Hải Phan

Những ngày đầu năm mới 2022, có một sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý lớn của văn đàn Việt Nam, đó là nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành ra mắt bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập “Cõi nhân gian”) NXB Hội Nhà văn, quý I/2022). Ngay lập tức, bộ tiểu thuyết đã gây tiếng vang lớn trên rất nhiều phương tiện.

Từ khoảng 5 năm nay, độc giả đã quen với một Nguyễn Phúc Lộc Thành của thể thơ lục bát “sex thiền” ghi dấu ấn đậm nét về sự cách tân, làm mới lục bát, tạo sự đặc sắc riêng có. Tập thơ “Giấc mơ sông Thương” với 108 bài lục bát (bao gồm 3 tập “Chiều”, “Chân quê”, “Giấc mơ sông Thương”, mỗi tập 36 bài) từng tạo nên một hiện tượng của văn chương Việt.

Minh họa bìa tiểu thuyết “Cõi nhân gian”

Với khoảng 70 bài giới thiệu, bình luận về “Giấc mơ sông Thương” trên các báo đài, diễn đàn văn chương uy tín, Nguyễn Phúc Lộc Thành được văn giới định danh là một thi sỹ có công làm mới lục bát, giúp thể thơ niêm luật khắt khe này tạo sự thu hút và dấu ấn đậm nét những năm đầu thế kỷ XXI

Sự thành công của lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành khiến người ta quên rằng “gốc” của anh là văn xuôi và tác phẩm đầu tiên Nguyễn Phúc Lộc Thành “trình làng” là tiểu thuyết. Năm 1994, khi đang học Khóa 5, Trường Viết văn Nguyễn Du, tiểu thuyết đầu tay “Cõi nhân gian” ra đời là một thành công ấn tượng với anh.

Bằng sự lột tả trực diện và tường tận xã hội những năm đầu đổi mới, “Cõi nhân gian” đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi phanh phui tận cùng những góc khuất về “thế giới ngầm”, về “xã hội đen” tại Việt Nam với tính dự báo cao mà các “ông trùm” như Khánh “Trắng”, Năm Cam (xuất hiện nhiều năm sau này) đều đã phảng phất bóng dáng trong tác phẩm. Đọc “Cõi nhân gian”, nhiều người liên tưởng đến các nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng “Bố già” của nhà văn Mỹ Mario Puzo.

Bất ngờ khi gần ba thập kỷ sau, Nguyễn Phúc Lộc Thành quay lại với tiểu thuyết, lần này là bộ 8 tập mà tập 1 chính là “Cõi nhân gian” xuất bản 28 năm về trước. Khép lại bộ trường thiên tiểu thuyết, mỗi độc giả có thể rút ra những “cái nhất” về tác giả cũng như bộ tác phẩm đầy vạm vỡ này. Với cá nhân tôi, tạm có thể thống kê những “cái nhất” như sau:

  1. Bộ tiểu thuyết dài tập được viết trong thời gian ngắn nhất

Tính từ giữa tháng 6/2021, khi khởi viết tập 2 của “Cõi nhân gian” đến khi khép lại trang cuối cùng của tập 8, ngày 10/12/2021, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có sự lao động sáng tạo “khủng khiếp”. Sức sáng tạo của anh khiến PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học) và nhà thơ Trần Hùng (Ủy viện BCH Hội Nhà văn Việt Nam), hai người anh được Nguyễn Phúc Lộc Thành tin tưởng nhờ đọc, góp ý, chỉ riêng việc đọc còn không theo kịp sức viết của tác giả.

Việc thường xuyên viết 16 giờ một ngày, gần như các mối quan hệ và giao lưu chỉ ở mức tối thiểu trong suốt hơn 5 tháng cho thấy gần 30 năm xa rời văn xuôi là quá trình tích lũy vốn sống, bồi đắp những vỉa tầng tư liệu và cảm xúc để một ngày Nguyễn Phúc Lộc Thành “bùng cháu dữ dội” với trang viết. Có thể khẳng định, ở Việt Nam, “Cõi nhân gian” là bộ tiểu thuyết dài tập nhất, được viết trong thời gian ngắn nhất. Nhà phê bình Văn Giá khi đọc “Cõi nhân gian” đã nhận xét về tác giả: “Một Hòa diệm sơn của năng lượng sống và sáng tạo”.

2. Cốt truyện giàu kịch tính và lắm chi tiết nhất

Xuyên suốt 8 tập của “Cõi nhân gian”, độc giả dễ dàng nhận thấy thành công nổi bật của Nguyễn Phúc Lộc Thành là khả năng xây dựng cốt truyện. Anh giống như một “kiến trúc sư trưởng” của cả “tuyến phố văn chương riêng mình” chứ không chỉ của riêng một công trình, tòa nhà đơn lẻ nào. Theo nhà văn Uông Triều: “Trong “Cõi nhân gian”, tình huống và nhân vật được xếp đặt hợp lí, kĩ càng, cuốn sách mạnh về cấu trúc, mạch lạc và thống nhất. Điều này gợi đến phong cách truyền thống của các nhà tiểu thuyết cổ điển, chú trọng đến những tình tiết nhỏ, các nhân vật phụ, dùng chúng làm đòn bẩy cho các bối cảnh lớn, ý tưởng lớn.”

Tài dựng cốt truyện “thượng thừa” tạo nên sự kịch tính cao độ, càng về sau càng lôi cuốn trong toàn bộ tác phẩm. Nó cho thấy ở tác giả một giọng điệu riêng, một sự trường sức đáng nể trong thể loại tác phẩm đầy thách thức với bất kỳ cây bút nào.

3. Hiệu ứng lan tỏa ấn tượng nhất

Ngay từ tết nguyên đán Nhâm Dần, khi những hình ảnh đầu tiên của bộ thiên trường tiểu thuyết “Cõi nhân gian” lan truyền trên mạng xã hội, giới văn chương cũng như độc giả cả nước đã xôn xao. Phóng viên theo dõi văn nghệ tại một số cơ quan báo chí, truyền hình đã xây dựng ý tưởng phỏng vấn tác giả, Nhà xuất bản, giới phê bình khi bộ trường thiên tiểu thuyết chính thức ra mắt.

Hiệu ứng truyền thông ấn tượng nhất còn bởi “Cõi nhân gian” được đích thân nhà thơ – họa sỹ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đích thân vẽ bìa minh họa rồi tặng lại bản chính cho tác giả. Năm 2018, Nhà thơ – họa sỹ Nguyễn Quang Thiều cũng là người vẽ 18 bản minh họa cho tập thơ “Giấc mơ sông Thương” và tặng lại tất cả các bản chính cho Nguyễn Phúc Lộc Thành. Một sự trân trọng kỳ lạ!

Từ sức hút của “Giấc mơ sông Thương” hơn ba năm trước đây, độc giả trong và ngoài văn giới tin tưởng, chờ đợi, kỳ vọng nhiều ở bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian”. Dù ngày 26/02/2022, Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới tổ chức lễ ra mắt “Cõi nhân gian” tại Hà Nội và ngày 10/03/2022 tại TP. HCM nhưng nhiều nhà sách cả nước đã đăng ký phát hành ấn phẩm từ trung tuần tháng 2/2022.

4. Sự đồng thuận nhiều nhất của văn giới trong đánh giá, nhìn nhận về tác phẩm

Ngay từ khi bộ trường thiên tiểu thuyết còn đang “phôi thai”, nhiều nhà văn, nhà thơ hàng đầu Việt Nam đã đánh giá rất cao về quy mô, sức lôi cuốn của tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tư cách Tổng biên tập cơ quan xuất bản là “bà đỡ” cho “Cõi nhân gian” đã đánh giá rất cao cuộc “đại phẫu” hiện thực xã hội chốn quan trường và kinh doanh của Nguyễn Phúc Lộc Thành mà “không hề hằn học, bôi nhọ”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhiều lần xuýt xoa khi đọc tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: “…hấp dẫn và vẫn giữ được bút lực từ đầu đến cuối, cái đó thật khó với rất nhiều người. Đọc thấy vui vì hay…”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ “đi đâu chỉ mong về nhà sớm để đọc “Cõi nhân gian”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đưa ra bình luận: “…nếu phải lựa chọn 10 cuốn tiểu thuyết Việt Nam hay nhất từ 1975 trở lại đây, có tên “Cõi nhân gian”.

Các nhà văn, nhà thơ Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Việt Chiến, Ngô Đức Hành, Đặng Vương Hưng đều đánh giá cao sự đồ sộ, sức sáng tạo của bộ thiên tiểu thuyết. Nhà thơ Mai Lam Thắng khi đọc “Cõi nhân gian” thậm chí đã đưa ra câu hỏi “Nobel là đây chứ tìm đâu?”.

5. Đáp ứng rộng rãi nhất giá trị thẩm mỹ của nhiều đối tượng độc giả

Nếu nói về độ phổ quát nhiều đối tượng độc giả thì bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” đã làm rất tốt điều này.

Không chỉ cuốn hút văn giới, thế giới nhân vật, xã hội mà nhà văn “mổ xẻ” trong “Cõi nhân gian” phù hợp với tầng lớp trí thức, doanh nhân, công chức, người lớn tuổi, thế hệ trẻ,… Ai cũng có thể thấy bóng dáng mình thấp thoáng đâu đó trong một nhân vật nào đó của tiểu thuyết.

Trong khi giới phê bình còn mải bàn luận về trào lưu “hậu hiện đại”, về nên lựa chọn khuynh hướng sáng tạo văn xuôi “tiểu tự sự” hay “đại tự sự” về “có chăng là thời của tiểu thuyết ngắn” thì với Nguyễn Phúc Lộc Thành, trường thiên là con đường duy nhất của tiểu thuyết hiện đại. “Giết trâu phải bằng dao mổ…trâu”, sự sáng tạo từ bản năng thăng hoa ở anh đã khiến anh “cháy” liền mạch thân phận các nhân vật từ “Cõi nhân gian” của gần ba mươi năm trước đến bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại với muôn vàn màu đen – trắng.

Nghệ thuật tiểu thuyết ở Nguyễn Phúc Lộc Thành không cầu kỳ. Đơn giản, nó là sự “mổ phanh” trực diện bằng giọng văn ngắn, sắc lạnh, loi cuốn, thậm chí anh chia sẻ “viết ra gần như có thể in ngay”. Dễ hiểu khi văn của “Cõi nhân gian” dồn dập, giàu kịch tính vì thế.

6. Gần nhất với kịch bản một bộ phim truyền hình dài tập

Việc lựa chọn nhân vật “tôi” tự sự ở ngôi thứ nhất xuyên suốt 150 chương của bộ trường thiên tiểu thuyết cũng như khả năng tạo các nút “thắt – mở” rất “đắt”, rất “nghề” đã đưa “Cõi nhân gian” rất gần với một kịch bản phim truyền hình. Nhịp truyện nhanh, mạnh, đối thoại tiếp đối thoại, chi tiết xen chi tiết đã khiến việc chuyển thể sang một kịch bản phim truyền hình 40-50 tập không khó. Nó dễ dàng với các nhà biên kịch và sẽ càng dễ dàng với chính tác giả tiểu thuyết. Nếu làm được việc này, khi đó, bộ tiểu thuyết sẽ mở thêm ra một chân trời sáng tạo nữa đó là phim truyền hình. Tin rằng, nếu có một bộ phim truyền hình từ kịch bản của “Cõi nhân gian”, nhất định sẽ “chiếm sóng giờ vàng” và lấy không ít suy ngẫm và nước mắt của khán giả.

7. Lợi nhuận phát hành sẽ dành thực hiện một việc làm ý nghĩa nhất cho văn chương.

Là một doanh nhân thành công (Nguyễn Phúc Lộc Thành là chủ tịch Tập đoàn Taxi tải Thành Hưng) và luôn đau đáu muốn “đền đáp, trả nợ văn chương”, từ khi chưa phát hành bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian”, tác giả chia sẻ: “Tôi xin công bố bán bộ sách Cõi Nhân Gian này và dành toàn bộ tiền bán sách để khởi dựng “Quỹ cánh đồng”, Quỹ tài trợ trao thưởng hàng năm cho các tác phẩm văn chương xuất sắc (dự kiến giá trị khoảng 10 ngàn đô la/ giải thưởng).

Điều này giúp tôi góp phần nhỏ bé nhưng ý nghĩa vào sự nghiệp phát triển văn chương nước nhà, với giải thưởng có giá trị kinh tế cao và thực sự vị nghệ thuật. Tôi cam kết “Quỹ cánh đồng” sẽ là giải thưởng chất lượng, hoàn toàn không vị tình”.

Theo Doanh nhân và pháp lý