Andrei Nicolaievich Bolkonsky thuộc tầng lớp quý tộc trại ấp tiến bộ, lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước lâu đời. Chàng là con trai công tước Nikolai Bonkonsky – một vị đại tướng tổng tư lệnh về hưu. Những điều này đã ảnh hưởng khá lớn đến con người Andrei…

Andrei Nicolaievich Bolkonsky trong bộ phim “Chiến tranh và Hoà bình”.

Sống ở đầu thế kỉ XIX, Andrei đã trải qua hai cuộc chiến tranh: một cuộc chiến tranh phi nghĩa ngoài biên giới giữa liên quân Nga – Áo chống lại Pháp năm 1805, 1806 – 1807 và một cuộc chiến tranh chính nghĩa, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga với Napoléon năm 1812. Con đường đi tìm lẽ sống của Andrei gắn bó chặt chẽ với hai cuộc chiến tranh này. Người viết xin tạm chia làm 4 giai đoạn dựa vào những tác động làm biến đổi suy nghĩ và hành động của Andrei.


Giai đoạn 1: Andrei chạy theo giấc mộng công danh

Andrei thuộc lớp người ưu tú nhất trong xã hội thời bấy giờ. Sống giữa xã hội thượng lưu nhưng chàng luôn coi thường xã hội ấy và khinh bỉ những cuộc nói chuyện vô bổ, sáo rỗng, trọng hình thức của giới quý tộc kinh đô trong phòng khách, tiêu biểu là phòng khách của bà Anna Pavlovna. Kể cả Lisa – vợ chàng – cũng vậy. Tâm hồn Lisa nghèo nàn khiến Andrei chán ngán nàng. Andrei chỉ có một mơ ước là lập chiến công nhưng chàng lại chỉ quanh quẩn bên vợ, do đó chàng thấy cuộc sống của mình thật nhàm tẻ và vô nghĩa.

Xung đột với hoàn cảnh bên ngoài tạo nên mối xung đột bên trong, gây ra bi kịch trong tâm hồn Andrei. Vì muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, bế tắc, Andrei mơ ước đi tìm “một tâm hồn cao cả hơn người” kiểu Napoléon, bởi lúc này chàng coi Napoléon là biểu hiện của lòng nhân đạo và lí tưởng anh hùng. Chiến thắng ở Toulon đã đem lại vinh quang cho Napoléon và Andrei cũng ấp ủ trong mình giấc mộng Toulon, với mong muốn được mọi người ngưỡng mộ.

Lối thoát trước mắt đối với Andrei là ra trận, tham gia cuộc chiến tranh 1805. Chàng ra đi mang theo giấc mộng Tulông. Nhưng giấc mộng ấy có cái gì đó tàn nhẫn, khủng khiếp, bởi nó chứa đựng chủ nghĩa cá nhân cực đoan kiểu Napoléon. Giấc mộng hư danh này đã có lúc khiến Andrei trở nên hết sức ích kỉ. Chàng sẵn sàng “không do dự mà hi sinh hết thảy mọi người cho một phút vinh quang, cho một lúc chiến thắng, cho lòng hâm mộ của những người mà mình không biết và sẽ cũng không bao giờ biết”.

Lúc mới đến với cuộc chiến tranh, Andrei thay đổi nhiều: “Vẻ mặt của chàng tỏ ra rằng đối với mình cũng như đối với người khác, chàng thấy hài lòng hơn trước, nụ cười và khóe nhìn của chàng đã trở nên vui vẻ và hấp dẫn hơn”. Khi nhận được tin Pháp tiến vào Viên và nhận ra tình trạng tuyệt vọng của quân đội Nga, chàng buồn nhưng cũng thích thú. Chàng tưởng tượng “mình giương cao lá cờ lao vào trận địa, đi đến đâu quét sạch đến đấy”. Và sự thật, Andrei cũng đã cầm cờ và vô cùng hào hứng chạy về phía địch, nhưng rồi chàng bị thương và ngất lịm trên cao nguyên Pratsen. Trước khi ngất đi, Andrei nhìn thấy một bầu trời cao vòi vọi. Chàng chợt hiểu: “Ngoài bầu trời vô tận kia ra, tất cả đều là vô nghĩa, là lừa dối”. Vì thế, thần tượng Napoléon sụp đổ trong mắt Andrei.

Giấc mơ của Andrei trong cơn sốt mê man cũng chính là những suy nghĩ chàng rút ra được: “Chàng mơ thấy cuộc sống bình lặng và cái không khí hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thỏa mãn trước những bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đầu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh”. Với Andrei, đó là bầu trời của thinh không vô thường, là bầu trời của cuộc sống không bon chen lo nghĩ. Đó cũng là bầu trời của an nhiên vĩ đại, không có dối lừa, không có chiến tranh. Đó là bầu trời của Andrei. Và từ giây phút ấy, Andrei nhen nhóm chủ trương sống cho riêng mình, còn lí tưởng của chàng cũng tiêu tan khi giấc mộng Toulon đổ vỡ dưới bầu trời Auteclit.


Giai đoạn 2: Andrei chán chường cuộc sống

Mộng công danh không thành, Andrei trở về trại ấp Bogutsarovo. Hơn 3 năm sau, Pierre gặp lại Andrei với một Toulon tan vỡ, Lisa – vợ Andrei – chết không yên, Andrei hối hận vì sự bất hòa giữa hai người mãi mãi không được giải quyết. Gương mặt đầy trách móc của vợ lúc nào cũng hiện ra trong tâm trí Andrei, ám ảnh chàng bằng đau khổ và hối hận.

Cả cuộc sống xã hội và cuộc sống gia đình của Andrei đều không ổn. Chàng tuyệt vọng, chán chường, hết lòng tin vào cuộc đời: sau chiến dịch Auteclit, Andrei không tham dự vào chiến tranh. Mặc dầu trong thâm rất tiếc điều đó, Andrei chàng vẫn chỉ thấy trước những kết quả không hay. Chàng cho rằng cuộc đời này toàn sự dối trá, và chàng sống, làm việc chỉ là để tiêu hao ngày tháng. Gặp Pierre, Andrei vẫn rất dịu dàng, thân mật nhưng cái nhìn của chàng đã tắt, đã chết. Dù rất muốn nhưng Andrei vẫn không làm sao cho nó ánh lên tia sáng mừng rỡ, tươi vui được.

Trái ngược lại với những việc làm tiến bộ của mình (giải phóng 300 nông nô, mở trường, dựng nhà thương), Andrei bộc lộ những quan điểm sai lầm về tình trạng đau khổ của nông dân, về việc trước hết cần chạy chữa cho bọn địa chủ sa đọa về tinh thần. Chẳng hạn chàng cho rằng kéo nông dân ra khỏi tình trạng súc vật là cướp đi cái hạnh phúc duy nhất của họ, và những việc làm tốt đẹp của chàng không phải vì người khác mà vì chàng muốn tốt cho chính bản thân mình.

Andrei chủ trương sống cho riêng mình và tránh hai điều ác là sự hối hận và bệnh tật. Chàng cho rằng: “Tôi đã sống để tìm vinh quang. Mà vinh quang là cái gì? Chẳng qua cũng vẫn là tình yêu người khác… Tôi đã sống cho những người khác như thế và tôi không phải suýt làm hỏng mà chính là đã hoàn toàn làm hỏng cuộc đời của tôi. Và chỉ có từ khi sống cho riêng mình thì tôi bắt đầu cảm thấy được yên tĩnh hơn.”

Khi miêu tả con đường vươn tới của nhân vật, Tolstoi không miêu tả dễ dãi, một chiều. Andrei luôn phải đấu tranh với rất nhiều thứ, trong đó có cả bản thân mình. Và con đường đi tìm lẽ sống của Andrei vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách phía trước.


Giai đoạn 3: Sự thay đổi tích cực của Andrei

Tuy trong lòng Andrei vẫn hoài nghi “Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc”, nhưng cuộc gặp gỡ với Pierre cũng khiến “một cái gì lâu nay đã thiếp đi, một cái gì tốt nhất trong tâm hồn chàng chợt bừng tỉnh, vui sướng và trẻ trung”.

Tiếp theo những cố gắng của Pierre, Natasha đã nhen nhóm lại trong tâm hồn Andrei lòng tin yêu cuộc sống, vào chính bản thân mình. Khi tình cờ nghe được Natasha thổ lộ với Sonya ước muốn được bay lên bầu trời, Andrei nhận ra rằng ngoài bầu trời Auteclit, còn có bầu trời đầy ánh trăng huyền diệu, bầu trời của niềm vui, của ước mơ, hạnh phúc ở Otradnoye. Đó là bầu trời của Natasha.

Lòng Andrei xanh tươi trở lại như cây sồi già cau có cuối cùng đã chịu phép màu của mùa xuân. Chàng bỗng có “một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại”. Chàng tự nhủ: “Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi 31, […]. Phải làm sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta”. Có thể thấy, Andrei phải là một con người tiềm tàng sức sống, yêu con người, yêu cuộc đời thì chàng mới có thể thay đổi một cách mạnh mẽ đến vậy.

Và thế là Andrei lại ra đi, lại lăn mình vào cuộc sống. Vốn là người thiên về lí trí, thoạt đầu Andrei bị cuốn vào những hoạt động luật pháp. Nhưng chẳng bao lâu, Andrei thấy công việc làm luật này là vô bổ và chàng tiếp tục tìm kiếm con đường phù hợp với mình.

Rồi Andrei yêu Natasha. Yêu nàng, chàng trở thành con người khác hẳn, không còn lấy một dấu vết vẻ chua chát, khinh đời trước đây. Gương mặt Andrei “rạng rỡ, hân hoan, đầy một sức sống mới mẻ”. Chàng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.


Giai đoạn 4: Andrei đến với cuộc chiến tranh vệ quốc và tìm được con đường đúng đắn

Mối tình với Natasha không thành, một lần nữa lại khiến Andrei rơi vào tâm trạng chán chường, bi kịch. Tuy nhiên, giờ đây, sau những lần “lột xác” đầy đau đớn, Andrei không chấp nhận một kiếp sống thừa nữa. Dù vấp ngã nhiều, chàng vẫn tiếp tục vươn lên, hướng tới bầu trời lí tưởng cao rộng.

Sự xung đột trong tính cách Andrei chỉ giải quyết được trong biến cố lịch sử trọng đại của toàn dân tộc. Cuộc chiến tranh Nhân dân năm 1812 đã đưa Andrei ra khỏi bế tắc, giúp chàng lấy lại niềm tin, xác định lẽ sống đúng đắn. Thời đại anh hùng là ngọn lửa chân chính duy nhất đốt lên trong lòng chàng niềm tin yêu mãnh liệt. Chàng không trở thành người thừa.

Andrei ra trận với cương vị chỉ huy trung đoàn. Nếu trong cuộc chiến năm 1805, Andrei ra đi không có mục đích thì trong cuộc chiến tranh ái quốc này, Andrei nhận rõ ý nghĩa thiêng liêng của sự nghiệp ái quốc. Chàng quyết tiến lên dù phải hi sinh.

Qua tiếp xúc với thực tiễn cuộc sống và thực tiễn cuộc chiến tranh vệ quốc, Andrei đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và hướng về Nhân dân. Ở cuộc chiến tranh trước, Andrei tưởng rằng có thể thực hiện kế hoạch Toulon ở bên trên để xoay chuyển thế cuộc. Trong cuộc chiến tranh Nhân dân này, chàng hiểu rằng chiến thắng được tạo ra ở bên dưới, nhờ sức mạnh toàn dân, nhờ đông đảo quần chúng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu xả thân vì Tổ quốc. Vì thế, chàng xin xuống chỉ huy một trung đoàn. Chàng nhìn thấy sức mạnh của nhân dân: “Với tôi, tình hình ngày mai là như sau: 10 vạn quân Nga và 10 vạn quân Pháp sẽ đánh nhau, và trong số 20 vạn quân này thì đạo quân nào chiến đấu ác liệt nhất và không sợ hi sinh nhất, đạo quân ấy sẽ thắng”. Hướng về bên dưới, hướng về quần chúng nhân dân, Andrei đã đi đúng đường, “con đường danh dự”.

Là người chỉ huy, Andrei dồn tất cả trí tuệ, tình cảm vào công việc của trung đoàn. Chàng ân cần, thực lòng săn sóc binh lính. Do đó, chàng đã được binh lính dành cho những tình cảm yêu mến, trân trọng nhất. Họ tự hào về chàng và gọi chàng là “Công tước của chúng ta”. Đây chẳng phải là điều mà bao vị chỉ huy suốt đời mong muốn đó sao?

Trên trận địa, Andrei dũng cảm chiến đấu. Chàng bị thương rồi ít lâu sau hi sinh. Dòng máu nóng và lí tưởng đẹp đẽ của chàng đã hòa vào chiến thắng lịch sử của dân tộc Nga.

Nếu ở những giai đoạn trước (khi Andrei tham gia cuộc chiến năm 1805 và lúc chàng sống ở Bogutsarovo), cái cá nhân, cái Tôi còn là mục đích và ý nghĩa cuộc sống của chàng thì đến giai đoạn Andrei tham gia chiến tranh vệ quốc, cái Tôi đã hòa vào cái chung vĩ đại của toàn dân. Cái Tôi và cái Ta thống nhất chặt chẽ. Đây chính là một trong những điểm ngời sáng nhất của chủ đề thiên anh hùng ca và cũng chính là một thành công kì diệu trong lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.

Andrei Bonkonsky là hình tượng điển hình của tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ đương thời và chàng cũng chính là tiền thân của những người Tháng chạp sau này.

Tuy nhiên, trước lúc từ giã cõi đời, Andrei đã mang nhiều suy nghĩ nhuộm màu duy tâm về tình yêu thương, cuộc sống và cái chết. Chàng sa vào tình thương chung sai lầm: “Thương yêu đồng loại, thương yêu kẻ thù của mình. Thương yêu tất cả – thương yêu Thượng đế trong tất cả những sự thể hiện của Người”. Vậy mà chàng lại thờ ơ với tất cả, cả những người yêu thương chàng nhất và chàng cũng yêu thương họ nhất. Đây là nét hạn chế của nhân vật và cũng chính là mặt hạn chế trong thế giới quan của tác giả.

Dù còn một số điểm hạn chế nhưng cái lớn trong cuộc đời Andrei vẫn sáng ngời. Sau bao tìm tòi dằn vặt, sau bao phen lăn vào hoạt động một cách trung thực, tự phê phán một cách nghiêm khắc, chàng đã đi được trên con đường danh dự và thấy được sức mạnh của quần chúng Nhân dân. Nhận thức của nhân vật được xuất phát từ sự chiêm nghiệm và mỗi lời nói vang ra đều mang sức mạnh từ sự chiêm nghiệm cuộc đời. Andrei là hình tượng tiêu biểu cho tính cách nhân vật trong sử thi – một tính cách toàn vẹn.

Mai Lan

Nguồn: vanvn.net.