Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Minh.

– Bàn tay và ngọn bút

– Đứa con của nấm mồ

– Kinh văn

– Ngôi đình

– Thiên thần

Đào Quốc Minh

Sinh 1986

Quê: Gia Lâm, Hà Nội

Làm thơ, viết văn và dịch sách bên bờ Thiên Đức Giang

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Tác phẩm:

Hoa xuân và nắng hồng 1

Hoa Xuân và Nắng hồng 2

Mưa Tháng ba

Dấu vân tay màu xanh lục

Những người Vũ công Memfis

Nguyệt nương

Tuyển tập thơ Đào Quốc Minh (sách Nhà Nước đặt hàng) – NXBHNV

Người tù không số (tập truyện ngắn)

Đứa con của nấm mồ (tập truyện ngắn)

Và hơn một chục tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt các chuyên ngành Triết học, Mỹ học.

Giải thưởng

Giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ của Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2015 cho tác phẩm thơ Những người vũ công Memfis

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định:

THỜI GIAN trong tác phẩm của Đào Quốc Minh là một đại lượng đồng nhất, bao trùm và bao chứa. THỜI GIAN đang kể lại với bạn những gì thuộc về nó. Với mỗi truyện, phụ thuộc vào điều nó kể lại và muốn nói, nó sẽ điều động những nhân vật phù hợp. Dưới con mắt của THỜI GIAN, có biết bao thứ không giống như con người nhìn thấy, chứng kiến, trải nghiệm, suy đoán và đoan chắc. Và con người, thay vì đưa ra phán xét, phán quyết, chỉ có thể (và chỉ nên) khiêm tốn suy ngẫm, cật vấn không ngừng về bản thân mình.

Bởi xét cho cùng, mọi tai họa mà chúng ta đang vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu suy ngẫm, thiếu cật vấn thường xuyên của mỗi chúng ta.

Kết quả là, mỗi khi đọc xong một truyện, bạn đọc cứ phải tự hỏi: Chuyện của thời nào? Nhân vật đang sống hay đã chết? Mọi thứ đang xảy ra là thật hay ảo? Tác giả kể hay ma quỷ kể? Bởi vì có truyện, phải khi đọc câu kết, mới biết người kể là một vong hồn, một con ma, một kẻ từng oanh liệt nhưng đã chết từ tám hoánh nào rồi. (Tiện thể nói luôn, hầu hết nhân vật của Đào Quốc Minh đều không thể xác định được tuổi. Chính xác hơn là họ không có tuổi). Có truyện, người kể và nhân vật cứ nhập vào nhau từng lúc, khiến không còn phân biệt được đâu là “tôi” nhân vật, đâu là “tôi” nhà văn với tư cách người trong cuộc kể lại, đâu là “tôi” quan sát… lạnh lùng đứng từ xa hay tít trên cao?

Và câu hỏi bao trùm sẽ là: Đào Quốc Minh muốn nói gì với bạn đọc? Các “dị truyện” của anh, luôn khiến bạn đọc hãi hùng, muốn truyền tải thông điệp gì?

Bàn tay và ngọn bút

          Ba thế hệ nhà họ Bản, sáng nào cũng như vậy, khi trời còn tinh sương, từ trong ngôi từ đường, họ Bản thắp đỏ ba nén hương, rồi đứng trên bậc tam cấp phóng tầm mắt lạnh như dao trảm thủ vượt qua hàng rào cất bằng gạch hoa, trông về phía ngôi nhà hoang đã trống rỗng cả trăm năm nay, nằm ngay phía trước từ đường, đang mờ mờ ảo ảo phủ một màn khói đùng đục, một màn sương bạc bảng lảng lạnh toát. Đã từ lâu nhà họ Bản muốn dẹp bỏ ngôi nhà đó, để tạo thế phong thủy chu tước huyền vũ, nhưng cứ mỗi lần xuống tay, toan đập phá bỏ ngôi nhà nọ, thì thằng chắt dòng đích họ Bản lại lên cơn sốt, co giật khắp toàn thân và nghiến răng kèn kẹt. Họ Bản căm ngôi nhà đó lắm, nhưng không làm gì được. Mỗi lần đi ngang qua hai cánh cửa gỗ, vốn đóng bằng ruột gỗ đinh tứ thiết, cực kỳ rắn chắc nhưng thủng lỗ chỗ, ba thế hệ cả già trẻ nhà họ Bản lại ghé mắt nhòm qua lỗ hổng, cái lỗ hổng bé bằng nắm đấm, và bao giờ cũng giống nhau, thứ họ thấy vô cùng kinh hãi.

          Bên trong ngôi nhà chỉ có một gian phòng duy nhất. Do quá tối tăm nên không ai có thể trông rõ hình hài. Nhưng chắc chắn có những điều có thể khẳng định. Ở chính giữa gian phòng, là một chiếc bàn bằng gỗ phủ đầy bụi, trên bàn chỉ có độc một bàn tay người, đang đặt úp lên mặt bàn, ngón tay cái, ngón tay giữa, cùng với ngón tay trỏ, ba ngón tay đều lở loét thối rữa, lòi cả phần thịt và phần xương, nhưng vết máu đều đã phủ đầy bụi, vết lở loét đều đã khô quắt lại, như bị hun khói thành sắc đen kìn kịt, cứng quèo quẹo như đã hóa thành gỗ. Bàn tay tàn phế với ba ngón còn sót lại đó, trông thật kỹ thì đang cầm một cây bút lông. Đầu bút lông đang chỉ về phía bức tường, là một bức tường lở lói và cháy xém. Bên trên bức tường treo một bức tranh. Đó là một bức tranh gần toàn bích, đặc tả cảnh sắc của thiên đường, chỉ còn thiếu một đường bút lông, có thể là như vậy. Nhưng cũng có thể, đó là một bức tranh của quỷ dữ, mang vết tích mười tám tầng địa ngục, một cảnh giết người, một vụ án không đầu, một đêm luyện ngục, cũng chỉ còn thiếu một nét bút lông. Do bóng tối bao trùm gian nhà hoang, sẽ chẳng có ai biết được sự thật là gì. Ba thế hệ họ Bản chỉ thấy, nếu chăm chú mà quan sát, bàn tay đặt úp lên mặt bàn chốc chốc lại co co giật giật, đầu cây bút lông chốc chốc lại rỉ từng giọt máu trong đỏ, bàn tay quỷ dữ, hoặc thiên thần, như đang gồng lên, gồng lên dữ dội và điên cuồng, nhưng không thắng nổi thời gian, không thắng nổi bóng đêm tăm tối, nó đỏ lừ lên như lửa cuồn cuộn, rồi lại đành phải nằm bẹp xép xuống, trên mặt bàn đầy tro bụi xám xịt, cầm lấy cây bút lông, không cử động nữa, không phát sáng nữa, không rùng rùng lên nữa, chỉ nằm bẹp xép đó thôi, nhưng oán khí cao ngút trời, đam mê say đắm ngút trời, cùng với đó là tiếng gào thét, tiếng khóc than và tiếng hát, đập vào bốn phía bức tường trong ngôi nhà hoang suốt bao nhiêu năm tháng, nhất là mỗi khi ba thế hệ họ Bản ghé mắt vào lỗ hổng trong những đêm trăng tháng bảy lễ xá tội vong nhân. Nỗi ám ảnh xa xưa về bàn tay quỷ dữ, khiến họ Bản càng tăng thêm thù hận.

          Tám mươi năm nay, cụ Bản chỉ mong, trước khi cụ lìa đời, cụ phải xóa sổ được ngôi nhà hoang, để lại từ đường quang đãng cho hậu thế. Đêm trước khi cụ về với tổ tiên, người ta thấy cụ còn đứng dậm dật, nghiêng cổ nhòm vào cái lỗ hổng, cho đến tận khuya lắm cụ mới ra về, đến nỗi dấu chân in sâu trên đất bùn ngay trước cánh cửa im ỉm, thi thoảng lại kẽo cà kẽo kẹt của ngôi nhà hoang u u gió lạnh. Cụ Bản năm nay trăm tuổi, từng tham gia Ngũ Tứ, là một trong năm mươi hảo hán năm hăm mốt, kinh qua Nam Xương, Thu hoạch, Cương Sơn, thắp lửa hồng khắp Giang Nam Giang Bắc. Cụ Bản ba đời bần cố nông, sau là công nhân ga xe lửa, thuộc thành phần cực kỳ cốt cán. Nhằm chiều mồng bảy âm, cụ Bản nằm bẹp trên giường, đầu ngoẹo sang bên trái, mắt thô lố như mắt ếch, dãi sền sệt và rờn rợt, nhớt xanh nhớt vàng, huyết đỏ mủ trắng, trào ra thất khướu. Ông Bản và chú Bản quỳ sụp bên cạnh cụ Bản, nước mắt cứ thế trào ra nấc lên nghe rưng rức. Chỉ có mỗi thằng chắt, thằng chắt đích họ Bản, là trốn tiệt đi đâu mất rồi. Cụ Bản chỉ còn hơi thở thoi thóp, miệng thều thào gọi tên thằng chắt. Cả nhà nháo nhác đổ xô đi tìm, những mong nó về kịp vuốt mắt cụ. Nhưng không kịp. Cụ Bản rướn cổ. Hức lên một tiếng. Trong thời khắc ánh hồi quang phản chiếu, cụ Bản bỗng dưng nghển cái cổ bều nhều, cố nhổm mình lên ngó về phía hàng rào, ánh mắt mờ đục nhằm ngôi nhà hoang. Bàn tay cụ giật giật, cố gắng nhấc lên, đầy vẻ nặng nhọc, như để chỉ cho con cháu. Bỗng dưng, cụ thất kinh, trong mắt cụ, đôi mắt đã mờ, bàn tay phải của cụ bỗng biến thành bàn tay tàn phế đặt trên mặt bàn trong ngôi nhà hoang mà cụ từng nhiều năm nhòm thấy qua lỗ hổng. Một bàn tay đen sì, với ba ngón tay cụt, lở loét và thối rữa, đang cầm một cây bút lông, hướng ngọn đen về thằng chắt, đứa trẻ con mới tẹo tuổi đầu, đang nhí nhảnh nhảy nhón chân sáo tận sân đình gạch cảnh đức rất xa. Cả gia tộc đều chứng kiến gương mặt kinh hãi của cụ, ngoại trừ thằng Bản cứ vô tư như con mèo hoang. Cụ Bản bỗng thấy hiện lại ngày đầu tiên, lom khom ước thệ trong hầm thấp và tối, đêm đầu tiên cụ nã súng vào sọ một viên đội, vốn là người cùng họ tộc, vạn lý trường chinh mười người còn một, thời khắc phất cờ đỉnh núi, máu nhuộm tanh lợm cả chiến bào, trưa đầu tiên cụ bị trói giật khuỷu, giữa rừng sâu xử quyết trắng, cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên, hãm hiếp chết vợ con kẻ thù. Tất. cả. là. không. Thốt ra từng tiếng. Rồi cụ Bản tắt thở. Bàn tay buông xuống. Lời thằng Bản hát véo von, bài ca vang xa vang mãi, trong suốt cả đám tang của cụ Bản, lũ bướm đen rập rờn bên thằng bé, chẳng rời nó mãi về sau, cho đến mùa thu năm nọ.

          Nhằm tảng sáng mồng bảy âm, ông Bản sắp cái lễ rất tươm tất, rảo bước về phía nghĩa địa của thị trấn, nơi chôn cất cụ Bản được chừng một năm. Trong nhang khói đang quyện thành một đám màu trắng đùng đục che khuất tầm nhìn, dội lên từng tiếng chó hoang sủa oăng oăng, từng tiếng tinh tinh từ rừng trở về gào rú lên một cách dữ dội điên cuồng, từng tiếng chim chóc hoảng sợ bay toán loạn. Một bầy tinh tinh đang vờn quanh ngôi mộ cụ Bản, nhảy múa theo một vũ điệu thật man di mọi rợ. Ông Bản ban đầu còn bàng hoàng, ngạc nhiên đến sững người lại, nhưng rồi bất thình lình, thần sắc chợt tỉnh táo, ông Bản nhận ra bầy tinh tinh đang vây ngôi mộ bố mình, ra chiều chuẩn bị làm một điều gì đó rất đáng hận đáng giết, ông Bản quẳng cả đồ lễ xuống đám bùn ven đường, chỉ giữ lại một con dao lưỡi ngắn, lăm lăm xông vào giữa bầy tinh tinh, như để bảo vệ cho ngôi mộ, cho linh hồn người đã khuất. Khi ông Bản lao tới gần, một nỗi đau xé trời xanh, giáng xuống đầu ông Bản, xuống đầu cả gia tộc Bản. Ngôi mộ đã bị xới tung lên, tấm bia đầy vết móng cào, sâu hoắm và lấm lem máu. Dưới lòng huyệt sâu chỉ còn một cái quan tài rỗng và những bãi dịch huyết đỏ ngầu bốc mùi tanh tưởi. Xác cụ Bản đã biến mất. Ông Bản ngẩng đầu nhìn lên. Bầy tinh tinh miệng lem sắc đỏ, vẫn đang rú reo như tiếng người, tỏ vẻ hân hoan mừng rỡ ra mặt, sung sướng khoái chí ra mặt, những gương mặt nao nao như một đám lính tráng, như một đám dân đen, từ lâu đã bị lạc trong rừng, có con còn đeo kính trắng, cái kính không biết nó nhặt từ đâu, có con còn đeo mảnh sắt gỉ, có lẽ là tấm huân chương, cũng có thể là cái phù hiệu, có con còn đội cả mũ phớt, rách rưới nhưng là đồ tây loại xịn và sản xuất từ rất lâu rồi, có lẽ từ thời cụ Bản còn là bát lộ quân, thậm chí từ thời khởi sự tô giới Pháp. Ông Bản điên tiết, ông cho rằng chính bầy tinh tinh là bọn quật xác và ăn thịt cụ Bản. Lưỡi dao gọt quả sắc lẹm trong tay, ông Bản tới tấp đâm bầy tinh tinh. Nhưng bầy tinh tinh, vừa đông vừa mạnh, đã xúm đông đỏ lại, chồm lên ông Bản. Chúng ngoạm, chúng cắn đớp, chúng cào táp, chỉ thoáng trong giây lát, chúng xé nát ông Bản, rồi quăng ông lên trời, đập ông xuống huyệt, đến nhừ xương nẫu thịt, vừa đập ông chúng vừa hả hê, như mối thù truyền đời hẹn kiếp, như sả mối hận trăm năm nay, mà kẻ thù của chúng chính là ông Bản, năm nay vừa tròn sáu mươi tuổi. Rồi chúng bắt đầu xé xác ông Bản, mặc cho ông vẫn còn thoi thóp thở. Trong giây phút sắp sửa phải lìa nhân thế, ông Bản nằm trong bãi máu đang loang ra, thân xác ông co giật vì đau đớn, ông bỗng thấy bàn tay phải của mình, như đã biến thành bàn tay đen sì cụt lủn, mà ông từng thấy trong ngôi nhà hoang, ngọn bút lông trên bàn tay phải óng lên màu huyết đỏ tươi, đang chỉ về phía ngôi huyệt mộ cụ Bản theo ánh mắt bi thương cùng cực. Dù ông đã sắp bị giết chết, ông cũng không giấu nổi một nỗi hoảng sợ đến tột cùng. Ông ôm lấy cái đầu đang bị cào xé bị nện dưới những quả đấm thép. Ông thoáng thấy xa xa, có một đám hồng vệ binh, phất cờ quần quận theo ông, quật mộ danh nhân trong thị trấn, quật mộ cả cha mẹ và ông bà họ, rồi đem băm nhỏ những hài cốt, ngâm vào những chum nước tiểu, sau khi đã mang đi tiễu phố cho thiên hạ phỉ nhổ, đánh đập bằng gậy trúc và thả cho lũ chó giằng xé. Ông thoáng thấy trước mặt ông, có những cái đầu cắt tóc ngắn, bị đập nát bấy bằng cuốc xẻng, những đôi bàn tay trắng trẻo, nhẵn nhụi và thon thả sạch sẽ, bỗng bị đao của ông chặt cụt. Nhưng rồi lại hóa thành chính đầu ông, chính bàn tay ông bị đập và chặt. Ông Bản chỉ kịp rú lên một tiếng. Tiếng rú dội vang khắp nghĩa địa. Rồi ông Bản đứt cổ chết. Bầy tinh tinh sau đó đã trở về rừng. Chỉ còn đám chó hoang ở lại, cắn xé cái xác đã nát của ông.

          Đêm đó lại là một đêm trăng. Chú Bản dật dờ như xác chết, quỳ mãi trước huyệt mộ cụ Bản trống rỗng, và vết máu khô cằn còn lại của ông Bản. Chú Bản khóc như tiếng chó con, ung oăng vọng về thị trấn khách gia. Chú Bản là trí thức duy nhất trong gia tộc, vốn là một họa sĩ thoát chết từ Lục Tứ, ngay trước bánh xích xe tăng, người yêu đầu đời của chú đã vĩnh viễn rời vòng tay chú, người vợ sau này của chú chỉ là duyên bèo nước tạm bợ, tuy họ có với nhau thằng Bản, nhưng đêm đêm chú đều đứng trên đỉnh gò mối nổi lên trên cánh đồng hoang ô nghĩa địa, mà ngước lên tìm kiếm một vì sao băng phía chân trời phương bắc xa bất tận, mà nức nở cất tiếng thét vang rung động cả một góc trời tây, trong tiếng gió âm u hoài cảm cuồn cuộn thổi bạt vạt cờ tiết rách rưới, bị chú Bản đốt đỏ ngùn ngụt thành tro bay về bến giang đầu, nơi ấy đôi thanh trúc từng khỏa tắm, từng trở thành ký họa của đời nhau. Chú Bản vừa thả nỗi sầu theo ngọn khói, để quên đi cái chết tức tưởi, cái trống rỗng của cả một đời, vừa tựa lưng vào ván quan tài bị quật, đôi mắt lờ đờ thoáng cái đã nhòe hẳn đi, chú Bản như thấy bàn tay phải của mình bỗng dưng biến thành một bàn tay đen sì, cụt ba ngón cái ngón trỏ và ngón giữa, đang lở loét và thối rữa đến xương tủy, tróc từng mảng da khô cứng, đang cầm một ngọn bút lông vung cao lên voan trời đêm xanh thẳm, chi chít những vì sao lấp lánh, như đang phác một dòng thiên thư, như đang phác bức họa tuyệt bích, bàn tay phải ấy như có thần làm, chú Bản không thể điều khiển nổi, hoàn toàn thoát khỏi ý chí của chú Bản, ngọn bút lông múa bay như rồng phượng, ánh mực cứ sáng lòa như kim quang. Chú Bản ngước lên voan trời, thoáng một đôi mắt xanh veo, đang mỉm cười dấu yêu vẫy gọi chú Bản trở về. Tiếng thím Bản từ đâu vọng lại, thím Bản đi tìm chồng gần bảy ngày nay rồi, kéo theo đó là một đám dân quân, tay đeo băng đỏ, thổi còi khua đuốc, rầm rộ cả trên bến, thím Bản là thành phần ưu tú, năm tuổi đã tham gia đấu tố, năm nay tròn ba mươi tuổi, bằng tuổi chú Bản, có lẽ họ lo có người vượt biển trốn sang đất Đài Loan. Chú Bản sực tỉnh, mắt mở trừng trừng, bàn tay quay ngược ngọn bút, như ngọn giáo, đâm thẳng vào trái tim dồn dập. Trước khi mất, chú Bản chỉ kịp nhớ đến gương mặt thằng Bản, gương mặt đỏ, tròn xoe như một tấm gương đồng thánh thiện, đang mỉm cười và véo von bài ca, đang nhìn về chú Bản từ rất xa rất xa. Rồi chú Bản quy tiên. Chú Bản nằm ngửa, nhìn trăng khuyết nửa, không hề nhắm mắt.

          Thằng Bản từ đó được mồ côi. Nó sống lắt lay năm này qua năm khác. Cho đến một trưa tháng bảy, nhằm vào cái giỗ chung của ba thế hệ mà nó đã quên khuấy tự bao giờ rồi. Từ thành phố trở về thị trấn, nay đầu tóc nó đã trọc lốc, nhác trông thì già nua lắm rồi, nhưng nụ cười thì vẫn trẻ thơ, trong như bài vè buổi sớm mai, như tiếng hát bên bờ sông đêm, vang thanh và ngân nga lắm. Sau những năm dài ngủ trong trại điên, nó ngồi phệt trước ngôi từ đường, lưng tựa vào cánh cổng son đỏ thắm, lớp lớp bụi đổ xuống ràn rạt. Mắt trân trân nhìn vào ngôi nhà hoang. Mặc cho thân thể vàng đục. Một màu vàng của mạt gỗ và của lũ mối đang xông ghê răng đang gặm đến xương cốt ngôi nhà. Trong cơn say ngà ngà của men rượu nếp, nó lảo đảo và lè nhè đứng dậy, loạng choạng trước ngôi nhà. Nhưng không quên nhòm qua lỗ hổng. Bên trong vẫn tăm tối như đêm nào. Vẫn bàn tay cụt ba ngón đã lở loét mang một sắc đen sì cứng quèo, đặt úp trên chiếc bàn gỗ thông, đang cầm cây bút lông đang rỏ mực óng hướng về bức tranh dang dở trên tường. Và bất giác nước mắt nó trào ra. Rồi nó khe khẽ đẩy cánh cửa gỗ lim. Cánh cửa tưởng chừng vô cùng rắn chắc, mà ba thế hệ họ Bản không thể lay nổi, bỗng dưng sụp hẳn xuống, bụi gỗ mù mịt cuốn lên cao. Cả ngôi nhà hoang bỗng sụp từ nóc, các vì kèo và cột gỗ bỗng gãy làm đôi, trong phút chốc ngôi nhà chỉ còn là bình địa. Thằng Bản bỗng giật mình tỉnh giấc. Ánh mặt trời ban trưa chiếu thẳng vào cái bàn đã vụn gãy. Nơi chiếc bàn gỗ thông là một người con gái rất xinh đẹp, bàn tay trắng muốt mềm mại, nhẹ nhàng vuốt làn tóc mai óng ả. Nàng ngắm thằng Bản và mỉm cười. Trong mưa ngâu bạt ngàn đang xối đổ, chẳng còn thấy đâu là bút lông, chẳng còn thấy đâu là bức họa. Thằng Bản cũng nhoẻn miệng, cất tiếng cười hềnh hệch ngây ngô, mê say ngắm nhìn người con gái. Thằng Bản bước vào ngôi nhà đổ, bàn tay khờ dại chạm lên bầu ngực thiếu nữ, đôi môi khờ dại đặt lên nụ rốn trinh thiêng, và hai kẻ xa lạ mà rất thân quen, dưới ánh mặt trời ban trưa hôm ấy, trong đống đổ nát, trên đống đổ nát, qua đống đổ nát, đã trần trụi quấn lấy nhau như hai kẻ điên cuồng rồ dại, không biết nhân duyên tự bao giờ. Ngày hôm ấy không ai từng nhìn thấy ngôi nhà hoang đổ xuống. Những người đi ngang qua, hoặc sống gần ngôi từ đường, đều chỉ thấy ngôi nhà hoang vẫn đứng im lìm tăm tối như mọi khi. Còn thằng Bản bị điên, nó từng khăng khăng rằng nó đã giao hoan cùng thiếu nữ trong ngày mưa hôm ấy, thì cũng chẳng ai buồn tin vào lời nói khùng điên của nó. Chỉ biết rằng một trưa nọ, tôi từng nghe thấy có tiếng trẻ con, cất lên oa oa trong mù tối, trong ngôi nhà hoang và cả từ đường.