6

A Sinh đi học Trường y dược về, dẫn theo người bạn gái Nhật tên là Akina – Hoa mùa xuân. Thật đẹp với núi rừng. Bà con dân bản kéo đến nhà A Bung xem mặt. Mấy người bạn Lào cũng dự. Nói đến người Nhật, cái ghét ai cũng để bụng từ lâu. Nó tàn ác, chiếm đất của bản bao năm trời. Mổ bụng ngựa, ấn người vào mang chôn, vì ăn mất ngô của ngựa. Dã man. Nói đi thì vậy, nói lại người Sán Dìu quý mỗi Đốc tờ Sato Sensei. Nghe nói có con gái Nhật, học cùng A Sinh về bản. Dân bản đến, hỏi xem nó có quen biết ông Đốc Tờ này không. Tội nghiệp. A Sinh kể:

– Chị Akina cùng học, đông y cổ truyền với con. Nghe nói, bên ta có nhiều cây thuốc quý. Nghề chế biến lại giỏi hơn. Chị muốn nối nghiệp ông nội. Ông đã từng sang ta chữa bệnh cho quân đội Nhật năm bốn nhăm và chết ở bên này, không biết ở đâu. Chị muốn đi tìm để mang xương cốt về. Chị Akina sẽ kể cho chúng ta nghe, mong được giúp đỡ.

Akina lấy ở trong cặp ra cái túi đựng trầu. Báu vật được gìn giữ gần tám mươi năm nay, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn còn nguyên vẹn tình người và những trái tim bất tử. Akina nói bằng tiếng Việt mới học được:

– Đây là báu vật. Cụ Niran vị chỉ huy đơn vị của cụ tôi, trao lại cho bố tôi, bảo rằng: Sang Việt Nam, lên rừng núi cao của người Sán Dìu, nếu ai nhận được cái túi đựng trầu này, người ta sẽ chỉ cho nơi chôn cất Đốc tờ Sato sensei, cụ tôi.

Mọi người sững sờ, cái tên Sato nghe quen thuộc, còn cái túi đựng trầu thì… A Hiêng, vội vàng lấy cái túi đựng trầu của mình ra so sánh… Hai cái giống nhau như hệt. Ồ lên một tiếng:

– Đúng rồi, đây là túi đựng trầu của A Hoa. Hai đứa chúng tôi cùng thêu, có hai chữ H. Hẹn nhau đi lấy chồng mang theo. Sống chết có nhau mà.

Mọi người túm vào xem, vui mừng ồ lên. Akina cúi đầu cảm tạ. A Hiêng nén lòng nuốt lệ.

Đau buồn. Mẹ A Hoa và A Hoa đã chết, Á Coi là người chứng kiến A Hoa trao cái túi này cho chủ đồn điền Khe Cau. Họ đều không có mặt trong giây phút vui mừng cảm động này.

Akina kể tiếp:   

– Cụ Niran, trở về từ Việt Nam sau khi Phát xít Nhật đầu hàng trong thế chiến thứ hai. Bao năm nay sống trong đau thương, day dứt. Trước khi chết cụ tìm gặp bố tôi, trao cho báu vật. Cụ bảo, phải mang được xương cốt Sato về thì tao mới nhắm mắt, xuôi tay được. Chính tao đã gây lên tội ác với đồng loại, đồng đội.

Sự thể thế này:

Năm một nghìn chín trăm bốn mươi ba, cụ Sato Sensei đang làm đốc tờ ở một bệnh viện thì Đế quốc Nhật bắt, đưa sang An Nam chữa bệnh cho binh lính. Chiến tranh, người bị thương nhiều, thuốc men không đủ, Sato phải tìm mọi cách để cứu chữa. Cụ đi vào bản người dân tộc, hỏi về cách chữa trị bằng thuốc lá. Rừng Việt Nam và rừng Nhật có nhiều cây lá giống nhau, đều có thể làm thuốc. Được dân bản Núi Đèo quý mến, Sato trở thành người bạn thân thiết. Thế rồi, một lần Sato vào bản dự lễ hội. Cụ Niran cho lính đi tìm về cấp cứu lính bị thương ở chiến trường. Tên lính, hỗn xược đã xâm phạm đến nền văn hóa của dân tộc An Nam. Nước Nhật cần tài nguyên, đất đai không cần thứ văn hóa man rợ. Để bảo vệ mình, bảo vệ người bạn Sán Dìu, Sato chống lại quân lệnh, tên lính rút súng bắn chết.

Cụ Niran thương thuyết với trưởng bản để lấy xác về, nhưng Trưởng bản cương quyết. Cụ Sato là bạn của người Sán Dìu thì phải chôn cất theo tục lệ Sán Dìu. Bao giờ người nhà của Sato sang, sẵn sàng trao trả. Không tin, người giết Sato, lại có thể bảo vệ hài cốt Sato được. Đành chịu. Cô gái hát Soọng cô đã trao cho cụ Niran cái túi đựng trầu làm tin.

Á Bung đứng dậy tuyên bố dõng dạc:

– Chính tôi, trực tiếp thương thuyết với chủ đồn điền Niran. Cái túi đựng trầu là của A Hoa, chính tay A Hiêng thêu. Sự thật là vậy. Mộ của cụ được dân làng đặt trên núi Bàn Cờ. Khang trang và linh thiêng. Ngày mai, dân làng cùng cháu lên thắp hương. Cứ yên tâm Cụ sẽ sớm trở về với những vườn hoa anh đào.

A Hiêng, A Sinh, Alisa, Chadaly vòng tay ôm chặt Akina. Trái tim Akina rộn ràng, đập mạnh. Tiếng sáo nổi lên, nhẩy múa rộn ràng.

Sau khi leo lên núi bàn cờ, thấy mộ của cụ Sato được chăm sóc chu đáo. Thấy dân bản Núi Đèo có tấm lòng rộng mở, chan hòa, bao dung, không phân biệt chúng tộc, không phân biệt kẻ thù. Akina vội vã điện về Nhật cho gia đình.

Ít ngày sau, bố của Akina, ông Hayato vội vàng đáp máy bay sang. Cụ Niran muốn đi, nhìn lại đồn điền thầu dầu năm xưa, gặp lại ngài trưởng bản Á Bung, đanh thép. dũng cảm. Rất tiếc, cụ không đủ sức khỏe. Cụ gửi lời thăm và chúc phúc dân làng. Ông Hayato bịn rịn nói:

– Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã dành cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Các thế hệ cha ông chúng tôi ở thế kỷ trước, đã gây ra biết bao đau thương cho đất nước Việt Nam. Chiến tranh, đói khổ, làm hàng triệu người chết. Quá khứ đã qua rồi, nhưng đau thương vẫn còn âm ỷ trong lòng người. Tôi xin dân bản tha thứ.

Hayato, kính cẩn gập mình, cúi đầu, cảm tạ. Tất cả trái tim rung lên cùng nhịp đập.

Giám đốc Nông trường Vôngsavat, nói thay lời Á Bung:

– Chúng tôi không bắt đất phục vụ chiến tranh. Đồn điền: cây thầu dầu, cây đay, cây gai, của cụ Niran không còn nữa. Đất, phải trả lại máu xương đã đổ. Đất, phải nuôi sống người. Cây vải, cây xoài, cây lúa…phải ra hoa, kết trái. Nở rộ trên đồi núi Khe Cau. Người Sán Dìu đã đi học Đại học, đã biết làm khoa học, kỹ thuật.

Ông Hayato cúi đầu, chân tình nói:

– Vâng, tôi hiểu. Tôi muốn xin dân làng cho cháu A Sinh cùng con gái Akina của tôi về Nhật học. Trước khi mất, cụ Niran đã để lại một số tiền. Gia đình tôi cũng góp thêm, chúng ta sẽ cùng nhau xây một bệnh viện nhỏ. Mai sau, được phép sẽ mở rộng, to đẹp hơn. A Sinh đi học về, có chỗ chữa bệnh cho dân bản. Kính mong được sự chấp thuận.

Sung sướng đến tột cùng. Những tràng vỗ tay hân hoan.

Đêm ấy Khe Cau lại thức thâu đêm. Lửa trại bừng sáng cả góc rừng. Trai gái Sán Dìu hát Soọng cô. Các cô gái Lào múa Lăm vông. Cha con Hayato hát lại bài hát mà ông Sato đã hát trước khi bị bắn chết: Nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của lòng người xứ sở hoa anh đào: “Sakura sakura./ Đào hoa thắm khoe tươi khắp vườn/ Trên cành cây bướm bay muôn vàn“… Akina òa khóc. Thương nhớ ông. Vui quá. Tay nắm tay kết thành vòng tròn, rực rỡ sắc áo các dân tộc, như cánh hoa rừng nở rộ. Cảm xúc mãnh liệt, chạm vào lòng người, bật ra tiếng khóc.

Xa xa ngoài kia, Xoa và A Sinh chạm đầu vào nhau thì thầm:

A Sinh:

– Ngày mưa, anh không được lên rừng lấy thuốc nữa đâu nhé. Chờ em!

Xoa:

– “Chậu” lá thuốc ngâm chân khổng lồ. Trời cho. Em mang đi rồi. Còn gì?”.

Xoa ôm A Sinh vào lòng. Dưới ánh đèn lửa trại, đôi má A Sinh trắng hồng, thân hình đầy sức sống. Hai người kéo nhau, chạy nhanh ra bờ suối. “Trời mưa”.

Sáng nay đoàn lên đường, Cha con Hayato và A Sinh sang Nhật. Mọi công việc chuẩn bị đã xong. Lễ bàn giao được tổ chức trọng thể. Lọ đựng tro cốt Đốc tờ Sato, đặt nghiêm trang trên bàn, phủ tấm khăn thổ cẩm, hoa văn sặc sỡ do A Hiêng thêu cấp tốc. Trưởng bản Á Bung đứng một bên. Ông Hayato đứng một bên. Giám đốc Nông trường Vôngsavat chủ trì buổi lễ. Sau khi đọc lời diễn văn. Trong tiếnG kèn, tiếng chiêng, tiếng trống theo nghi thức của dân tộc Sán Dìu, Trưởng bản Á Bung trao tro cốt Đốc tờ cho ông Hayato.

Dân bản và nhân viên Nông trường xếp hàng dài vào viếng Đốc tờ Sato lần cuối.

Đoàn xe xuống chân đồi, dân bản vẫn đứng trên cao vẫy tay tạm biệt. Các cô gái, bạn A Sinh tay chấm nước mắt, tay vẫy túi đựng trầu. “A Sinh mau về nhé”. “A Sinh, Đốc tờ của Khe Cau”…

7

Người đàn bà lạ, tìm đến nhàHạnh Mỹ. Sau mấy câu trò chuyện, chị trịnh trọng trao cho Hạnh tờ giấy báo tử của anh Thắng và chiếc ba lô đã bạc mầu. Đột ngột, cốc nước trên tay Hạnh rơi xuống đất, vỡ tung tóe. Ngất xỉu. Hai người đàn bà ôm nhau khóc nức nở. Lấy lại bình tĩnh, tay run run cầm tờ giấy báo tử, lau nước mắt. Hạnh hỏi:

– Chị là…

– Vâng tôi là Hương, vợ anh Thắng.

Lần này, Hạnh nằm vật ra thành ghế. Điều không mong muốn, dồn dập đến.

Chị Hương VÀ Chinh sáng nay nghỉ học, vội vàng ôm Hạnh, xoa dầu, lắc gọi. Hạnh thều thào:

– Anh Thắng ơi! Sao không nói với em từ trước? Muộn rồi anh ơi! Thật hay mê?

Hương động viên:

– Bình tĩnh đi em. Khi người ta trao cho chị tờ giấy báo tử, và chiếc Ba lô này. Họ nói anh hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay địch. Chị và các con ngất lên, ngất xuống, đau khổ lắm… Thôi! số trời đã định. Hãy buông bỏ thói xấu đàn bà, đùm bọc nhau mà sống em ạ.

Thắng quê ở Hà Nội, tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp ở miền biển xa xôi. Vào sống ra chết, bảo vệ xóm làng. Được dân làng Khánh Hữu yêu quý. Thầy lang Tế rất mực tin tưởng. Hạnh Mỹ đem lòng yêu thương, rồi nên vợ nên chồng. Dẹp xong giặc Pháp, Thắng lại ra trận, mở đường vào miền Nam, cùng toàn dân đánh Đế quốc Mỹ. Không một ngày ngơi nghỉ. Để lại hai người vợ yêu quý, hai đứa con lớn và đứa con trong bụng Hạnh.

Hương dè dặt hỏi:

– Chị đọc thư, anh viết “Con chúng ta đã đi học chưa? Em đặt tên là gì?” Con đâu em?

Những lời nói ngọt ngào ấy, chạm vào nỗi đau của Hạnh.

– Cháu mất rồi chị ơi!.

Sau khi Thắng đi hai tháng, một sự cố không ngờ. Sáng ấy trên đường đi làm, gặp một bà cụ, gầy gò yếu đuối, nằm chết co ro bên đường. Hạnh vội vàng vuốt mắt cho cụ. Thình lình, dăm ba người ở đâu hùng hổ kéo đến. Họ tranh giành xác cụ. “Tao là con trưởng, phải làm tang tại nhà tao”. “Mày đã bán nhà, chiếm đất đuổi mẹ đi. Không nhà không cửa, không người nuôi. Mẹ lang thang chết đường, chết chợ. Mày không xứng là con. Phải về nhà tao, là thứ nhưng tao có hiếu với mẹ”. Thì ra họ tranh giành chỉ vì một lẽ, làm tang để kiếm tiền phúng điếu. Mẹ sống, chiếm nhà đuổi đi. Mẹ chết, tranh tiền phúng điếu của thiên hạ. Bất bình trước ngang trái, Hạnh xô vào can ngăn. Người con trưởng đẩy ngã. Hạnh sẩy thai. Giọt máu ước mơ của Thắng vĩnh viễn không còn nữa.

Hạnh khóc:

– Anh Thắng ơi! tha lỗi cho em.

Hương lấy trong ba lô, quyển nhật ký và những lá thư chưa gửi, cái nhầu nát, cái ố vàng. Chiến tranh, bom đạn đã chặn lại. Quyển nhật ký “Mở đường”, chỗ viết bút chì mờ mờ. Chỗ viết bút máy Parker. Hạnh nhận ra ngay nét chữ, nét mực. Parker Hạnh tặng khi anh lên đường. Trang đầu nhật ký viết:

“…Chúng tôi đi mở đường, con đường dẫn tới mọi miền của đất nước. Tiếp viện lương thực, đạn dược cho miền Nam ruột thịt. Là huyết mạch, nối đến hàng triệu trái tim yêu thương…”

Ngày

Ngày… Kỷ niệm tròn hai năm ngày bước chân ra đi. Chúng tôi mở đường trong điều kiện vô cùng gian khổ, nặng nhọc, vượt qua nhiều đèo cao, núi sâu, đường trơn, đá tai mèo nhọn hoắt, rừng thiêng nước độc, rắn rết… người đi trước cài lá rừng trên lối đi, người sau bước tiếp. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đó là mệnh lệnh. Đêm ngủ trong rừng. Ăn măng. Uống nước suối. Mấy người bạn đã hy sinh vì đói, sốt rét và bom đạn của kẻ thù.

Ngày…Đêm nay không ngủ, ngồi canh gác cho đồng đội. Dưới ánh đèn dầu, viết thư về cho Hương và Hạnh. Lại đút vào ba lô, bộ sưu tập không biết bao nhiêu rồi. Xa xôi, rừng núi, bom đạn, quân bưu không có đường vào, ước gì nó biết bay. Hạnh ơi nhớ lắm. Nhớ cái trận cuối cùng, giết tên quan hai Pháp, tiêu diệt đồn Mả Nàng. Nhớ Thầy và các bạn chiến đấu, làng Khánh Hữu bên bờ biển Đông. Anh sao quên được hình ảnh cụ Tiên mất đầu. Thân xác Tráng trộn trong cát. Mẹ của chúng ta đỏ rực trong đống lửa. Lửa càng bốc cao, lòng căm thù giặc càng sục sôi. Thầy của chúng ta có bàn tay vàng, bộ óc thông minh, tâm trong sáng, thật đáng kính. Con chúng ta em đặt tên là gì? Đi học chưa em?

Ngày

Ngày… Có đi mở đường, mới thấy được thời xưa, các Chúa Nguyễn đi mở rộng đất đai Đại Việt về phía Nam, cực khổ như thế nào? Thực dân Pháp, phải đổ bao nhiêu tiền của cho Triều đình nhà Nguyễn mới mua được ba tỉnh Miền Nam. Mảnh đất của tổ tiên không phải là món hàng rao bán…

Ngày… Tàu bay, bom đạn suốt ngày đổ xuống con đường đang mở. Lấp xuống rồi lại moi lên, Đường thông, xe chạy, bom lại lấp, lại mở. Dạ tràng xe cát biển đông.

Ngày… Hôm nay, cho xe chạy thử trên dây cáp, vượt qua sông. Mạo hiểm, kỳ lạ. Có một không hai trên thế giới. Mình đứng chỉ huy, tay run, tim đập, nhưng vẫn hô to cho đồng đội vững tâm. Xe qua. Thắng lợi. Vui mừng vỡ òa, vang cả núi rừng.

Ngày… Lá thư này không biết có đến được em không? Thôi cứ viết.

Em thân yêu!

Ngày về, không hẹn được, đường còn dài, gian nan ngày càng nhiều. Khoảng cách của chúng ta càng đẩy xa. Nhưng tương lai đang đến gần. Trời đã hửng nắng. Anh sẽ về, đón em và con lên Hà Nội. Nhà đã có, trước khi đi, anh cho sửa sang, đẹp đẽ. Anh xin lỗi, đã làm em đột ngột. Anh tin Hương và em sẽ tha thứ cho anh. Tất cả sẽ qua đi, còn tình yêu ở lại.

Anh của em

Mai văn Thắng

Vừa đọc, nước mắt Hạnh vừa rơi xuống trang sách, nhòe chữ. Hương cầm lấy, khuyên giải:

– Thôi nào, lúc khác. Bây giờ chị muốn về thăm Thầy. Anh Thắng kể, Thầy nhân từ, phúc hậu, Thầy quý anh ấy lắm.

Nghe xong chuyện Hương kể, Thầy bần thần, đau lòng, thương tiếc Thắng. Buồn cho con gái, Thầy nhẹ nhàng nói:

– Các con ạ, chuyện cũ qua rồi. Theo thời gian mọi thứ đều biến hóa và thay đổi. Cái gì đến chắc chắn sẽ rời đi, không bao giờ tồn tại mãi mãi. Thắng đã rời cõi tạm, nhưng nó vẫn ở bên các con. Hãy bình tĩnh trở lại, yêu thương lẫn nhau. Buông bỏ tất cả, đừng nhìn lại phía sau, phía trước bình minh đang lên. Các con hiểu không?

Hương và Hạnh cùng thưa:

– Chúng con nghe lời Thầy.

Hạnh đắn đo xin phép:

– Thưa Thầy! Vài hôm nữa chị Hương về, con xin phép lên Hà Nội, thăm chị và các cháu. Nhân thể con đến chỗ em Vang xem học hành thế nào?

Thầy gật đầu, nói:

– Con nghĩ thế là phải. Chị em hiểu nhau, vui vẻ Thầy mừng lắm.

Hương mạnh dạn thưa:

– Thưa Thầy, xin phép Thầy cho con được đón cậu Vang về nhà. Anh Thắng đã chuẩn bị nhà, sau này đón em Hạnh lên. Bây giờ sự thể đã thế. Cậu Vang về ở cũng như em Hạnh ở thôi ạ. Thầy và em, không phải lo nghĩ gì. Con sẽ chu tất cho cậu Vang ăn học đến khi vinh quy bái tổ. Xin Thầy cho phép để con được vui ạ.

Hạnh Mỹ quỳ xuống, gục vào lòng Hương, chịu ân. Nhưng Hương vội vàng kéo dậy, lau hai hàng nước mắt lăn trên đôi má hồng hồng. Mấy hôm nay, nước mắt chảy nhiều, mái tóc bồng bềnh như sóng biển, bết lại. Đôi mắt đỏ ngầu, sưng húp. Thương em, Hương vỗ về như anh Thắng đã nhiều lần ôm ấp, dỗ dành mình.

Thầy quay đi, cảm xúc nén xuống. Từ từ bước đến ban thờ, Thầy thắp ba nén hương thơm, kính cáo tổ tiên, phù hộ độ trì cho các con, các cháu.

Chương Mười

1

Thầy lang Tế chính thức không làm chủ tịch nữa. Thôi là phải. Thầy già rồi. Hôm ấy, tưởng tạm thời thay ông Tiên trong lúc bom đạn, ai ngờ cứ dùng dằng mãi. Làm nữa, người ta lại bảo, tham quyền cố vị. Nào có được gì đâu, vài sào ruộng thì đã góp vào Hợp tác xã nông nghiệp. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tốt thì chẳng ai khen. Sai một tý là ầm lên “miệng dân sóng biển” mà. Bà ấy mất đi, để lại sáu người con, bốn trai hai gái, thằng Sanh út ít, lên huyện học thế là đi hết. Nhà vắng tanh. Thầy quay lại nghề, xem mạch bốc thuốc. Xã đã có trạm xá do Na phụ trách, nhưng họ vẫn đến thầy lấy tý thuốc ho, đau bao tử, đau mắt lông cặm. Cho tiện. Thế là mừng. Mình vẫn còn cần. Mọi người vẫn quý trọng. Thầy và bà Tiên quanh quẩn bên nhau, chăm chút lo cho cuộc sống hàng ngày. Bà Tiên vui, thanh thản, khỏe hẳn ra. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình. Các con đều phương trưởng, có bằng cấp, học vị. Ai cũng khen thầy định hướng đúng, biết nhìn xa trông rộng. Muốn thoát khỏi đói nghèo phải học, ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai. Đội ngũ trẻ tương lai, mới bứt phá lên được. Thế hệ mình, coi như xong, tương lai trông chờ con cháu.

Thầy đang ở thư trai đọc sách, Còi hớt hải chạy vào:

– Thầy ạ. Con lại phải nhờ Thầy.

– Chuyện gì vậy?

– Con đang thực hiện, dồn điền đổi thửa. cấp trên lại cấm. Tính sao hở Thầy.

Còi được cấp trên điều đi khẩn cấp đêm ấy. Đề bạt đội trưởng, đội phóng tay phát động quần chúng ở tỉnh Minh Hà, bên kia sông Cái. Kỷ luật nghiêm nghặt, công việc bận rộn, không được phép liên lạc với vợ con. Muốn về cũng không được. Mấy năm trời biền biệt, Na ở nhà cũng sốt ruột, chẳng biết ra làm sao nữa. Dò la hết người nọ, người kia đều mất tăm. Thằng cu Cây, hôm bố về chạy trốn. Ừ, nó có biết bố là ai mà nhận, khi đi mới hai tuổi. 

Một lần, Đội phóng tay phát động quần chúng, tổ chức cho nhân dân xem phim Trung quốc “Bạch Mao Nữ”. Đội chiếu bóng lưu động, căng màn hình ở một góc. Già trẻ, gái trai ngồi la liệt xuống sân đình, ngước mắt, nhìn lên màn hình. Bóng người rõ mồn một, chạy đi chạy lại, nói cười bô bô. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đâu có thấy. Sướng mắt, sướng tai thật. Phim chiếu đến đoạn, Hỷ Nhi bị tên địa chủ, cường hào Hoàng Thế Nhân, hãm hiếp, đánh đập dã man, không khác gì người nông dân mình. Điên tiết, người xem cầm đá, gạch ném ào ào lên màn hình, đòi giết chết tên địa chủ cường hào Hoàng Thế Nhân. Một hòn đá trúng đầu Đội trưởng Còi. Lúc đó Còi đang chỉ huy dân quân giữ trật tự. Phải đi nhà thương một tuần. Tý chết.

Đến sửa sai, Còi được điều đi xã khác. Sửa sai xong, xây dựng hợp tác xã. Tất cả ruộng đất đã được chia, tập trung vào Hợp tác, có ban quản trị điều hành. Sáng nghe kẻng, ra đồng. Chiều nghe kẻng, nghỉ. Lúa gặt về cho vào kho. Nông dân gọi là xã viên, được tính công điểm. Làm nhiều, chia nhiều, làm ít, chia ít. Bao năm đổ mồ hôi, xương máu mới giành lại ruộng đất trên tay nhà giầu, thực dân, đế quốc. Đùng một cái lại trắng tay. Xã viên chán, bỏ bê công việc. Thóc gạo không đủ ăn. Lại ngăn sông cấm chợ. Đói. Đói không kém gì năm bốn nhăm. Có hơn là không có người chết…

Còi xin chuyển về Khánh Hữu, để làm theo cách riêng của mình. Lại bí cấm.

Thầy ngẫm nghĩ:

– Vì sao lại cấm?

– Chuyện là, không đúng quy trình, Thầy ạ.

– Sai chỗ nào. Kiểu gì thì kiểu, cứ dân có cơm ăn, áo mặc, là được.

– Dồn điền đổi thửa, nông dân lại mất ruộng, làm công, ăn lương cho ông Chủ, khác gì đồn điền ngày xưa. Vậy là quay lại chế độ người bóc lột người. Sai bét. Cấp trên bảo vậy – Im lặng một lúc, Còi nói tiếp – Không dồn điền đổi thửa, làm sao cơ giới hóa, hiện đại hóa được hở Thầy?

Đang câu chuyện, hai anh Mộc và Tồn bước vào:

– Báo cáo Chủ tịch Còi. Máy về rồi để ở đâu ạ, cất vào kho nhé. Bây giờ mới quay sang chào Thầy. Chết quên, con chào cụ ạ.

Thầy cười:

– Hai cái thằng này, lúc nào cũng bẻm mép.

Còi đứng dậy nói với Mộc, Tồn:

– Sao lại cất vào kho. Cho ra đồng chạy thử. Con mời Thầy ra đồng xem máy cày.

Tuổi trẻ có khác, thằng này bạo. Không biết nó học được ở đâu? Về được ít ngày là Còi thay đổi hẳn, dám tập trung ruộng đất lại, phá hết bờ to, bờ nhỏ của từng nhà lụn vụn, thành một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ừ, phải thế máy cày, máy gặt mới chạy được. Giỏi.

Mộc cho máy xuống đồng, giật giây, nổ, tiếng kêu bành bạch, chạy một đường cày dài hun hút, nước tung tóe, từng tảng đất lật lên đỏ au, mầu mỡ. Mắt Thầy nhòe ướt, lớp sương mù ở đâu kéo đến che phủ. Sắp hết đời rồi, nay mới cảm nhận được niềm sung sướng. Bắt đất nuôi sống người, chứ người không chờ đất nuôi.

Nghe tiếng máy cày nổ vang, cả làng Khánh Hữu kéo nhau ra đồng, nhẩy lên reo hò. Một số người ùa vào, nói theo:

– Không được, kiểu gì vậy, nay chia, mai nhập. Có trong tay vài sào ruộng, tưởng mở mày, mở mặt với đời. Bây giờ lại trắng tay khác gì xưa?

Lại người khác la rầy:

– Trả lại ruộng đất cho chúng tôi.

– Mấy đời làm công cho địa chủ rồi. Hãy trả lời cho chúng tôi đi!

Thầy điềm tĩnh, cười vui vẻ:

– Khổ qúa. Mọi người hiểu sai rồi. Có ai lấy ruộng đất đâu. Đây chỉ là tập trung lại, để cùng nhau cày cấy, có máy móc nâng cao năng suất. Ta nhàn không chân lấm, tay bùn, vất vả, lại có nhiều thóc gạo. Như vậy, có sướng không nào?

Mọi người ngồi thừ mặt.

Thầy, trò chuyện với bà lão gù, đã một lần đi nhận phát chẩn, đang ngồi khóc.

– Bà ơi. Vui chứ, sao lại khóc?

Bà lão gù:

– Thưa Thầy, thân già này có tý ruộng, đận trước thầy cho cắm biển. Tôi vui quá, trồng nắm rau, củ sắn để ăn qua ngày. Bây giờ nó vơ hết vào đây, tôi lại mất, để tôi chết đói à?

Thầy cười:

– Bà không lo. Tập trung, nhưng vẫn để mỗi nhà một mảnh, trồng cấy thêm tùy thích. Còn thóc gạo thì không phải lo đâu bà ạ, máy cày chạy ầm ầm thế kia, thừa cho cả làng ăn. Chưa biết chừng lại bán cho nước ngoài ấy chứ lỵ.

 Chị con gái, chạy đến dẫn bà về mảnh đất riêng của nhà mình.

Một loáng, máy cày đã cày xong mảnh đất rộng. Ước tính, nếu để trâu và anh Thuận cày, phải mất hàng chục công. Vui mồm, dân gọi là con “Trâu máy”.

Thầy nói dứt khoát với Còi:

– Nhất con, giỏi lắm, cứ thế làm, thời gian, tương lai sẽ trả lời. Mặc…

Thầy về đến nhà đã thấy vợ chồng Bỗng và Đào đang ngồi ở nhà. Bà Tiên nói:

– Các con nó sang mời ông đi dự đám cưới đấy.

…Từ hôm đi học về, Đào vẫn làm ở Trạm xá với chị Na. Học rồi có khác, tay nghề thành thạo, đỡ mấy ca đẻ, mẹ tròn con vuông. Chị Na nghiêm khắc, cấm nhận quà cáp của bất kỳ ai, dù chỉ nải chuối, bắp ngô. Đào hiểu, và đã làm tốt hơn, cứ đến ngày tròn tháng hay sinh nhật các bé, Đào lại đến nhà chúc mừng. Chuẩn bị cho ngày cưới, Chủ tịch Còi đã cho chuyển Trạm xá về nhà Bằng, rộng rãi. Vợ chồng Đào chuyển xuống Trạm xá ở. Mấy hôm nay, Bỗng hì hục dọn dẹp trang hoàng đẹp đẽ. Việc đầu tiên là đến thưa chuyện với Ông bà Tiên.

Bỗng và Đào vội đứng dậy, chắp tay chào.

– Chúng con chào ông ạ.

Thầy vừa nói, vừa thả ống quần đầy bùn đất

– Chúc mừng các con, bao giờ làm? À, sao mày không ra xem máy cày?

Bỗng lễ phép thưa:

– Dạ con đã xin phép anh Còi rồi ạ. Còn lo công việc tối nay. Vâng, Ông bà cảm thông cho. Chúng con nghèo, không dám tổ chức ầm ỹ. Hai bên nội ngoại cũng không còn, nên chỉ làm đơn giản, mời bạn bè và bà con láng giềng. Vợ chồng con sang thưa chuyện, có cơi trầu, tấm bánh biếu Ông bà. Đêm hôm, già yếu đi lại vất vả, Ông bà vui cùng chúng con là được ạ.

– Ừ, thế là phải, có trên có dưới, thế là tốt – Thầy nói thêm – Cái hàng đầu, là biết ăn ở với nhau. Chồng nóng thì vợ nhịn. “Một điều nhịn là chín điều lành”, nghe chửa?

– Vâng ạ.

Bà Tiên lấy cái hộp đỏ, trong bao tượng ra, nói:

– Tao cho cái vòng bạc này, ít nữa có thằng cu hay cái hĩm, thì đeo vào cổ tay cho nó, nghiệm lắm đấy, tránh được ma tà và gió độc. Hay ăn chóng lớn.

Đào lại khóc, ôm chặt lấy bà, nấc lên tiếng – Bà.

2

Chuyện lạ, lạ lắm, chẳng ai tin. Thuyền đi biển lại không có buồm. Ngay chuyện cổ tích còn có “Cánh buồm đỏ thắm”. Không những một buồm mà nhiều buồm như những con thuyền vượt đại dương của nhà hàng hải Christopher Columbus. Ông đã khám phá ra châu Mỹ và chinh phục đất đai khắp thế giới bằng đường biển. Bây giờ chủ tịch Còi lại muốn chinh phục biển đông nữa hay sao. Thuyền không buồm ra biển được mấy dặm là chìm nghỉm.

Cả bến cá, vây quanh mấy con thuyền không buồm, tranh cãi. Người nói xuôi, kẻ nói ngược. Họ có biết đâu rằng. Mấy tháng nay chủ tịch Còi đã cho đóng mới, sửa sang lại những con thuyền còn tốt, lắp động cơ chạy dầu, hạ hết buồm xếp vào kho. Chỉ để lại một thuyền có cánh buồm nâu, làm kỷ niệm, cho khách đến xem. Không gọi là thuyền, mà gọi là tàu. Mỗi tàu đều có lắp máy bộ đàm, tần số riêng biệt, để liên lạc với đất liền khi có gió bão và sự cố trên biển. Từ nay ngư dân không còn xem trời, xem mây, xem cá chìm, cá nổi để đoán mưa, đoán bão. 

Các tay lái vững vàng như Thuận, đi học, lấy bằng Thuyền trưởng, mới được cho tàu ra khơi. Nghề đánh bắt cá biển, mò ngọc trai, xưa nay làng Khánh Hữu nổi tiếng cả vùng. Còi thành lập Đội tàu đánh bắt Hải sản. Hôm nay làm lễ xuất quân.

Thầy và Còi (cựu chủ tịch và chủ tịch) cắt băng khánh thành. Chùa Phong Điền rung lên một trăm linh tám tiếng chuông. Đội tàu nổ máy, nhổ neo từ từ tiến ra khơi trong tiếng reo hò của dân làng Khánh Hữu. Ngoài khơi, biển lặng, trời trong xanh cao vời vợi.

Còi đang leo lên cầu tầu, một người khách lạ xin gặp. Nhìn ông ta có vẻ khác thường, da đen gần như anh Tây đen, pha chút trắng nên thành mầu nâu. Đôi mắt đẹp, mũi tẹt kiểu người An Nam. Chắc anh là Tây lai. Sau cuộc chiến, tám mươi năm đô hộ của thực dân Pháp và lính đánh thuê Châu Phi. Loại người như anh ta, có nhiều. Còi không để ý. Anh ta nói:

– Ông là Chủ tịch ở đây?

Còi:

– Đúng.

Anh ta:

– Tôi muốn nói chuyện với ông, có được không?

Còi:

– Tôi đang bận để khi khác. Mời ông đến trụ sở ủy ban xã.

Đoàn tàu, nhổ neo.

Những con tầu, vun vút, rẽ sóng ra khơi. Nước dồ lên, lan tỏa ra xa. Những con thuyền bé nhỏ đi bên, dập dềnh muốn lật. Bỗng leo lên thành tàu hét tướng:

– “Hòn ngọc biển đông”, của chúng ta là đây…

Đoàn tàu đi rồi, Thầy ngồi trầm ngâm suy nghĩ cho đến tận xa xa chỉ còn lại những chấm đen. Cứ đà này, không phải chỉ Cồn Bà mà cả Khánh Hữu sẽ thành “Hòn ngọc biển đông”. Cánh đồng làng thẳng cánh cò bay, có máy cày, máy bừa, máy gặt. Ngư dân đánh bắt xa bờ có thuyền máy. Rồi những ngôi nhà trên cát, mô hình của thành phố bao biển trong tương lai. Nghĩ đến ngôi nhà trên cát, Thầy lại nghĩ đến Vang, nghĩ đến vợ chồng Thanh. Chúng nó cũng vậy, Thầy cũng vậy không có máu mủ, họ hàng gì ở Khánh Hữu, mà bao năm lăn lộn, chiến đấu với giặc Pháp và bọn tay sai ngụy quyền, bảo vệ xóm làng. Lòng yêu nước, yêu dân thật bao la như biển cả, đâu cũng là nhà, đâu cũng là quê hương, đâu có đất là có người. Đến nay, Khánh Hữu thay da đổi thịt, thì người mất, người còn. Thương tiếc quá. Mệnh trời đã định. Đành vậy. Hạnh Mỹ đau buồn, nhưng được Hương người vợ cả, thật tốt bụng, có tấm lòng bao dung, buông bỏ. Hương nhận Vang về nhà, phải chăng đó là quả ngọt, nẩy nở từ hạt giống đã gieo từ muôn kiếp trước…

Chợ Huyện, ngay bên bờ biển, có khu bán chiếu do cụ thân sinh ra Ông Tiên khai mở từ xa xưa, nay vẫn còn tụ hội, đông vui vào sáng sớm tinh mơ. Đặc biệt, cá tôm ở chợ Huyện nhiều vô kể. Thuyền bè đánh bắt khắp nơi về đây, đổ ra. Từ đây lại chở đi khắp nơi, lên tận miền ngược xa xôi. Lâu nay, người ta lại xôn xao về chuyện khác, không phải cá tôm mà chuyện có một người da đen xuất hiện ở đây…

Anh ta tên là Robel Nam, nửa tây nửa ta, chắc con lai. Chuyện con lai, có đầy, hậu quả do người Pháp để lại. Nhưng anh này lạ lắm, ngày ngày cứ ra bờ biển ngồi, trầm ngâm, suy nghĩ, buồn buồn. Tay ôm cây đàn ghi ta, ngân nga hát:

Mẹ ơi con yêu mẹ lắm!

Còn mẹ, còn lối đi về,

Mất mẹ, cả lối về quê cũng mờ…”

Tiếng hát của người con đi tìm mẹ, đã chạm đến bao trái tim bà mẹ. Khi Robel Nam vừa cất lên tiếng hát, bãi biển đông nghịt người. Những giọt nước mắt lăn dài trên những gò má nhăn nheo. Ai cũng hỏi, ai cũng nhận. Robel Nam, lắc đầu không phải.

Sau khi thất trận ở Đông Dương, bố mẹ về nước, mang theo Nam, chưa đầy một tuổi. Lớn lên mới biết, Bố là sỹ quan quân đội Pháp, đồn trưởng Robel. Mẹ người An Nam. Bố chết vì mắc bệnh dâm dục quá sức, trong những ngày Robel cầm quân ở An Nam. Mẹ đi lấy chồng khác. Trước khi đi mẹ dặn. “Làng Tõm, An Nam là quê mẹ. Con còn có một người mẹ, người chị, nhân từ, nuôi con từ lúc còn bế ngửa. Nếu không có họ, mẹ con mình đã bị giết chết. Lúc đó, chồng của mẹ là quan Tri Phủ khét tiếng tàn ác”. Những lời dặn ấy, Nam day dứt bao năm, thế rồi cũng tìm về được.

Nam về làng Tõm quê mẹ. Đi khắp, chỉ thấy phố không có làng. Cái tên Tõm, tục tĩu người ta đã bỏ lâu rồi. Hỏi tên mẹ Tuyết Hồng, không ai nhớ. Bảo là vợ ba quan Tri huyện thì một cụ già nói luôn. Nó là cái Hĩm, hồi bé đi gắp cứt, cả nhà gắp cứt, chết hết rồi. Thế thôi. Nam bỏ đi, không quay lại.

Về Phủ Sóc, tìm hiệu thuốc bắc Tế Mỹ. Té ra lại là Mậu dịch quốc doanh. Theo thời gian, mọi thứ đều biến hóa và thay đổi. Biết tìm đâu bây giờ? Bình tĩnh lại, kiên trì. Nam lang thang xuống vùng biển, chờ đợi.

Đúng hẹn với chủ tịch Còi. Robel Nam có mặt ở trụ sở ủy ban xã. Cuộc đàm phán ngắn gọn.

Nam nói ít, tiếng Việt chưa biết nhiều:

– Thưa ông. Tôi tên là Nam, bố tôi người Pháp, mẹ tôi, quê ở đây. Tôi muốn ông giúp một việc.

Còi:

– Ông nói rõ đi?

Nam:

– Ngày nào tôi cũng ra chợ cá của ông, Tôi cũng đã ăn, ngon lắm. Bên nước tôi không có loại cá này. Rất quý mà để phí, cá chết, cá thối đổ đi. Tiếc lắm.

Còi, nói vội:

– Ông biết đấy, đoàn tàu ra khơi, đánh bắt vất vả, tốn kém. Bán không hết, đành vậy thôi. 

Nam:

– Không thế được. Dù ở trên trời rơi xuống, ta vẫn phải nhặt. Tôi muốn xin phép các ông, cho tôi làm nhà máy chế biến hải sản tại đây, có được không ạ?

Còi reo lên:

– Được quá đi chứ. Vô cùng cám ơn ông.

Nam:

– Vốn của tôi, đất tôi thuê, nhân lực của các ông tôi trả công. Cá tôm tôi mua. Thành phẩm, tôi xuất về nước. Nhất trí như vậy ta ký hợp đồng?

Còi:

– Nhất trí. Riêng thuế và thuê đất, miễn phí cho ông ba năm.

Hồ hởi, phấn chấn, bắt tay nhau và hẹn ngày thực hiện.

Nam muốn nói việc đi tìm mẹ, nhưng đắn đo, họ đâu biết được. Hiệu thuốc bắc Tế Mỹ ở xa lắm.