Bãi sú rộng mênh mông, gần vườn chim của ông Phiêu ngày xưa, đã từng mặc bộ lễ phục Thành Hoàng dọa đuổi quân Nhật. Bùn lầy ngập đến bụng, muốn vào phải dùng thuyền đẩy. Ai can đảm lắm mới dám lội. Nho và Bỗng đẩy thuyền đưa chủ tịch vào. Không biết bằng cách nào, người đã vào, vây kín. Con cá nằm chìm nửa người xuống bùn lầy, đen kịt, to, dài như  thuyền đánh bắt xa bờ của Thuận. Lưng vây phơi lên trời, hai con mắt mờ đục. Từng đàn chim, quạ, bay loạn xạ trên trời, tìm đường sà xuống. Cá đã chết tự bao giờ,  mùi tanh, thum thủm, trên lưng mất từng mảng thịt do đàn chim tranh mồi.

Chủ tịch đứng trên thuyền giao việc.

Bỗng và Nho, đo thân cá dài năm trượng hai thước. Mỗi trượng mười thước. Vi chi năm mươi hai thước (đơn vị đo lường ngày nay, một thước bằng không phẩy bốn mét. Vậy chiều dài hai mươi mét tám). Thân bụng gần một trượng, hình tròn, vây ngực dài, đầu nhọn, đôi mắt nhỏ, đặc biệt mồm không có răng. Lưng cá hơi cong và có hai lỗ để thở, đuôi ngắn. Thật  kỳ lạ. So với bộ xương cá, của người lính Nhật chôn ở Hoang Điền, to gấp mấy lần. Từ xưa đến nay vùng này không đâu có. Mọi người ra sức bàn tán, người thế này, kẻ thế kia:

– Cá mập ăn thịt người đấy.

– Suốt ngày bám mặt cho biển, bám lưng cho trời mà không biết cá gì à? Xạo.

– Vậy cá gì?

– Cá lợn.

Chủ tịch ngắt đám ồn ào, hỏi:

– Người thì mập, người thì lợn. Nói chính xác xem nào?

Có tiếng trả lời:

– Các cụ lớp trước thì biết. Chúng cháu sinh sau đẻ muộn, sao biết được.

– Ngày bà Đỡ còn sống, hay kể về những con cá khổng lồ. Bà gọi là cá Thần.

Lại tranh cãi om xòm.

 – Điềm trời đấy.

 – Chả biết điềm tốt hay điềm xấu.

 – Đêm hôm kia, mặt trăng đổi mầu, đỏ như mặt trời, lại nguyệt thực. Nay cá chết, nhất định điềm rồi.

Thôi khỏi tranh cãi. Theo lệnh Chủ tịch, đám thanh niên trai tráng, đẩy cá ra mép biển và hò nhau kéo về nghĩa trang Hoang Điền. Mãi gần chiều, thủy triều lên mới kéo về đến nơi. Cũng lúc đó, Bỗng dẫn cụ Đắc gần chín mươi tuổi, tận làng trên về, nhờ cụ nói cho tường. Ngắm nghía, sờ nắn, cụ dứt khoát rằng:

 – Đây là Ông voi lưng gù, phải gọi là Ông voi, không được gọi con cá nghe chửa.

Tất cả im lặng, nghe cụ Đắc phán tiếp:

– Ông Voi rất hiền lành, là bạn thân, hòa đồng với ngư dân. Ống luôn kiếm ăn gần bờ để được gần gũi. Mỗi khi thuyền gặp nạn, ông xông vào cứu. Người cứ việc cỡi lên lưng, ông đưa vào bờ. Ngày xưa, lâu lắm rồi ở làng tao, đã một lần Ông mắc cạn. Tên Lý Khán tức là bố thằng Lý Khiếu làng Bái Môn đấy. Tham ăn cho mổ, lấy thịt, lấy mỡ, xương bán cho bọn làm đồ trang sức, đẹp như ngà voi. Mấy ngày sau trời đổ mưa, vòi rồng hút nước, cuốn trôi cả nhà cửa, thuyền bè. Bọn buôn đồ trang sức, ngẩn ngơ, mất trí, vội vàng mang trả lại. Lý Khán lăn đùng ra chết. Lý Khiếu sợ quá, vội sang Bái Môn khai hoang lập ấp. Dân làng làm lễ cầu siêu, cầu an. Từ đó yên ổn và tôn vinh là Ông voi lưng gù. Rõ chửa?

Nghe lời cụ Đắc, Chủ tịch cho mai táng tại nghĩa địa Hoang Điền và xây miếu thờ. Đặt tên là miếu Đức Ông. Ngoài khơi đã có Cồn Bà. Chuông Chùa vang lên một trăm linh tám tiếng, đưa vong linh Ông về cõi vĩnh hằng.

Suốt hai ngày, Thanh nghỉ học, từ trường Huyện về, hý hoáy vẽ lại từng bộ phận và ghi chép đầy đủ tính năng, cuộc sống của Ông. Dân làng tập trung róc da, đẽo thịt lấy xương, ngâm vôi, rửa sạch, gói vào trong tấm lưới to để không bị hỏng. Lưu giữ cho đời sau.       

8

Ngay từ nhỏ, Thanh đã thích sưu tầm vỏ sò, vỏ ốc. Hôm cụ Tiên bàn với Thầy Mẹ chuyển nhà về Khánh Hữu là Thanh sướng rên. Được về với biển, sóng vỗ rào rào, tanh tanh, mằn mặn. Đâu có một lần mẹ cho đi tắm. Được lang thang trên bãi cát, nóng rát chân, bắt cua, bắt cáy, tìm con sao biển đỏ rực xòe ra năm cánh. Cây san hô trắng tinh có cành mà không có lá. San hô đỏ, đa dạng kiểu dáng, đẹp như được điêu khắc tài ba. Vỏ trai óng ánh sắc mầu. Đặc biệt mai mực là vị thuốc, chữa bao tử rất hiệu nghiệm. 

Bộ sưu tập của Thanh mỗi ngày một nhiều, đặt trên bàn, trên nóc tủ. Hết chỗ, chồng chất lên nhau ở góc nhà. Ốc to, ốc nhỏ đủ mầu sắc rực rỡ, xâu dây tràng hạt cho các bà lên chùa. Vòng cổ tay cho các cô gái làm duyên. Anh Tây đen sung sướng mang về tận Châu Phi tặng mẹ. Vòng ốc óng ánh, nổi bật trên cổ tay đen, tặng cô gái người yêu xinh đẹp. Những giá trị ấy đã làm Thanh đam mê, kỳ vọng, ước mơ ở ngày mai.  

Chiều chiều nằm dài dưới mép nước, Thanh buồn buồn, thương chú Dạ tràng. Thì ra câu chuyện “Dạ tràng xe cát biển đông” là có thật. Bao công sức chở cát về xây tổ, sóng biển xô vào kéo đổ trong tích tắc. Dạ tràng khóc, khô nước mắt, lại xây tổ mới, lại khóc, lại xây. Cả cuộc đời lam lũ không có nổi một ngôi nhà. Đau lòng như chim Yến. Chim chồng hì hục, hộc máu, nhả rãi để xây tổ ấm cho vợ đẻ. Hàng ngày, hai vợ chồng phải bay xa hàng trăm dặm, kiếm mồi nuôi con. Về đến nhà, tổ ấm bị con người độc ác lấy mất. Yến con bị ném xuống biển. Đau thương uất hận, Yến mẹ lao đầu xuống chết bên các con. Yến chồng lao theo, chết bên xác vợ. Món ăn ngon nhất trần đời của con người, là nỗi đau bất tận của chim Yến và muôn loài động vật.      

Cá lớn, nuốt cá bé là vậy. Ông Voi lưng gù to khỏe, quyền thế, khuynh đảo khắp biển khơi, lúc chết được xưng Thần, miếu thờ, tế lễ. Còn thân cua, thân ốc, dã tràng, chim Yến… mệnh trời đã định.

Thiên nhiên có quy luật. Muôn kiếp nhân sinh có nhân quả…

Chị Hạnh Mỹ đập vào vai Thanh:

– Em nghĩ gì, thần mặt ra thế?

Đứng tim, Thanh quay lại:

– Chị về rồi đấy à? Chuyện vớ vẩn ấy mà.

– Mấy hôm nay làm việc nhiều, nghỉ đi.

– Vâng, cái Chinh có về không chị?

– Không, đang thi. Có cái Đào thôi.

– Về làm gì ạ?

– Nó bị đuổi học.

Bây giờ, Thanh mới nghe rõ tiếng khóc của Đào đang ngồi thụp dưới bậu cửa nhà ngoài, vọng vào. Chủ tịch gay gắt:

– Sao lại có chuyện như vậy.

Đào thưa:

– Thưa cụ, người ta quy định vậy.

Thầy tức giận:

– Quy định thế nào?

Đào ấm ức nói:

– Tất cả con cái địa chủ, cường hào, ác bá, phản động, liên quan đến đế quốc phong kiến đều không được đi học, phải lao động cải tạo ạ.

Thầy quay sang Hạnh:

– Trời ơi. Chị không nói cho nó một tiếng à. Ông nó, bố nó là ác ôn phản động, nó là phận con dâu, đã làm gì nên tội mà phải ân oán.

– Căng lắm, con mà nói, cũng bị quy là liên quan, nên đành chịu.

Thầy đứng dậy tay chắp sau lưng đi đi lại lại:  

– Bao năm nay, người dân bị giặc Tây, giặc Nhật giết người, cướp đất gây bao tai ương, tang tóc. Bây giờ phải nới sức dân, há ra lại bắt người dân vô tội, chết nữa sao?

Thanh can:

– Thầy, thời thế, thế thời phải thế mà.

Từ xưa đến nay, thầy lang Tế rất hiền lành. chưa bao giờ gắt gỏng với ai, kể cả con cái. Thế mà thầy đang bị dồn nén. Cầm chén rượu trên tay dốc một hơi, thầy nói:

– Bỗng? (Bỗng đến từ nãy thấy thầy đang giận, lẻn vào ngồi bên Đào dưới bậu cửa). Hôm nọ mày nói thế mà đúng. Tao bảo mày phịa. Bây giờ, tao sai. Cái Đào về, mày phải bảo ban nó, mai sau nó sẽ nên người, còn chuyện vợ chồng tính sau, nhớ chửa?

– Cụ dạy con xin vâng ạ. Nhưng thưa cụ, các làng bên họ làm dữ lắm. Nhà Phán Tuệ, bị xử tử hết, chỉ có cô con gái mười bẩy tuổi được tha chết, nhưng bị đội phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê làm công – Quay sang nói với Đào – Đấy được Ông cho đi học là phúc.

– Thôi. Việc của người ta, kệ người ta. Mình Khánh Hữu, vẫn là Khánh Hữu hiểu chửa? Cái Đào vào làm cơm với chị, hai đứa ở đây ăn cơm, chiều Bỗng đi lên huyện với ông.

Từ ngày hai vợ chồng lên huyện làm việc, dăm ba ngày, một tuần Hạnh Mỹ lại về. Lần thì mang cho thầy và các em cân thịt, lần thì con cá, nắm rau. Ăn một bữa cơm, dạy các em học. Mẹ mất sớm thương thầy, thương các em vất vả. Thật gia phong, nề nếp.

Biết tính ông, Bỗng bê bộ điếu bát đến, vê thuốc, châm lửa, ông hít một hơi dài rồi ngả lưng xuống phản.

Thanh vẫn mải mê đống “tài sản” sưu tầm. Bỗng đến gần khẽ khàng nói:

– Cậu, cho con góp phần với.

– Anh có cái gì vậy?

Lấy ở trong bị ra một đôi mai con sam:

– Đây cậu, có thích không?

– Ôi đẹp quá. Con sam.

– Đôi mai này con bắt được lâu lắm rồi, thịt ăn hết còn bộ mai dắt lên mái chuồng lợn. Lạ lắm cậu ạ, chuồng lợn mà có cái này, lợn không phá phách, mà lớn nhanh như thổi. Cậu cho con góp nhé.

– Được, gọi là sưu tầm mà.

Bỗng kể:

Chuyện về sam hay lắm. Sam bao giờ cũng đi đôi với nhau, con cái lười chảy thây, nằm trên lưng con đực, cõng nhau đi khắp nơi kể cả lặn xuống đáy biển. Con đực kiếm được mồi nào thì con cái xơi sạch. Ăn thịt Sam cũng thế, phải ăn cả đôi, nếu ăn một thì không ngon và coi chừng tào tháo đuổi. Lạ không?

– Loài vật chung thủy thế. Anh cũng phải học để thủy chung với chị Đào đấy nhé.

Bỗng cười tít mắt, chuyển nhanh sang chuyện khác, chữa thẹn:

– Cậu này, hôm qua ở lễ mai táng Ông Voi lưng gù, con quên nhắc cậu:

– Chuyện gì?

– Cậu phải làm một tấm bia đá dựng trước miếu đàng hoàng. Cậu thảo văn đi, con sẽ đi tạc cho, mấy thằng chuyên tạc bia mộ, con quen.

– Hay đấy. Tôi thảo văn nhé.

Thanh hý hoáy một lúc, đưa cho Bỗng, xem xong Bỗng ngần ngừ:

– Cậu này, theo con cậu phải đề tên ông nhà ta vào, chỗ nào cũng được để người ta còn biết công lao của ông chứ.

Do dự, Thanh gật đầu:

– Hay. Tôi ghi Thế Tế Kỳ Mỹ, đó là húy hiệu của cụ lang nhà ta đấy.

– Vâng, hay quá. “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Cụ nhà ta, bia gì thì bia, hàng vạn năm cũng không mòn được.

Chiều lên huyện về, ăn cơm xong, Chủ tịch ra sập gụ ngồi, hút thuốc vặt. Hạnh Mỹ pha ấm trà mang vào:

– Mời thầy uống nước ạ. Chè Thái nhà con đi công tác, mang biếu thầy.

– Thắng, làm gì ở đâu? Lâu rồi không thấy về.

– Dạ, nhà con lên Trung ương, đang học tập để đi mở đường vào chiến trường ạ.           

– Ừ, trong đó đang căng lắm. Bên nó và bên ta đang tranh giành từng tấc đất. Máu lại đổ máu. Trên quả đất này đâu cũng thế thôi. Có đất là có người, có người là máu đổ.

– Vâng.

Thầy chuyển sang hỏi Hạnh Mỹ:

– Ngần ấy năm rồi sao không đẻ lấy một đứa. Lúc này có con, vui cửa vui nhà?

– Thưa thầy. Do dự, Hạnh chuyển sang chuyện khác. Thôi cũng may. Nhà ta đông các em, đúng ra con phải gần gũi, dạy bảo, đỡ gánh nặng cho thầy. Nhưng không làm được, xin thầy tha cho đứa con bất hiếu. 

– Phận gái đi lấy chồng là đúng. Thầy không chê trách gì con. Con quan tâm đến thầy và các em như thế này là quý rồi – Ngừng một lát thầy hỏi – Con có nhận được tin tức gì của thằng Hanh không?

– Nghe đâu, cậu ấy sang mãi tận chiến trường D. Bên ấy họ cũng bị nước láng giềng xâm chiếm đường biên. Quân đội ta phải sang giúp. Thời buổi này, thư từ đi lại rất khó, cả năm may ra mới nhận được.

– Gia đình ta, tất cả vì dân, vì nước. Vì sự bình yên của trăm họ. Thế mà…

Thầy ngần ngừ, Hạnh Mỹ hiểu ý quay lại thưa:

– Thầy lên Huyện có chuyện gì ạ?

Ngửa mặt lên trời, nhả khói thuốc, thầy chậm rãi:

– Người ta coi thường quá. Bảo thầy hấp tấp, cầm đèn chạy trước ô tô, làm sai bét cả.

– Sai như thế nào ạ?

– Cái thứ nhất là, đội phóng tay phát động chưa về, Khánh Hữu đã chia ruộng cho dân. Không đấu tố địa chủ, cường hào.

– Thầy trả lời sao ạ?

– Có địa chủ, cường hào đâu mà đấu tố. Nó chết hết rồi. Con thấy không, bao nhiêu máu chảy, đầu rơi, mới giết được cha con Lý Khoái, Lý Khiếu, Hương Cán, và con mẹ Cả Trường, để giành lại ruộng đất. Có đất, chả chia cho nông dân thì chia cho ai, chờ ai, dân đang chết đói, chờ đến bao giờ?

Hạnh Mỹ:

– Còn nhà bà Tiên nữa ạ.

– Thử hỏi cả vùng này ai được như vậy. Bà đã hiến toàn bộ ruộng đất cho làng. Thần thánh đã chứng giám. Nhà chia hết cho tá điền, người hầu, người ở. Đấy, chả bần cố nông thì là ai. Tâm lượng của bà ấy mênh mông lắm. Còn bắt đấu với tố người ta cái gì nữa?

Vất xe điếu xuống phản, Thầy nói tếp:

– Cái thứ hai là, cho con phản động, ác ôn đi học. Tức là cái Đào đấy. Ừ, ba đời nhà nó ác ôn. Chém đầu ông Tiên, đau lắm. Ai mà không căm ghét. Nhưng cả ba đời nhà nó chết sạch rồi. Nhân quả nhãn tiền, muôn kiếp mới thành người. Còn cái Đào và bao nhiêu đứa trẻ khác, không cho ngóc đầu lên thì đời sau lấy ai mà làm. Cứ như vậy, đói vẫn hoàn đói, khổ vẫn hoàn khổ. Không có điều gì tự nhiên xẩy ra trong cuộc sống. Phải nhìn xa trông rộng ra chứ?

– Thầy ơi, người ta không nghĩ như vậy đâu. Gió chiều nào che chiều ấy. Thầy ạ.

– Đành vậy. Người ta bắt làm kiểm thảo. Có tội tình gì mà kiểm. Thầy làm đơn xin nghỉ. Đây mai con mang lên huyện nộp cho thầy.

Thầy giao lá đơn cho Hạnh. Đứng dậy đi ra cửa vươn vai hít thở, gió từ ngoài biển thổi vào, mát lạnh. Khoan khoái, thanh thản. Nhẹ lòng.  

Chương Chín

1

Dân bản Khe Cau, ngỡ ngàng, người đâu mà đông thế, toàn những anh, đầu đội kêpi, áo bốn túi, chân chì. Sau hòa bình, các anh bộ đội được trang bị quân phục mới, mũ kêpi, áo bốn túi mầu cứt ngựa, giầy da đen làm mê lòng nhiều cô gái từ miền xuôi, đến miền ngược. Trưởng bản Á Bung tíu tít, chạy ra chạy vào, cùng với Trung đội trưởng tên Vôngsavát, giao nhận công việc. Vị chi ba mươi sáu người đúng một trung đội. Có hai nữ. Một là Alisa Sivilay, vợ của Trung đội trưởng và Chandaly vợ của chú lái xe tên Vitavông. Hỏi ra mới biết họ ở chiến trường xa về. Bây giờ hết giặc, giải trừ quân bị, hạ súng, cầm cày vác cuốc, làm kinh tế, bổ sung cho Nông trường Khe Cau.

Quanh đi quẩn lại, Khe Cau lại thành Nông trường. Dân bản Núi Đèo dời xuống được mấy năm, làm ăn yên ổn, lúa ngô ra bắp, ra hoa thì lại mất đất. Nhưng lần này chỉ lấy có hai quả đồi, còn lại thung lũng rốn Tiên vẫn của người Sán Dìu. Thôi thế cũng được, nhà cửa không mất, mồ mả tổ tiên yên vị, thế là mừng. Vui hơn nữa Á Bung lại được làm Phó Giám đốc Nông Trường, oai ra phết. Trung đội trưởng chỉ huy làm Giám đốc. Chả biết có gì khác thằng chủ đồn điền ngày xưa?

Thế thôi. Nông trường trồng cây gì, nuôi con gì thì theo kế hoạch trên giao. Hàng tháng, nông trường viên có lương, có gạo. Sướng hơn dân bản “tay làm hàm nhai”.

Trưởng bản Á Bung, gửi mỗi nhà trong bản một vài người, ở tạm chờ Nông trường làm nhà mới. Người Sán dìu, xưa nay mến khách, đón tiếp nồng nhiệt, có gì ăn nấy, nhà sàn rộng, tha hồ mà ngủ, rét có bếp, đỏ lửa suốt đêm. Vợ chồng Giám đốc Vôngsavat nghỉ nhà Á Bung, tiện trao đổi công việc. Á Bung và A Hiêng chỉ có Á Beng còn nhỏ. Xoa làm việc và ngủ ngoài trạm xá. Người yêu A Sinh, học trường Nội trú trên tỉnh chuẩn bị thi vào trường Y. Thi thoảng Xoa mới vào xin mợ A Hiêng bữa cơm. Nhà neo người vắng vẻ. Hai mẹ con A Hiêng, và Alisa ngủ cùng tha hồ trò chuyện.

Đêm ấy, ở ngoài nhà, bên bếp lửa, hai người đàn ông, rì rầm to nhỏ:

Á Bung:

– Mảnh đất này hết giặc Tây, lại đến giặc Nhật chiếm đất làm đồn điền, giết người, cướp của, dân bản chịu bao tai ương, tang tóc. Không biết đợt này, có yên ổn đến hết đời không?

Vôngsavát:

   – Sự vật, không ngừng biến chuyển, lúc thì sinh ra, lúc thì mất đi, sinh sinh diệt diệt, không hề chấm dứt. Sao có thể biết được những gì, muôn mầu, muôn vẻ xẩy ra.

Những điều triết lý của Vôngsavát, làm Á Bung ngờ ngợ:

– Mày, (gọi như người Sán Dìu cho thân mật) người Ai Lao, sao nói giỏi vậy à?

Vôngsavát:

– Tao không phải người Ai Lao đâu à.

Á Bung bật dậy, hỏi dồn:

– Nói dối à. Vôngsavát là tên người Lào chứ ? Tao không ưng đâu. Chúng mày là Việt gian rồi à. Bản tao không chứa người xấu. Nhầm rồi. Đi ngay.

Hai người tranh cãi ồn ào. Vôngsavát nói thế nào Á Bung vẫn không nghe. Hai bà vợ ở trong buồng chạy ra. Alisa, nhẹ nhàng nói:

– Á Bung à. Thật đấy. Chúng tao là người Việt mà. Phải cải trang, ăn nói, sinh hoạt như họ, mới làm được việc chứ. 

– Lấy gì làm tin. Á Bung lắc đầu, từ chối.

Vôngsavát, đội mũ kêpi, đứng nghiêm, giơ tay lên thề:

– Lấy danh dự người lính, xin thề: ‘‘Chúng tôi là người Việt Nam’’.

Trung lúc mọi người tranh luận, A Hiêng đã lẻn đi gọi Xoa về. Dù sao Xoa cũng đã có thời gian trong quân đội, hiểu biết hơn. Vôngsavát và Xoa, trao đổi nhiều vấn đề bí mật quân sự, mà bên ngoài không thể biết được. Cuối cùng Xoa nói:

– Thủ trưởng Vôngsavát và đơn vị, đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ biên giới cho nước bạn. Vôngsavát quê ở Thanh Bình. Chị Alisa quê ở Minh Hoàng. Tất cả anh em, mỗi người một tỉnh khác nhau.  Việt gian không lọt vào đây được đâu. Cậu Á Bung à.

 Á Bung vỡ lẽ, ôm chặt vợ chồng Vôngsavát:

– Tao nhầm… Chúc đồng hương Thanh Bình.

A Hiêng mang chóe rượu cần, thịt trâu gác bếp, hun khói, đặt giữa nhà. Tất cả xúm quanh uống rượu, nhẩy múa lăm vông và hát soọng cô cho đến sáng. Tục lệ người Sán Dìu là vậy. Làm việc hết mình. Chơi hết mình. Yêu thương cũng hết mình.

Hôm sau, cả bản xôn xao, nhà nào cũng vậy, suốt đêm không ngủ, chào đón, chúc mừng những người con chiến thắng trở về. Từng đoàn người lên rừng chặt cây, lấy lá, làm nhà cho nông trường, vui như hội. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, dưới bóng cây, Á Bung và Vôngsavát, tâm tình:

Á Bung:

– Ta với mày nhận là đồng hương Thanh Bình. Mày ở vùng nào? Tao Khánh Hữu.

Vôngsavát:

– Thị tứ Phủ Sóc, có cửa hàng ở đấy. Tao cũng chưa đến Khánh Hữu, Từ bé đã đi học rồi.

Á Bung:

– Tao tên Bùng. Người Sán Dìu, gọi Á Bung. Cũng như mày thôi.

Vôngsavát:

– Tao tên Hanh. Thế đấy, vạn vật đều biến hóa và thay đổi theo thời cuộc.

Á Bung :

– Sao ra quân mày không về nhà, lại lên đây?

Vôngsavát :

– Đang Cải cách ruộng đất, sao về được. Tuy xa nhà lâu rồi, nhưng qua học tập, tao hiểu. Chiếu theo quy định, nhà tao là địa chủ. Về dịp này là phải gánh chịu. Bất biết là ai.

– Ừ, nghe nói miền xuôi làm dữ lắm. 

Hai người, hai nơi, đều không biết nhau, nhưng cùng chung chí hướng. Rời quê hương, gia đình vì cuộc chiến đất đai. Hanh học xong sơ học. Ngày ấy Thanh Bình không có trường Thành chung. Hanh phải lên Hà Nội học. Bậc này có bốn lớp gồm: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ niên. Hầu hết học bằng tiếng Pháp. Chương trình rất khó và nặng. Xa nhà. Chiến sự khắp nơi, đi lại khó khăn. Hanh phải tự lập. Làm thông ngôn cho cai Lục lộ người Pháp, mở đường sang Ai Lao. Tiếng Pháp đã thạo, giờ lại học thêm tiếng Lào. Tốt nghiệp, có bằng thành chung. Hanh ở lại Ai Lao, xung vào đội quân bảo vệ biên giới Ai Lao, Xiêm La và Trung Hoa. Hồi ấy, việc lấn chiếm đất đường biên dữ dội lắm, tranh nhau từng tấc. Lợi dụng chiến tranh. Dựa vào các thế lực Anh, Pháp, Tây Ban Nha bảo hộ, Các thuộc địa làm càn.

Á Bung:

– Đất của người ta, người ta lo. Mình tội gì?

Vôngsavát:

– Đâu có được. Nó chiếm nước này, xọc sang nước kia. Bành trướng mà. Còn nhớ quân Nguyên Mông đánh nước ta, mượn đường xọc xuống chiếm đất Chiêm Thành, bị quan quân nhà Trần, ba lần đánh bại. Chiêm thành yên ổn, liền dâng lên vua Trần ba châu để trả ơn đó. 

Á Bung :

– Tao cứ tưởng, nhà giầu chiếm đất đai của nhà nghèo. Thế thôi. Biết đâu trên quả đất này, lại xâu xé, tàn khốc, đau thương đến vậy.

Vôngsavát:

– Dã man hơn. Cho con gái nước mình, sang nước bên lấy chồng, đẻ con xong, giết chồng. Lu loa lên người của tao ở đâu, đất của tao là đấy. Nhanh chóng dịch cột mốc đường biên, sâu vào hàng chục dặm. Mất đất, hết đường kêu.

Tĩnh lặng. Vôngsavát kể tiếp:

– Có một thác nước hai tầng hùng vĩ, đẹp như tranh, nổi tiếng Đông Dương. Quanh năm nước chảy, nằm ở nước mình. Bên kia, nước láng giềng muốn chiếm, xây đập uốn dòng nước chảy. Nước chảy đá mòn. Bên lở là mình, bên bồi là họ. Thác nước mất toi. Đấy chiến tranh đất cát là vậy. Thời xưa, vua Trần Nhân Tông đã dạy: “Một tấc đất của tổ tiên để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ngàn năm rồi, cha ông ta, làm vẫn không xong. Chúng ta, rồi con cháu chúng ta, chưa chắc đã được. Trên quả đất này, nếu còn người thì còn tranh giành đất đai. Máu còn đổ.

Ba người đàn bà đi qua, làm dứt câu chuyện của họ. Alisa, Chandaly và A Hiêng dẫn bạn lên rừng hái nấm và rau lá bép. Món ăn này bên nước bạn cũng có nhưng không tươi tốt bằng. Hai người mặc nguyên bộ cô gái Lào, kẻ hoa đậm nét, tươi tắn như màu hoa lá, tự nhiên, núi rừng.

 Vôngsavát, cười tươi:

– Ba nàng tiên, ngủ trong rừng.

Cả ba cô xà xuống, tháo gùi trên vai, lấy ra những quả táo mèo đỏ tươi. Tất cả cùng ăn và trò chuyện.

Vôngsavát kéo Alisa ngồi bên mình, khoe:

– Hôm ra quân, Thủ trưởng đơn vị làm lễ cưới cho mình với Alisa. Chàng lái xe với Chandaly. Đám cưới tập thể vui lắm. Đây là bộ quần áo cưới đấy.

Á Bung:

– Tối mai đi chợ tình, A Hiêng sắm cho Alisa, Chandaly bộ váy áo Sán Dìu thật đẹp à. Bộ này để dành.  

A Hiêng, nối lời luôn:

– Cả Vôngsavát nữa chứ.

Vôngsavát:

– Cho cả trung đội, là anh em bản Khe Cau luôn.

Vui vẻ, hào hứng, múa lăm vông, hát soọng cô. Đội quân đi rừng, bỏ cả bó tre, nứa trên vai, tràn vào gia nhập. Vang vang dưới bóng cây rừng.

2

Hạnh Mỹ, từ huyện vội vã về. Bước chân qua cổng đã gọi:

– Thầy ơi. Thầy có nhà không ạ?

– Con về đấy à? Gì mà quan trọng thế.

Từ ngày, chờ Huyện trả lời đơn xin nghỉ, một nửa ngày Thầy ra đồng. Nửa ngày, Thầy ngồi thư trai đọc sách, Nam dược thần hiệu của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Xưa nay, tính thầy vậy. Người của công việc, không lúc nào nghỉ. Hết việc này đến việc khác. Lười là đầu óc u mê, chân tay mỏi mệt. Nghe tiếng Hạnh Mỹ, thấy lạ, như có gì gấp. Thầy cầm sách, chạy vội ra, đến cửa, Hạnh Mỹ đã bước vào:

– Xong rồi thầy ạ.

– Cái gì xong? Ngồi xuống, đầu đuôi thế nào?

Thầy đỡ cái nón, ngước nhìn con gái. Hạnh Mỹ nói liếng thoắng một hồi:

– Sáng nay, Chủ tịch huyện gọi con sang sớm. Ông nói, may quá vừa nhận được chỉ thị của cấp trên. Khẩn cấp, dừng phóng tay phát động quần chúng. Nơi nào làm rồi thì phải sửa. Sai đâu thì sửa đấy. Xin lỗi nhân dân.  

Thầy nóng ruột, giục:

– Đó là việc của người ta, mình có sai gì mà sửa. Thầy cần, là cần cái quyết định nghỉ việc cơ.

– Không có quyết định gì đâu thầy ạ – Hạnh Mỹlấy trong bị, cuộn giấy gói bằng tấm lụa đỏ, nói tiếp – Giấy khen huyện tặng Thầy đây. Cả huyện, vinh dự chỉ có mình Thầy thôi. Con vui quá. Tự hào quá.  

Thầy đỡ tấm Giấy khen, viền hoa văn mầu vàng, chữ đỏ. Ngày xưa, Tri Huyện Nguyễn Quan Trường tặng bức Hoành phi, sơn son thiếp vàng bốn chữ  ‘‘Thế Tế Kỳ Mỹ’’. Giờ lại được Chủ tịch huyện tặng Giấy Khen. Ngẫm ra, thời nào cũng được trọng vọng.         

Hạnh Mỹ, Vang và Sanh ba chị em ríu rít, lồng tấm Giấy khen vào khung kính, treo lên tường. Thầy ngắm nghía, đôi mắt cay cay. Hàng chục, hàng trăm tấm Giấy khen mờ mờ, ảo ảo, đảo đưa trước mặt. Đứng tim, tĩnh lặng, Thầy nói:

– Hạnh ơi, làm cho thầy mâm cỗ, khao làng. Có được như vầy, không phải của riêng mình, mà bao công sức, xương máu của dân làng đấy con ạ.

Hạnh nhanh nhảu, trả lời:

– Vâng con biết. Nhưng đời sống mới rồi, không phải thế đâu thầy ạ.

Thầy chần chừ, do dự:

– Không ăn, chí ít cũng phải cho người ta biết.

– Vâng, đến Hội làng, thầy dâng sớ, tâu trình lên Thành Hoàng. Công bố với mọi người. Thế là xong. 

– Ừ, Thầy nghe. Chiều nay con làm mân cơm cúng, đặt Giấy khen lên bàn thờ, cho mẹ con vui. Nhân thể Thầy qua mời Bà Tiên sang dự.

Thầy vừa ra khỏi ngõ, Gặp Bỗng hớt hải khoe:

   – Cụ ơi, có tin vui lắm ạ.

   – Nói xem, chuyện gì?

Bỗng:

– Cái Đào lại được đi học rồi cụ ạ.

Thầy ngạc nhiên:

– Hử! Thế thật à?

Bỗng:

– Vâng, giấy gọi đây ạ.

– Tao đã bảo mà. Vui rồi. Anh về gọi cái Đào, sang làm cơm cúng với chị Hạnh, cả hai đứa ở lại ăn. Tao qua Bà Tiên rồi về – Ngừng một lát, thầy tiếp – Việc xây Miếu đến đâu rồi?

Bỗng:

– Thưa cụ, hòm hòm rồi ạ.

– Được, tao rẽ qua. Về đi.

  Nói rồi, Thầy đi một mạch ra Hoang Điền.

  Bộ cốt Ông Voi lưng gù, dân làng Khánh Hữu cẩn thận, đào sâu, chôn chặt. Theo hướng dẫn của cậu Thanh, cứ một lớp đất, một lớp vôi bột. Coi như của để dành cho đời sau, khai quật, nghiên cứu. Trong miếu thờ là tấm bia đá. Cậu Thanh thảo văn, Bỗng đi tạc. Hoa văn đẹp, chữ bay bổng, nét sắc và sâu. Đọc đến cuối, thầy giật mình. “Bốn chữ – Thế Tế Kỳ Mỹ – lại khắc ở đây. Không được, bốn chữ Thánh hiền, nghiêm trang ở bức hoành phi, trên bàn thờ tổ tiên. Khắc vào đây, xái. Bỏ, bỏ ngay”. Gọi mấy tay thợ đá đến, giao việc rồi Thầy vội vàng đến nhà bà Tiên.

Sau ngày chia ruộng cho nông dân, bà Tiên vui, khỏe hẳn ra, đi đâu cũng được trọng vọng. Lên chợ, mua mớ rau, mớ cá, chả ai lấy tiền. Họ hồ hởi ấn vào rổ cho bà, bảo. “Con trồng trên ruộng nhà ta đấy, lấy tiền của bà, con đeo mặt mo à”. Khổ vậy. Bà không muốn lên chợ nữa, trừ công to việc lớn, còn giao Sen và Na là chính. Nói đi thì cũng phải nói lại, nhiều kẻ không ưa gì bà. Thở dài, Bà giãi bầy những suy nghĩ sâu xa:

– Thế đấy! Thầy ạ.

Thầy lang Tế đến, bắt mạch, xem bệnh, nhưng cũng bắt được những tâm tư của bà, qua từng nhịp đập. Thầy an ủi:     

– Lòng người, nằm ngoài khả năng suy đoán đấy bà ạ. Hãy buông bỏ, đừng cảm tác quá, suy tim, suy thận, hại phế. Cứ đi chợ, đi chơi cho tâm thanh thản cho thân khỏe mạnh mà.

– Muốn lắm chứ, nhưng đâu có được hở Thầy.

Chép miệng, Bà nói tiếp:

– Mới vài hôm thôi, thằng Hòa, anh thằng Thuận đến đây, đòi chia cho nó một gian nhà này. Trời ơi.

– Thế Bà bảo sao?

– Nói có trời đất chứng giám. Nó làm cho tôi được vài năm, lười như hủi, tôi không nhận, nó tức. Bố nó sang năn nỉ, cho thằng Thuận thay. Thấy cần cù chịu khó, tôi nhận Thuận làm con nuôi. Thương tình cho nó một gian để lấy vợ. Không biết tôi có sống đến ngày ấy không?

Thầy Tế:

– Thằng anh, so bì với nó sao được.

– Thế đấy, ghen ăn tức ở mà – quệt nước trầu trên mép Bà kể một lèo – Thằng anh nó còn nói ráo hoảnh, nếu mày ở đây thì bê bát hương bố sang mà cúng. Không còn anh em gì nữa. Cấm bước chân về đất nhà tao. Cãi nhau, thằng anh vác dao bầu đuổi, Thuận chạy một mạch về đây, đóng sập cổng lại. Hết hồn quá. Nó còn đứng ngoài réo vào. Con mẹ Tiên, rồi sẽ biết. Đội phóng tay phát động về, mày ra bã. Vậy là thế nào hở Thầy? Tôi lo quá.

Thầy Tế xoa bàn tay Bà, cười nói:

– Tôi quên, nói để Bà vui nhé. Không có chuyện ấy nữa đâu. Không phóng tay phát động nữa rồi. Lệnh trên dừng hết lại, sai đâu sửa đấy. Con Đào được đi học. Tôi được giấy khen của Huyện. Bà được tuyên dương hiến ruộng đất cho dân làng. Các cháu đang làm cơm cúng gia tiên và mẹ nó. Tôi mời Bà sang dự.

– Thế hử? Sướng quá ông nhỉ. Tôi phải đi thôi. 

Bà gọi xuống nhà :

– Chị Na đâu, ra vườn sắp cho mẹ đĩa hoa Lan, cơi trầu để mẹ sang thắp hương bà Lang – Bà quay sang nói với Thầy – Bà nhà ta thích hoa Lan lắm. Tuần, rằm nào hai chị em cũng có đĩa hoa Lan lên chùa.

Đôi mắt ầng ậc nước, từ từ lăn trên gò má nhăn nheo của Bà.

Cháu Kiện bê tráp lễ. Cháu Cây dắt Bà. Ra đến cổng, Thầy quay lại nói:

– Hai chị em sang cả nhà Thầy chứ?

Na đon đả:

– Dạ, cám ơn thầy ạ, Con đã sắp lễ đầy đủ xếp trong tráp lễ. Mẹ con và các cháu đi là vui rồi ạ.   

Sen liền thưa:

– Chiều chúng con sang, đón bà con về luôn ạ.

Dọc đường làng, bà con tíu tít chào hỏi. Không biết từ đâu, ai cũng biết chuyện. Chúc mừng.

– Con chúc ông bà được quan trên khen. Vinh dự cho Khánh Hữu quá.

– Có nhân có quả đấy ạ. Ông bà phúc đức lắm.

– Nhờ ông bà mà chúng con có ruộng, có nhà, xin ông bà nhận ở chúng con một lạy ạ.

Cứ như vậy, Thầy vừa đáp lễ vừa ngượng. Nhất là, người ta cứ gọi ông bà. Thực ra, đã đoạn tang lâu rồi, Hai người mất cùng giờ, cùng ngày. Tục lệ xưa, ông thì không sao, chứ bà phải trọn nghĩa “Tam tòng Tứ đức”. Bây giờ đời sống mới, có khác, nhưng cũng một vừa hai phải thôi. Chắc thằng Bỗng, hết tạc tên lên bia đá, lại bày ra cái trò này.

Con cháu ùa ra cổng đón Ông, Bà. Mấy đứa trẻ ôm nhau tíu tít, đặt tráp lễ lên bàn thờ, rồi lôi vỏ ốc ra chơi ô ăn quan. Chột dạ, Bỗng sợ ông mắng. Trốn. Vang chạy theo, Bỗng hỏi :

– Cậu không chơi ô ăn quan à?

Vang:

– Ứ thèm.

Bỗng:

– Cậu Thanh thích lắm đấy. Sau này học về, sẽ nghiên cứu Đại dương.

Vang:

– Tao thích làm kiến trúc sư.

– Thế còn ruộng đất để cho ai?

– Dính đến ruộng đất làm gì, tranh giành vỡ đầu.

– Con dẫn cậu ra xem xây đền Ông cá Voi lưng gù. Như thế gọi là kiến trúc sư, đúng không.

– Đúng rồi, đền mãi đâu? Đi vào xem những ngôi nhà cát của tao trước đã.

Thì ra lâu nay, Vang bí mật vào rừng thông, hì hục làm những ngôi nhà cát, mơ ước của tương lai. Bỗng hoa mắt. Cái to, cái nhỏ, cao thấp, nhấp nhô như làng Khánh Hữu bên bờ biển. Trầm trồ khen: 

– Ôi đẹp ghê. Cậu tài thật đấy.

– Bí mật, không lại Dạ tràng xe cát biển đông.

Mải mê, hai người không về ăn cơm.