Như đã hẹn với Michał Rusinek, người đã từng nhiều năm làm thư ký riêng cho bà và giờ là Chủ tịch Quỹ W. Szymborska khi anh sang Việt Nam vào giữa tháng bảy để dự buổi ra mắt Tuyển tập thơ chọn lọc của W. Szymborska do tôi tuyển chọn và dịch, trong chuyến đi làm việc tại Ba Lan lần này theo lời mời của Viện sách trực thuộc Bộ Văn hoá và Di sản Ba Lan, ngay sau khi đến cố đô Krakow tôi đã gọi điện và hẹn anh đưa tôi tới viếng mộ bà

(Wisława Szymborska)

 

Nằm ở đây là nữ tác giả của một vài bài thơ

cổ xưa như dấu phẩy.

Câu mở đầu của bài thơ ” Nấm mộ” và cả bài thơ này không hiểu sao cứ ám ảnh tôi suốt gần hai chục năm qua, kể từ khi đọc nó. Khi viết bài thơ này, Wisława Szymborska đã là một nữ thi sỹ thành danh ở Ba Lan, song bà đâu có tự phong cho mình danh hiệu nhà thơ. Và mấy ai nghĩ được rằng chính “nữ tác giả của một vài bài thơ” ấy sau này đã đoạt giải Nô-ben văn học, làm rạng danh cho đất nước Ba Lan. Dẫu toàn bộ thông điệp sâu sắc của bài thơ này nằm ở một khía cạnh khác, nó vừa là dự báo về một thế giới với những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, vừa là cảnh báo về một cuộc sống có nguy cơ bị “số hoá”, mà ở đó chúng ta đang từng ngày, từng giờ đánh mất đi những vẻ đẹp lung linh, huyền ảo mà chỉ có con người mới có thể tạo ra và cũng chỉ trái tim con người mới cảm nhận được. Song, ở một góc độ nào đó, bài thơ cũng gây nên sự tò mò cho người đọc muốn được tận mắt nhìn thấy cái “nấm mộ” mà chính W. Szymborska từ lâu đã phác họa ra.

Như đã hẹn với Michał Rusinek, người đã từng nhiều năm làm thư ký riêng cho bà và giờ là Chủ tịch Quỹ W. Szymborska khi anh sang Việt Nam vào giữa tháng bảy để dự buổi ra mắt Tuyển tập thơ chọn lọc của W. Szymborska do tôi tuyển chọn và dịch, trong chuyến đi làm việc tại Ba Lan lần này theo lời mời của Viện sách trực thuộc Bộ Văn hoá và Di sản Ba Lan, ngay sau khi đến cố đô Krakow tôi đã gọi điện và hẹn anh đưa tôi tới viếng mộ bà. Tuy đang bận giải quyết hàng loạt công việc trước lúc cùng cả gia đình đi nghỉ hè, song Michal vẫn dành ra được vài tiếng để đi cùng tôi. Anh khoe, đi Việt Nam về anh đã mang ngay bao thuốc lá mà các anh Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Trung Trung Đỉnh, Trần Quang Quý đưa anh nhờ đặt lên mộ Szymborska, vì các nhà văn, nhà thơ Việt Nam biết rất rõ sinh thời bà hút rất nhiều thuốc lá. Sau khoảng hai mươi phút đi ô tô, chúng tôi ghé vào cửa hàng hoa ngay trước cửa nghĩa trang Rakowicki để mua một chậu hoa tươi và nến. Còn hương thì tôi đã mang theo một bó từ Việt Nam sang. Tôi không ngờ nằm ngay trong thành phố lại có một nghĩa trang rộng lớn và được xây từ năm 1803. Những cây cổ thụ đứng đây đã hàng trăm năm giờ tỏa bóng uy nghiêm, song cũng tươi xanh đầy sức sống, che phủ khắp các lối đi. Các ngôi mộ của từng gia đình, dòng tộc được xây cất chỉn chu, ngay ngắn theo từng ô trông như một bàn cờ. Tôi chợt có cảm giác như mình đang dạo bước trong một công viên đượm mùi thơm của hoa, lá và vô cùng tĩnh lặng.

Michal kể W. Szymborska muốn được chôn cất tại nghĩa trang này, tại nơi bố mẹ bà yên nghỉ. Đám tang bà được cử hành vào đầu tháng 2 năm 2012, đang mùa đông giá rét, song có cả Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Ba lan, lãnh đạo thành phố Krakow và rất đông đảo người mến mộ bà tham dự. Người ta đứng chật các lối đi trong nghĩa trang và cả các đường phố ở bên ngoài. Ban tổ chức đã phải đặt một số màn hình điện tử lớn trên các bức tường nhà dọc phố để mọi người được theo dõi. Hôm đó, trên tháp chuông nhà thờ Maria nổi tiếng của cố đô Krakow, thay vì bản nhạc hiệu quen thuộc đã hàng trăm năm nay, người ta đã tấu lên bản nhạc của một bài hát được phổ thơ của W. Szymborska.

Đi lòng vòng một lát, chúng tôi đã tới được khu mộ của bà. Tuy biết bà sống cả một đời hết sức giản dị, khiêm nhường, song tôi vẫn hơi sững sờ khi nhìn thấy mộ bà. Một ngôi mộ đẹp, nhưng nhỏ nhắn, nằm lọt thỏm giữa nhiều ngôi mộ được xây khá hoành tráng. Sở hữu một số tiền không nhỏ, bà hoàn toàn có thể trao gửi để người ta xây cho bà một ngôi mộ không thua kém bất cứ mộ ai nếu như bà muốn. Song một triệu đô la tiền thưởng khi nhận giải Nô-ben và hàng triệu đô la khác thu được từ bản quyền và in sách, bà vẫn dành dụm và trao lại cho Quỹ mang tên bà sau khi bà mất nhằm hàng năm lấy tiền trao giải cho tập thơ hay nhất của các nhà thơ trẻ tài năng của Ba Lan và thế giới. Bà ra đi nhẹ tênh, nhưng đã để lại một tấm lòng mãi vẫn còn nặng nợ với thi ca. Tôi quan sát một lượt khá kỹ những ngôi mộ xung quanh. Điều khác biệt dễ thấy nhất là trên mộ bà có rất nhiều hoa và nến. Có những chậu hoa tươi, có những bông cẩm chướng đã héo. Ai đó đã tự vẽ và đặt một bức chân dung của bà trên mộ.

Sau khi lau mặt đá, tôi trân trọng đặt chậu hoa tươi mới mua lên mộ của bà. Tay run run xúc động, tôi đặt thêm lên đó Tuyển tập thơ chọn lọc W.Szymborska còn thơm mùi giấy mà toi với tình yêu sâu sắc và sự ngưỡng mộ lớn lao đối với thơ bà đã gắng hết sức mình để dịch sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa mới ấn hành. Tôi thắp một nén hương cắm lên mộ theo phong tục của người Việt rồi đứng lặng hồi lâu. Tôi thầm nhủ: thưa bà, từ một đất nước rất xa xôi, tôi đến đây để được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của cá nhân tôi, cũng như của rất nhiều người Việt Nam đối với bà về tất cả những gì bà đã dành cho chúng tôi. Dẫu chưa một lần đặt chân tới Việt Nam, song với hai bài thơ độc đáo viết về đề tài hai cuộc kháng chiến của Việt Nam, bà đã góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu đúng hơn về con người Việt nam. Với tình cảm nồng ấm và sự ưu ái đặc biệt, bà đã dành cho chúng tôi bản quyền để được dịch và in thơ bà ở Việt Nam . Bức ảnh chụp khuôn mặt đôn hậu với lời đề tặng”Những suy nghĩ tốt đẹp nhất dành cho bạn đọc Việt Nam!” của bà sẽ còn mãi khắc sâu trong tâm trí người Việt chúng tôi. Song, có lẽ món quà lớn lao và đáng giá nhất mà chúng tôi có được từ bà, đó chính là những bài thơ độc đáo, đày ám ảnh của bà. Thơ bà như từng giọt nước kiên trì và thầm lặng hàng ngày nhỏ xuống những tâm hồn đang có nguy cơ bị vô cảm và sa mạc hoá của không ít thế nhân. Nó đang góp phần làm nhú lại những mầm xanh trong tâm hồn của biết bao con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi cũng xin thưa với bà rằng, tôi rất hiểu sự nỗ lực và khả năng của một cá nhan nhỏ bé như tôi dẫu sao cũng chỉ là hữu hạn. Vẫn khá nhiều bài thơ của bà còn chưa được dịch. Ngay cả những bài được in trong Tuyển thơ chọn lọc lần này chắc cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết. Tôi rất mong được bà cảm thông và lượng thứ.

Nhìn làn khói từ nén hương Việt Nam bay lên bảng lảng, tỏa ra một mùi thơm trầm mặc, tôi lại miên man nghĩ về câu kết của bài thơ “Nấm mộ”. Thưa nữ sỹ, đúng là tôi vừa mới rút từ trong cặp ra “bộ óc điện tử” chiếc Ipad để chụp hình ngôi mộ của bà, với mong muốn bằng cách nào đó chuyển cho bạn bè và đông đảo bạn đọc Việt Nam thấy được nơi yên nghỉ của bà. Nhưng tôi, giờ phút này đây, ngay bên mộ của bà và có lẽ rất nhiều người khác nữa, những người yêu quý và ngưỡng mộ thơ bà, chắc chắn sẽ không phải chỉ để một giây như bà nói mà có lẽ là cả phần còn lại của đời mình để suy ngẫm về “phận đời Szymborska”. Bởi suy ngẫm về cuộc đời bà cũng chính là suy ngẫm về cả một gia tài thơ bà để lại, với biết bao âu lo, trăn trở, với ắp đầy tình thương và cái đẹp. Một gia tài mà có lẽ mỗi người tử tế đều có thể tự do lấy cho mình một chút gì đó để cảm thấy đỡ nghèo túng, cô đơn, đỡ bị lạc lõng giữa cõi người.

Chúng tôi lặng lẽ rời mộ bà khi nén hương đã cháy hết. Tôi đưa cho Michal bó hương còn lại và bảo thỉnh thoảng anh có thể mang ra đây thắp cho bà. Đi được một đoạn, tôi còn ngóai đầu nhìn lại. Đúng là một nấm mộ đặc trưng kiểuSzymborska. Không hiểu sao khi đã ra khỏi nghĩa trang, trong đầu tôi vẫn còn am ảnh mãi một suy nghĩ: nằm ở đây không phải là “tác giả của một vài bài thơ, cổ xưa như dấu phẩy” mà là một vĩ nhân, một viên kim cương có khả năng tỏa xuyên từ lòng đất.

Kraków, 8/2014

Tạ Minh Châu