Bắc Giang đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 10 năm ca trù của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đã có tiến triển nhưng công tác bảo tồn ca trù còn không ít gian nan.

Có phong trào nhưng rơi rụng dần

Ca trù có thời gian dài bị gián đoạn tại Bắc Giang, vài năm lại đây đã được khôi phục tại một số địa phương. Trong số chín CLB ca trù toàn tỉnh, CLB Ca trù Bắc Giang (thuộc Nhà hát Chèo Bắc Giang) là tiêu biểu hơn cả. Từ chỗ ngày nào còn chưa biết “chi chi”, đến nay CLB đã truyền dạy được hơn chục làn điệu, đào tạo được một số ca nương, trống chầu, kép đàn có chuyên môn vững như NSƯT Quỳnh Mai, NSƯT Thanh Hường, các nghệ sĩ Mai Hương, Đắc Huấn, Bích Thủy, Nguyễn Bá Trung (CLB Ca trù Bắc Giang), Nguyễn Thị Li La (Yên Dũng), Hà Thị Luyến, Khổng Thị Tiêu (TP Bắc Giang)…

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm CLB – NSƯT Quỳnh Mai, người mới tiếp cận phải mất hằng năm trời để học được một thể cách, không ít trường hợp đã bỏ cuộc giữa chừng. Do công chúng hiểu, yêu thích ca trù rất ít, các thành viên hiếm khi có cơ hội thực hành di sản, mỗi năm chỉ được diễn từ một đến hai lần nhưng cũng ít khán giả hâm mộ, dẫn đến nhiều người… nản chí.

Một tiết mục biểu diễn của CLB Ca trù Bắc Giang.

Đối với các hạt nhân CLB ca trù tại cơ sở, 10 năm qua họ cũng chỉ thực hành được hai thể cách đơn giản là Hát nói và Gửi thư, kép đàn chưa thể đánh hoàn chỉnh năm khổ đàn. Đã vậy, do đây là loại hình nghệ thuật kén khán giả, lại không có “đất diễn” nên nghệ sĩ ít có cơ hội được khoe tài, dẫn đến một số thành viên xin ra khỏi CLB. Vì cơm áo gạo tiền nên đã có người không muốn tiếp tục bám trụ và đành phải dứt áo chia tay.

CLB Ca trù Sông Thương (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang) và các CLB ca trù địa phương còn khó khăn hơn. Ở CLB Ca trù Sông Thương, thành phần tham gia là các nhạc công Trung tâm Văn hóa – Thể thao các huyện, thành phố và những hạt nhân văn nghệ cơ sở. Mỗi năm CLB tập trung chừng nửa tháng thông qua lớp tập huấn. Nhiều người xong các khóa tập huấn nhưng cũng chỉ để đó, ít có đất diễn nên kiến thức rơi rụng dần. Tham gia CLB Sông Thương được hơn bốn năm nhưng kép đàn Nguyễn Văn Tú (Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Yên Thế) chưa thể tự chơi hoàn chỉnh một làn điệu, bởi theo anh mỗi năm anh chỉ được bổ túc một khóa học ca trù, kiến thức học xong rồi lại… “cất vào ngăn tủ” nên không thể phát huy hiệu quả. Hay như CLB Ca trù Yên Dũng, dù đã rất cố gắng nhưng cũng gặp phải tình trạng người hát được thì không thể gõ phách, người biết gõ phách thì lại chưa thạo lề lối, trong đó khó khăn nhất là CLB khuyết kép đàn.

Hướng đi nào cho di sản?

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Dương Hồng Cơ: Hằng năm ngành đã mời nghệ nhân ca trù có uy tín về truyền dạy cho các CLB, hỗ trợ các CLB về trang phục, nhạc cụ. Một số địa phương đã đưa ca trù vào hội diễn, hội thi, tạo thêm sự phong phú cho phong trào văn nghệ. Trong đó, điều đáng mừng là đã thu hút được một số bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, do đây là loại hình nghệ thuật đặc thù và chuyên biệt đã thất truyền lâu, nghệ nhân Bắc Giang không còn nên việc truyền dạy phải mời các nghệ nhân từ Hà Nội, công chúng hiểu và yêu thích ca trù hiện có rất ít, khi các CLB biểu diễn không cuốn hút được đông đảo khán giả khiến người biểu diễn càng thêm nản chí, vì vậy việc bảo tồn vẫn chỉ dừng lại ở mức duy trì chứ chưa phát triển được.

Thời gian tới ngành văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường và đổi mới các hoạt động truyền dạy và tích cực tổ chức nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa cho các CLB ca trù. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ có tính lâu dài và thường xuyên. Dự kiến cuối năm nay lần đầu tiên Bắc Giang sẽ tổ chức liên hoan hát ca trù nhằm tạo sân chơi cho các CLB. Cùng với đó, mở rộng hệ thống CLB ca trù đến các địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Dương Hồng Cơ, trước mắt kinh phí Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo để đầu tư hơn nữa cho ca trù, trong đó ưu tiên và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người theo học. Về lâu dài, ngành văn hóa và các địa phương có thể xây dựng các tụ điểm sinh hoạt ca trù, qua đó kết hợp tạo thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người xem. Để làm được như vậy, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn để nhiều người có thể hiểu, yêu thích và tìm đến ca trù.

Chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ca trù được UNESCO vinh danh, dự kiến ngành văn hóa tỉnh tổ chức liên hoan nghệ thuật, trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về ca trù, kết hợp tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tổ chức hội thảo bảo tồn, phát huy ca trù…

Nguồn: Báo Thời Nay ĐT