám chức dịch trong làng, chân dung những kẻ bần cùng, rẻ rúng, oan khuất, đau thương và cô độc. Là những cuộc chạy trốn của đám dân đen khi không sống nổi với đám chức dịch trong làng hà hiếp. Là cuộc trốn chạy không có đích đến và chết đói. Khi sáu tuổi tôi đã được chứng kiến những cảnh chết đói năm 1945 tại Thị tứ nhỏ ở Thái Bình, thê thảm, đau thương và tức tưởi của người dân nghèo khổ. Thầy thuốc Tế Mỹ trong truyện chính là cha tôi đã ra tay cứu giúp người chết đói, cho ăn và cho thuốc, lại đi khắp miền quê để chống đại dịch tả. Người mẹ yêu quý của tôi chết cháy vì bom Napal của thực dân Pháp ném xuống giết hại những người dân thường, để chiếm đất đai xây đồn bốt.

Trong cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam” GS Văn Tạo mong muốn một điều: “Đến nay hai triệu người chết đói, có gia đình chết cả nhà, cả họ tộc, không bao giờ được nhắc đến, không biết xương cốt nằm nơi đâu, không biết ngày giỗ, thật đau buồn”. Chính vì vậy tôi đã dành những trang cuối sách để dân làng tự xây dựng nghĩa trang Hoang Điền cho những người nghèo khổ xấu số có nơi an nghỉ cuối cùng. Lấy một ngày chung nhất làm lễ “Mông sơn thí thực”. Đời đời con cháu sau này có chỗ tìm về với ông bà tổ tiên. Có được Nghĩa trang Hoang Điền là một cuộc đấu giá với mọi thế lực tranh giành để xây khu đô thị lộng lẫy ngang nhiên đè lên hàng ngàn ngôi mộ.

Đất và Máu như một bộ phim dựng lại những thân phận con người – thân phận của lịch sử một ngôi làng gắn liền với lịch sử dân tộc, vô cùng kiêu hãnh sống, và sống chết với điều chính nghĩa.

Bộ phim này không được dựng bằng hình ảnh, mà được dựng bằng câu từ bằng thanh âm, vang lên khắp nơi, đến với những độc giả đã nhiệt tình theo suốt câu chuyện Đất và Máu mấy tháng qua.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe Nhà văn Võ Thị Xuân Hà dẫn dắt câu chuyện dài 730 trang, với hơn 202 ngàn chữ, hấp dẫn và cảm động. Thật kỳ lạ, cũng được kết thúc vào tháng 12 năm 2022. Truyện tôi viết và được xuất bản là hình hài thứ nhất. Truyện được đọc lên qua tư duy tái tạo của nhà văn Võ Thị Xuân Hà là hình hài thứ hai.

Gấp sách lại, kết thúc cả thiên truyện được đọc và phát mỗi tuần một đến hai buổi, mà lòng lưu luyến nhớ nhung.

Xin cám ơn các quý vị.

Hẹn gặp lại./.

                                                   Nhà văn Đặng Huỳnh Thái.