Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn CHUYỆN NHÀ TÔI của nhà văn Đào Sỹ Quang.

Nhà văn Đào Sỹ Quang

sinh 1954, tại Thái Nguyên, hiện định cư tại Tp. Biên Hòa

Nguyên bộ đội Sư đoàn 304, Mặt trận Quảng Trị 1972

Nguyên giáo viên Vật lý THPT

Hiện là hội viên Hội VHNT Đồng Nai.

Đã tham gia học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa IX (2015) do Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà avwn Việt Nam tổ chức.

Tác giả tâm sự:

Mặc dù yêu thích môn Vật lý, nhưng tôi cũng thích cả Văn chương, rồi liều sáng tác. Truyện ngắn đầu tay là truyện “Thoát chết” đăng trên Kiến thức gia đình.

Đã in 7 tập sách (6 truyện ngắn, 1 bút ký).

Đã có truyện ngắn và bút ký in trên các báo tạp chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ Quân đội, Công an, Tp.HCM, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Giáo dục & Thời đại chủ nhật, Sông Hương, Cửa Việt…

Giải khuyến khích do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng cho tập truyện đầu tay “Sự đời” năm 2013.

Giải B cuộc vận động sáng tác về hình ảnh người chiến sĩ công an do Bộ Công an phát động năm 2022

Và vừa rồi anh được giải Ba cuộc thi truyện ngắn miền Đông Nam Bộ lần thứ II, 2022.

Cùng một số giải thưởng ở địa phương.

CHUYỆN NHÀ TÔI

Ngày ấy Hoa Kỳ cho máy bay bắn phá một số đảo của ta ở Vịnh Bắc Bộ. Dân Bạch Long Vĩ, chủ yếu là người Hoa (trong đó có bố tôi) phải sơ tán về đất liền, chính quyền cho thành lập NÔNG TRƯỜNG TÂN VIỆT HOA dưới chân đèo Khế để trồng chè. Mẹ tôi là người bản địa đã quen và yêu thương bố tôi, rồi hai người nên duyên vợ chồng. Ai cũng khen cặp đôi “trai tài, gái sắc”.

Mẹ sinh con trai đầu lòng đặt tên Chu Chí Châu vào đúng dịp Tết Đinh Mùi 1967, hai năm sau sinh ra tôi Chu Ái Trân. Mẹ ngừng đẻ từ đấy. Bố tôi được tiếng là người thương yêu vợ con hết mực. Mẹ tôi hiền lành, tốt nết. Bố có tài chạm trổ, đóng đồ mộc và nấu các món ăn Tàu. Ngoài ra ông còn là một người giỏi võ nghệ.

Nông trường ngoài việc trồng chè còn mở thêm việc sản xuất xì dầu để có thêm thu nhập. Khắp nơi áp phích đỏ rực: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Con em người Hoa học tiếng Việt ở trường, nhưng về nhà cũng học nói tiếng Hoa do bố mẹ dạy. Rồi miền Nam giải phóng, đất nước ngập cờ hoa. Tôi bắt đầu vào học lớp 1. Hai anh em tôi chăm học, mỗi năm một lớp, năm nào cũng là học sinh giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ. Giấy khen sáng thêm căn nhà vách đất. Bố tôi sợ lắm, nếu ai đó chê con mình hư hỏng. Anh Chí Châu ước mơ làm công an, còn tôi ước mơ làm họa sĩ. Tôi có thể quên ăn khi tập vẽ một bông hồng.

***

Năm 1978, sáng hôm đó bản tôi ồn ào vì có mấy nhà bỗng nhiên biến mất. Ngày hôm sau lại có mấy nhà nữa biến mất. Mẹ tôi đứng ngồi không yên, còn bố tôi im lặng. Ông không tham gia một bình luận gì. Mà lạ thay, những gia đình bỏ đi đều là người Hoa? Anh Loong ở bản tôi như con thú hoang bị thợ săn săn đuổi. Anh đi tìm chị Luyến là người yêu. Chị Luyến để lại cho anh mảnh giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Từ biệt anh, em phải theo bố mẹ”. Anh Loong ném mình vào mưa phùn gió rét tới những nơi mà anh nghe người ta đồn đoán người Hoa có thể đến để tìm đường di tản, nhưng tất cả đều vô vọng! Thế là chút tiền gom góp để cưới vợ của anh hết sạch, chiếc xe đạp cũng mất luôn để đổi về sự đau buồn khôn nguôi. Năm 1979 anh Loong vào bộ đội rồi hi sinh trên miền biên giới. Nghe đồn, xác anh, giặc ném trôi trên sông Kỳ Cùng. Tôi tuy nhỏ nhưng cũng cảm nhận được nỗi lo âu của người lớn. Người lớn như quên đi việc tăng gia sản xuất để dõi theo thời sự, để lo hầm hào và tập bắn súng. Bố tôi cũng là người Hoa, nhưng sao không thấy ông bàn chuyện bỏ đi? Ông vẫn miệt mài với công việc đồ mộc, thỉnh thoảng có người đến nhà chuyện trò nhỏ to gì đó?

***

Khi bắt đầu mùa ve sầu năm 1980, đêm đó bố tôi nói trước cả nhà: “Mình phải đi khỏi đây, càng sớm càng tốt”. Mẹ hoảng hốt: “Sao lại thế? Mà đi đâu bây giờ?”. “Đi về biên giới”. “Biên giới nghe nói đang loạn, lên đó để chết à!”. Bố lặng nhìn quanh quất đồ vật trong nhà như muốn nói lời từ biệt. “Ông định làm mồi cho súng đạn hay sao?” – mẹ nhìn bố trừng trừng. “Chuyện dài lắm, không thể nói lúc này được”. “Dài là dài thế nào?”, mẹ bỗng như người hỏi cung tội phạm. Có lẽ đây là lần đầu tiên mẹ nổi nóng trước bố. Còn bố như người hụt hơi. Chắc ông đang phải chịu một áp lực tâm lí gì đó rất nặng nề? Trước phản ứng căng thẳng của mẹ tôi mà bố phải im lặng để tiếp tục với công việc cưa đục của mình. Nhà tôi trở lại sinh hoạt bình thường. Tưởng mọi chuyện sẽ bình yên, đâu ngờ đêm đó mẹ gào thét như nhà bị cháy! Bố tôi đã bỏ nhà đi tự lúc nào?

Ba mẹ con tôi phải sống những tháng ngày như ngọn đèn dầu leo lét trong đêm đông, thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Những tin tức về cuộc chiến biên giới vẫn còn dai dẳng. Tôi chẳng hiểu vì sao, như thế nào mà người Hoa lại di tản nhiều thế? Cụ Lâm cũng là người Hoa, làm nghề bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc (người dân quen gọi là Lâm “thuốc Bắc”), nói: “Lúc này chớ vội tin ai mà chết mất xác”. Có lẽ do câu nói của người uy tín mà nhiều gia đình người Hoa đã ở lại. Mẹ tôi sắc thái tụt hẳn.

Rồi một hôm bác Chu Bằng (họ hàng bên nội tôi) tới bàn với mẹ con tôi vào Sài Gòn sống vì có người thân buôn bán ở Chợ Lớn đỡ đầu. “Thím cứ đi đi, yên tâm, chứ ở đây không yên đâu”. Nhà bác Chu Bằng giàu nhất nông trường. Người ta có câu: “Nhất Chu Bằng, nhì Lâm thuốc Bắc”. Ngoài công việc trồng trọt, chăn nuôi bác Chu Bằng còn có tài buôn bán trâu bò, vàng bạc. Chiếc đài Orionton(1) của bác trở thành cục nam châm thu hút hàng xóm tới để nghe tin tức thời sự. Tuy giàu có nhưng bác Chu Bằng không như ai đó khinh khỉnh, chê người. Nghe bác, mẹ tôi đồng ý liền, mang theo mấy đồng bạc trắng hoa xòe(2) làm vốn. Năm đó tôi đã vào học lớp 5(3). Lần đầu tiên tôi được đi tàu Thống Nhất, để thấy lại lời ca: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…”(4). Thế là từ nơi đèo heo hút gió mẹ con tôi bỗng thành người lạc lõng giữa chốn “Hòn ngọc Viễn Đông” mà tôi từng nghe kể. Tất cả đã không như viễn cảnh tươi đẹp mà bác Chu Bằng đã nói. Mẹ tôi phải đi làm thuê muôn thứ việc, ai mướn gì làm nấy, miễn là có tiền, có những việc mẹ chưa hề biết đến. Gia đình bác Chu Bằng cũng rơi vào cảnh như gà mắc tóc, nhưng bác đã không hoang mang. Bác đưa cho mẹ tôi ít tiền, nhưng bị mẹ từ chối. Bác phải đưa chui cho anh Chí Châu: “Giấu đi, đừng cho mẹ biết”. Mẹ như hận bác Chu Bằng? Anh em tôi, sao mà thèm học đến thế. Sẽ chẳng bao giờ được nhận giấy khen từ thầy cô trao tặng. Nhiều đêm bên các con, mẹ khóc thút thít. Mẹ ân hận vì đã quá vội vàng. Giờ, trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, sểnh nhà ra thất nghiệp. Mẹ càng hận bố tôi hơn. “Hai chục đồng bạc trắng hoa xòe ông ấy mang đi hết”, câu thần chú của mẹ mỗi khi nhắc đến bố tôi. Hai anh em tôi phải đi phụ việc cho một đại lí bán sỉ nước đá. Đôi bàn tay như muốn rộp lên, muốn co cứng. Rồi lần ấy, anh Chí Châu đưa cho mẹ một sấp tiền, nói rằng bắt được. Mẹ chẳng hề tỏ ra ngỡ ngàng. Mẹ cầm tiền, đếm đi đếm lại, rồi cất giữ. Công việc chưa quen, lắm từ địa phương, nghe không hiểu, anh em tôi bị bà chủ quát tháo ầm ĩ. Mẹ làm gì, ở đâu, như thế nào các con không biết, có hôm gần sáng mẹ mới về, bơ phờ, rũ rượi. Rồi một hôm có hai người đàn bà mặt mày hung tợn cầm dao xông vào nhà trọ của ba mẹ con tôi la hét: “Tau giết chết con mụ Bắc Kỳ cướp chồng tau”. Ôi, hú hồn hú vía, sao lại thế này? Anh em tôi như rơi vào khoảng không vũ trụ. May, mẹ không có nhà. Tôi muốn chết luôn cho rồi. Thật là khủng khiếp, nhục nhã ê chề. Anh em tôi như người bị trời đánh chết hụt. Hai người đàn bà như hai con sư tử cái, như muốn xé xác cả hai anh em tôi. Tôi rúm ró, tim như ngừng đập. Mà sao, xung quanh lặng thinh? Phải chăng chốn xóm nghèo này coi chuyện đánh ghen là bình thường? Tôi như đứng trước vạc dầu đang sôi sùng sục chờ người ném tôi vào đó! Và ngay đêm đó mẹ đưa các con đi, đi như tội phạm bị truy đuổi, đi như chạy trên những con đường loằng ngoằng. Sáng sớm hôm sau khi đi qua một cây cầu sắt, hỏi người dân chúng tôi mới biết đây là Biên Hòa, cây cầu sắt có tên cầu Gành. Thì ra mẹ tôi đâu biết nơi này, mẹ giống như người “mắc bệnh thì vái tứ phương”. Mẹ đưa anh em tôi vào một quán bún bên đường lúc khách đã tàn. Mẹ ăn chậm rề, như đếm từng sợi bún, như cố nuốt cục gì gai góc. Mẹ như sợ các con mình, như có tội với các con mình, đôi mắt mẹ đỏ hoe nhòa nhạt. “Mẹ làm gì phải yếu xìu như vậy. Làm gì phải sợ sệt! Chúng con sẽ luôn bên mẹ”. Không ngờ anh Chí Châu lại nói câu cứng rắn mà hay đến thế. Mẹ òa khóc nức nở! Bà chủ quán liền tới hỏi thăm. Và bắt đầu một câu chuyện mới với gia đình tôi…

***

Bác Bảy “bún riêu” hơn mẹ tôi tới mười tuổi. Chồng bác tên là Năm Thạnh, trước giải phóng 1975 làm công nhân hỏa xa ở ga Biên Hòa. Vợ chồng bác Bảy sinh được bốn người con, con trai đầu lấy vợ ở Long Khánh làm nghề trồng cây trái. Con gái út lấy chồng bên Hố Nai mở quán bún riêu giống mẹ. Hai con trai giữa lấy vợ sanh con ở Sài Gòn. Bác Bảy người đất Long An làm nghề trồng lúa. Bác là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em. Không chịu cưới gã hàng xóm do ba má bắt ép, bác Bảy chạy về Biên Hòa ở nhà dì, phụ dì bán bún riêu. Năm Thạnh ghiền “Bún riêu Bà Mập” có cô Bảy dễ thương bán hàng. Rồi hai người phải lòng nhau, rồi thành vợ thành chồng…

Mẹ tôi chẳng giấu gì, kể cả chuyện người ta tìm đánh ghen mẹ ở Sài Gòn. Bác Bảy nhìn mẹ bằng ánh mắt rất đỗi cảm thông: “Giờ nghe tui biểu nè, ba mẹ con ở đây phụ bán hàng cho tui”. Tôi cảm giác gia đình mình như người đuối nước bám được cọc.

Bác Bảy cho ba mẹ con tôi ở căn phòng mà trước đây bác vẫn cho người làm thuê ở. Phòng rộng 12 mét vuông, nền gạch, trải tấm chiếu làm giường. Đêm ấy tôi vô tình chạm tay vào thắt lưng mẹ, một cái túi vải nhỏ vẫn bất li thân với mẹ từ ngày ra đi, trong đó là những đồng bạc trắng hoa xòe và tiền giấy. Rồi đêm đó tôi nằm mê thấy hai mụ đàn bà xông vào la hét, chém mẹ tới tấp: “Đồ đĩ, tau giết mày!”. Tôi tỉnh dậy kêu ơ ớ. “Sao vậy?”. “Con thấy hai người đàn bà…”. “Rõ là dở mồm! Ngủ đi!”. Mẹ nói xong rồi lăn bên này, lăn bên kia. Chắc mẹ không ngủ được…

Mẹ nói với các con:

– Không thể ăn không của ai cái gì, mình vẫn phải trả tiền phòng cho bác Bảy!

– Mình làm gì có tiền mà trả! – Tôi nói.

– Có tiền! – Mẹ khẳng định.

Anh Chí Châu:

– Thôi mẹ, bác Bảy đã nói không phải trả rồi mà?

Mẹ nổi nóng:

– Bố chúng mày có giữ đúng lời hứa yêu thương tao suốt đời như ngày đầu ông ấy đã hứa chưa? Của biếu là của lo, của cho là của nợ. 

Hình ảnh hai người đàn bà như hai con sư tử cái lại hiện lên trong tôi, một ám ảnh như định vị trong tâm hồn tôi. Tôi cố cầm nước mắt. Tại bố đã làm cho mẹ tôi hoài nghi tất cả hay sao?

– Nhà nầy cần tình chứ không cần tiền! – Bác Bảy vừa nói vừa cười. Mẹ tôi ôm mặt, nước mắt giàn giụa. Mẹ vẫn không chịu, cuối cùng bác Bảy phải “nhượng bộ”: “Vậy thì tui chỉ lấy tiền tháng bằng nửa tiền ở Sài Gòn”. “Thôi, em cứ trả bằng ở Sài Gòn”.

Mẹ tôi, thế mà thâm thúy, hiểu sự đời. Bài học đầu tiên của tôi là, không được ăn không của ai. 

***

Gia đình tôi đã quen dần với nơi đất mới, quen dần với cách xưng hô của người miền Đông Nam Bộ. Không hiểu sao, mẹ tôi không hề nhắc tới bác Chu Bằng? Không hề nhắc đến bố tôi? Tuy nhiên mẹ vẫn biết làm theo những gì mà bố tôi khuyên bảo, gói gọn trong chữ “NHẪN”. Tôi bắt đầu viết thư về cho bạn ở quê. Nhớ bạn lắm! Anh Chí Châu thì cứng rắn hơn tôi. Anh biết giấu đi nỗi buồn. Hai anh em ước mơ được tới trường, nhưng biết bao khó khăn. Không hộ khẩu. Không học bạ. Giấy tờ tùy thân chỉ có Chứng minh thư của mẹ.

Mẹ tôi đã biết tham gia nấu bún riêu do bác Bảy dạy. Mẹ là người của “nguyên tắc trung thành”. Hai anh em tôi cũng tham gia đủ thứ việc, quay như chong chóng, nhất là vào buổi sáng. Có điều, tuy say sưa với công việc nhưng tôi vẫn đau đáu nỗi nhớ trường, nhớ bạn, cảm thấy món xì dầu ở nông trường vẫn ngon hơn ở bất cứ nơi nào. Rồi anh Chí Châu thay đổi cách nghĩ: “Làm gì cũng là để kiếm tiền”. Đã có vài người đàn ông tới để làm quen với mẹ, ý tính chuyện xa xôi, nhưng mẹ đã từ chối. Chắc mẹ không tin vào đàn ông nữa, mặt khác khó ai bằng bố tôi – người biết kiếm tiền, biết sử dụng đồng tiền, có lòng bác ái và tinh thần dũng cảm. Bố đã một lần, một mình đánh lại ba tên cướp để cứu người trên đường từ Tuyên Quang đi Cao Bằng.   

***

Người đàn ông tóc bạc, thỉnh thoảng đến ăn “Bún riêu cô Bảy”. Ông tên là Tư Cúc, thân thiết với vợ chồng chủ quán như họ hàng. Ông là dân tập kết hồi 1954. Ra Bắc ông học trường Quân sự rồi thành sĩ quan chỉ huy pháo phòng không chống máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Biết hoàn cảnh của ba mẹ con tôi, ông Tư Cúc đã khuyên hai anh em tôi nên học bổ túc văn hóa. Tôi có cảm giác ông như người cha của mình.

Tôi đã nhận được thư bạn bè từ Bắc gửi vào, kể nhiều chuyện lắm. Tôi hỏi mẹ: “Không biết bố con như thế nào nhỉ?”. Mẹ gầm lên: “Đừng nhắc đến cái thằng bố mày nữa!”. Tôi suýt rơi bát cơm trên tay. Thế rồi, nghe ông Tư Cúc, hai anh em tôi đi học bổ túc văn hóa, sáng đi làm, tối đi học. Khó khăn vất vả nhưng vẫn quyết tâm không chùn bước, giống như bố tôi ngày xưa đã quyết làm gì là làm bằng được. Rồi năm tháng qua đi, anh em tôi cũng có trong tay “Bằng bổ túc văn hóa cấp Ba”. “Bún riêu cô Bảy” khách đông hơn, quán được mở rộng hơn. Bác Bảy phải thuê thêm người làm. Bác khen mẹ tôi có duyên bán hàng. Ngày trước bố tôi thường kể về cái tài buôn bán của người Hoa. Câu nói quen thuộc của ông là: “Không có nụ cười trên môi thì đừng có mở cửa hiệu”. Mẹ có thể căm thù bố tôi suốt đời, nhưng không thể căm thù những lời khuyên bảo của ông. Gia đình tôi đã có thêm những người thân quen nơi đất phương Nam nhiệt tình, chân thành, cởi mở, nhất là vợ chồng ông Tư Cúc. Vợ chồng ông Tư Cúc khuyên mẹ tôi làm một căn nhà nhỏ ở khu đất hoang chưa có chủ quyền. Ông bà Tư Cúc đã vận động người thân giúp đỡ thêm cho mẹ con tôi những gì có thể, rồi nhờ “thầy” xem hướng, căng dây để dựng nhà. Ba mẹ con tôi tự đào móng. “Cái gì không làm được mới thuê”, mẹ nói thế và làm như thế. Rồi một căn nhà xây tường mười, mái lợp fibro xi măng, nền rộng 40 mét vuông đã khánh thành. Ba mẹ con tôi đã có nhà ở, hạnh phúc trào nước mắt. Rồi trên khu đất hoang này, nhiều người từ đâu kéo tới rào giậu chiếm phần. Thế là có một “xóm không tên”. Rồi có người đứng ra làm “cò” bán đất, “giấy tờ viết tay”.

Ba mẹ con tôi đã hiểu hơn cách sống, cách làm, cách xã giao của người Nam Bộ, khác với người vùng núi phía Bắc quê mình. Qua thư từ, gia đình tôi cũng biết được phần nào người thân ngoài Bắc. Rồi rất nhiều người Bắc vào Nam sinh sống, người ta gọi là “dân Bắc 75”.

Anh Chí Châu phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 18 tháng. Còn tôi xin làm công nhân may ở khu công nghiệp Biên Hòa, quên đi ước mơ thành họa sĩ. Chỉ mấy tháng học việc là tôi đã có tiền. Tiền từ chính bàn tay lao động của mình. Hạnh phúc lắm! Vợ chồng bác Bảy, vợ chồng ông Tư Cúc coi anh em tôi như con cháu trong nhà. Tôi vẫn thấm lời dạy của bố: “Nhặt được tiền đánh rơi của ông chủ thì hãy trả lại. Hãy chia sẻ một phần tiền trong túi cho kẻ ăn xin, đừng bao giờ bội ơn, bội nghĩa”.

– Sao bố nói hay như thế mà lại bỏ vợ con ra đi? – Lần ấy tôi tâm sự cùng anh Chí Châu.

– Thật sự anh cũng không hiểu nổi bố!

– Không biết giờ bố như thế nào nhỉ?

– Thì một sống, hai chết chứ thế nào nữa. Mà thôi, em hãy tạm quên bố đi để mà lo cái sống cho mình!

Anh Chí Châu được nhà nước cho đi học nghề miễn phí sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Anh chọn nghề sửa chữa ô tô. Anh to khỏe, vạm vỡ hơn bố tôi, được một cơ sở sửa chữa ô tô của nhà nước nhận vào làm việc. Anh tiếp tục vừa làm vừa học để nâng cao trình độ. Anh đúng là bản sao về đức tính lao động của bố tôi. Mẹ tôi đã vơi đi nhiều dấu buồn trên khuôn mặt. Hơn chục năm sống nơi xứ người, mẹ cứng rắn hơn, biết nói gì và biết làm gì. Mẹ nhắc các con không được quên ơn vợ chồng bác Bảy “bún riêu”, vợ chồng ông Tư Cúc và những người đã giúp đỡ mình, những người đã làm lại cuộc đời cho mẹ con mình.

Rồi tôi có người thương yêu. Anh người Chơ Ro, làm ở nhà máy thủy điện Trị An. Lúc đầu tôi chẳng có chút cảm tình gì, vì bên nhau mà anh chỉ biết nói về những thông số kĩ thuật, sản lượng điện, số liệu thủy văn, lịch sử nhà máy… Lần đưa tôi về thăm nhà ở Tà Lài, anh kể chuyện người Chơ Ro của anh có tục lệ “ngủ mèo”(1)  , tôi nghe mà thót tim… Đợi tháng Mười chúng tôi mới làm lễ cưới. Riêng anh Chí Châu dứt khoát chưa chịu lấy vợ.

 Không hiểu vì sao bố tìm được đúng địa chỉ nhà ba mẹ con tôi? Mẹ tôi gào thét, xua đuổi bố. Không còn từ ngữ xấu xa nào là mẹ không đem ra để mà xả. Bố đực mặt, đôi mắt chớp liên hồi. Mẹ dữ dằn chẳng khác nào hai mụ đàn bà cầm dao tìm chém mẹ năm nào. “Tôi đã phải đi làm đĩ để nuôi con, nếu không chúng thành ma rồi, ông có biết không? Biết không? Ông cút đi…”.

 “Thôi mẹ, nhà mình đã hồi sinh từ mảnh đất mới này. Mảnh đất của những con người dũng cảm, hào hiệp. Mẹ hãy tha thứ cho bố. Chúng con cần có bố”. Mẹ im lặng hồi lâu, rồi bật dậy gào tiếp: “Liệu tao có còn tan nát lần nữa không?”. Mẹ ngã trên đôi tay gân guốc của bố…

***

Mẹ tôi, đôi mắt nhìn vô định lắng nghe bà Tám (vợ ông Tư Cúc) tâm sự chuyện đời. Ngày ông Tư Cúc đi tập kết, bà Tám ở lại miền Nam nuôi đứa con gái vừa tròn hai tuổi. Bà Tám vừa nuôi con vừa tham gia du kích đánh giặc. Có người đi tập kết ít năm sau thì trở lại miền Nam công tác và chiến đấu, bà Tám hi vọng chồng mình cũng nhanh về. Nhưng càng hi vọng bao nhiều thì lại càng xa vời bấy nhiêu. Rồi một hôm bà nghe tin chồng đã đi lấy vợ khác. Bà đổ sập. Rồi bà lập bàn thờ, thờ người sống. Bà căm ghét chồng, coi chồng như đã chết. Ông Tư Cúc lấy vợ người Thanh Hóa, họ quen nhau ở lần bộ đội phòng không giao lưu văn nghệ với thanh niên địa phương. Cô Thuận Bí thư Đoàn xã đã mê say anh bộ đội pháo cao xạ đẹp trai vui tính, đeo quân hàm thiếu úy nói giọng Nam. Lần máy bay Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng, tiểu đội trưởng Thuận đã hi sinh khi tiếp đạn cho bộ đội phòng không, bỏ lại con trai mới hơn một tuổi…

Bà Tám chỉ lên tấm di ảnh cô Thuận trên bàn thờ:

– Hi sinh đúng lúc tuổi hai mươi. Tội lắm!

– Thế bà không ghen à? – Mẹ tôi hỏi.

– Lúc đầu cũng ghen, sau nghĩ lại thấy rằng, nguyên nhân là do lịch sử. Ổng ấy nói, cũng nghe tin tui chết trong một trận càn của giặc nên ổng mới lấy vợ. Tui biểu, không làm gì phải nói dối. Ổng sống ngoài Bắc lâu năm cũng biết nói khéo để lấy lòng người khác. Mình phải biết khi nào cần vị tha. Thui, theo tui cứ để cho chồng về, cho các con nó mừng. Đánh kẻ chạy đi, ai nỡ đánh kẻ chạy lại. Như tui đây, chẳng hề hấn hận gì nữa. Năm nào thằng con trai riêng của ổng cũng dzô đây thăm, mang theo cả vợ con. Nó quí tui lắm. Mà cái thằng sao mà dễ thương, hiếu thảo. Nó biểu, mẹ Thuận mất đi thì con còn mẹ Tám. Nó cũng quí con Hai. Hai chị em gặp nhau lần nào cũng đầy ắp chuyện vui. Thui, nghe tui đi…

***

Anh Chí Châu đưa tôi lên thăm bố ở Sài Gòn. Bố ở nhà một người anh em họ, xa đã mấy đời, nhưng rất tốt, hiện làm nghề bán và chế biến các món ăn Tàu. Thì ra bố đã vào đây cả mấy năm rồi. Bên món sủi cảo(1), hai anh em tôi ăn cùng bố mình và hiểu bố hơn. Ngày đó bố nghe người ta đồn, người Hoa phải rời Việt Nam ngay nếu không sẽ bị giết chết! Thế là bố cùng mấy người ở bản rủ nhau bí mật đi “tiền trạm”, tính rồi sẽ trở lại đón vợ con. Đâu ngờ qua biên giới, chẳng có chính quyền nào đón tiếp người Hoa di tản như người ta nói. Bố và những người đi cùng phải đi làm thuê làm mướn cho những nhà giàu. Cũng may bố có sức khỏe nên còn có người dùng, không như nhiều người khác phải bỏ xác trên đường di tản hoặc sống trong những tháng ngày lê lết. Nhục lắm. Những đồng bạc hoa xòe bố mang theo bị mấy tên môi giới việc làm lấy sạch. Bố nghĩ không đâu bằng gia đình mình, thế là ba năm sau bố tìm cách quay về. Bố về bản vào một đêm tối, được tin ba mẹ con đã bỏ nhà đi. Bố đau buồn, trở lại Lạng Sơn tìm việc làm. Sau này qua thăm dò người thân của bác Chu Bằng, bố biết mấy mẹ con giờ ở Biên Hòa…

– Thế bác Chu Bằng giờ sao hả bố?

– Bác ấy cũng khốn khổ lắm. Mấy thằng con trai đua đòi, đứa mắc bệnh, đứa vào tù. Giàu có đến thế, chỉ vì tính sai nước cờ mà gia tài khánh kiệt. Bác ấy rất ân hận vì tin người ta mà kéo theo mấy mẹ con các con cũng khổ theo…

Nghe bố kể tôi càng thấm thía hơn lời khuyên của cụ Lâm “thuốc Bắc” năm nào.

***

Anh Chí Châu cưới vợ, đúng lúc con gái đầu lòng của tôi được một tuổi. “Có phải anh đợi có mặt bố anh mới lấy vợ không?”. “Tất nhiên rồi”, anh Chí Châu nhìn tôi cười hồn nhiên. Anh được mùa, vừa có vợ lại vừa có bằng Cao đẳng cơ khí.

Đám cưới anh Chí Châu, bất ngờ xuất hiện bác Chu Bằng làm mẹ tôi há mồm, trợn mắt. Rồi giây phút ngỡ ngàng cũng qua đi khi bố tôi xuất hiện.

Sau tiệc cưới, mẹ tôi đến bên bác Chu Bằng nói lời cảm ơn mà nước mắt rơi lã chã. Mẹ cầm một sấp tiền, run rẩy đưa cho bác Chu Bằng:

– Mẹ con em cảm ơn bác đã giúp đỡ trong những ngày chân ướt chân ráo…

– Không không… Thím không được làm như thế!

– Không, nếu bác thương em thì bác hãy cầm lấy. Tiền hồi đó bác giúp mẹ con em mà!

– Tôi đưa nhưng thím có lấy đâu!

– Có!

Bác Chu Bằng giật bắn mình…

Nhà tôi trong ngày vui có bao dòng nước mắt, nhưng đó là những dòng nước mắt hạnh phúc. Anh em tôi thương yêu mẹ hơn bao giờ hết. Hóa ra tiền bác Chu Bằng đưa chui cho anh Chí Châu đã không qua được mắt mẹ. Thảo nào, lúc anh Chí Châu đưa tiền cho mẹ, nói dối là bắt được mà mẹ chẳng ngỡ ngàng, mẹ đếm đi đếm lại. Số tiền có giá trị bằng một chỉ vàng hồi ấy. Mẹ nói đúng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.

– Có cần phải như mẹ không? – Tôi hỏi anh Chí Châu.

– Mẹ là con chiên ngoan đạo của những lời khuyên và nguyên tắc sòng phẳng. Ít chả nói, đây những một chỉ vàng.

 – Đâu là điểm nhấn trong bức tranh thoát chết cho gia đình mình?

– Đó là cây cầu Gành. Cây cầu Gành đón nhà mình qua sông. Nếu như đêm đó, chẳng may cây cầu bị gãy thì…

– Thì cả nhà mình rơi xuống sông, rồi chết hết, phải không? Anh tưởng tượng khiếp quá à! Em sẽ vẽ cây cầu Gành thật lớn!

Bố đứng bên Cù Lao Phố ngắm cây cầu đang oằn mình cõng người, xe cộ ngược xuôi. Bình minh lên. Mẹ nhìn thấy “bóng người” bồng bềnh lấp lánh. Và ai đó trên thuyền ngân nga câu ca dao:  “Anh đây lên thác xuống ghềnh/ Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em”. Nước mắt mẹ rơi rơi hòa vào dòng chảy.

***

Chậu hồng vàng bố tôi trồng trước cửa nhà vẫn đang tươi sắc. Mẹ dặn các con, nhớ chăm sóc cho kĩ để hoa không bị lụi tàn…


(1)    Radio của Hunggary phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trước 1975.

(2)    Đồng bạc Đông Dương do thực dân Pháp phát hành ở Đông Dương từ thế kỷ XIX.

(3)    Lớp đầu cấp II ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 (cấp II từ lớp 5 đến lớp 7).

(4)    Ca khúc Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa.

(1)    Tục lệ người Chơ Ro, nam nữ được ngủ chung trước khi cưới nhau.

(1)    Món ăn của người Hoa, gồm nhiều loại nhân: thịt gà, heo, tôm, bò, rau, có thể hấp, chiên, luộc.