3

Hạnh Mỹ từ Hà Nội, về thẳng nhà Thầy. Chắc là Thầy mong. Từ hôm đi đến nay, cũng đã dài ngày. Nhiều việc, phải làm cho xong mới về được. Khuya rồi Thầy vẫn chong đèn đọc sách. “Hải thượng y tôn tâm lĩnh”, bộ sách quý, Thầy không bao giờ rời. Thấy tiếng, Thầy soi đèn, đón con gái. Hạnh Mỹ vui vẻ nói một lèo:

– Mọi việc tốt đẹp lắm Thầy ạ. Đâu vào đấy cả rồi. Chị Hương nhường cho căn nhà hai tầng, rộng rãi, sạch sẽ, ngay giữa phố mát mẻ. Đi học lại gần. Em Vang vui lắm. Mời thầy giáo Tuấn về ở cùng. Thầy giáo Tuấn đang phải đi trọ. Tốt quá Thầy ạ.

Thầy phấn chấn, cười:

– Phúc đức quá. Thầy trò cùng ở với nhau, tiện trăm bề. Ngừng một lát Thầy hỏi. Hai chị em có tìm đến đơn vị của Thắng không?

Thầy nói đến đây, Hạnh òa lên khóc:

– Chuyện gì thế con. Bình tĩnh xem nào.

Nín lặng hồi lâu, lau nước mắt, Hạnh nhỏ nhẹ:

– Con gặp được nhà con rồi…

– Sao? nó còn…

Hạnh nói nhanh:

– Không ạ. Hài cốt của anh Thắng đã được đồng đội quy tập từ chiến trường về.

Đơn vị mở đường, đã cho xe đến đón Hương, Hạnh và các con về làm lễ truy điệu. Thủ trưởng đơn vị đã đọc lời điếu ca ngợi chiến công của các chiến sỹ. “Con đường chúng tôi đang mở, gắn với biết bao huyền thoại diệu kỳ. Mỗi cung đường. Mỗi ngọn núi. Mỗi dòng sông là một câu chuyện về tình yêu đất nước của những con người dũng cảm. Mãi mãi là bản anh hùng ca hào hùng, bi tráng trong lòng nhân dân”.

  – Thầy ạ, sau lễ truy điệu hài cốt của nhà con được đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố. Người thân, anh em bạn bè và đơn vị đến dự đông lắm.

Thầy băn khoăn nói:

– Tiếc nhỉ, Khánh Hữu phải có người đại diện mới đúng. Thôi được, để Thầy giao cho chủ tịch Còi, làm lễ truy điệu và ghi tên vào danh sách các liệt sỹ của làng cùng với cụ Tiên, Anh Tráng…

– Vâng, chú Còi được anh ấy dìu dắt từ ngày còn ở chiến khu, bình dân học vụ, rồi vào sống ra chết đánh đồn Mả Nàng.

– Đúng, dân làng ai cũng quý.

– Thầy ạ. Còn chuyện này nữa.

– Gì nữa con?

– Em Vang con ở trên đó, chị Hương có chu cấp cho ăn học, nhưng con nghĩ, mình cũng phải bù đắp cho chị ấy chút ít, chứ ạ?

– Thầy cũng nghĩ vậy, không có người ta coi thường. Con kiểm lại xem, những gì mẹ con để lại, có thể góp được thì góp.

Hạnh đến ban thờ, mang cái tráp nhỏ đựng kỷ vật của mẹ, mở ra xem. Nhiều thứ lắm, trong đó có năm cái vòng bạc, mẹ mua ở hiệu vàng bạc Mỹ Kim. Đúng ra là sáu cái, cho sáu cháu, của sáu người con. Nhưng cái lần cứu thằng Robel Nam, mẹ đã đeo vào chân cho nó một cái, giờ còn năm. Hạnh thưa:

– Thưa Thầy, Cháu lớn nhà chị Hương sắp đi lấy chồng. Xin Thầy, cho con cái vòng bạc, phần của con để con tặng cho cháu ấy, có được không ạ?

– Tùy con, Thầy ưng. Thực ra thì cũng chẳng bù đắp được. Của ít lòng nhiều mà. Của cho không bằng cách cho. Con lựa lời mà nói.

– Vâng, con xin, mai lên chợ Huyện, tân trang lại cho mới, để lâu bị xỉn mầu quá.

Chợ Huyện, nay đông, đúng phiên đầu tháng. Ngay từ sáng người mua, người bán đã ồn ào, tấp nập. Sen và Na hai chị em ngồi bên đống cá, to tú ụ, đêm qua ràu về toàn cá to, tươi roi rói. Người mua tha hồ chọn bới. Nhiều có khác, chảnh vẻ, lúc ít thì ươn thối cũng mua. Hạnh Mỹ định ngồi xuống trò chuyện, thấy vậy lại thôi. Đi lang thang tìm hiệu vàng bạc, để sửa lại vòng bạc. Cuối chợ Hạnh nghe người ta thì thầm. Thằng Tây đen, đi tìm mẹ mãi không thấy, lại về đây xây xưởng chế biến Cá, dở hơi. Tò mò Hạnh xuống bãi biển, mấy người vây quanh anh Tây đen ngay cổng xưởng. Anh ta vừa làm, vừa nghêu ngao hát “Mẹ ơi con yêu mẹ lắm!/ Còn mẹ, còn lối đi về…”. Hạnh tiến lại gần hỏi: “Anh ơi, anh đi tìm mẹ à?”. Anh ta không trả lời, vì nhiều người đến nhận quá rồi, trả lời mãi cũng mệt. Hạnh hỏi lại một lần nữa: “Anh ơi, anh đi tìm mẹ à?”. Lần này, anh ta ngừng hát, chăm chăm nhìn Hạnh, chớp mắt để nhìn cho rõ. Hạnh thấy trong người gai gai như có luồng điện. Anh ta trả lời:

– Vâng, tôi tìm mẹ và chị tôi.

Hạnh lấy lại bình tĩnh hỏi:

– Anh đi tìm mẹ, có gì làm bằng chứng không?

Anh ta nhanh nhảu:

– Có chứ ạ.

Nói rồi, vội vàng lấy trong túi ra một cái vòng bạc có ba quả chuông nhỏ, lắc nhẹ tiếng kêu ngân vang.

–  Cho tôi xem tý được không?

Hạnh lấy cái vòng bạc của mình, so sánh. Cầm trên tay hai cái vòng bạc, giống nhau như hệt và trên quả chuông đều khắc hai chữ MK (Mỹ Kim). Nín thở Hạnh hỏi dồn:

– Có phải cậu là Robel Nam?

Robel Nam sững người. Reo lên:

– Chị Hạnh Mỹ phải không?

Robel Nam ôm chầm lấy chị. Mặc, bao con mắt trố nhìn.

– Chị của em đây rồi, chị ơi…

Hạnh Mỹ, chấm những giọt nước mắt, cảm động quá. Chẳng bao giờ nghĩ, lại có cuộc hội ngộ đặc biệt nhất trần gian này. Mấy chục năm rồi, mà vẫn còn ngượng, bế ngửa, Robel Nam, đen như cục than, ngậm vú chị, hồng hồng ở tuổi mười lăm. Bố mẹ chị phải gồng mình nuôi con cho một kẻ xâm lược. Trong cơn lốc xoáy nhân quả của tham vọng, chiến tranh hận thù, bức tranh kỳ vỹ về thân phận con người, hiện lên sống động, vượt mọi không gian và thời gian…

Đứng trước Thầy, Robel Nam quỳ gối, cầu xin:

– Thầy, Mẹ và Chị mới là người sinh ra con. Xin Người, nhận ở con một lạy.

Thầy vội đỡ dậy:

– Ta hiểu. Chính cái tên Robel Nam, ta đặt. Mẹ con không còn nữa, nhưng mẹ vẫn nhớ, đeo chiếc vòng bạc vào chân cho con, chạy trốn, trước khi kẻ thù đến. Con trở về với ta, là hạnh phúc lắm rồi. Cuộc gặp gỡ này do nhân duyên được thu xếp từ trước. Quy luật nhân quả mà con.

Robel Nam chắp hai tay trước ngực, như một học trò nhỏ, mạnh dạn thưa:

– Thưa Thầy, công ơn của Thầy mẹ và các ông bà cô bác, nuôi dạy, đùm bọc con, bao la như trời biển. Con không biết lấy gì đền đáp. Nay con đã về nguồn cội, quê hương. Con xin hiến xưởng chế biến Hải sản cho dân làng. Gọi là chút lễ nhỏ dâng lên tổ tiên chứng giám. Xin Thầy chấp nhận cho con được vui… 

Dân làng tụ hội ra đình, Thầy thay bộ Com lê, mặc bộ đồ tế, rực rỡ, đăng đàn. Thành Hoàng làng Khánh Hữu, chứng giám biết bao nhiêu lòng thành. Cậu cháu nhà Bùng, Bà Tiên, nay lại Robel Nam hiến cả xưởng chế biến Hải sản. Thật hiếm có. Xin Thành Hoàng chứng giám.

Ủy viên văn hóa Bỗng, leo lên chòi phát thanh, alô dài dòng về việc Robel Nam, trao tặng xưởng chế biến Hải sản cho Khánh Hữu. Cuối cùng chốt một câu xanh rờn “A lô, Khánh Hữu đang trên đường xây dựng Hòn ngọc biển đông”…

4

Chủ tịch Còi, tổ chức đội ngũ tiếp nhận xưởng chế biển Hải sản. Sát nhập đội tàu đánh cá vào, nâng lên thành Tập đoàn, mang tên Nam Tế, tên giao dịch là NT. Ngầm hiểu là Robel Nam và Tế Mỹ. Lô gô có hình con cá heo vọt lên mặt nước. Tập đoàn do Nguyễn Văn Nho làm Tổng Giám đốc. Chắc mọi người biết, Nho là ai rồi, anh chàng bán cá giống, đếm cá như đọc thơ. Có nhiều chiến công đánh chiếm đồn Mả Nàng. Nam làm cố vấn đặc biệt, không nhận tiền lương. Guồng máy đi vào hoạt động, ra rất nhiều sản phẩm đông lạnh. Cá đánh bắt về, nhiều ngày không đủ, phải thu mua thêm. Chợ cá chỉ còn lèo tèo vài hàng cá vụn, cua ốc, mỏ qụa, bề bề… Ngư dân thuyền mủng kêu, đòi đóng cửa nhà máy. Ăn cá tươi bao đời nay rồi, quen. Không thèm ăn cá tôm đông lạnh, nhạt, mủn. Một vài lần hàng trăm người kéo đến cổng nhà máy biểu tình. Cuộc sống là vậy. Cái cũ bao đời, đã đi sâu vào tiềm thức, đóng chặt cửa. Cái mới chỉ còn cách, len chân lách vào, Thời gian và sức mạnh dần dần được tháo gỡ. Đời sống dân chúng được nâng cao. Chợ Huyện có điện, Khánh Hữu có điện, nhà nhà có điện. Sáng đường, sáng ngõ, sáng cả tâm hồn. Máy cày, máy bừa ngoài đồng đã thay con trâu. Trong nhà, cái tủ lạnh thay chạn bát. Cối xay, cối dã gạo, vứt, máy xay xát, gạo ngon trắng thơm. Đồ ăn thức uống, không ấn vào chạn bát. Quang treo, trên trần nhà, bỏ. Tủ lạnh chạy rè rè suốt ngày đêm. Tôm cá đông lạnh trở nên đắt giá. Nhà máy chế biến MT sản xuất không kịp. Ăn nên làm ra.

Ủy viên văn hóa Bỗng, lại leo chòi phát thanh “A lô, cứ đà này Khánh Hữu sẽ trở thành Hòn ngọc biển đông”…

Khánh Hữu thay đổi chóng mặt. Người làng đi xa, lâu mới về, lạc lối. Ngay cái thằng Xoa mới có mấy năm mà quên. Cậy có xe con, chạy tuột xuống Mả Nàng. Hỏi ai không hỏi, lại hỏi đúng cái Đào, nó phải quay xe máy dẫn đường. Ngượng chết. Xe vào thẳng sân nhà Thầy. Xoa bước xuống chào:

– Con chào Thầy ạ.

Thầy hạ kính nhìn lại:

– Ai như thằng Xoa đấy à?

Đào chen vào:

– Về làng còn lạc, cháu phải dẫn về đấy.

Thầy gõ vào đầu Đào cười:

– Còn mày, về nhà cũ ở cuối làng còn lạc nữa là nó, đi mấy năm rồi.

Mới đây, người ta trồng một cột điện rất to, ngay giữa đường vào xóm cuối, để mang điện về làng. Mất lối đi. Dân phải mở con đường vòng tránh cột điện, vì vậy gọi là con đường mềm mại.

Đào thanh minh:

– Hôm ấy tối, không biết cháu cứ đi, đâm thẳng vào cột điện, nhìn lên thấy cái biển vẽ đầu lâu và hai cục xương, sợ ơi là sợ.

Cái gì cũng vậy, được cái này thì mất cái kia. Vạn vật biến đổi, con người cũng phải bước nhanh mới đuổi kịp. Tụt lại đằng sau là hổ thẹn. Một trận cười vui vẻ. Xoa mở đầu câu chuyện:

– Thưa Thầy, Cậu Bùng cử con về mời Thầy và đại diện dân làng, lên Khe Cau dự lễ khánh thành Bệnh viện. Sự có mặt của Thầy là mối nhân duyên cho Bản Khe Cau và làng Khánh Hữu ta. Xin Thầy bớt chút thời gian đến dự, cho cuộc vui được trang trọng.

Thầy ngạc nhiên. Mãi tận miền ngược xa xôi người ta còn kính trọng, nhớ đến. Từ chối sao được. Nhân duyên đã định. Thầy vui vẻ nhận lời.

– Xoa ạ. Trên đó mà xây được bệnh viện thì phúc đức quá. Thầy chúc mừng. Chữa bệnh là cứu người. Là để phúc, để đức cho muôn đời sau. Con đã theo Thầy đi chống đại dịch Tả, con hiểu. Người thầy thuốc, luôn phải đối mặt với những gì đau đớn nhất của thân phận con người, không có chỗ cho sự giả dối – Ngừng một lát Thầy nói tiếp – Con còn nhớ thằng Robel Nam không? Con là người bế nó trốn chạy. Bây giờ nó đang ở đây, đến gặp nó một tý nhé.

Xoa mừng rỡ:

– Thế ạ. Cậu ta tìm được đến đây là một kỳ tích đấy Thầy ạ.

Xoa đánh xe, cùng chị Hạnh Mỹ lên nhà máy chế biến Hải sản. Mãi tận khuya, cả ba chị em mới về, rì rầm trò chuyện suốt đêm. Nam thích nghe kể về ngày còn bé. Tuy chỉ sống với mẹ và các anh chị ít ngày thôi, nhưng em cảm thấy dài như cả cuộc đời. Sao mẹ nhân hậu thế, hy sinh cả tính mạng mình, bế em chạy trốn. Nếu bị bắt, mẹ là người chết trước, chứ không phải em. Anh Xoa cũng thế, chẳng còn sống đến hôm nay. Nam thỉnh thoảng lại chấm những giọt nước mắt. Mẹ em, là người đẻ ra em, còn không dám đứng lên bảo vệ. Nếu ngày đó em biết nói, biết nghĩ thì em đã không vòi Chị, cho em bú tý, mặc dù chẳng có tý sữa nào. Chị cho em bú, là hy sinh tất cả, tuổi trong trắng của mình. Em cám ơn Chị, cám ơn anh Xoa đã yêu quý em, yêu quý con của một người da đen xâm lược. Em không về nước nữa đâu. Việt Nam mới là quê hương của em.

Ba trái tim, rung động. Đêm yên tĩnh. Ngoài biển, sóng vỗ rì rào. Gió thổi về, man mát, nhè nhẹ, như lời ru của Mẹ.

Sáng sớm đã tập trung đông đủ, ai cũng muốn đi, nhưng Thầy gạt lại. Khe Cau người ta mời khánh thành Bệnh viện, chứ có phải giỗ chạp gì. Quy lại chỉ có năm người. Hạnh Mỹ, lo sức khỏe cho Thầy. Còi trở lại thăm dân bản, đã cưu mang trong những ngày hoạn nạn. Nam lên xem tình hình, để đầu tư kinh tế. Nhà báo Ngọc Chinh, học xong Văn khoa, phóng viên Báo tỉnh, lên viết bài. Thầy diện bộ com lê thắt ca ra vát, ngồi ghế trên. Thế là vừa. Xe chuẩn bị chạy, cái Đào còn với theo, xin theo để mang hài cốt bố mẹ chồng về. Thầy lắc đầu. Đã bảo từ từ, chỗ vui của người ta, lại ma chay khóc lóc. Bên kia cửa xe, Còi thò đầu ra gật gật, Na nhắc thêm. Nhớ mua bộ váy và khăn thổ cẩm như của Chị A Hiêng. Xe chạy. Đường Khánh Hữu mới đổ bê tông. Mát ga, bon bon…

Ra đón đoàn, đông đủ quá, Vợ chồng Á Bung, Vợ chồng Vôngsavat, Ông Hayato, và Á Sinh. Bước xuống xe, Thầy giật mình nhìn Vôngsavat. Hai người ngờ ngợ. Vôngsavat ôm lấy Thầy reo lên – Thầy. Im lặng, đứng tim, nước mắt Vôngsavat trào ra. Hồi lâu mới buông. Thầy âu yếm:

– Có phải Hanh, con đấy không?

Hạnh Mỹ, Ngọc Chinh ùa vào ôm lấy anh. Bốn cha con dàn giụa nước mắt, sau mấy chục năm xa cách.

Không khí lặng lẽ, vui mừng, cảm động, hồi hộp xáo trộn trong tim mỗi người.  

Thầy bình tĩnh hơn, nói:

– Giới thiệu với mọi người, đây là Hanh con trai tôi. Chiến tranh, giặc giã, đói khổ, cha con xa cách mấy chục năm nay – Thầy quay sang Hạnh và Chinh – Đây là Hạnh Mỹ con gái lớn, còn đây là Ngọc Chinh. Khi Hanh đi, cháu chưa đẻ.

Á Bung cũng vui mừng giới thiệu:

– Thưa Thầy, chúng con rất vui mừng được đón tiếp Thầy. Con xin giới thiệu: Bác sỹ Hayato và con gái  Akina từ Nhật bản sang. Có được Bệnh viên này, Bác sỹ đã tận tâm, tận lực giúp đỡ dân bản. Câu chuyện dài lắm, chúng con sẽ thưa với Thầy sau. Bây giờ xin mời Thầy và mọi người vào cắt băng khánh thành và thăm quan Bệnh viện.

Sân rộng, trước cửa Bệnh viện, đông nghịt bà con các dân tộc quanh vùng. Người Sán Dìu, Thái, Tày Mông… trang phục sặc sỡ sắc mầu. Hân hoan chào đón một sự kiện đặc biệt, trên mảnh đất núi rừng, xa xôi, hàng nghìn năm nay mới có. Thầy cảm động phát biểu:

– Đứng trước cơ ngơi đồ sộ này, mơ ước của những người thầy thuốc chúng tôi bao đời, cũng không làm nổi. Nơi đây, cuộc chiến tranh giành đất cát, bao máu xương đã đổ. Đốc Tờ Sato sensei đã nằm lại trên núi Bàn cờ. Bây giờ chúng ta đã chiến thắng. Chúng ta bắt đất, phải trả lại máu xương. Xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn. Bệnh viện chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc, bóng dáng thầy mo và con ma rừng không còn nữa. Làng bản to đẹp, con trai, con gái đi học, lấy bằng kỹ sư, bác sỹ. Tại bệnh viện này A Sinh cô gái Sán Dìu làm bác sỹ trưởng khoa. Vườn cây Nông trường không trồng đay, trồng cây thầu dầu, phục vụ chiến tranh, mà xum xuê, cây vải, cây xoài, ra hoa, kết trái. Thật là vui, chúng ta đang sống những ngày tươi đẹp.

Hàng tràng vỗ tay, vang dậy cả núi rừng. Thầy nói tiếp:

– Thưa các bạn, tôi cũng là thầy thuốc. Tôi muốn nói với các bạn về nghề. Chúng ta đều biết, mỗi động tác của chúng ta, khi đặt tay lên mạch, lên tim, lên thân thể người bệnh, đều ảnh hưởng trực tiếp đến cái sống, cái chết của họ. Vì vậy, ta luôn phải đối mặt với sự thật. Không có sự giả dối, không có sự lừa gạt. Y đức làm trọng. Cái tôi nhỏ bé, thì tâm lượng mênh mông!. Chúc các bạn đồng nghiệp, hãy mở rộng lòng, đón nhận muôn người, muôn nỗi đau của đồng loại. Xin chân thành cám ơn.

Mọi người xúm xít, vây quanh Thầy, bắt tay, lôi kéo chân tình. Bác sỹ Hayato trân trọng mời Thầy vào khám bệnh khai trương. Thầy vui vẻ nhận lời. Bước vào bệnh viện, khang trang sạch sẽ, bóng loáng như bước vào ngôi nhà – Mơ ước. Bà con các dân tộc, xếp hàng dài từ hành lang tầng hai xuống tầng một để vào khám. Bác sỹ Á Xoa, Phó Giám đốc Bệnh viện và bác sỹ A Sinh tất bật chạy lên chạy xuống điều hành công việc. Bác sỹ Akina chuyên khoa y học dân tộc, ngồi ghi chép giúp việc cho Thầy.

Vôngsavat và vợ Alisa Sivilay, bỏ cả nhiệm vụ Giám đốc, mấy chị em ngồi kể chuyện. Vôngsavat nói tại sao lại đổi tên là người Lào. Tên Thầy mẹ đặt cho vẫn là cao quý nhất. Mỗi lần gọi tên Hanh em lại nhớ nhà, nhớ cửa hiệu Tế Mỹ. Đau lòng nhất là chị kể về cái chết thương tâm của Mẹ. Thầy mất ăn, mất ngủ, bần thần hàng tháng trời. Mấy chị em lại ôm nhau khóc.                

Đêm ấy Khe Cau cũng không ngủ. Dân bản nhẩy múa, hát ca, át đi những nỗi buồn chiến tranh mà cả đất nước này đã phải gánh chịu.

A Hiêng dẫn Á Coi gặp lại dân bản. Về nhà A Hoa thắp hương cho Mẹ con A Hoa. Thôi thì số phận đã định. Em mất đi, cái túi đựng trầu, đó là linh hồn em đã dẫn đường cho Khe Cau đổi mới. Em hãy đứng trên trời cao vời vợi, nhìn xuống. Có thấy không em? Bệnh viện. Rừng vải. Rừng Xoài. Con đường chúng ta xuống chợ tình không phải leo đèo lội suối, đã đổ nhựa cho ôtô, xe máy đi về. Dân bản cám ơn em đấy.

Á Bung và Robel Nam đi hết núi này, sang núi khác ngắm nhìn phong cảnh, tìm cơ hội kinh doanh. Nam hồ hởi nói:

– Đẹp quá, khí hậu mát mẻ. Người Pháp xa xưa đã chọn đất này và bao nhiêu thế lực tranh giành. Quả là họ có con mắt tinh tường. Đất này có thể cho ta nhiều nguồn lợi về kinh tế và tinh thần. Bệnh viện hiện đại có rồi. Tôi sẽ đầu tư du lịch ở đây. Một khu vui chơi lý tưởng. Nếu được ông cho phép.

Ý tưởng, ngoài năng lực của mình, Á Bung sợ. Đất Khe Cau đã qua tay nhiều ông chủ. Chủ nào cũng nói hay. Người Khe Cau vẫn khổ. Giờ anh da đen, máu lai Tây này, liệu có tin không? Chần chừ, Á Bung khôn khéo nói:

– Cám ơn cậu. Việc quá lớn, để chúng tôi bàn và đệ trình lên cấp trên.

– Vâng, tôi sẽ chờ, mong ngày trở lại.

5

Sáng nay, Còi và Robel Nam về trước, giải quyết công việc. Thầy còn bắt mạch, bốc thuốc cho hết lượt bà con dân bản. Ba ngày sau đoàn mới về, có thêm vợ chồng Hanh. Người ra tiễn đông nghịt, ai cũng mang theo sản vật núi rừng, tặng Thầy. Xe đã chật cứng. Thầy bảo Á Bung, mang vào Bệnh viện cho tất cả bệnh nhân cùng hưởng, gọi là chút quà khai trương. Chị A Hiêng vội vàng đuổi theo gửi bộ váy cho Na, đêm qua mới thêu xong. Bác sỹ Hayato cùng con gái cúi đầu chào tạm biệt. Xe đi chậm, đi mãi, xuống dốc mới hết dòng người giơ tay vẫy chào.

Xe dừng ở Phủ Sóc, để vợ chồng Hanh nhìn lại cửa hiệu thuốc bắc Tế Mỹ ngày xưa. Tất cả đã thay đổi, chỉ còn lại cây bàng lá đỏ. Hanh kể lại cho Alisa: “Bao nhiêu kỷ niệm thơ ấu, đã gắn bó nơi đây. Trèo lên hái quả, ngã đau điếng, mẹ cho một trận. Dỗi không ăn cơm, ngồi ôm gốc bàng, mẹ đuổi đánh. Lấy trộm táo tầu của mẹ, trèo lên cành nhai ngấu nghiến. Thế đấy, ước gì trở lại tuổi thơ, được làm nũng Mẹ”.

Mẹ mất rồi, mẹ ơi.

Chập choạng tối, xe mới về đến nhà. Nghe tiếng, vợ chồng Còi vội sang. Na tíu tít cùng các chị khuân đồ. Vợ chồng Hanh vào chào bà Tiên. Thầy chưa kịp ngồi, Còi đã nói một lèo:

– Thưa Thầy, vừa có doanh nghiệp đến thuê đất. Họ sẽ san bằng đồn Mả Nàng, mở rộng theo triền sông, tổng diện tích khoảng gần một trăm héc ta, làm khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Thầy lắc đầu:

– Không được. Bao nhiêu ruộng tốt của người ta.

Còi nói tiếp:

– Vâng con cũng nghĩ vậy. Từ chối luôn. Nhưng đến chiều họ lại thay đổi. Xin thuê đất bờ biển cũng một trăm héc ta, gồm bãi tha ma Hoang Điền và rừng thông liền kề.

Thầy ngạc nhiên, đặt cái xe điếu xuống bàn.

– Thế là thế nào? Hàng trăm mồ mả chuyển đi đâu. Sao dám động đến Tổ tiên, ông bà. Đồ bất hiếu.

Còi vẫn bình tĩnh thưa:

– Đây là doanh nghiệp lớn, họ đã làm như thế này ở nhiều nơi rồi. Khu đô thị Tiến Hùng, chung cư trên bãi tha ma. Đường Hồng Quang chạy đè lên mộ các Vua chúa. Tất cả có sao đâu. Chuyển mồ mả thì đền bù ít. Lấy ruộng đất, nhà cửa thì đền bù rất nhiều. Kinh doanh chịu không nổi.

Đây là lần đầu tiên, nhìn thấy Thầy nổi nóng.

– A, buôn bán đất cát rồi, giờ chuyển sang buôn bán cả mồ mả nữa à? Anh có biết không? Bố mẹ anh đang nằm ở đó. Hàng trăm người chết đói, chết dịch, bom đạn, lấy đây làm nơi an nghỉ. Nghĩa địa là khoảng lặng của những hoài niệm buồn vui, của sự ngậm ngùi, nhớ thương xen lẫn xót xa, nuối tiếc. Cõi âm này, ai cũng phải đến, chốn này ai cũng sẽ về. Anh còn nhớ không? Anh là hậu duệ năm đời Thành Hoàng làng. Truyền thống gia tộc như vậy, thế mà dám bán à? Đánh giặc thì giỏi, làm kinh tế sao ngu thế?

Đến lúc này, Còi không chịu nổi, đứng dậy:

– Hỏi thì hỏi, chứ Thầy không còn quyền nữa rồi. Việc con, con làm. Xin phép Thầy.

Thầy nằm vật ra phản, quên cả tắm giặt, quên cả thay quần áo. Bụi bẩn bám đầy.

Mấy chị em ra Hoang Điền, thắp hương cho Mẹ. Dù ở cảnh giới nào, thì thần thức của người đã khuất luôn hoan hỷ, khi được con cháu tưởng nhớ, thờ phụng và ghé thăm phần mộ. Hanh khấn “Mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu. Khi mẹ hoạn nạn con không ở bên mẹ. Kẻ thù đã đốt cháy thân mẹ. Nhưng không thể đốt cháy tình mẹ. Dù cách xa muôn trùng, Mẹ vẫn ở bên con, như ngày con còn bé bỏng. Mẹ nhé”.  

 Về đến nhà, thấy Thầy nằm trên phản, mệt mỏi, Hạnh pha ấm trà nóng, mời thấy. Bà Tiên vội nói:

– Để cho Thầy mày ngủ, vừa rồi thằng Còi đến, hai thầy trò to tiếng. Bực quá, ông nằm vật ra đấy.

Nghe vậy Hanh đi ra Ủy ban, xem có chuyện gì, nhân thể tham quan xóm làng. Hanh và Còi trực tiếp nói chuyện:

– Làng mình đẹp quá cậu Còi ạ. Thầy tôi chuyển về đây rất đúng, phong thổ hợp với cụ. Phủ Sóc kém xa. Tôi cũng đi dọc sông Mê Công, bên này là Lào bên kia là Thái. Nhưng không có đâu đẹp bằng đây. Bãi biển của ta chạy dài hàng cây số. Phía trên là rừng thông ngút ngàn. Cát mịn, làm bãi tắm thì tuyệt vời. Ra xa là rừng sú vẹt, chim về làm tổ. Ở nước ngoài người ta gọi đó là rừng ngập mặn, Khu Dự trữ sinh quyển ven biển, hiếm lắm. Sau này ta có thể khai thác thủy sản dưới tán rừng ngập mặn. Giầu to đấy.

Còi dịu dần cơn nóng, hồ hởi bắt chuyện:

– Thế hở anh. Chúng em như cóc ngồi đáy giếng. Anh đi nhiều hiểu rộng. Lâu nay cứ tưởng, cái gì có trong tay, khư khư là của mình. Khổ thế đấy.

– Anh sẽ thưa chuyện với Thầy, anh đầu tư vào đây, xây khu điều dưỡng. Chữa bệnh không phải chỉ có thuốc. Nghỉ ngơi tập luyện, vô cùng quan trọng. Bác sỹ Hayato sẵn sàng ủng hộ.

– Cũng có người đến gặp em, thuê đất làm du lịch. Em đang đắn đo.

– Nếu vậy em phải mở đấu thầu. Nhiều người vào đấu, mình càng có lợi. Đất mới có giá trị.

– Thế hở anh?

– Mời gọi, để anh lo cho, đăng lên mạng, Doanh nghiệp các nước, như Nhật, Pháp, Mỹ… người ta mới biết được chứ. Á Sinh, Akina chúng nó học ở Nhật, cái đó giỏi lắm. Anh đang cố gắng học, để bằng con, bằng cháu mà chưa được đấy.

– Anh giúp em nhé.

– Cậu yên tâm.

Thầy nghe xong, khen Hanh rối rít. Phải như thế chứ. Thầy ủng hộ cho xây nhà Điều dưỡng. Người dân tộc họ khổ lắm, vất vả lắm, có bao giờ bước chân ra khỏi bãi sắn, nương ngô. Cái A Hiêng lần theo chồng về đây, ra xem biển, nhìn sóng vỗ chóng cả mặt. Lò dò xuống nước, sóng xô ngã chổng kềnh, uống luôn mấy ngụm mặn chát, váy xống ướt sũng. Hét ầm. Có nhà Điều đưỡng, cho họ về nghỉ dăm ngày, thế là sướng. Con giỏi, biết nhìn xa trông rộng. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Thế đấy.

Biết chị em Hạnh đang chuẩn bị lễ mừng thọ Thầy và cho vợ chồng Hanh, nhận làng, nhận xóm. Thầy bảo, cho gọi Còi, anh em nhà Mộc, Tồn trong tổ Máy cày. Cả Thuận đội tàu đánh cá nữa. Về dự cho vui.

Vui thật. Xưa nay, Thầy luôn mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Hôm nay niềm vui thật sự đến với Thầy. Thầy đức độ, minh mẫn, trí huệ, cường tráng, nhanh nhẹn. Cuộc đời Thầy đã chứng kiến mọi thăng trầm của lịch sử. Vui, buồn, đau thương, nhục nhã và vinh quang. Không nịnh nọt uốn gối khom lưng trước một thế lực nào. Thầy có một quan điểm rất rõ ràng, Vật chất là ngoại thân. Tình người là vĩnh cửu.

Thầy và mẹ Tiên, rực rỡ trong bộ gấm đỏ. Mẹ Tiên kém tuổi Thầy, nhưng chị em Hạnh tổ chức luôn cho hai Cụ cùng vui. Con cháu, anh em, bạn bè, làng xóm trân trọng, kính chúc hai Cụ: “Phúc như đông hải trường lưu thủy/ Thọ tỷ nam sơn bất lão tùng”. Robel Nam và Giám đốc Nho kính tặng hai Cụ bức tranh đồng có chữ “Thượng Thọ” dát vàng. Hai người khách lạ bây giờ mới xuất hiện, Còi giới thiệu:

– Thưa hai Cụ, đây là hai đại gia, ông David Nang và ông Martin Mon, Giám đốc và phó Giám đốc công ty Du lịch YV, là đối tác thuê đất của chúng ta.

 David Nang nói tiếng Việt thạo:

– Chúng con có món quà nhỏ mọn, xin được kính chúc hai cụ Thượng thọ.

Hạnh và Alisa thay mặt hai Cụ nhận hộp quà.

Thầy dõng dạc nói:

– Cám ơn hai đại gia. Nhưng xin nói trước, nếu là quà thì nhận, nếu là tiền bạc thì trả. Rất hân hạnh.

– Dạ thưa Cụ, chúng con không dám ạ. David Nang lễ phép thưa.

– Thế thì được.

Thầy đứng dậy.

– Nào tất cả chúng ta cùng cầm chén, cầm đũa nâng cốc…

Mọi người ra về, Thầy bảo Bỗng ở lại. Rỉ tai Thầy nói:

– Chuyện này, chỉ riêng mày biết, tao đã can rồi, thằng Còi vẫn mật thiết với bọn đại gia David. Tặng cái hộp, trong có bức trướng. Tao nói vậy chắc nó sợ. Từ nay mày phải bám sát, xem nó là ai, ở đâu và thuê bãi Hoang Điền có thâm ý gì. Thấy ngờ ngợ. Làm ngay đi.

Bỗng vâng vâng, dạ dạ rồi tức tốc đi ngay.

Thầy với tay lên tủ chè, cầm tập ảnh Ngọc Chinh mới làm xong. Nó vội, để đấy còn lên trường. Đẹp, đẹp lắm, con bé thế mà khá. Người nào ra người ấy. Nét nào ra nét ấy. Nhất là ảnh hai ông bà mặc áo đỏ, trông như tiên. Ông vội mang sang cho bà cùng xem. Xem ảnh một mình chán chết, có vài ba người, tán mới vui. Lần đầu tiên trong đời, bà mới biết thế nào là ảnh. Thời ông Tiên làm lý trưởng, lên tận Phủ mới chụp được một cái. Chả biết sao, nó mờ tịt. Bây giờ trên bàn thờ, chả có cái ảnh nào. Thầy bảo, con Chinh sẽ làm cho mỗi người một cái, để sau này đặt lên ban thờ. Bà giẫy nẩy, ai lại thế, ông ấy không có, mà mình có. Tội chết.

Mấy chị em Hạnh, vây quanh tập ảnh, truyền tay nhau xem. Alisa Sivilay thích nhất là ảnh mặc áo dài, lâu nay chỉ nghe nói áo dài mầu tím Huế, chứ có được xỏ tay bao giờ đâu. Cả đời ra trận, bảo vệ đất đai cho nước bạn, chỉ có áo lính và cái váy Lào. Thấy Alisa Sivilay ngắm nghía, ước ao, Hạnh nói với em dâu. Mai chị em mình lên chợ Huyện, may mỗi người một bộ. Mợ mặc bộ này của chị hơi rộng. Sen, Na, Đào đòi đi cùng để được may áo dài. Chị ơi lên hẳn phố Phủ may mới đẹp, chợ Huyện may xấu lắm. Mẹ Tiên lại lấy bao tượng, tìm gì để cho. Biết ý Hạnh cầm cất đi. Chúng con có tiền rồi mẹ ạ. Mẹ còn nhiều việc phải lo nữa chứ.

6

Mồm mép thằng Nho, ai còn lạ gì. Ngay cái ngày đón Thầy về Khánh Hữu chống dịch thổ tả, nó nói luôn mồm. Ấy vậy thôi, chứ tốt bụng, không như thằng Toái. Từ ngày lên làm Giám đốc Nhà máy chế biển hải sản, có khá hơn, chững chạc hơn. Nhưng cái chuyện nó mách, đã trông thấy thằng Bằng ở chợ Huyện. Chưa chắc đã phải…

Cách đây mấy hôm, Bằng bay từ Tân Sài ra và đang ở Hotel Bạch Tuộc trên chợ Huyện. Bạch Tuộc cách nhà máy chế biến Hải sản hơn trăm mét. Vô tình Nho đứng ở hành lang bên này nhìn sang thấy một lão già hom hem, rất giống Bằng. Lão ta đứng ngắm biển, nhìn chằm chằm về phía bãi tha ma Hoang Điền, tính toán điều gì. Khi nhìn thấy Nho, chột dạ lão tụt vào trong, rồi mất hút không gặp lại nữa. Bị lộ, lão ta thuê một con thuyền đánh cá nhỏ cũ rích, trú tạm. Thỉnh thoảng thấy hai đại gia David Nang và Martin Mon, lên xuống con thuyền nhỏ ấy. Đích thực lão già là Bằng rồi.     

Bằng già nhanh vậy, là sau khi được thuyền tị nạn vào Cồn Bà đón, hắn xung vào đội quân chiến đấu tranh giành đất đai ở vùng Cao nguyên rộng lớn. Trong lần bị thương, hắn gặp được Y Vân ở bệnh viện dã chiến, nhưng Y Vân đã lấy một thằng Tây khác. Y Vân giao lại cho hắn hai thằng con. David Nang và Martin Mon. Bà cả Trường và Trần Hâm chết lâu rồi, không có ai nuôi nấng chúng nó. Ra lính, hai bàn tay trắng với cái chân thọt, hắn làm đủ nghề: Đạp xích lô, phu hồ, đầu gấu trộm cướp… Hai thằng con, lúc đánh giầy, lúc bán báo… cuộc sống ba cha con vất vưởng dưới đáy xã hội. Lần đến thăm con, Y Vân bắt gặp, thương tình đã cho địa chỉ của Borel Trang. Đứa con của Y Vân với quan hai Pháp Borel, sinh ra từ nhà tắm dưới ánh trăng vằng vặc. Trước khi Borel chết trận ở Mả Nàng, hắn đã có hai ngôi biệt thự ở Tân Sài. Bây giờ Borel Trang toàn quyền sử dụng. Theo địa chỉ, Bằng mò đến. Nói đến thằng Mon, thằng Nang, anh em cùng mẹ khác cha. Borel Trang sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng với điều kiện phải mang được hài cốt của quan hai Borel về. Nếu xong, không những có tiền thưởng mà cho mỗi thằng một ngôi biệt thự. Borel Trang sẽ mang hài cốt bố về Pháp sinh sống. Chỉ cần thế thôi, không tơ hào gì nhà đất ở An Nam này.

Bài toán hóc búa. Bằng và hai thằng con suy tính thâu đêm, cuối cùng, thuê cò mồi thành lập Tổng công ty ma. Kinh doanh du lịch với cái tên YV do hai đại gia David Nang và Martin Mon làm giám đốc. Tức tốc bay về Khánh Hữu, nhằm vào hai địa điểm. Một là đồn Mả Nàng để phá kho súng đạn và lấy các văn tự đất đai đang chôn ở dưới hầm. Hai là bãi tha ma Hoang Điền, tìm bới hài cốt quan hai Borel. Thế là chuồn, không ai có thể tìm được cái Công ty ma này.

Không như tính toán của ba cha con Bằng, nhiều trắc trở. Bằng vội bay về để trực tiếp nhúng tay vào…