THUẬN NGÔ Dịch từ The Guardian

Với sự tham gia của ba tên tuổi nổi tiếng nằm trong mảng sách thiếu nhi, lời kêu gọi mới nhất của họ đã làm bùng phát một cơn thịnh nộ cả trong thế giới người lớn. “Mẹ đẻ” của Harry Potter, J.K. Rowling, Philip Pullman – tác giả của bộ Vật chất tối của Ngài và nhà thơ Kate Clanchy mới đây đã làm “rung chuyển” SoA (Society of Aurthors, Hiệp hội các tác giả của Vương quốc Anh). Trong đó bao gồm luôn cả vấn đề của vị chủ tịch đương nhiệm, Joanne Harris, tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy Chocolate.

CÔNG KÍCH CÁ NHÂN

Cuối tuần qua, các cáo buộc mới nhất về SoA, một tổ chức với sự tham gia của các nhà văn, họa sĩ minh họa và dịch giả lớn nhất của Vương quốc Anh, đã xuất hiện. Theo đó, nhiều nhà văn cho rằng Hiệp hội đang đứng về phía “không thích hợp” trong các sự kiện văn hóa gây chia rẽ gần đây. Clanchy, tác giả từng bị chỉ trích nặng nề vào mùa hè năm ngoái vì được cho rằng sử dụng ngôn ngữ “không thích hợp” trong cuốn hồi kí về những năm tháng làm giáo viên của mình, đang trong quá trình nói chuyện với một luật sư như cô tiết lộ với tờ The Observer. Cô và những người ủng hộ, bao gồm đại diện của nhà xuất bản, Carmen Callil, cũng đang kêu gọi một báo cáo độc lập về các quy trình của Hiệp hội.

Kate Clanchy cho rằng SoA đã nhắm đến cô một cách cá nhân khi các bê bối xảy ra.

Clanchy lập luận rằng cô đã bị nhắm đến một cách cá nhân bởi cả Hiệp hội cũng như cá nhân chủ tịch đương nhiệm Harris khi nhà xuất bản Picador rút lại hợp đồng xuất bản cho cuốn hồi kí đoạt giải Orwell của mình. Kể từ vụ bê bối đó, Some Kids I Taught and What They Taught Me đã được Swift Press phát hành trở lại dưới dạng sửa đổi. Nó bao gồm những mô tả về một số đứa trẻ trong các lớp học của Clanchy mà sau này bị coi như là “khuôn mẫu”, “mang tính xúc phạm” bên cạnh việc giọng điệu của cuốn sách này cũng được cho là “trịch thượng”.

Từ khi sự việc xảy ra, Clanchy đã xin lỗi vì bất kì hành vi xúc phạm nào có thể gây ra và đã sửa đổi tác phẩm của mình. Trong sự việc này, cô đã có một khoảng thời gian bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. “Các nhà văn luôn o bế nhau, nhưng họ từng làm chỉ trong góc tối. Thế nhưng giờ đây nó xuất hiện ở khắp mọi nơi,” Clanchy cho biết vào cuối tuần này. “Tôi không ngờ gần đây SoA đã tuân theo các chính sách có phần độc đoán của riêng mình. Đã đến lúc phải xét lại Hiệp Hội một cách độc lập. Nó phải ngừng hoạt động như một ‘câu lạc bộ quý ông từ những năm 1920’, và bắt đầu có các thủ tục khiếu nại minh bạch, hợp lí”. Clanchy cũng tuyên bố rằng, mặc dù cô không phải là thành viên của Hiệp hội, nhưng Harris đã liên lạc trực tiếp với cô, thúc giục cô xin lỗi về cuốn hồi kí của mình.

BÊ BỐI CỦA CHỦ TỊCH ĐƯƠNG NHIỆM

Bất chấp lời kêu gọi giữ bình tĩnh từ ​​Hiệp hội vào cuối tuần này, cuộc chiến về việc lãnh đạo có vẻ vẫn sẽ diễn ra một cách gay gắt khi mới một tuần trước đó, Harris đã vướng vào vụ tranh cãi khi cô “nhại” lại những bình luận trực tuyến của J.K.Rowling nhằm ủng hộ quyền tự do ngôn luận của Salman Rushdie.

Theo đó trong một dòng tweet của mình, Harris đã nhái lại Rowling khi viết rằng bà bị “bị chấn động” bởi cuộc tấn công, và hỏi các tác giả xem liệu họ đã bao giờ nhận được một lời đe dọa mạng sống chưa. Các câu trả lời có sẵn bao gồm “Có”, “Chết tiệt, có”, “Không, không bao giờ” và “Để tôi nhớ lại, chết tiệt”. Harris sau đó đã xóa cuộc thăm dò và đăng lại nó. Tuy nhiên nó đã tạo ra rất nhiều phản ứng trái chiều.

Có một thư ngỏ từ tiểu thuyết gia Julie Bindel cáo buộc Harris “cư xử một cách không thích hợp”, và tạo ra “một tuyên bố rất khó chấp nhận khi nhại lại J.K. Rowling, người trước đó đã phải nhận thêm hai lời đe dọa giết chết công khai sau khi lên tiếng ủng hộ Salman Rushdie”. Bức thư cũng cho biết SoA và Harris “phân biệt giới tính, không chấp nhận tranh luận và cũng không sẵn sàng hỗ trợ tác giả”.

Nhà văn Julie Bindel (trái) cho rằng Chủ tịch của SoA Joanne Harris (phải) đã không can thiệp cần thiết trong các sự vụ vừa qua.

Vào thứ sáu, SoA đã cố gắng lật ngược tình thế bằng cách tận dụng cam kết về quyền tự do ngôn luận. “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả tác giả trò chuyện với sự tôn trọng và đoàn kết để cùng nhau giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, một tuyên bố trên trang web chính thức viết. Bản trả lời chi tiết cũng nói rằng Hiệp hội đã và đang điều tra các cáo buộc rằng họ không hỗ trợ các thành viên, nhưng không tìm thấy “cơ sở để khiếu nại”.

Tuy nhiên cũng có một bức thư khác được cho là của Melinda Salisbury, lại bảo vệ danh tiếng của Harris như là “một chiếc ghế vững chắc, công bằng, tận tâm và đầy nhiệt huyết”. Tiếp tục vào hôm thứ năm, trang blog của nhà văn Bindel đăng tải bức thư phản bác, và lặp lại tuyên bố rằng các nhà phê bình về giới đã không nhận được đủ sự ủng hộ của Hiệp hội. Về phía Harris, bà lập luận rằng bản thân có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng nên “tách bạch điều đó ra khỏi vai trò quản lí như là Chủ tịch của một Hiệp hội”.

Tiểu thuyết gia Amanda Craig – một trong những tác giả bị SoA cho ra ngoài rìa, cũng tham gia vào vụ việc này. Hai năm trước, Craig đã bị loại khỏi vị trí giám khảo của cuộc thi viết Mslexia vì cô đã kí vào một lá thư ủng hộ J.K. Rowling trong vụ bê bối liên quan đến người chuyển giới. Craig đã viết thư cho ban tổ chức, yêu cầu họ trả thù lao và gửi một bản sao khác đến cho Hiệp hội. Tuy thế Craig cho biết mình không nhận được sự hỗ trợ nào từ Harris trong vụ việc trên.

Phía SoA cho rằng: “Các cáo buộc chống lại Joanne Harris với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội dường như cho rằng cô ấy đã không tham gia vào các bê bối dưới tư cách là một tác giả độc lập. Đây là chiến dịch bôi nhọ chống lại Hiệp hội và không công bằng cho vị trí Chủ tịch đầy tâm huyết mà ban quản lí và các thành viên Hiệp hội đã nhìn thấy được ở Harris suốt thời gian qua”.

Tuy nhiên, Harris không có kế hoạch từ chức. Trong một tweet khác về những bức thư ngỏ, cô ấy nói: “Nhiệm kì của tôi với tư cách là Chủ tịch kết thúc vào năm 2024 và tôi sẽ không rời đi trước đó”.

Theo Văn nghệ Quân đội