…Một sáng, mặt biển đầy hơi sương, những cụm mây trắng, mây đen lờ đờ sà xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn. Gió yên, biển lặng, mùa cá nam đang vào vụ, những tay sào, tay lưới làng Khánh Hữu, hồ hởi hạ thuyền ra khơi. Người đi đánh bắt xa bờ, người đi thả lưới, câu mực, ai ai cũng nghĩ sẽ bắt được con cá to, to tới mức chưa từng ai bắt được. Thằng Sửu đứng trên mui thuyền của Thuận và anh Tây đen vẫy tay nói lớn:

– Mẹ ơi, chị ơi về đi, chiều mai thuyền về đầy cá ra đón nhé.

Tục đẹp của ngư dân vùng này, mỗi lần nhổ neo ra khơi, vợ con đều ra bờ tiễn đưa và ngóng trông ngày về. Suốt mấy hôm rồi, Thuận và anh Tây đen chuẩn bị vá lưới, vá buồm để ra khơi, thằng Sửu cứ bám chặt đòi đi. Chả là, từ đêm đánh trận giả, khao quân thịt chuột nướng ở Mả Nàng, thằng Sửu quý chú Tây đen ra mặt. Bà Tiên ghét cay ghét đắng cái chuyện ăn thịt chuột nướng, càng ghét nó càng quý chú Tây đen nhiều. Tối qua nó đòi mẹ Sen, cho sang ngủ cùng với chú Tây đen để sáng nay đi sớm. Chiều con chị phải làm theo, nhưng vẫn giấu bà Tiên.

Đứng ở trên bờ nghe Sửu gọi, Sen và Na vừa mừng vừa run, hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má. Mừng vì con đã lớn, ra dáng trai miền biển “ăn sóng nói gió”. Sợ cho nó đi thế này, nhỡ xẩy ra chuyện, không biết ăn nói với bà Tiên như thế nào. Rồi Sen nghĩ lại, hồi bố Tráng còn sống, chiều nào cũng bế con xuống thuyền cho nó làm quen với sóng nước. Anh cho nó tập bơi, tập lặn. Bà Tiên nhiều lần làm ầm lên, anh nói: “thế mới ra dáng con trai vạn chài”. Dần dà nó mạnh dạn, bơi lội hơn hẳn bọn trẻ khác. Một lần mấy đứa rủ nhau xuống biển bơi, không may gặp cơn lốc, vòi rồng cuốn mãi ra xa, một đứa mất tích. Thằng Sửu trôi đi mấy dặm, bao nhiêu trai tráng lặn mò khắp nơi không thấy, lúc quay vào bờ thì Sửu đã ngồi trên bãi nghịch cát…  

Ngày cụ Tiên còn sống, đã cho đóng hai con thuyền lớn để đi đánh bắt xa bờ. Một con, Thuận lái và anh Tây đen đi cùng. Còn một Tráng lái, bây giờ không có ai thay. Hôm nay ở bến đông vui lắm, nhưng chỉ có thuyền củaThuận là đi xa.

Mặt trời lên chưa đủ con sào thì hình bóng Cồn Bà đã hiện dần. Từ ngày chiếm được Cồn Bà, quân Pháp cho đốt lại cây đèn biển, soi đường cho tầu chiến ra vào sông Cái. Trước mặt Thuận là một con thuyền nhỏ đen kịt, đang vật lộn với sóng, lúc nhô lên, lúc ập xuống. Thật lạ, làng Khánh Hữu không ai có con thuyền này, không buồm, không máy, dám lênh đênh ra tận vùng nguy hiểm để làm gì?

Sau vụ đi đánh ám hiệu đón thuyền trên sông Cái thất bại, thằng Bằng nghĩ đến chuyện chạy trốn, gọi thằng Tuyên đến bày mưu tính kế: “Chỉ có con đường ra Cồn Bà là sống, trở lại đời lính, hoặc chờ đợi đi tìm miền đất hứa, chứ không chịu nhục như thế này được”. Tuyên còn nhục hơn, nghĩ vậy nó đã đi dọc bờ biển, may thay, kiếm được con thuyền lạ của ai đó, thế là kéo về. Bằng sướng rên, thằng Tuyên phải cõng ra tận nơi. Để giữ kín, thuyền được giấu trong bãi chim đầy sú vẹt. Đi biển đối với Bằng quá quen thuộc. Lý Khoái hùng hổ, hống hách là vậy, nhưng biết dạy dỗ con cái. Đã là trai vùng biển thì phải biết ăn sóng nói gió, biết đâu là nông sâu, mặn nhạt. Ngay từ bé Bằng đã ba lần, bẩy lượt chìm nổi ở ngoài khơi. Bây giờ chân đau vẫn có thể bẻ lái cho thuyền ra khơi được. Thằng Tuyên non nớt, nhưng cũng không phải tay vừa của làng Khánh Hữu   

Đêm đó hai thằng vội vàng chạy thẳng ra Cồn Bà… 

Thuận cho thuyền mình vượt lên, áp sát vào để cứu giúp. Từ trên boong, anh Tây đen cùng Sửu nhìn xuống, nhận ra thằng Bằng và thằng Tuyên. Át cả sóng gió anh thổi vang một hồi con ốc tù và, rồi hốt hoảng gào to.

– Chúng mày đi đâu?

Sửu cũng hét lên:

– Sao lại ra đây?

Thằng Bằng cố ghìm thuyền, để thằng Tuyên líu ríu trả lời:

– Chúng tao đi đánh cá.

– Sóng to gió lớn, thuyền chúng mày không đi được, quay về – Sửu nghiêm mặt quát.

– Tao không quay – Vẫn thằng Tuyên trả lời.

– Trốn theo Tây à? Tao sẽ bắt sống.

Trong lúc Sửu đối đáp với chúng thì anh Tây đen tung lưới vây xuống, chụp kín hai thằng và cả con thuyền bé nhỏ. Hai người dè chân kéo, vướng lưới, thằng Tuyên lơ lửng, rồi rơi tõm xuống biển. Thằng Bằng giẫy giụa chui ra được, bơi đi mất. Từ trong Cồn Bà có ba phát súng của lính Tây bắn thị uy và một chiếc xuồng máy hơi nước phóng tới.

Thuận cho thuyền mình chạy thật nhanh ra xa tránh đạn và tiếp tục ra ngư trường đánh cá, không dám đụng độ với tàu Cồn Bà.

Chương tám

1

Chiều ấy ở bến cá, các bà các chị ra đón thuyền về, bàn tán xôn xao chuyện thằng Tuyên chết, thằng Bằng bị bắt ở Cồn Bà, một bà nói:

– Khổ cái thằng Tuyên, lấy vợ chưa kịp đẻ, thế là tiệt giống.

– Úi dào – Bà này nổi tiếng ngoa ngoét nhất chợ, tương cho một câu – bốn đời nhà nó, gieo quả nào hái quả ấy, còn thương tiếc gì?

Một ông già nhất làng, chống gậy, tựa gốc cây thông kể vanh vách:

– Ai còn lạ gì mảnh đất cuối làng ấy. Ngày xửa ngày xưa quân của cụ Nguyễn Công Trứ đuổi quân Phan Bá Vành chạy đến đấy bị sa lầy, chết đè lên nhau.

Chả là vùng ấy, bãi lầy ngập đầu người, ai sa xuống chỉ có chết. Hàng trăm năm nay rồi còn gì nữa. Khi xây nhà cho đội Tép, cánh làm móng đào thấy mấy bộ cốt.

– Ghê vậy? Thế rồi sao? – Ai đó sợ, hỏi.

– Còn sao nữa – Ông già nói tiếp – họ lại lấp xuống. Hương Cán thuê thợ ở “chợ người” về làm trộm, chơi khăm lão đội Tép. Cũng chả ai như đội Tép, hống hách, ra vẻ có tấm “thẻ bài” của quan Toàn quyền Đông Dương đòi chia năm sào ruộng. Đấy, tham thực cực thân, làm nhà lên đống hài cốt của người ta. Bốn đời đều đột tử. Đất nuôi sống người, nhưng đất cũng nghịch lắm, giết người như chơi…

Chủ tịch Tế cho gọi Thuận và anh Tây đen lên thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong chủ tịch quyết định: Thuận phải cho thuyền quay ra Cồn Bà ngay, để xác minh và tìm cách cứu vớt người, dù họ là ai cũng phải cứu.

Chủ tịch nói dứt khoát: “Ông và bố mẹ thằng Tuyên đã chết bỏ xác ở đất người. Thằng Bằng đã thua trận, nhưng bây giờ vẫn thân cô thế cô. Thương đấy! Do vậy ta cố tìm được xác họ đưa về bãi tha ma làng, chôn cất cho tử tế kẻo tội nghiệp, khó khăn đến mấy cũng phải làm. Nghiệp chướng nó sinh ra, thì hồn nó phải gánh chịu. Thân xác là cõi tạm, có tội tình gì đâu. Chỉ giữ được da thịt chứ không giữ được hồn nó”.

Nghe lời chủ tịch, Thuận và anh Tây đen vội vã căng buồm dẫn đường ra Cồn Bà. Còi và mấy trai tráng trong làng, bơi lặn giỏi dưới đáy biển, cùng đi, mang theo vũ khí để đề phòng bất trắc có thể xẩy ra.

Chuyến đi biển bất đắc dĩ, nhưng mang nặng nghĩa tình. Bến cá tĩnh lặng, chỉ còn nghe thấy tiếng thông reo nhè nhẹ, sóng biển lăn tăm ì ọp vỗ vào mạn thuyền. Làn sương đêm chưa tan, lan tỏa. từ dưới mặt biển bay lên mang theo mùi tanh tanh, mằn mặn. Da trời hồng hây hây như đôi má cô gái đang ngái ngủ.

Chủ tịch Tế gật đầu, tiễn đưa, nhè nhẹ nói: “Hãy để cho cuộc sống là cuộc sống đích thực, bình yên”.

Thuận cho buồm nhổ neo. Đứng trên mũi thuyền, anh Tây đen thổi từng hồi, từng hồi tù và, phá tan cái không khí: buồn không ra buồn, thương không ra thương, lòng người cứ nao nao, bồn chồn. Từ ngày được đi thuyền với Thuận, anh Tây đen hứng thú lúc nào cũng đeo trước ngực con ốc tù và của bố Sen, ông già đánh cá để lại trên đảo Cồn Bà. Nhiều lúc, anh còn ốp con ốc lên tai tưởng tượng như đang thì thầm nói chuyện với mẹ, ở Ma Rốc, phía bên kia quả địa cầu, mẹ lắng nghe âm thanh của con, qua sóng vĩnh cửu. “Mẹ ơi! người An Nam, tâm lý, tình cảm, hiền lành và nhân ái, dạy con biết làm người, làm ruộng, cấy lúa, đi biển bắt cá. Họ yêu đất nước, đoàn kết vị tha, yêu dân tộc họ lắm Không giết người, tàn ác như thực dân Pháp đâu mẹ à. Con sẽ về”. Hôm nay anh tự tin, thế nào thằng Tuyên cũng nghe được tiếng tù và của anh, vì trước lúc tung lưới, anh đã thổi một hồi dài gọi chúng quay về. Người Châu Phi thường nói: “Những gì nghe được và nhìn thấy trước khi chết, nó theo thân xác xuống mồ”.

Câu chuyện của anh Tây đen trở thành cuộc tranh luận sôi nổi. Còi nói liền:

– Hình ảnh anh tung lưới, nó mang theo đấy, có sợ không?

Anh Tây đen giơ hai tay phân bua:

– Tao có làm gì ác đâu, tao gọi nó quay về chứ.

– Quăng lưới, làm chết người, thế là ác – Ai đó xen vào – Các cụ ngày xưa đã dạy: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đừng vội.

– Tao đã làm lính, sống cùng chúng nó, tao hiểu! Chúng nó ác lắm, cái đầu không có nghĩ, cái tay không sợ máu, nó không phải người An nam như chúng mày. Anh Tây đen hùng hổ nói.

– Gương thằng Toái đấy, vừa chặt đầu cụ Tiên xong thì bị hổ vồ, xé nát thân thể ra còn gì? Vay, trả, cứ vậy mà triền miên. Không chỉ một đời.

Ai đó, vặn lại:

– Vậy, bố con thằng Bằng thì sao?

– Chuyện thằng Bằng với mày đấy – quay sang Còi, anh ta nói tiếp – Cái gì ông trời không cho mình, mà cố lấy về thì sớm muộn gì cũng phải trả lại, mà không trả lại thứ ấy thì sẽ phải trả lại thứ khác, mày thấy không?

Nói đến thằng Bằng, Còi nổi tiết, ông ổng một hồi:    

– Đó là nghiệp thiện từ đời cụ, đời kỵ nhà nó vẫn còn. Đến khi hưởng hết, quả ác phơi bày ra đấy còn gì.

Trước khi làm bất cứ một việc gì, chúng ta cần suy nghĩ cho thấu đáo. Việc này có hại đến ai không? Việc này có hại đến mình không? Việc này đem lại lợi ích gì cho tất cả? Rồi cân nhắc, lựa chọn điều thiện, lành nhất cho chính mình. Nhân quả là bảng chỉ đường giúp ta tìm về thiện lương. Giống như ta gieo những hạt giống tốt cho khu vườn của mình và chăm sóc chu đáo. Đến một ngày, xung quanh ta sẽ là vườn quả ngọt dành cho ta!

Câu chuyện đang rôm rả, anh Tây đen đột ngột ngừng thổi tù và. Lòng tin vào tiếng tù và đã làm anh mê mẩn thổi liên tục từng hồi, từ lúc thuyền rời bến. Mọi người xô lại, nhìn theo hướng tay anh chỉ. Xa xa một chấm đen đang đến gần. Thuận cho thuyền đuổi theo, chấm đen to dần. Còi quăng lưới, vớt lên một khúc ván thuyền bị vỡ, té ra là vậy. Hai thằng vẫn chưa thấy đâu, nếu chết thì xác đã nổi, ba ngày rồi còn gì? Người chết ngâm nước mặn lâu rữa lắm. Nếu còn sống thì sóng sẽ đẩy ra rất xa, biển mênh mông vô tận. Thuận cho thuyền quay đầu, hướng về Cồn Bà. Còi phát lệnh bắn ba phát súng chỉ thiên để thăm dò. Mãi lâu Cồn Bà mới đáp trả, nghe nhỏ và rời rạc chứng tỏ chúng chỉ có súng bé. Thuận cho thuyền dừng lại ngoài tầm đạn. Tất cả trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Anh Tây đen thổi ba hồi tù và, không thấy động tĩnh gì, rồi nói bằng tiếng Pháp:

– Que fais-tu ici?. (chúng mày làm gì ở đây?).

Hỏi đến ba câu, mới có tiếng trả lời:

– Allumer le panneau. (đốt đèn biển).

Nín thở, anh Tây đen hỏi tiếp:

– Combien de personnes sont la? (có bao nhiêu người?).

Tiếng trả lời át đi trong gió và sóng biển, ghểnh tai, anh Tây đen mới nghe được và phán đoán:

– Seulement moi. (Một mình tao).

Mọi người chưa tin, vẫn đề cao cảnh giác.

Hai bên líu lô, lúc to, lúc nhỏ yếu ớt. Hỏi về thằng Bằng thì nó nói: Chúng tao bắt được nhốt nó ở đây. Lệnh quan trên, sáng qua tầu há mồm ghé vào đón đi rồi. Rất đông, chúng đi tìm miền đất hứa.

Còi cho nổ ba phát súng ra lệnh rút lui. Cồn Bà không đáp lại, chắc sợ. Anh Tây đen thổi hồi tù và dài. Thuận cho thuyền quay đầu, trời đã xế chiều.

Ba ngày sau một buổi sớm, người đi chăn vịt thấy một xác chết nằm giắt vào cây vẹt ở bãi chim.

Xác của thằng Tuyên, trương phềnh, trắng bệch dạt vào đây. Chủ tịch Tế cho lệnh vớt về, chôn trong bãi tha ma Hoang Điền. Đám tang chỉ có vợ hắn, thì cả nhà chết hết, còn ai nữa đâu.

Tránh chuyện đồn đại ma quỷ, chủ tịch Tế giao cái Đào (vợ hắn) cho Na dạy đỡ đẻ ở nhà hộ sinh, tạm thời chuyển về trông coi nhà thằng Bằng, rồi tính sau. Nhà cũ ở cuối làng, tháo dỡ để khai quật mười ba hài cốt vô danh quy về Hoang Điền.

Khi đất không lành, chim không làm tổ.

Dẹp yên mọi chuyện huyền bí lâu nay qua “miệng dân sóng biển”.

2

Thằng Bằng đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn chạy theo miền đất hứa. Như nhổ được cái gai, xóm làng yên vui, vợ chồng Còi dứt được hận thù, dù có phải đi đâu, Còi cũng yên lòng. Chuyến này sắp phải đi xa thật.

Kể từ ngày cụ Tiên và dân làng quý mến: Tổ chức cho đám cưới, cho nhà cửa, hai vợ chồng hăng hái lao vào công việc. Rồi chiến sự liên miên, bom đạn gây bao đau thương, nên không có lúc nào cùng nhau trò chuyện.

Trăng nhà quê vằng vặc, tĩnh lặng, sáng đến hồn nhiên, thanh thản, gió từ biển thổi vào nhè nhẹ. Đồn Mả Nàng chắn đập đầu nguồn, nước sông Nê cạn, nước biển ngấm vào, làm các giếng làng mặn chát. Giặc dã tràn về, chiến sự xẩy ra, mất mùa, đói kém không còn ai nghĩ đến sửa sang giếng nước. Mỗi trận mưa, hấng được vài chum sành để ăn dần, còn tắm giặt cả làng phải ra sông Nê.

Đêm nay, Na ra sông gánh nước, cứ thế đứng thần người, nhìn ra phía ngoài sông. Một dòng ánh bạc, đang im lặng trườn về phía trước. Có tiếng gì đó. Tiếng gió? Không phải. Tiếng sóng? Không phải! Na không biết là tiếng gì. Một tiếng thầm thì, triền miên từ từ dâng lên, lan đi theo ánh trăng. Đấy là tiếng dòng sông. Na yêu dòng sông Nê từ ngày còn nhỏ. Dòng sông có sức sống và đã bao lần cứu vớt Na. Dòng sông đã ghi lại ký ức cuộc đời. Dòng sông đã làm nên câu chuyện cổ tích: “Sông Nê có con thuồng luồng cái, giống người, hai vú như hai qủa đào tiên chọc thẳng lên trời cao. thường hiện về những đêm trăng sáng”. Ôi! mênh mang trong tâm hồn bao người…

Có tiếng động, không quay lại vì hai thùng nước trên vai nặng trĩu, Na hỏi:

– Ai đấy?

– Để anh gánh cho. Còi ghìm đòn gánh, nước sóng sánh tràn ra. Nói tiếp. Bấm chân mà đi kẻo ngã đấy em à.

– Gớm, hết cả hồn, chờ mãi chả thấy về thì phải đi chứ sao! Hai thằng Kiện và Cây không có nước tắm ngứa điên, gãi suốt ngày.

Còi:

– Mặc chúng nó, ngồi xuống đây nghỉ tý đã.

Na:

– Trời ạ, nhà còn bao nhiêu việc, họ kéo lúa xong chưa?

Còi:

– Đang kéo, tý nữa về làm nốt. Anh bảo này.

Na:

– Gì nữa?

Nói vậy, nhưng Na vẫn ngồi xuống bãi cỏ, Còi vòng tay ôm vợ vào lòng. Hơi bất ngờ. Na khẽ tựa đầu vào bờ vai chồng. Vuốt mái tóc khô lâu ngày không gội mang theo mùi tanh cá biển, chạnh lòng, thương vợ. Còi nghĩ.

Cơn gió lạnh từ ngoài biển ùa vào, trăng sáng, da trắng. Sinh đẻ xong, khai hoa nở nhụy, vỡ da vỡ thịt, hạnh phúc rạng ngời. Nhưng bao nỗi đau, đang đè nặng. Vết thương lòng còn giấu kín được, những vết bầm trên thân thể, mãi mãi khắc sâu hận thù. Một đôi lần gió bật tung dải yếm đào, ánh trăng soi tỏ, sẹo to, sẹo nhỏ hằn sâu trên tấm lưng trắng ngần của Na.

Na òa khóc nức nở, bao đau thương, tủi hờn và uất hận dồn nén, bây giờ bung ra. Đời người họa phúc luân phiên, vui buồn luân chuyển giống như một trái tim được chia thành hai ngăn. Một bên là nơi cư trú của niềm vui. Một bên là nơi cư trú của buồn phiền. Vui buồn đang xáo trộn trong trái tim Na. Khúc hoan ca trong muôn trùng sóng gió.

Còi ôm chặt Na:

– Vui chứ, sao lại khóc?

Na hổn hển trong nước mắt:

– Anh có thực lòng yêu em không? Tất cả đã phơi bày trên người em đấy. Đã mất tất cả, không biết lấy gì đền bù cho anh.

  Còi luồn tay vào yếm vợ, dịu dàng, vụng vị, xoa nhẹ lên hai trái đào tiên:

– Con thuồng luồng trên Sông Nê của anh, đền đi!

Na:

– Nhớ dai thế.

Còi:

– Những gì đẹp đẽ nhất mãi mãi tồn tại, những gì xấu xa em hãy quên đi, bởi vì thứ ấy chưa bao giờ thực sự thuộc về mình.

Na đấm thùm thụp vào lưng Còi. Cái đêm ấy không đẹp như đêm nay, tối đen mù mịt. Cái chết từ từ ập đến. Trời đổ mưa, trôi đi tất cả chỉ còn lại tình yêu.

Còi:

– Bơi nhé? Như đêm hôm ấy…

Na:

– Không, muộn rồi.

Còi kéo Na ra tận mép nước. Hai người giằng co mãi. Đành chịu:

– Anh gội đầu cho vậy?

Na rụt rè, ái ngại, nghĩ đến cái đầu trọc lốc, bôi vôi ngày nào, Na giẫy nẩy:

– Không!

Còi:

– Đâu còn dấu vết gì. Cây thông hành quyết ngoài bãi cát đã chặt rồi. Thời gian đã phủ đầy xanh mướt.

Còi gỡ tung búi tóc Na.

Na cúi đầu xõa tóc. Nhanh thật, mái tóc đã dài chấm gối, bồng bềnh dưới ánh trăng. Còi múc từng gáo dội, từ từ, mát lạnh. Những ngón tay thô ráp của trai vạn chài, gãi vào da đầu cô thôn nữ, như luồng điện giật đê mê, êm ái. Na khóc nấc lên:

Còi dừng tay:

– Gì vậy em?

Na dậm chân, tức giận:

– Sao cạo đầu em, nước vôi xót quá.

Còi dỗ dành:

– Quên đi mà,

Nói rồi, Còi khe khẽ dội từng dòng nước mát xuống đầu. Cánh đồng khô hạn, nứt nẻ bao ngày, nay gặp cơn mưa rào, sấm chớp. Na sung sướng tỉnh người.

…Bất chợt, Còi nhớ đến hình ảnh A Hoa và các cô gái Sán Dìu gội đầu dưới suối Nậm Thy, tung tóc như thác nước mờ sương. Quay lại, Na hỏi:

– Nghĩ gì vậy?

Còi giật mình, mặt nghệt ra:

– Không!

Na:

– Nhớ em Hoa à?

Còi đánh trống lảng:

– Cúi xuống, tiếp tục nào?

Na cảm thấy người mình nóng lên. Còi xoay lại, ôm chặt lấy Na, họ quay cuồng, say đắm trong những nụ hôn dài trên môi, trên mái tóc…

Na:

– Về thôi anh!

Còi:

– Mai gội bồ kết cho thơm nhé.

Na:

– Vâng!.

Còi:

– Na à… cho anh…

Na:

– Để dành, bao giờ anh đi.

Còi:

– Lâu thế?

Na:

– Chịu đựng tý mà.

Còi kẽo kẹt gánh nước đi trước, từng đợt sóng dập dềnh trong ang dưới cành lá ruối. Na thủng thẳng đi sau, tay cầm chùm me đất, hoa vàng, hái vội làm thuốc ho cho các con.

Về đến nhà, mọi người đang hối hả trục lúa. Sáng nay đi gặt ba sào ruộng ở cánh đồng trên. Nhân thể gặt luôn cho cả nhà thầy lang Tế. Sân rộng tung hết lúa ra kéo trục, ngày cụ Tiên còn sống, cứ mỗi lần trục là phải năm đôi kéo đá. Bây giờ chỉ có bốn đôi. Thuận kéo, Thanh đẩy. Bỗng kéo, Sen đẩy. Tồn kéo, Mộc đẩy. Anh Tây đen kéo, Sửu đẩy. Các đôi, nối đuôi nhau kéo vòng quanh sân, vòng to rồi vòng nhỏ, vòng ngang lại vòng dọc. Dưới ánh trăng người và bóng đuổi nhau không bao giờ bắt được, nhộn nhịp, vui mắt. Tiếng kêu kẽo kẹt, tiếng người cười đùa hòa cùng mùi thơm lúa mới. Mộc và Tồn có mặt ở đâu là vui đấy, đủng đỉnh kéo, rì rầm Mộc kể chuyện:

 – Ngày xưa có một ông vua ngồi trong hoàng cung nghe thấy tiếng rao ngoài cửa sổ: “Vú sữa nào, vú sữa ngon đây!”. Vua thấy thèm bèn gọi quan Nhất phẩm đến nói: “Đây là năm đồng tiền vàng, đi mua vú sữa cho ta”.

Quan Nhất phẩm gọi quan Cửu phẩm nói: “Đây là bốn đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa”.

Quan Cửu phẩm gọi quan bộ Lễ nói: “Đây là ba đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa”.

Quan bộ Lễ gọi đội trưởng thị vệ nói: “Đây là hai đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa.”

Đội trưởng thị vệ gọi một người lính canh và nói: “Đây là một đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa”.

Tên thị vệ bước ra tóm cổ ông già: “Này, ông đang hò hét cái gì vậy, xéo khỏi đây ngay, tịch thu hết vú sữa.”.

Ngừng một lát để thở lấy sức, mất đà hòn đá trục tý văng vào chân, Mộc kêu trời. Tồn giục:

– Sao nữa, tiếp đi.

– Đoạn cuối mới hay, mọi người có nghe nữa không? – Mộc quay qua hỏi, chưa ai kịp trả lời, đã tự trả lời lấy – Ừ thì kể:

– Thị vệ quay về nói: “Đây, thưa đội trưởng. Một đồng tiền vàng được một nửa xe vú sữa”.

Đội trưởng đem đến quan bộ Lễ: “Đây, thưa ngài, hai đồng tiền vàng được một bao tải vú sữa”.

Quan bộ Lễ gặp quan Cửu phẩm: “Đây, ba đồng tiền vàng được một túi vú sữa”.

Quan Cửu phẩm đến gặp quan Nhất phẩm: “Đây, bốn đồng tiền vàng được một nửa túi vú sữa.”

Quan Nhất phẩm xuất hiện trước mặt vua: “Thưa bệ hạ, như ngài đã ra lệnh, năm quả vú sữa đây ạ.”

Vua ngồi trong cung điện ngẫm nghĩ: “Năm quả vú sữa, năm đồng tiền vàng, vị chi mỗi quả vú sữa một đồng tiền vàng, quá hời. Cần tăng thuế ngay.”

Thế là cái gì cũng tăng lên vù vù, dân chết đói.

Không biết Mộc lấy cái chuyện thổ tả này ở đâu ra. Thâm thúy, cười chảy cả nước mắt. Chủ tịch Tế ngồi trên hiên rít hơi thuốc lào, cười nói:

– Anh định ám chỉ chủ tịch đấy phỏng? Không đâu, mùa trước vỡ đê lụt lội, mất mùa. Sông Cái đổ phù sa về, mùa này lúa tốt trĩu bông, hạt mẩy. Dân no đủ, mừng chứ, sao lại tăng thuế.

Đúng vậy, cây lúa mùa này nặng trĩu hạt, luôn oằn mình xuống thấp “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”.

Đá lăn, hạt thóc gắn trên thân lúa từ từ rụng xuống. Giũ rơm ra, để lại trên sân toàn thóc là thóc, chắc mẩy, vàng rộm. Thấy Còi và Na về, tất cả dừng lại giữa sân. Thằng Sửu nhẩy cẫng lên:

– Anh Còi, kẹo em đâu?      

Còi:

– Đâu có đó.

Còi đổ gánh nước vào chum rồi vội vàng ra sân. Từ nãy giờ hai thằng Kiên và Cây vẫn ngồi trong lòng bà Tiên ở trên hiên. Bà nói:

– Mẹ Sen và Na đi thổi cơm kẻo muộn, lấy gạo đỏ mới mà nấu. Vớt mấy con cá tươi làm bát canh riêu. Anh Còi vào kéo trục đi.

Thả hai thằng xuống, bà Tiên vào ban thờ ông Tiên, thỉnh ba hồi chuông, cầu khấn. Hai thằng bám lấy mẹ Na đi thẳng vào trong bếp. Sen nhìn Na cười:

– Con gội đầu à?

Na:

– Vâng, có nước dì gội đi, mai con gội cho hai thằng, sợ đêm lạnh.

Sen liếc nhanh rồi hỏi khẽ:

– Ừ. Lúc nãy có “ấy” không?

Nghĩ giây lát, Na đấm vào lưng Sen.

– Dì….

Sen:

– Nhìn mắt là dì biết, môi còn mọng lên kia kìa.

Na:

– Ôi chết. Hai tay sờ lên môi, rồi mím chặt.

Sen:

– Không ai biết đâu, chỉ có dì thôi. Đêm nào con cũng ôm ghì lấy dì, gọi tên anh ấy. Phận đàn bà đơn côi mà con…

Mâm cơm được dọn ra giữa sân, ngồi ngay lên đám rơm đang trục còn đầy thóc bên dưới. Bát cơm gạo đỏ thơm lừng quyện với mùi mực nướng, tôm kho, cá rán, canh chua và cà nén vớt ra từ trong vại đầu hè thật quyến rũ, no đủ, hương vị đặc sắc của người miền biển. Thầy lang Tế, đỡ bà Tiên từ trong ban thờ ông Tiên ra. Quấn lại khăn, bà ngồi bên các cháu. Nâng chén rượu thuốc, thầy chúc:

– Lâu rồi mới có cuộc vui như vầy: Hạnh phúc, viên mãn, tố hảo. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhiều thóc gạo – Chúc mừng!

Cả nhà vui vẻ, tạm thời buông bỏ những đau khổ, mất mát để cho cuộc sống thêm vui, thêm sức lực và niềm tin vào ngày mai.

Chủ tịch Tế ngừng đũa, bịn rịn nói:

– Đây như là bữa cơm vui, tiễn chân anh Còi và anh Tây đen. Xã cũng đã nhận được tin. Anh Còi bổ sung vào lực lượng đặc biệt. Anh Tây đen được hồi hương về quê mẹ.

Không khí tĩnh lặng, cả mâm cơm chùng xuống, có tiếng nấc sụt sùi. Sửu đang ngồi bên bà Tiên, bỏ bát đũa nhẩy vào lòng anh Tây đen. Na bế con, lau nước mắt chạy nhanh vào bếp.

3

Sáng nay sân đình Khánh Hữu đông nghịt. Chủ tịch Tế đã không cho ủy viên văn hóa Bỗng thông báo lên loa phóng thanh vì đêm qua Còi đã khẩn cấp đi rồi. Tối mật mà. Nhưng không ai bảo ai, từ rất sớm họ đã kéo ra chờ đợi. Sân đình, nơi chứng kiến bao thăng trầm lịch sử: vui, buồn, đau thương, mãi mãi ghi sâu vào tâm khảm người dân Khánh Hữu.

Đã mấy ngày nay Chủ tịch Tế động viên anh Tây đen rằng:

– Người Việt Nam và người Ma rốc tuy cách xa nửa vòng quả đất, nhưng đều làm nô lệ cho thực dân Pháp.

Anh Tây đen bịn rịn:

– Có được ngày hôm nay, cháu vô cùng cám ơn ông. Cám ơn dân làng Khánh Hữu đã cứu sống cháu, nuôi cháu, dạy dỗ cháu nhiều điều tốt đẹp. Cháu đã bỏ súng xuống để làm người tử tế. Cháu nhớ mẹ, nhớ những người da đen ở bên kia quả đất. Ước gì có một con thuyền, cánh buồm đỏ thắm để đón các ông đến đất nước cháu và cháu luôn về thăm. những ân nhân của cháu.

Xúc động, thầy lang Tế nói:

– Chắc chắn là như vậy. Ở Cồn Bà chúng tôi đang thờ con thuyền, và thần tượng người ngư dân sẵn sàng căng buồm vượt trùng dương đưa chúng tôi đến năm châu bốn biển. Con ốc tù và, là vật thiêng dẫn đường đã được thành hoàng làng, chứng giám.

Anh Tây đen sung sướng tiếp lời:

– Vâng, thưa ông cháu rất thích. Và…

Nói đến đây, đội nhi đồng do Thanh chỉ huy, nổi vang trống ếch, tiến vào sân đình. Sửu đi đầu tay nâng cao con ốc tù và, đến trước mặt chủ tịch Tế, Thanh dõng dạc nói:

– Kính thưa chủ tịch. Chúng con quý mến anh Tây đen, trước khi anh về với quê hương, chúng con xin tặng con ốc tù và do bàn tay chúng con làm ra, để làm kỷ niệm những ngày đã sống ở miền biển Khánh Hữu. Vật thiêng này đã bao lần dẫn đường cho anh vượt qua sóng gió biển khơi.

Thì ra, mấy ngày nay, được tin anh Tây đen hồi hương, Thanh và Sửu đã bàn với nhau làm một cái tù và bằng ốc vàng để tặng. Lâu nay anh rất thích, muốn xin cái tù và thiêng, thờ ở trong cung cấm đình làng, nhưng không dám nói. Trong mấy đêm vừa rồi Sửu cùng anh tâm sự. Anh ấy nói.“Tao không biết ngoại ngữ, nhưng mày nghĩ cái gì, hay nói gì, tao cũng có thể biết được ít nhiều, mày thử nghĩ điều gì đi, tao sẽ nói cho mày xem có đúng không?”. Ừ đúng thật, anh ấy thích cái tù và thật. Thanh lục tìm trong bộ sưu tập vỏ ốc, hến của mình. Sửu đi thật xa, lặn xuống đáy biển mấy lần mới kiếm được con ốc ưng ý. Nhờ chú Thuận có kinh nghiệm, cưa, đánh bóng, mài đít, khoét lỗ mới tạo ra được tiếng kêu vang và sắc nét. Mẹ Sen tặng cho dây ốc nhỏ, đủ mầu sắc rất đẹp, mẹ bảo cứ cho chú rồi mẹ làm cho Sửu và Thanh mỗi đứa một dây khác đẹp hơn. Đêm qua, mãi khuya mới xong mọi việc, sáng nay mang ra đình sớm.  

Những tràng vỗ tay vang lên. Mọi người mang theo nào khoai sắn, hạt lạc, hạt vừng, củ hành, củ tỏi để anh mang về quê hương làm giống. Anh thường nói: anh đã biết trồng khoai, cấy lúa, đi biển đánh cá… Quê anh nhiều đất, nhưng người không yêu đất, nên đất không nuôi người. Anh sẽ về, làm cho đất biết nói, biết thương yêu người. Tất cả quả đất này, người không còn đổ máu, đất không nhuộm máu người.

Theo lệnh chủ tịch, Bỗng và Nho nổi một hồi chiêng, trống. Chính điện ngát hương, mọi người tuần tự mang lễ vật vào dâng lễ, xin Thành hoàng cho phép anh Tây đen mang theo con ốc tù và, cùng các hạt giống về bên kia quả đất gieo trồng. Cầu cho cây cối sinh sổi nẩy nở, đâm hoa kết trái. Muôn kiếp nhân sinh ấm no, hạnh phúc.

4

Chuyện cả nhà Toái bị Hổ vồ, xéo nát cây vườn, rồi mấy đêm sau mò về bản, bắt một con lợn, một con dê non của nhà Á Theng, làm dân bản Núi Đèo hết hồn. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, người Sán Dìu có bao giờ bị như thế này đâu. Phá rừng, đã làm thần rừng, thần đất nổi giận. Á Bung lập đàn tế thần ba ngày ba đêm, cắt tiết dê, chặt đầu lợn dâng lễ. Chả biết có phải Hổ sợ hay ăn no, chán không về. Nhưng vẫn còn vết chân xuống suối uống nước. Dân bản trách Á Bung đưa người về bản, mang theo nghiệp ác nên phải trả ác. Thằng Á Theng, đôi lần uống rượu, chặt cây rừng cho nhà Toái nên phải gánh hộ. Đã cố giữ kín lời dặn của chủ tịch Tế, nhưng cái gì đến nó sẽ đến, có quả ắt phải có nhân. Tai họa xẩy ra đều do hành vi phá hoại tự nhiên của vợ chồng hắn. Á Bung giải thích mãi, dân bản vẫn không nghe, lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Đêm nào cũng vậy, Á Bung cùng mấy trai bản đi tuần tra canh gác, đốt lửa đuổi thú dữ cho dân bản yên lòng. Những đường mòn, lối mở đều đặt bẫy, vẫn chẳng bắt được con nào, càng thêm khó xử. Một số kẻ xấu, tức giận, đòi phá nhà mồ, tro cốt trôi sông, trôi suối. Đuổi con ma ác ra khỏi bản.

Trưởng bản Á Bung cúi đầu chịu tội, xin mọi người cho phép làm lễ từ bỏ Núi Đèo, mảnh đất nghịch này, di bản về Khe Cau bằng phẳng mầu mỡ, đất của tổ tiên để lại.

…Cách đây không lâu, công binh xưởng đóng ở Khe Cau đã được lệnh rút lui. Thực dân Pháp trên các chiến trường đã thua trận, rút về nước. Đất Khe Cau trả lại cho dân cày cấy. Thế là gần một trăm năm, mảnh đất này từ tay chủ đồn điền vua chúa, sang tay người Pháp. Người Nhật cướp lại, rồi đến Công binh xưởng. Một vòng tròn thời gian, đi hết năm đời người Sán Dìu. Biết bao thăng trầm, máu và nước mắt đổ xuống, mới giành lại được?…

Cả dân bản hả lòng, hả dạ, mừng rỡ. Sáng sớm tinh mơ đã xuống Khe Cau nhận nhà, nhận đất. Người già còn nhớ đất cũ nhà mình ở đâu thì nhận ở đấy. Người thích đất thì chăng dây cắm cọc, tìm chỗ mầu mỡ thuận tiện. Người cần nhà thì tìm gian nào đẹp nhất của Binh xưởng để lại. A Hiêng gọi Á Bung, chỉ vào mảnh đất vuông vắn ở giữa vườn nói:

– Mình làm ba gian nhà ở đây, một gian cho thằng con trai Á Beng, một gian cho vợ chồng, còn một gian làm bếp, được không?

Á Bung vừa đi, vừa trả lời:

– Tùy A Hiêng mà. Mình còn lo tìm nơi làm nhà cộng đồng và trạm xá cho bản đã.

– Việc nhà thì không lo, lấy chỗ nào mà ở. Vậy quyết nhé. A Hiêng dỗi vùng vằng bỏ đi.

– Cũng được. Á Bung nói nhè nhẹ như nói cho chính mình. Làng có y tá rồi mà chưa có trạm xá đấy.

…Thằng Xoa được Công binh xưởng cho đi học lớp y sỹ, hôm ra trường, về đây thì xưởng đã chuyển đi, biết đâu mà tìm. Á Bung bảo với nó:

– Ở nhà vậy, tao xây trạm xá, mày tha hồ mà vùng vẫy, chữa bệnh cho dân bản. Chỉ sợ lợn què chữa lợn lành thôi.

– Cậu nói gì vậy?

Xoa tự ái chỉ muốn bỏ đi, nhưng nghĩ lại. Binh xưởng cho đi học, bản Khe Cau đã nuôi mình, làm đâu mà chả được, nên vội vàng hỏi:

– Còn thuốc men thì sao?

– Đầy trên rừng đấy. Hồi Nhật chiếm đóng, bác sỹ Sato đã tìm được bao nhiêu cây thuốc quý trên rừng. Mộ ông, đặt trên đỉnh núi bàn cờ. Cả dân bản quý mến.

Xoa ngạc nhiên:

– Thế hả cậu?      

– Tao sẽ cho người dẫn đi. Á Bung nói như ra lệnh. Mày cũng đã học được nhiều cách bào chế thuốc của thầy lang Tế rồi. Hôm đi thầy chả dặn là gì. Nghề thuốc là nghề chữa bệnh, mang lại hạnh phúc cho người, nhớ chửa? Làm đi, làm tốt đi, chữa bệnh cho cả người Mường, Lô lô, Tày, Dao ở vùng này nữa.