Tôn Nữ Khả Di

Sau hơn 10 năm thai nghén, tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã chính thức ra mắt độc giả vào tháng 10/2022. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong địa hạt tiểu thuyết của một cây bút sung sức, tài hoa và bản lĩnh.

Tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê” tiền thân là phiên bản truyện ngắn đã được Võ Thị Xuân Hà gửi đăng trên một vài báo, tạp chí, với cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn cùng văn phong tinh xảo đẹp như “lên men vân gốm” và thấu suốt đau như “vạn kiếm xuyên tâm”. Tuy nhiên, khi đã đặt dấu chấm kết thúc tác phẩm, có một nguồn năng lượng ngầm vẫn thôi thúc chị mở rộng và phát triển câu chuyện theo nhiều chiều kích khác nhau. Để rồi, nhân vật chính Nàng Thê đã phải trải qua rất nhiều kiếp cõi nhân gian đầy trầm luân, khổ hạnh, đi tìm một tình yêu đích thực, dẫu phải đánh đổi, nếm trải biết bao đau thương, đắng cay, mất mát.

Ton-vinh-van-hoa-doc
Tiểu thuyết mới của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Nàng Thê vốn là “cây sứa đam ở chòm sao Tiên Tử được về Rừng Đại Ngàn, rồi đầu thai ở Tiên Giới, con vua Thanh Đế”. Nhưng phạm phải Luật Trời mà bị đày xuống trần gian làm người trần mắt thịt. Ở trần gian, nàng liên tục trải qua nhiều kiếp sống. Mỗi kiếp sống, nàng lại hóa thân vào một nhân vật khác nhau. Khi thì là tiểu ni cô ngây thơ, trong sáng, lúc là nàng công chúa nước Trang không được tự quyết số phận của mình và có khi trở thành hoàng hậu Thiên Xuân thanh cao, đài các… Có một điểm chung là dù ở kiếp cõi nào, nàng cũng đều đẹp một cách huyền bí và cuộc đời nàng luôn phải chịu những kết cục tổn thương, bi kịch.

Các kiếp sống của Nàng Thê luôn có sự liên kết một cách vừa ảo ảnh, mơ hồ, vừa rõ ràng, mạch lạc giữa ranh giới thường hằng và không thường hằng. Phủ trùm lên toàn bộ câu chuyện là tiếng sáo thẳm sâu văng vẳng: “Ngoài trời sương hoa bay lất phất. Nàng sẽ cho ai tất cả tình yêu. Để lòng ta lệ rơi chua xót. Xin hẹn nàng một kiếp phù du”. Tiếng sáo miên man từ kiếp này, sang kiếp khác, gợi về những mảnh ký ức chập chờn quên nhớ. Kiếp này là sự phản chiếu của kiếp trước và đồng thời là tiền đề của một kiếp sau nữa, như một thứ quy luật bất tận của Vũ trụ, không hẳn tuần hoàn, cũng không hẳn tịnh tiến. Chúng luôn có mối ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau quanh một trục xoắn là nhân vật Nàng Thê.

Với kết cấu như một khối rubic, mạch truyện liên tục vặn xoắn, thay đổi, đưa độc giả đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khiến chúng ta có lúc quặn lòng khi chứng kiến nỗi đau trong những cuộc đời đầy ngang trái của Nàng Thê. Khi làm vợ hoàng tử nước Cổ Nộ, nàng bị một cung nữ sát hại để rồi phải để lại đứa con “khóc đòi sữa mẹ”, khóc “ba ngày, ba đêm” liên tục. Khi làm một tiểu ni cô, nàng bị gã đốn củi hãm hiếp đến chết. Khi làm công chúa Ngọc Đảo, nàng phải chịu cảnh mất cha mẹ và một lẫn nữa bị bọn hải tặc cướp đi sự trinh trắng… Kiếp sống nào cũng đẩy đời nàng vào muôn vàn gian nan, thử thách dù cho nàng là ai, vị thế ra sao, thánh thiện thế nào.

Dường như, nỗi đau Nàng Thê phải nếm trải ở mỗi kiếp sống cũng giống như cách con ve trầy xước lột xác để trở nên trưởng thành hơn, nhu nhiên hơn. Sau mỗi lần chết, Nàng Thê xuống bến Tàng Sinh, bên cầu Đoạn Hà, khi được nhìn thấy muôn vạn kiếp nhân sinh từng qua, nàng vẫn muốn làm người, muốn đi tìm người ấy – người mà “có thể chưa sinh ra trên đời/ có thể là đã chết”, mặc ông già Tiểu Ngục rơi những giọt lệ thương cảm. Bởi nàng biết rằng “để quên được anh, em sẽ phải đi hết những cuộc đời như cuộc đời này”. Có thể, nàng sẽ vĩnh viễn không tìm thấy anh, có thể tình yêu của nàng là mù quáng, nhưng nàng sẽ không bao giờ hối hận với những lựa chọn của mình.

Không chỉ Nàng Thê mải miết mở các cánh cửa luân hồi để đi tìm người ấy. Mà người ấy cũng khắc khoải tìm nàng ở tất cả các kiếp cõi mà nàng đặt chân tới bằng cách này hay cách khác. Đó là chàng Nam Mộc xuất hiện trong tiểu thuyết với những nét chấm phá thoáng qua nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên nguồn từ trường tiềm ẩn để các nhân vật quanh Nàng Thê chuyển động theo một quỹ đạo thống nhất. Chàng vốn dĩ là cây Nam Mộc luôn chở che, bảo vệ cho cây Sứa Đam mong manh, mềm mại. Nam Mộc đôi khi gần thật gần mà có lúc xa thật xa và dù đối mặt, lướt qua, hay nán lại thì xuyên suốt câu chuyện, họ vẫn chưa đủ duyên hạnh ngộ.

“Câu chuyện của Nàng Thê” là cuốn tiểu thuyết có hệ thống nhân vật khá đồ sộ, phức tạp nhưng luôn đảm bảo sự tương tác sinh động, chặt chẽ. Bên cạnh Nàng Thê và Nam Mộc là chàng học trò chặt cây nam mộc, lão già Tiểu Ngục, lính cai, nàng cung nữ nước lệ, mẹ của Nàng Thê trên cõi thế, con trai của công chúa Nước Trang… Và, số phận cũng như tính cách của các nhân vật bao quanh Nàng Thê luôn có sự biến đổi đa dạng, linh hoạt sau mỗi kiếp cõi. Chẳng hạn, ở kiếp này, lính cai là kẻ thủ ác hãm hiếp Nàng Thê thì kiếp sau, hắn tu tập thành chàng trai Lưới Sông chất phác, thật thà. Gã ngọa quỷ xấu vốn dĩ là một “chàng trai thanh thoát thư sinh”. Hay như lão già Tiểu Ngục có khi chỉ là một con ve của Đại Ngàn thì có lúc đổi kiếp là cha của Nàng Thê trong giấy tờ hành chính…

Như vậy, các nhân vật trong tiểu thuyết luôn biến thiên, thậm chí biến dạng nhưng không biến mất. Họ luôn tìm cách tồn tại ở một thể vật chất phù hợp nhất. Bằng cách dẫn dắt mạch truyện khéo léo, kỹ thuật cài nối chi tiết logic, điêu luyện cùng khả năng tạo dựng không khí truyện đậm màu sắc liêu trai, huyền ảo, Võ Thị Xuân Hà đã đặt các nhân vật đúng nơi, đúng lúc, đồng thời vẫn đảm bảo sự thanh thoát, tự nhiên, sống động. Vạn vật trong vũ trụ không nằm ngoài quy luật kế thừa và tiếp nối. Như cành Nam Mộc thứ hai mọc lên từ thân Nam Mộc bị đốn gốc cũng đã tu tập thành Bạch mã Hoàng tử là một ví dụ.

Cuối cùng Nàng Thê và Nam Mộc có tìm thấy nhau sau muôn trùng cõi kiếp. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi thực ra, họ đã nhìn thấy nhau, gặp nhau và có lúc trong vòng tay nhau nhưng rồi họ vẫn lạc mất nhau. Đó là thử thách để họ trải nghiệm và giải mã những ý nghĩa của sự sống trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với vạn vật.  Nàng Thê chính là twin flame – Linh hồn phản chiếu mà Nam Mộc “đã kết nối linh mạch từ khởi thủy”. Sự kết nối ấy giúp họ biết chính xác điều mình cần tìm trong hành trình “kiếp kiếp vãng sinh” tưởng chừng như vô định, là TÌNH YÊU THƯƠNG – cội nguồn của mọi sức mạnh tỏa ra từ Vũ trụ, thấm thấm và tưới mát cho mọi sinh động sống.

Chân lý giản dị ấy không chỉ dừng lại trong phạm vi tình yêu đôi lứa mà còn đẩy lên thành tình yêu Trái đất trong chiều kích của không gian 5D mà dẫn theo lời tác giả: “Tình yêu vô điều kiện chính là bài học lớn nhất và quan trọng nhất của mối quan hệ twin flame nói riêng và toàn bộ loài người nói chung”. Và “Câu chuyện của Nàng Thê” còn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng: “Thế giới mới đang chờ đón bạn sẽ nhanh chóng tích hợp mọi trải nghiệm của tâm hồn vào hành trình khám phá trọn vẹn”. Bạn đã thực sự đi, thực sự trải nghiệm cuộc sống này bằng một tâm thế sẵn sàng?

Sự trải nghiệm không phải điều gì xa vời mà đơn giản là khi ta giữ sợi dây kết nối với những người xung quanh, kết nối với chính mình theo hướng tích cực nhất, từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui, từ vô vọng đến hi vọng, từ hoài nghi đến niềm tin, từ thù hận đến yêu thương, từ đắng cay đến hạnh phúc… Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, ham sống hơn như Nàng Thê dù trải qua tầng tầng, lớp lớp những kiếp nạn, nàng vẫn đi tìm, vẫn hướng về phía trước. Bởi, được sống, không phải là trả nợ cho một cõi kiếp nào đó, mà là để chúng ta tận hưởng và trân trọng. Và không phải ai cũng nhìn ra điều đó nếu không trang bị cho mình nhãn quan thứ ba – con mắt của tâm hồn kết hợp trí tuệ!

“Câu chuyện của Nàng Thê” thực sự đã mang đến nhiều suy nghiệm về kiếp nhân sinh muôn hình vạn trạng và càng khẳng định thêm sức sáng tạo đặc sắc, dồi dào của nhà văn Võ Thị Xuân Hà trong dòng chảy văn chương đương đại. Hi vọng chị sẽ “đẩy tiếp cánh cửa mở ra chiều kích mới của Vũ trụ” bằng phần hai hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị.

Nguồn: Văn nghệ Công an Online