Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng – lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng với vai một người lao động bình thường, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba… Vì những cống hiến xuất sắc cho tổ quốc, Bà đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy vẫn sống thanh đạm, giản dị và lặng lẽ cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi vinh hoa, phú quý. Đó là Đại tá tình báo Đinh Thị Vân.
Trong quá trình tìm tư liệu để viết về thân thế và sự nghiệp của nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân, chúng tôi may mắn biết được nhiều điều kỳ diệu về bà mà mấy chục năm nay vẫn còn khuất ẩn đâu đó trong dân gian như những viên ngọc quý vùi kín trong lòng đá, khó có thể kiếm tìm được đầy đủ. Nhân dịp Xuân Quý Tỵ, chúng tôi xin viết lại một vài mẩu chuyện, những điều được “giữ kín” đến bây giờ mới kể, như một nhành hoa Đào tươi thắm tưởng nhớ đến người nữ anh hùng tình báo của Quân đội Việt Nam.

1. CHỜ NGƯỜI CẦM “MỘT NỬA” BỨC ẢNH

Tháng 10 năm 1954, bà Đinh Thị Vân nhận lệnh bí mật theo đoàn di cư vào Nam với vỏ bọc “Dì Sáu di cư”, vừa hoạt động vừa buôn bán kiếm sống. Bấy giờ, tại miền Bắc, để hỗ trợ cho hoạt động của bà, cấp trên quyết định thông báo “Lệnh truy nã khẩn cấp” với nội dung: “Đinh Thị Vân phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Trong tình hình khẩn trương như vậy, Bà Vân nghĩ ngay đến việc phải gây dựng một cơ sở bí mật ở miền Bắc XHCN dự phòng cho phương án chiên tranh kéo dài. Vì vậy, trước khi lên đường vào Nam, bà Vân đã gặp người em dâu họ tên là Nguyễn Thị Khang, vợ ông Đinh Ngọc Thụy ngụ tại số nhà 32 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội – một cơ sở cách mạng tin cậy của ta ở nội thành Hà Nội đã có từ kháng chiến chống Pháp. Sau khi căn dăn cặn kẽ mọi điều “sống để bụng, chết mang đi”, bà Vân đã giao cho bà Nguyễn Thị Khang tấm ảnh cỡ 3×4 của mình chụp làm thẻ căn cước và dặn rằng: “Nếu có người gặp “thím” đem một nửa tấm ảnh ghép khít với tấm ảnh này của tôi thì thím nhất định phải làm theo mọi chỉ dẫn của người ấy”.
Bà Khang đã gói kỹ tấm ảnh này bằng tờ giấy bóng Tây, cất kỹ dưới đế của cây quạt Ma-rơ-Ly để ở đầu giường riêng của bà. Đã tròn 22 năm trôi qua, Bà Khang ngày đêm ngóng chờ người có nửa tâm ảnh bà Vân đến bắt liên lạc mà chưa thấy.

Cuối năm 1976, miền Nam đã được giải phóng đúng một năm, nhân Kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Cả nước đang trong không khí hân hoan chào mừng thắng lợi Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV của Đảng. Hôm ấy, bà Đinh Thị Vân với bộ quân phục thiếu tá, bất ngờ đến thăm, khiến ông bà Thụy, Khang không thể tin vào mắt mình. Người chị thân thương năm xưa, răng đen, đầu vấn khăn mỏ quạ, nay bỗng trở thành một nữ sỹ quan tình báo anh hùng, trên ngực áo lấp lánh những tấm huân chương cao quý….

Gặp nhau trong nghẹn ngào xúc động, bà Khang đã nhắc lại “nhiêm vụ cơ mật” năm xưa và cẩn thận lấy tấm ảnh đã cất giữ suốt 22 năm, từ dưới đế chiếc quạt máy Ma-rơ-Ly đưa lại cho chính chủ. Đón tấm ảnh từ tay bà Khang, bà Vân xúc động nói: “Đầu năm 1956, tôi được lệnh hoả tốc ra Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình và nhận chỉ thị đặc biệt của cấp trên. Do quân tình khẩn cấp, không có điều kiện gặp lại chú thím. Mới đó mà đã 22 năm, tấm ảnh được cất giữ vẫn còn nguyên vẹn, vậy là chú thím đã hoàn xuất sắc nhiệm vụ rồi”.

Bà Vân đã tặng lại tấm ảnh đó để ông bà Thuy, Khang làm kỷ niệm. Do có công lao giúp đỡ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, nên gia đình ông bà Đinh Ngọc Thụy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”.

Nay cả hai ông bà đều đã qua đời. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, bà Khang đã trao bức ảnh bà Vân – một kỷ vật quý giá đối với vợ chồng bà cho người cháu họ chí hiếu là Đinh Quang Như, cũng là cháu ruột của anh hùng Đinh Thị Vân. Anh Như đã có công chăm sóc ông và Thụy trong những ngày gian nan khốn khó của chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Anh là người xứng đáng được bà tin cậy gìn giữ kỷ vật quý giá nay.

Chúng tôi tìm gặp người cháu của anh hùng Đinh thị Vân, thì năm nay ông Đinh Quang Như đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông xúc động kể lại câu chuyện tấm ảnh tư liệu lịch sử này đúng vào ngày ông được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

2. LÁ SỐ TƯ VI CỦA NỮ ANH HÙNG TÌNH BÁO ĐINH THỊ VÂN

Ông Đinh Đức Đạt là cháu ruột bà Đinh Thị Vân, người ủy thác hương khói suốt đời cho “Bà cô” như con trai trưởng tại số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhiều năm nay ông Đạt đã dày công nghiên cứu “thuật” Tử Vi và đang tập trung hoàn thành cuốn sách “giải mã” những bí mật do hoàn cảnh lịch sử và bụi thời gian phủ lấp lên thân phận những người ruột thịt gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Đinh Thị Vân. Trong đó, ông đặc biệt dành sự công phu để viết những trang sâu sắc về anh hùng Đinh Thị Vân mà câu chuyện “Lá số tử vi của bà Đinh Thị Vân” là một trong những điều được “giữ kín” – Chuyện bây giờ mới kể.

Năm 1959 bà Đinh Thị Vân bị địch bắt trong chiến dịch thi hành “luật 10-59” của chính quyền Ngô Đình Diệm, bà bị biệt giam cho đến đầu năm 1964, khi Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh. Nhân cơ hội địch bộc lộ nhiều sơ hở, tổ chức của ta đã vận động bằng nhiều cách để bà Vân được trả tự do.

Ra tù, bà Vân về Sài Gòn, sống hợp pháp tại nhà chị Nguyễn Thị Thích (nhà số 35 đường Thiên Tư, Ấp Tây Nhì, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định) là cơ sở bí mật – “hộp thư sống” của ta nằm vùng ở nội đô Sài Gòn. Chị Thích đóng “vai” một thương lái buôn đường dài, chuyên đi tuyến Sài Gòn – Miền Trung và Sài Gòn – Camphuchia. Chị Thích là người thông minh, lanh lợi, cháu nội Cụ đồ nho nổi tiếng ở Xứ Đàng Trong, cụ am tường Kinh dịch và thuật tử vi tướng số, nên ngay từ nhỏ chị Thích đã chịu ảnh hưởng, có ý thức về tâm linh nhưng tuyệt không mộng mị dị đoan. Như đã thành nếp quen, cứ mỗi khi đi xa, chị thường nhờ thày tướng xem ngày tốt để đi về, biết việc “hung” để tránh, việc “cát” để làm.

Bà Đinh Thị Vân ra tù vào thời điểm cực kỳ khó khăn, thơi gian ở trong tù lại quá lâu, nên đường dây liên lạc ra Hà Nội đã bị đứt, chưa thể nối lại một sớm một chiều, nhưng việc báo cáo ra Trung Tâm thì không thể chậm trễ. Trước tình hình ấy, bà Vân đã có quyết đinh táo bạo: Sang Nam Vang để bắt liên lạc với Trung tâm Hà Nội bằng gửi bưu thiếp, bưu ảnh công khai từ nước thứ ba trung lập.

Chị Thích biết rằng đây là một việc rất nguy hiểm đầy rủi ro, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dễ bại lộ. Sau khi cân nhắc cẩn trọng, chị quyết định đi xin lá số tư vi cho bà Vân để vững tâm lên đường. Rồi chị Thích mạnh dạn hỏi kỹ lưỡng về ngày, tháng, năm sinh, và nhất là giờ “lâm bồn” của bà Vân, rồi vội vã đi tìm gặp ông thầy Tầu nổi tiếng ở Chợ Lớn.

Do có người quen giới thiêu nên mọi việc mau lẹ, chị Thích đưa tờ giấy ghi tuổi của bà Vân cùng tiền đặt trước, rồi nói: Nhờ thày xem kỹ cho tôi, nhất là việc đi xa trong tháng này có thuận không? tôi xin được hậu tạ thầy. Do đông khách nên thông thường phải mất từ 5 đến 10 ngày mới có kết quả. Vì được người quen giới thiệu nên ông Thầy hứa sau 3 ngày. Đúng hẹn, chị Thích đến lấy lá số. Vừa trông thấy chị, ông thầy Tầu đã nổi đóa lên mắng xơi xơi, rồi trả lại tiền. Ông nói: “Cái-nỉ là người buôn bán làm sao có được thiên mệnh oai hùng của nữ tướng Bà Trưng, Bà Triệu như người này được? Ngổ không tin”. Rồi, thái độ ông nhã nhặn trở lại, đoạn đưa tờ lá số cho chị Thích nhưng nhất định không nhận tiền lễ. Quá bất ngờ, chị Thích vội vã trở về giao lá số và thuật lại tỉ mỉ việc sảy ra cho bà Vân nghe. Bà Vân giật mình, nghĩ ngay đến việc phải cảnh giác trước sơ xuất hy hữu này, nên chị Thích cùng bà Vân đã quyết định khởi hành sớm hơn dự kiến và ở lại Nam Vang một thời gian để đề phòng bất trắc.
Câu chuyện về Lá số tử vị do ông thày Tầu Chợ Lớn lấy cho bà Đinh Thị Vân năm ấy đã trở thành một kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động tình báo của của bà.

*
Trong khi viết cuốn sách về Anh hùng Đinh Thị Vân, ông Đinh Đức Đạt phát hiện ra nhiều điều kỳ diệu trong lá số tử vị của bà Đinh Thị Vân, nên đã làm việc so sánh quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng Đinh Thị Vân được viết trong hồi kí “Tôi đi làm tình báo” do Nhà báo Khánh Vân ghi cùng với những tư liệu, bài viết có liên quan đến cuộc đời của bà rồi đem so với Lá tử vi của bà Vân do ông thày Tàu Chợ Lớn lập năm 1964, thì vô cùng bất ngờ vì mọi thăng trầm trong suốt cuộc đời cùng với cuộc sống riêng tư của bà, có thể nói không “chênh” nhau là bao nhiêu.

Thí dụ:
Về Thiên Tướng thủ mệnh: Dáng bà cao vừa tầm, thân hình nở nang, uy nghi, can đảm. Sao này là quyền tinh nên công danh càng sáng chói…

Về Tướng, Thiên Mã, và Thai phụ, Phong cáo: Đây là một nữ tướng anh hùng, can đảm và hiển đạt. Là một người phụ nữ dũng mãnh như nam giới, là con người đặc biệt, có mưu lược, hiên ngang, quyền biến. Bà còn có bộ sao “Hiền thần” là một cách cao quý. Đây là con người đáng tôn trọng về Đức và Tài. Và còn có Tứ Linh: Cái ( Hoa cái), Hổ ( Bạch Hổ), Long (Long Trì), Phượng (Phượng Các), rất quý hiếm

Hoặc: Thiên Tướng thủ mệnh có Thiên Diêu, Thiên Y chiếu: lại thêm Thiên Phúc quý nhân nữa, nên nếu làm lương y cũng sẽ là bác sỹ giỏi, một tay thuốc hay. Về cuối đời, Bà Vân đã để tâm đọc nhiều sách Nam dược, trồng cây thuốc để tự chữa trị bệnh cho mình và cho con cháu, người thân… như một lương y chuyên nghiệp. Đến nay, Tiến sỹ Nguyên tử Đinh Thị Liên cháu ruột bà đã tiếp nối nghề Đông Y, này cũng đã trở nên nổi tiếng.

Về “Hậu vận” của bà được tính từ khoảng tuổi từ 55 đến 75 tuổi (1970 đến 1990) là giai đoạn hoàng kim nhất của đời của bà. Thời gian này ứng với các sao: Khoa, Quyền, Lộc, Tướng Ấn, Hồng Đào, Tả, Hữu, Sinh, Xương là một giai đoạn rất tốt đẹp trong đời vinh hoa phú quý, công danh rực rỡ, vang dội… tương ứng với các sự kiện như: Ngày 25-8-1970, Thiếu tá Đinh Thị Vân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Đinh Thị Vân đã được tặng thưởng rất nhiều huân huy chương cao quý của Đảng  và nhà nước trao tặng. Bà được thăng quân hàm đại tá và tên bà Đinh Thị Vân đã được đặt cho một đường phố tại thành phố Nam Định quê hương bà.

Số của bà cũng bị những sao “rất xấu” chiếu mệnh, làm ảnh hưởng và tổn thương đến đời bà. Xin nêu vài sự kiện:

Ở tuổi 38, bà Vân đã quyết định lấy vợ cho chồng để bí mất vào miền Nam công tác; Đó là sự hy sinh lớn lao của một người phụ nữ, bà sống cô độc một mình cho đến cuối đời, Việc này ứng vào Cung Tử Tức: Có 2 sao Thái Âm và Thiên Cơ đều hãm địa lại gặp Thiên Không, Địa Không, Địa Kiếp, Kiếp Sát, Cô Thần và Triệt là một loạt sao Hung tinh gặp Đẩu Quân nữa, đúng với câu ca: “Đẩu Quân kỵ Tử Tức cung,/ Đến già chẳng thấy tay bồng con thơ”.

Đường công danh của bà Đinh Thị Vân bị hạn chế, không được hanh thông tuy bà có rất nhiều sao Ưu tú; là bởi bị một sao rất xấu chiếu kháng nên các sao ưu tú bị cản, không phát huy được, đó là: Thân và Mệnh có Thiên Mã lại đóng ở cung Hợi là Mã ngộ cùng đồ, Mã lại gặp sao Tuyệt gọi là Triết túc mã, ngựa què, nếu không số này sẽ là cấp tướng. “Ngựa què, lại cùng đồ” còn ứng với đại hạn, năm 1995 bà bị ngã gẫy chân và qua đời mà nguyên nhân chính là do tai nạn này. Bởi vậy, dẫu chiến tích của bà vô cùng hiển hách, cương vị của bà trước khi tham gia quân đội đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946, và được cử giữ các chức vụ Huyện ủy viên huyện Xuân Trường, Ủy viên ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh Nam Định, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định (1951-1953). Nhưng cũng chỉ lên đến đại tá quân đội, âu cũng không thể tránh được số mệnh.

Những dẫn chiếu trên có thể có sự trung hợp ngẫu nhiên, không thể nói là chính xác tuyệt đối. Kể lại câu chuyện trên đây, chúng tôi chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc những tìm tòi mới về anh hùng Đinh Thị Vân để bạn đọc rộng đường tham khảo và suy ngẫm./.
Vũ Thanh Nhàn


(*) Bài đã đăng Báo Người Cao Tuổi số Tết 2013