Phần 23

Cửa bàn giấy đồn trưởng vẫn ồn ào, hỗn độn. Nhanh như cắt, Nho xông vào hầm giam, dùng dao thái thịt, cắt dây trói và dẫn anh em đi ra lối sau, chui qua rào giây thép gai, chạy trốn. Quay lại sang hầm giam Na, Nho thấy một thằng lính đang đứng nhìn. Từ phía sau Bỗng cầm cây củi giáng một đòn chí mạng vào đầu, tên lính chết tươi. Nho và Bỗng kéo hắn đến đặt ở cửa hầm, phi tang. Nồi cá kho ở bếp, hết nước khét mù, Nhân thể, Nho cho mồi lửa cháy luôn bếp. Bỗng kéo hai bao gạo ném vào, triệt đường lương thực, lửa cháy đùng đùng. Cả hai người tập trung gào to, cháy nhà. cháy nhà rồi. Binh lính ở cửa bàn giấy chạy lại, tập trung cứu hỏa, vơ vét tý gạo cháy sém may ra còn ăn được, không chiều nay chết đói. Thế là có nhiều thời gian cho anh em ở phía ngoài chạy trốn. Còn Na tìm cách cứu sau, đành vậy. Bỗng nháy mắt, Nho hiểu ý.   

Loạn cả lên, không biết đâu mà lần, đồn trưởng, đồn phó chạy ra, chạy vào, đôn đáo, gặp thằng lính nào cũng tát tai, đấm đá lung tung quát tháo:

– Đuổi theo bắt chúng nó về đây cho tao.

Toái cầm đầu một toán xông ra cổng. Cánh quân yểm trợ phía Khánh Hữu nổ một tràng trung liên. Khiếp đảm, Toái kéo nhau chạy thục mạng, quay về. Đồn trưởng Bằng ra lệnh, kéo xác thằng lính đang nằm trước cửa hầm giam, vào giữa sân. Không ngờ nó còn sống, mồm ú ớ nói không ra tiếng, hai tay chỉ chỏ lung tung. Trông hắn thảm hại, máu me đầy mặt bị một thanh củi đập vào, may chưa vỡ sọ. Dưới bụng bị một nhát dao đâm ở phần mềm, chưa thủng ruột, ngực còn phập phồng thở dốc. Mấy thằng lính khẽ nói với nhau “Nó cùng làng với tao, mới cưới vợ được ba ngày thì bị bắt vào lính, vì bố nó không có thóc nộp tô cho nhà Lý Miên”. “Mẹ kiếp, đứa nào chả thế, phải lấy mạng sống ra đổi lấy đất, lấy thuế má, tô tức. Khốn nạn thật”.      Xì xèo một lúc, bọn lính bấm nhau trốn sạch, không đứa nào dám đến gần, sợ nó chỉ vào mình là người giết nó thì bỏ mẹ. Duy nhất chỉ còn lại đồn trưởng và đồn phó, tay nhăm nhăm súng đứng nghe, phán đoán theo bàn tay chơi vơi chỉ trỏ của nó. Chẳng hiểu cái chết tiệt gì, cáu tiết, thằng Bằng bóp cò bồi thêm một phát đạn. Kết liễu đời lính của anh nông dân nghèo, không có thóc nộp tô. Nho và Bỗng thở phào, dọn dẹp tro tàn trong bếp.

Sáng hôm sau, đồn trưởng Bằng mở trận càn vào Khánh Hữu. Trước khi xuất quân hắn tuyên bố hùng hồn sẽ tiêu diệt sạch bọn phiến loạn và bắt hết, đốt hết. Những gì nói trước thì bước không qua, chúng đã không tiến được một tấc đất, súng các loại nổ ầm ầm. Các cống làng Khánh Hữu đều đóng chặt. Từ bên trong công sự giao thông hào Thắng chỉ huy, tiết kiệm đạn, bắn rất ít, cứ bắn tỉa từng thằng, bắn viên nào trúng viên ấy. Ở bên ngoài bọn lính chả biết đâu mà lần, nên chết không kịp kéo xác về. Có đứa nằm vắt trong bụi tre, mấy ngày sau thối hoăng mới moi ra được. Bị nhiều đòn đau như vậy, nhưng chúng vẫn lùng sục, tìm kẻ đã lấy thủ cấp của ông Tiên, bắt bằng được những đứa chạy trốn. Một lần, quân ta truy kích, chúng hốt hoảng vất cả súng ống xuống ruộng, chạy thoát thân, một thằng chạy lạc vào khu tản cư trên bờ đê. Thấy giặc, mọi người xuống hầm trú ẩn. Đang đói, vớ được rổ khoai luộc của nhà ai đó, vừa vớt ra nóng hổi, thằng lính lạc đường, bê cả rổ khoai lang ra sườn đê ngồi thụp xuống ăn. Đang nhai nhồm nhoàm, bất thình lình một viên đá ở đâu bay tới, trúng vào mắt phải, rồi một viên nữa trúng giữa trán, những dòng máu đen từ con ngươi chảy tràn xuống má, không nhìn thấy gì nữa, hắn nằm vật ra kêu la như lợn bị chọc tiết. Từ đằng xa lũ trẻ hò reo chạy tới, đi đầu là Sửu và Thanh, mỗi đứa cầm trên tay cây ná gỗ, cao su chạc ba. Thì ra chúng đã nấp trong bụi tre trên sườn đê, chờ cơ hội, bắn tới tấp những viên đạn bằng sỏi đá, tiêu diệt tên lính đói này. Tất cả lũ trẻ xúm lại, vần thằng lính từ trên sườn đê lăm tùm xuống sông. Nó lạy van, năn nỉ, xin tha tội để về quê cày cuốc nuôi mẹ già, nhưng không kịp nước lũ đã cuồn cuộn, cuốn ra tận giữa dòng. Cả cuộc đời đi lính cho Tây, may lúc chết trong bụng có nửa củ khoai lang, không thì nó sẽ trở thành con ma đói.

Đoàn “tù binh” ra khỏi hàng rào dây thép gai đồn Mả Nàng, đi ngược ra sông cái, thấy con thuyền bỏ không của ai đó, mọi người vội vàng nhảy lên đi thẳng ra biển. Từ trong đồn vọng ra tiếng súng, tiếng người rồi lửa bốc cháy, khói đen bốc lên cuồn cuộn. Lẫn trong âm thanh hỗn độn ấy có cả tiếng hô hoán, đúng là tiếng thằng Bỗng và thằng Nho: “Chạy nhanh lên anh em ơi, cháy nhà rồi, cháy nhà rồi. Tất cả binh lính vào đây cứu chữa, chạy đi anh em ơi”. Đúng rồi ám hiệu của hai thằng, vừa hô quân lính đến cứu hỏa, vừa báo cho bên ngoài chạy thoát. Tài thật, Bố thằng đồn trưởng cũng không đoán được. Vượt qua sông Cái, con thuyền chạy thẳng ra biển, bóng dáng đồn Mả Nàng không còn nhìn thấy đâu nữa. Vùng sông nước này đối với anh em thuộc như lòng bàn tay, ngày nào chả ra khơi ra biển. Thuyền vòng về bến cá, lên chợ, nghe ngóng một hồi rồi chia nhau về Khánh Hữu. Chợ cá là giáp danh giữa vùng tề và tự do, nên mỗi người phải đi một ngả. Ai vớ được gì, mang cái ấy theo người. Người vác tấm lưới, người vác te, người vác dậm, cắp rổ cá để không ai nhận ra mình bị bắt, đi báo cho địch. Nghe người đi đường nói láo nháo, dân Khánh Hữu đã tản cư ra hết bờ đê, còn trong làng thì bắn nhau đì đoàng suốt ngày, chết như rạ. Thấy vậy mọi người nháy nhau đi thẳng ra bờ đê xem sao. Từ xa thằng Sửu đang thả diều trên đê nhìn thấy reo lên và dẫn về từng nhà, vợ con mừng rỡ. Khi nhận ra, không thấy Na, Sửu hậm hực suốt buổi, “các chú tồi, chỉ biết lo lấy thân mình”. Tối ấy tất cả các nhà tụ họp trên mặt đê, dưới trăng lưỡi liềm đầu tháng, ăn củ khoai lang, uống bát nước vối nghe kể chuyện. Ai ai cũng thi nhau kể về sự tài tình của Nho và Bỗng đã nhanh chí khôn cứu người. Lâu nay cứ bảo nó là thằng mõ, nhưng lúc hoạn nạn mới biết ai là bạn, ai là thù. Vợ Nho vừa nghe vừa khóc sướt mướt thương chồng. Các bà các chị ngồi bên an ủi: “Mày không phải lo cho nó, nó không giết thằng Toái thì thôi. Khôn khéo, nhanh nhảu, chưa biết chừng lại mò về nằm bên vợ lúc nào ấy chứ lỵ”. Vui một tý thôi, chứ khi nói đến Na thì không khí im lặng hẳn. Thương nhớ, đau khổ, tý tuổi đầu mà phải gánh chịu cho muôn kiếp người. Còi căm hận, hai bàn tay nắm chặt, gân nổi lên cuồn cuộn, đứng phắt dậy chạy xuống sườn đê, bơi qua sông sang đồn Mả Nàng cứu Na. Thắng cho người chạy theo.

3

Á Pàu chết đã qua thất tuần, dân bản họp, nhà cộng đồng đông nghịt, người gìa, người trẻ trong bản rủ nhau đến sớm. Từ ngày trưởng bản mất, dân bản buồn, không hát soọng cô và nhẩy lửa, ngay lễ cúng cơm mới vừa rồi cũng làm đơn sơ, nhà nào cúng nhà nấy, bản không mở hội. Chưa bao giờ trong bản, trên nương lại im ắng, lạnh ngắt như vậy. Tối nay nhà cộng đồng mới thấy có tiếng cười, tiếng hát nhè nhẹ. Mọi người rôm rả bàn chuyện bầu trưởng bản. Theo lệ xưa, con trai là người nối dõi, nhưng khốn nỗi Á Pàu không có con. Còn Á Bung không phải là con đẻ của Á Pàu mà là người Kinh ở dưới xuôi lên, vậy có trái với thần phả của tổ tiên ta không? Cụ A Mun già nhất bản lên tiếng:

– Sao lại không được, thằng Á Bung  đã làm lễ cắt máu ăn thề và nhập tộc, coi như  người Sán Dìu rồi mà. Cụ bẩy đời nhà tao, ngày xửa ngày xưa cũng từ xuôi mà lên chứ đâu. Ngày ấy có ông tướng Quận He thua trận ở miền biển, kéo quân chạy lên đây ẩn náu, được người Sán Dìu đùm bọc cho tên, cho họ đời đời con cháu nối nghiệp sống đến ngày nay đấy à. Chúng ta đều là người Việt, máu đỏ da vàng, chứ có phải người Tàu đâu mà sợ.

– Á Bung lấy A Hiêng làm vợ, cả dân bản uống rượu hát Soọng cô. A Hiêng đẻ thằng con trai biết nói tiếng Sán Dìu rồi còn gì. Ai đó ngồi tận dưới cùng nói to tướng.

Thế rồi tất cả ào ào, chẳng biết ai vào ai.

 – Á Bung là người làm được nhiều việc to cho bản Núi Đèo ta còn gì.

– Á Bung đã góp sức cùng dân bản đánh đuổi chủ đồn điền Tây, Nhật và bây giờ đang cùng Công binh xưởng sản xuất đạn dược cho kháng chiến.

– Á Bung là thầy cúng, thông thạo tục lệ hơn nhiều người chúng ta. Vậy cớ gì mà không để Á Bung làm trưởng bản. Đời sống mới rồi mà.

Mọi người nói vậy, Á Bung lúng túng, ngượng nghịu nói líu ríu, tính nết ấy xưa nay vẫn thế, khi ngồi vào bàn lễ, thầy cúng như một quan tòa oai phong phán xét trong tiếng trống, tiếng khèn. Khi đứng trước kẻ thù Á Bung là một người chỉ huy mãnh liệt. Không phải ở đây mà ở Khánh Hữu, Á Bung hiền lành, nhân hậu luôn vì mọi người, hiến tất cả đất đai nhà cửa cho công điền làm nhà dạy học và nhà đỡ đẻ. Bây giờ đứng trước dân bản, Á Bung chỉ biết xoa hai tay vào nhau:

– Cháu nghe lời các cụ, các ông, các bà, cháu hết lòng hết dạ với dân bản để có nhà dạy học, có nhà chữa bệnh, đỡ đẻ như miền xuôi quê cháu.

Mọi người vỗ tay rầm rập, nhất là các bà các chị vui ra phết, nắm tay nhẩy múa, hát Soọng cô không cần đàn nhạc và lửa trại.

Hai anh chàng Mộc và Tồn vừa vào đến cổng Công binh xưởng, trông thấy Á Bung đã reo lên:

– Ôi Bùng, không nhận ra chúng tớ à? Mộc, Tồn làng Khánh Hữu đây.

Hơi ngỡ ngàng một tý, nhưng Á Bung nhận ra ngay vì cái tên Bùng chi có người ở quê mới biết, còn ở đây phải gọi là Á Bung. Tuy Khánh Hữu và Bái Môn, một thời, ngăn cách bởi lời nguyền của dòng sông Nê, nhưng từ ngày đổi mới hai làng đã nhập làm một, lại trong một xã do ông Tiên làm chủ tịch. Chính ông Tiên đã làm lễ tế Thành Hoàng làng cho Bùng dâng hiến ruộng đất vào công điền. Hai anh Mộc và Tồn cả làng ai chả biết, uống rượu thì thành thần, câu cá mực cũng nhất làng không ai theo kịp, cứ ra đến biển, lúc về là mực đầy thuyền, vợ con tha hồ bán. Tự dưng bây giờ lại xuất hiện ở đây, không để cho Á Bung hỏi, Mộc “ăn sóng nói gió”, oang oang:

– Gặp được cậu là nhất rồi, chúng tớ đi xin vũ khí đạn dược đây, làm cách nào bây giờ, gặp ai, chỉ xem?    

Tồn sốt ruột chen vào.

– Phải đánh thôi. Bọn Tây và mẹ con thằng Bằng lập đồn, cướp ruộng, giết người dã man hơn cả thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Á Bung giơ hai bàn tay phanh lại, để hai người từ từ nói cho có đầu có đuôi:

– Được rồi, chưa gặp nhau đã đòi súng, đòi ống, phải làm chén rượu, nói với nhau một vài câu phải trái đã chứ.

– Ừ nhỉ, buồn lắm mày ơi – Tồn căm tức – Tổ sư mẹ con thằng Bằng nó gọi Tây mang máy bay ba càng về ném bom cháy cả làng, bà Lang Tế chết rồi. Hu hu…     

Mộc ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở:

– Cả ông Tiên nữa nó cũng chặt đầu bêu lên cây tre làm bia tập bắn.

– Trời ơi! Cả ba người ôm lấy nhau nín lặng, hồi lâu.

Nỗi đau thương mất mát ấy, không chỉ hằn sâu trong lòng người Khánh Hữu, mà nó chạm vào trái tim bất kỳ ai trên cõi đời này. Chỉ huy Công binh xưởng và những người lính đang làm việc, thấy vậy đã đồng cảm cùng trò chuyện với họ:

– Nhất định rồi, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ đạn dược, phải giết chúng để mang lại ruộng đất, ấm no cho đồng bào.

Chỉ huy Công binh xưởng nói vậy. Hai anh Mộc, Tồn vui hẳn lên, Mộc nói:

– Sau hôm giặc tàn sát ấy, dân làng phải bồng bế nhau đi tản cư thật xa nơi đầu súng, hòn đạn. Hai thằng tôi được anh Thắng chỉ huy giao cho đi xin vũ khí đạn dược. Thú thật với anh, chúng tôi chẳng biết xin ở đâu, nếu không đi thì lấy gì mà đánh, thôi đành cứ đi, cầm mảnh giấy này của anh Thắng đâu cũng giơ ra.

Chỉ huy ngắt lời:

– Có Á Bùng người làng đây, sao không nói?

– Nào đâu có biết! – Tồn đấm thụp vào lưng Á Bùng – Cái ông này kín tiếng bỏ mẹ, để cho chúng tớ phải lội bộ, năm ngày đường mới tới đây được.

– Bí mật quân sự mà. Á Bùng nhẹ nhàng cười.

– Một lần suýt chết đấy – Mộc kể – Lần ấy hai anh em mò vào khu nhà mãi sâu trong rừng, chắc mẩm đây là kho vũ khí, ai ngờ họ xộc ra tóm gọn, la ầm lên, bắt hai tên Việt gian.

Tất cả cười ầm, rồi kể tiếp.

– Họ khám trong người, không thấy có dấu hiệu gì gọi là Việt gian mà chỉ thấy mùi tanh hôi, mực khô phơi vội một nắng và mắm tôm loãng. Tớ mới khai đại rằng, hai thằng đi buôn mắm tôm và biếu họ mấy con mực khô, thế là xong, được tha, lủi một mạch về đây, may quá.

Tồn mở đám bị cói của mình lấy ra một bó mực khô đưa cho chỉ huy Công xưởng:

– Chả có gì, gọi là quà miền biển, anh em dùng tạm cho đỡ nhớ nhà.

– Cho thì nhận, nhưng chúng tớ vẫn quy các cậu là hai tên Việt gian đấy.

Chỉ huy và tất cả cười ầm, nâng chén chúc cho cuộc hội ngộ đặc biệt này.

Tối ấy, Á Bung cho mời tất cả dân bản ra nhà cộng đồng để vui cùng hai người đồng hương. Các chàng trai cô gái kéo ra đông lắm để xem mặt hai anh chàng miền biển, đen trũi như con cá heo. Họ diện những bộ váy đẹp có thêu hoa rừng, rực rỡ. Tồn và Mộc mấy ngày nay đi đường, quần áo đầy bụi đất nhom nhem. A Hiêng đã biết Mộc, Tồn từ hôm về quê Khánh Hữu dự đám cưới. A Hiêng đã tặng chị Sự cái váy đẹp để chị, che cái bụng đang nhu nhú cho dân làng khỏi nhìn thấy. Thế rồi chị Sự đã bị Tây giết ở ngoài đảo Cồn Bà. Nghe tin ấy A Hiêng buồn mấy ngày. Chẳng biết Cồn Bà ở đâu, nhưng cứ nghĩ chị mặc váy đánh thằng Tây, nghĩa là người Sán Dìu đã cùng với người Kinh xông ra bảo vệ quê hương, đất đai của mình rồi. Hôm nay hai anh Mộc và Tồn lên đây là mang cả ý chí của người Khánh Hữu và linh hồn chị Sự. A Hiêng vui và tự hào với dân bản, dân bản tíu tít khen, vây quanh hai ông bạn từ miền biển xa xôi mà lại gần. Biết ý, ngay từ chiều A Hiêng đã tìm cho hai người hai bộ quần áo để biểu diễn tối nay. Mộc mặc áo dài của bà già vào vai chú tiểu Thị Kính, tay cầm chổi quyết sân. Tồn trang phục váy áo lẳng lơ, ngực độn hai quả bưởi xanh, đóng vai Thị Mầu lên chùa. Á Bung ngắm nhìn cười vỗ bụng, cái tiết mục “Quan âm thị Kính” này ở quê được xem nhiều, nhưng hôm nay thấy ngồ ngộ quá. A Hiêng đẩy hai anh vào góc tối trong nhà để không ai nhìn thấy, tiết mục khỏi bị lộ. 

Lửa trại giữa sân cháy rừng rực, một vòng tròn nam nữ nắm tay nhau nhẩy múa chung quanh. “Thị Màu” xuất hiện, phe phẩy cái quạt nan, chạy vòng quanh lửa trại. Trong lúc vội vàng, không ngờ một quả bưởi trên ngực rơi bịch xuống đất, thế là “Thị Màu”, “bên không, bên có, bên có, bên không”. Tất cả cười rũ rượi, bò lăn cả ra sân. Mặc kệ, Tồn vẫn thản nhiên hát:

“Ớ này thầy tiểu ơi/ Thầy như táo rụng sân đình/ Em như gái dở đi tìm của chua…”.

Mộc vội vàng chạy lại nhặt quả bưởi và đẩy Tồn vào trong nhà hóa trang lại, nhưng các cô gái Sán Dìu đã nhanh tay kéo vào hàng nhảy múa. Cô nào cũng muốn đứng bên, cầm tay Mộc và Tồn cô gái một vú. Mỗi lần nhún chân, chiếc váy hoa lại tung lên lộ rõ những bắp chân tròn lẳn, hấp dẫn và gợi cảm. Mộc liếc mắt nhìn Tồn, cả hai đều thèm thuồng, như thèm rượu mận cầy tơ, nhưng nghĩ đến chuyện thằng Nho buôn muối, lén rình các em tắm tiên dưới suối lại sợ. Thi thoảng bàn tay sần sùi kéo lưới của Mộc lại nắm chặt bàn tay cô gái, mềm mại, thon thả, thêu dệt nên những hoa văn núi rừng, rực rỡ. Đứng tim, chân bước đi loạng choạng, cả dây người hân hoan vung vẩy kéo đi trong tiếng hát, tiếng trống và tiếng khèn vui nhộn…

Họ nhảy múa thâu đêm, vừa lúc tan hội, Tồn và Mộc phải chia tay dân bản Núi Đèo để tải đạn trở về làng Khánh Hữu. Trận đánh cuối cùng, giành lại ruộng đất đang chờ đợi. Các cô gái và vợ chồng Á Bung, A Hiêng tiễn chân hai người xuống tận bìa rừng. Để che mắt kẻ địch, hai người phải thay đổi nhiều trang phục khi qua những đoạn đường nguy hiểm khác nhau. Đang ở trong rừng và vùng đất của người dân tộc thì hóa trang là người Sán Dìu đeo gùi lên rừng hái măng, săn bắn. Qua vùng tề dưới xuôi có lính gác thì thay đổi trang phục thành anh lái buôn. Về đến miền biển gần quê nhà, vất bỏ toàn bộ quần áo Sán Dìu thành ra anh ngư dân đi biển, đạn dược dồn vào đôi giỏ to, đựng cáy, trên phủ cỏ lăn rồi thả vài đấu cáy bò lổm ngổm bên trên. Mộc quen thuộc cái nghề bán chiếu, lủng lẳng gánh chiếu đi bán, bên trong bó chặt hơn mười khẩu súng. Cứ thế hai người đã lọt qua không biết bao nhiêu là trạm gác. Bốn ngày, ba đêm thì về đến nhà.

4

Gà gáy canh ba, Thầy lang Tế vẫn chong đèn đọc sách trong lều tản cư trên đê. Anh Thắng, chị Hạnh Mỹ và Còi chăm chú ngồi nghe  thầy nói:

– Chiều nay, chân trời đằng tây đã đỏ rực, đó là điềm trời, “Ráng vàng thì nắng, ráng đỏ thì mưa”.    Trong hành xử hay suy nghĩ, làm gì cũng phải hài hòa với Thiên nhiên, hòa hợp với Đất Trời “Thuận thiên – Vượng địa – Đắc Nhân sinh” là bởi lẽ ấy. Chúng ta phải tùy vào Thiên vận – Thiên ý – Thời khắc – Thời tiết. Dựa vào Địa linh, Địa hình, Địa thế mới thắng được địch.

Thắng thưa luôn.

– Thưa thầy hai câu mà Bỗng đọc trên loa phóng thanh đêm nọ: “Bao giờ bão táp, phong ba/ Mưa to gió lớn thì ra đón về” nghĩa là thế nào ạ?

– Đấy, tài ở chỗ ấy.

Mộc và Tồn xuất hiện ngay trước cửa lúc nào không ai biết:

– Thưa thầy và chỉ huy Thắng, chúng con đã về ạ.

Thầy lang Tế hạ mục kính, reo lên:

– Các anh đã về đấy à, thắng lợi chứ?

Thắng ôm chầm lấy Mộc, Tồn. Hạnh Mỹ vội vàng mang bình nước chè nóng và rổ khoai lang luộc ra. Chưa đặt đít xuống hai anh đã kể như pháo rang, Hạnh Mỹ phải kéo ngồi xuống nền nhà nói:

– Chắc đói lắm phải không? Ăn đi đã, rồi hẵng kể.      

Mộc đập vào vai Còi nói oang oang:

– Thằng Còi, dân bản người ta cứ nhắc đến mày thằng Á Coi, nhẩy lửa giỏi, các cô gái Sán Dìu mê mày lắm đấy.

Tồn nói giọng lơ lớ chen vào:

– Mẹ A Hoa bảo sắp giỗ A Hoa rồi phải lên đấy.

Còi không biết nói gì, cảm động ôm những cây súng và rổ đạn đã vượt qua hàng trăm cây số về đây giúp sức cho dân làng Khánh Hữu đánh giặc giữ làng:

– Vâng, người Sán Dìu tốt lắm anh à. Chiến thắng trận này em sẽ đi.  

Thầy lang Tế cười nói:

– Đáng ra phải khao bữa thịt chó, nhưng để sau, bây giờ ăn tạm khoai lang đi.

– Đánh xong trận này, rồi ăn mừng chiến thắng – Anh Thắng nói tiếp – Về quân lực ta hơn hẳn bên nó, có nhân dân già trẻ cùng tham gia. Về vũ khí số lượng hôm nay mang về thế là mừng lắm. Chỉ còn chờ thời cơ. Thưa thầy, lời thầy dạy quả là đúng.

 Thầy lang Tế nói:

– Công việc gấp lắm rồi, càng kéo dài ngày nào, cái Na càng khổ, không đủ sức chịu đựng. Các con còn nhớ hai câu vè của anh Bỗng phát trên loa đêm hôm nọ không? Đó là một ám hiệu chứ không phải ve vẻ vè ve  bình thường. Nghĩa của nó là gì? Câu thứ nhất: Bao giờ bão táp, phong ba, tức là phải chờ đợi đến bao giờ có bão, có gió thật to. Vậy biết đến lúc nào mới có? Câu thứ hai: Mưa to, gió lớn thì ra đón về. Câu này mới quan trọng đây, thì ra đón về, đón ai, ai đón, vậy chỉ có đón cái Na chứ ai, còn hai thằng Nho, thằng Bỗng đã tạm thời tự do đi lại trong đồn thì sức dài vai rộng nó trốn ra lúc nào chả được. Giỏi, phải nói thằng Bỗng thâm nho ra phết. Hai thằng lại còn cố tình nói cả ra loa những lời mách nước cho mình “Muốn lũ lụt thì họ phải tạo ra vỡ đê, xả lũ thì mới đón nàng về dinh được chứ”. À ra vậy, nó vừa đối đáp với thằng đồn trưởng vừa mách nước cho mình. Một câu nói hai mặt, lợi cả đôi đường, không ai có thể bắt bẻ được, giỏi, giỏi.Cái lò xo bị nén xuống ba tấc, khi bật lên, nó sẽ bật lên chín tấc, các anh có nghĩ vậy không?

Thắng đứng phắt dậy, vung tay nói mạnh như vừa nghĩ ra được điều gì:

– Vâng, Thiên vận – Thiên ý thuận rồi, bây giờ chỉ còn Thời khắc. Thời khắc đến rồi, phải hành động ngay.

Tất cả mọi việc, đồng loạt triển khai ngay sáng nay theo lệnh của chỉ huy Thắng. Còi tập trung lực lượng chiến đấu tại sân nhà thầy Lang Tế, phân phát, lau chùi súng mới, tăng thêm cơ số đạn và tập trận theo chiến thuật của chỉ huy Thắng. Hạnh Mỹ chuẩn bị nơi cứu thương để tiếp nhận các chiến sỹ và đồng bào bị nạn, cùng với Sen tích lũy thêm lương thực, cho nhân dân tản cư. Đặc biệt phải củng cố lại tuyến đê bao, tuyến đê này không dài lắm nhưng rất quan trọng nó bảo vệ cho ba làng Khánh Vân, Bái Môn và Kênh Đồng không cho nước biển tràn vào. Nếu vỡ đê sông Cái, tuyến đê này bảo vệ cho hàng nghìn mẫu ruộng của các làng lân cận khác. Đồn Mả Nàng nằm trong gọng kìm con đê này. Thuận, Tồn và Mộc là ba chàng trai lực lưỡng được phân công làm nhiệm vụ này.

Trời tối, đã bắt đầu mưa, gió thổi mạnh, Mỹ Hạnh trèo lên chòi phát thanh ở đầu làng dõng dạc đọc:

– Hỡi anh em binh sỹ, nghe đây, hãy hạ súng xuống trở về quê hương gia đình vợ con; không đi làm bia đỡ đạn cho giặc, giết hại đồng bào: Bây giờ đã bắt đầu mưa/ sóng to, gió lớn thì đưa nàng về. Alô, alô.

Trong đồn Mả Nàng, đồn trưởng Bằng, Toái và mấy tên lính chụm đầu, sát phạt trên chiếu bạc. Bằng quật con bài xuống chiếu rồi quát tháo:

– Thằng Bỗng đâu, cầm loa ra đối đáp với chúng nó đi.

Chỉ chờ có vậy, Bỗng trèo lên lô cốt, hắng giọng:

– Loa, loa, loa. Anh em con rồng cháu tiên nghe đây. Mặc cho bão táp phong ba/ mưa to gió lớn thì ta sẵn sàng.

Thằng Toái, quay đầu quát:

– Mày nói cái gì thế?

– Tôi nói sẵn sàng đánh nhau, chứ sợ gì.

– Thế được, tiếp tục đi.

Trong lúc Bỗng huyên thuyên trên loa thì Nho khệ nệ bê mấy bong bóng rượu làng Vân lên, đặt xuống giữa nhà vênh váo nói:

– Mời quan đồn trưởng và anh em ta say sưa nào –  Nho ra lệnh cho mấy phụ bếp – Chúng mày đâu mang đồ nhắm lên đây.

Mấy tên lính được phân công phụ bếp bê lên mấy mẹt gỏi cá mè trộn thính, thơm lừng. Thằng Toái vỗ đánh đét một cái vào đùi rồi thả quân bài xuống, nhẩy xổ đến mẹt gỏi, bốc một nắm bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm:

– Mẹ kiếp, tao thắng hai thua một, ngon, ngon, thằng Nho làm gỏi ngon, rượu đâu rót ra đi, sao ít thế, còn bao nhiêu mang hết lên đây.

– Ừ mang hết lên – Đồn trưởng cầm cao bát rượu đổ vào mồm, chảy hết cả xuống cổ, xuống áo – Tất cả chúng mày vào hết đây, uống, uống. Đêm nay mưa gió đéo thằng nào dám vào, bọn Khánh Hữu đồ chuột chết, không thèm chấp, uống, uống.

  Lúc này anh Tây đen, dễ dàng mở cửa hầm cho Na chạy ra. Từ ngày Na bị bắt vào đây, anh Tây đen rất thương và quý mến, thường lẻn vào hầm chăm sóc. Anh còn sống được đến hôm nay là nhờ Na đã lôi anh lên khỏi hầm chông ở cổng làng Khánh Hữu, băng bó vết thương. Cho anh ăn và dạy cho cách trồng khoai để khi hết chiến tranh, về lại Ma rốc, biết trồng khoai nuôi mẹ. Mỗi lần thằng đồn trưởng tra tấn Na, anh căm tức muốn xông vào giết nó, nhưng Nho đã can để chờ thời cơ. Tối nay thời cơ đến, Nho ra hiệu cho anh nhận phiên gác cổng đồn và cứu Na. Vừa mở cửa hầm, Na đi được mấy bước thì ngã khuỵu xuống. Một tia sét đánh xoẹt sáng rực cả bầu trời rồi tối om như mực, Anh vội vàng cõng Na chạy thật nhanh vụt ra cổng, ra bờ sông đã có thuyền của ta chờ ở đó. Không có sự phản kháng nào, trong đồn vẫn ầm ầm, cười nói thách rượu.

Nhìn theo bóng anh Tây đen và Na đã khuất, Bỗng nói thật to trong loa, át cả tiếng sấm, tiếng mưa ầm ầm:

– Xung phong, tiến lên, xung phong…

Nhanh như cắt, Còi từ hàng rào phía sau xông vào, tiếp sát từng tên lính và nhẹ nhàng sờ lên gáy điểm vào huyệt độc đạo của chúng. Ba mươi nhăm tên giặc nằm im không mảy may chống cự. Đây là đòn bí hiểm nhất, Còi đã học được từ già làng Á Pàu. Trước khi truyền dạy, già làng đã làm lễ tuyên thệ chỉ được dùng bài huyệt này để bảo vệ mình và thủ tiêu quân giặc, không được dùng vào những việc khác, không được hé lộ cho bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Bài huyệt này, chỉ một vài động tác đơn giản bằng cách điểm một số huyệt đạo phía sau gáy của đối phương, nếu không được giải huyệt thì người đó sẽ chết. Để thành thạo Còi phải luyện hết mùa trăng, bây giờ là lúc ra tay không thương tiếc bọn cướp của, giết người. Cùng lúc đó, Bỗng và Nho nhẩy vào trấn áp phòng chỉ huy. Đồn trưởng Bằng và tất cả bọn cuống cuồng tìm súng thì đã bị Nho thu hết trong lúc chơi bài và say rượu. Bỗng quát:

– Tất cả ngồi im, giơ tay lên.

Vừa lúc ấy thì các cánh quân do Thắng chỉ huy xông vào, đồn trưởng, đồn phó bị bắt sống giơ tay hàng, cúi đầu đi theo lệnh của dân làng Khánh Hữu. Trong lúc nhộn nhạo, thằng Quốc bốn ngón chạy thoát ra ngoài, nấp sau công sự nổ súng bắn lại. Nho bị trúng đạn nằm vật xuống đất. Thắng hô lệnh bổ vây, bắt được trói riệt cánh khỉ, Quốc kêu trời chửi bới.

Để bảo vệ thành quả chiến thắng, phòng tránh quân viện trợ của địch từ sông cái kéo vào, anh Thắng ra lệnh thu dọn chiến lợi phẩm, vũ khí đạn dược chuyển về Khánh Hữu. Một tiểu đội ở lại Mả Nàng canh giữ và sẵn sàng chiến đấu.

*

 Ba thằng ác ôn đặc biệt nhất, Bằng, Toái và Quốc bốn ngón giam vào chuồng trâu, nơi mà hai bố con Lý Khoái đã giam và hành hạ Còi, Na. Trong chuồng trâu Bằng la hét, đập cửa thình thình:

– Thả tao ra, tổ sư chúng mày.

– Im ngay, không có tao bắn bây giờ. Anh lính gác quát.

– Tao gặp thằng Còi. Bằng vẫn ra oai, nói.

Chuồng trâu tối om, mùi phân hôi thối bốc lên nồng nặc. Còi đứng trước mặt Bằng, không nhìn thấy nhau chỉ nghe hai người đối đáp:

– Tao đây, muốn gì? Còi lên tiếng.

Bằng:

– Bỏ hận thù đi, hai thằng đàn ông nói chuyện với nhau.

Còi:

– Tất cả đều không có súng, nói đi?

Bằng:

– Súng chỉ là súng, còn ở trong lòng cơ?

Còi:

– Đến bây giờ mày còn biết nói thế à?

Bằng:

– Tao là một con người, mày cũng là một con người.

Còi:

– Mày là con người đầy tội lỗi.

Bằng ngửa cổ cười vang:

– Lạy chúa, hãy xét xử cho công bằng.

Còi:

– Không phải Chúa chứng giám, mày có muốn tao kể hết tội cho mà nghe không?

Bằng:

– Tự tao làm, tao hiểu.

Còi:

– Đó có phải là tội ác không?

Bằng:

– Sao gọi là tội ác nhỉ, tình yêu mà!

Còi:

– Hừm, mang bom đạn đốt cháy làng mạc, chém người bêu đầu, thế mà gọi là tình yêu à?

Bằng:

– Sức mạnh để điều hành thế giới này, đã và đang là bạo lực chứ không phải tình yêu. Muôn đời nay, muốn đạt được cương vị cao sang, thì phải có tiêu diệt. Như đứng giữa rừng, cái cây muốn cao, muốn đẹp thì phải chặt hết. Tình yêu cũng vậy. Mày hiểu chứ?

Đến đây thì Còi không chịu được nữa, muốn xông vào tát cho mấy cái, nhưng kìm lại vì đã hứa, hai thằng đàn ông nói chuyện. Giọng trịch thượng Bằng nói tiếp:

– Mày vẫn yêu con Na chứ?

Còi:

– Na là vợ của tao. Còi mạnh mẽ trả lời.

Bằng:

– Na cũng đã là vợ của tao rồi. Mày không được hành hạ nó. Từ hôm tao bắt về, không động gì đến. Vẫn còn nguyên, yên tâm.

Còi gằn giọng

– Vậy thì sao?

Bằng:

– Chúng ta cùng nhau bảo vệ người con gái ấy.

Còi:

        – Bảo vệ à? Mày còn nói ra được điều đó sao? Mày mất Na bởi vì Na chưa bao giờ thực sự thuộc về mày. Theo đuổi để giành lại, chỉ mang họa vào thân thôi. Mày lạc đường thì không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là không biết mày muốn đi đâu.

Bằng không còn là thằng đàn ông nữa, lòng ham muốn, thù hận đã quay trở lại. Nó đạp chân giẫy giụa:

– Thả tao ra…

Máu của hắn, là loài lưỡng cư nên tính người trong hắn biến đổi, cái đầu lạnh và trái tim lạnh. Nhưng hắn cũng biết đau buồn, biết khóc và biết yêu, biết được khoan hồng, để lưỡi hái của thần chết không đâm thẳng vào cổ hắn. Hắn sợ, sợ cả giấc ngủ, bởi trong giấc ngủ thần chết luôn hiện về. Thầy Lang Tế bảo: Hắn mắc bệnh tâm thần, bất định.

Thắng do dự:

– Thưa thầy ba tên này rất ngoan cố, phải cho vào trại, theo dõi một thời gian.

Còi được thể nói chen vào:

– Vâng đúng đấy ạ.

Thầy Lang Tế bình thản:

– Dòng đời chảy xuôi mênh mông nhưng với từng người đều có những quãng đường đời, đầy bão giông và chật hẹp. Tất cả, cay đắng và độc ác rồi cũng bị thời gian làm mờ phai. Đất sẽ dạy cho nó, thế nào là lẽ sống và biết sống với ý nghĩa thật của sự sống. Chúng nó có thể tự mình vượt qua. Nếu không vượt qua chính mình, sẽ không ai có thể giúp nó làm được điều đó đâu con ạ.