Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

 

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Đôi lời của tác giả về truyện ngắn BẠN GÁI:
Đây là truyện ngắn mà tôi viết từ năm 1991, đủ bằng lứa tuổi 9X.
Xin nói đôi chút về truyện ngắn này, về số phận cũng như một vài chi tiết liên quan đến nó.
Thực ra, nhân vật Diêu là tôi viết dựa trên một nguyên mẫu có thật. Cô ấy tên là Hiền, Hiền Đậu, người Sơn Tây. Hiền Đậu học cùng khóa với Xuân Hà, là một người đẹp đến sững sờ, nức tiếng cả cái thị trấn Sơn Tây ngày đó. Xuân Hà thua Hiền Đậu 3 tuổi, chưa bao giờ chơi thân với nhau mà chỉ quý nhau.
Xuân Hà cũng không phải nhân vật Tâm, vì tóc không dài nhất Ban, cũng không có chàng hoàng tử nào khi đang là giáo sinh. Cũng không chăn nuôi lợn gà khi đi dạy học.
Nhưng Hiền Đậu với những hình ảnh đẹp nhất, với những chiếc xe con nối dài trước cửa nhà, với người chồng lái xe, với mối tình cùng một chàng trai (dù chàng ấy không phải Thảnh, mà là một anh cũng rất đẹp trai học cùng khóa), với những bi kịch, là có thật. Và Hiền đã mất vì ung thư sau khi lấy chồng mấy năm (không phải bị chồng đánh trụy thai như trong truyện). Tiếc thay một hương sắc của đất trời!
Viết truyện này như sự thôi thúc của một người vô cùng yêu bạn nghề, yêu lũ trò nhỏ mà phải giã từ nghề. Khi giã từ rồi, mới biết mình yêu nghề biết bao nhiêu, vì trước đó dường như là đưa chân bước vào, như là định mệnh…
Truyện ngắn này có cái kết, ban đầu gây sốc cho bạn viết và người đọc. Thậm chí bị xếp vào hàng “không mô phạm”. Nhiều tập truyện ngắn đã tuyển in truyện ngắn này. Nhưng cái kết ban đầu ấy phải chịu sửa lại như sau: “Bống dưng tôi yêu người đàn ông ấy kinh khủng”
Bây giờ xin trả lại cho truyện nguyên bản gốc ban đầu với cái kết như sau: “Bỗng dưng tôi thèm ngủ với người đàn ông ấy kinh khủng”.
Xin bạn chớ sốc với câu kết ấy. Dùng hình ảnh “thèm ngủ” này, tôi muốn đưa ra cho người đọc một thông điệp đích thực của tình cảm con người, không dối trá, đầy nhân bản, không hề vương bụi tục lụy. Chữ “yêu” không đủ sức nói hết bi kịch của những nhân vật trong truyện.
Kính chúc tất cả các thầy cô giáo bình an và hạnh phúc!
 
– Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ –

BẠN GÁI

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà

Nó xòe bàn tay: hai quả mận đỏ thậm đến phát thèm. Tôi chộp lấy. Khoan! Đánh đổi cơ. Đổi gì? Cho tao cái thằng đi Hát đê năm không hôm qua ấy… Mày đã có thằng Ba bét nhè. Này, đừng đùa. Ảnh của tao nó phóng to treo ở phòng riêng của nó. Tao định lẻn đến xé mấy lần không được. Tao mách Ba bét nhè nhé. Anh ấy biết thừa. Mà sao mày tham thế, bao nhiêu cũng không vừa. Thôi đùa đấy, những thằng đến với mày thì tao tha. Ít ra tao cũng có một người để không cần mày tha hay không. Gớm nào, chưa đi đã hoảng, ăn đi bồ.

Tôi nhìn nó. Một giọt nước mận đọng trên cánh môi mọng chót. Nó đẹp nhất khóa sư phạm chúng tôi, đẹp nhất cái thị xã sầm uất mà lâu lâu nó đưa tôi về để “bồi dưỡng đậu phụ” (theo cách nói của nó). Chả là nhà nó có nghề làm đậu. Mỗi lần đưa tôi về, nó chạy ra lò vít cổ bà mẹ lem luốc than xuống hôn chụt một cái. Sau đó nó thò tay vào thùng sữa đậu khoắng rồi phán:

– Loãng phẹt!

Chúng tôi ngồi xệp xuống múc sữa đậu uống no nê. Những lúc đó nom nó thật dịu dàng, như cái tên Diêu mộc mạc mà mẹ nó thì thào với tôi không biết bao nhiêu lần:

– Ông ấy trốn đi còn dặn: đẻ con gái thì đặt tên là Diêu, con trai là Thịnh. Diêu Thịnh là xóm đạo quê ông ấy…

 

Tôi và Diêu chơi thân với nhau vì tự dưng thấy thích nhau lạ. Tôi học giỏi nhất ban Lý, tóc cũng dài nhất ban. Nó học dốt nhất ban Sử nhưng lại đẹp đến sợ. Ban đầu tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt ấy vì sợ chói. Nhưng chính nó tự tìm đến phòng tôi:

– Tại sao ấy cứ quay mặt đi lúc tớ mượn chậu thế?

– À, sợ “chạm” .

– Tớ thích tính cậu.

Thế là nó bắt đầu huyên thuyên đủ mọi chuyện về nó. Bí mật đấy nhé. Tôi gật. Tớ là Diêu, nhưng ở thị xã tớ họ gọi là Diêu “đậu”, đậu phụ ấy mà. Trời ơi, thần tiên gì đâu. Tôi phì cười. Thế là tôi chơi với nó.

Tối tối chúng tôi ngồi “tụng kinh” những bài “sư” thì nó tót ra cửa với tiếng rồ máy khoái trá của một tên thiêu thân nào đó. Tôi học xong, tắt đèn chui vào màn thì nó loẹt quẹt dép qua sân tới bể nước. Nghe tiếng dội nước, tôi biết hôm đó nó mãn nguyện hay không. Bọn đàn ông đánh nhau như ngóe ở cổng trường. Mười vụ thì chín vụ liên quan tới Diêu “đậu”. Ai cũng réo tên nó mà chửi. Đàn ông réo kiểu đàn ông. Đàn bà réo kiểu đàn bà. Có lần hẳn hoi một mụ hàng phở béo ị xách con dao phay phăng phăng vào trường tìm chém bằng được “con đĩ cướp chồng”. Nó thản nhiên ngồi cười nói ở phòng thầy chủ nhiệm. Ông thầy hói trán tít  mắt vuốt vuốt bàn tay đeo đầy nhẫn:

– Yên trí, kì thi này tôi sẽ lo bài vở cho em. Chỉ  cần… chỉ cần…

Ông ta thở hổn hển dí sát mũi vào cái dái tai nhỏ nhắn của cô giáo sinh xinh đẹp, con yêu quái, con hồ ly tinh mà ai cũng biết nhưng không ai muốn thoát. Nhiều phen tôi uất và ngượng thay cho nó, nhưng lâu dần cũng quen, việc ai người ấy chịu. Nó bảo tôi: mày ngu như thánh. Vừa xinh vừa giỏi cũng nhiều thằng mê mà thắt bụng nằm ôm mộng với một người. Tôi im lặng, tránh nhìn vào mắt nó bởi ánh mắt ấy quyến rũ lạ lùng. Tôi sợ bị vẻ đẹp ấy thuyết phục. Tôi sợ những luân lý, những điển kinh bị cái sắc đẹp tự nhiên hoàn mỹ ấy phì một cái. Tôi bo bo giữ gìn tôi. Trong mơ tôi cho phép mình hôn thoải mái, nhưng là với một người, nhất quyết không có người thứ hai. Tôi khoác cho người yêu của tôi đủ vòng hào quang của một lãnh chúa, một ông vua, một trang hiệp sĩ… Và tôi mơ ước được một hạnh phúc yên bình như bao cô gái thông minh duyên dáng khác.

Trong khi đó, Diêu vẫn tiếp tục dội nước ào ào vào nửa đêm. Đàn ông vẫn tiếp tục đánh nhau như ngóe. Cánh đàn bà con gái dè bỉu nó mãi rồi cũng chán, họ chuyển sang đề tài mốt quần áo, cách trang điểm, xe máy nào là đời mới v.v…

Bỗng nhiên các vụ đánh nhau giảm hẳn. Cánh đàn ông nhìn nhau gườm gườm. Ban đêm không còn nghe thấy tiếng dội nước của Diêu. Buổi tối hàng loạt xe máy rồ ga ngoài cổng quay đi. Họ đang ở thế thủ, sẵn sàng nhảy vào bóp chết thủ phạm. Chỉ có tôi là biết nguyên nhân và thủ phạm. Tôi mừng cho Diêu.

 

Đó là một người đàn ông hốc hác, đen và mắc bệnh thống phong. Tôi nhìn thấy anh ta vào một buổi chiều mùa đông nhập nhoạng khi cánh giáo sinh nam thì ngồi co ro gặm bánh mì và đánh bài, cánh giáo sinh nữ thì túm tụm đan len, khâu vá và cười rúc rích. Tôi và Diêu đang nửa nằm nửa ngồi trên giường. Bỗng nhiên Diêu tái mặt nhìn chăm chăm vào người đàn ông như không tin sự xuất hiện của người ấy là có thực.

– Thấy chưa, tôi đã về – Anh cười, hàm răng khấp khiểng kéo cái miệng méo xệch.

Diêu túm chặt tay tôi không cho đi. Nó thì thào: tao lạy mày, đừng để tao một mình.

– Diêu bây giờ thế này đây. Sao không mời tôi ngồi. Các bạn vui vẻ quá – Anh lại cười, một nụ cười thân thiện.

Diêu luống cuống.

– Vâng, Thảnh… À anh… anh ngồi xuống đây.

Tôi khoái trá. Có thế chứ. Bà chúa đã đầu hàng. Dừng lại là phải thôi Diêu. Nhưng cũng thật kì quái. Vừa đen vừa xấu, lại đi xe “căng hải”. Thế mới biết lòng người bí ẩn như đêm. Tôi kín đáo rút lui để họ lững thững sóng đôi ra bờ cỏ sau trường. Tôi nguyền rủa cái tay hiệp sĩ của tôi, lâu quá không thấy mặt, không hiểu chết dẫm ở đâu. Tôi ngồi một mình ở đầu hè chờ trăng lên.

Mãi sau Diêu mới về, khuôn mặt lấp lánh ánh trăng. Cứ như nó vừa ở trên trời bay xuống, tinh khiết, huyền bí. Nó cười và ôm chặt lấy tôi. Rồi bỗng dưng nó bật khóc thút thít. Tôi im lặng để nó khóc. Chán chê thì nó kể.

 

Thảnh hơn tao một tuổi. Nhà nghèo lắm. Hàng ngày Thảnh đến nhà tao lấy đậu đi giao. Tao học xong là phải đến phụ cho mẹ. Tay, cổ, mặt lúc nào cũng lem luốc. Những lúc không có việc thì hai đứa tao ngồi chơi ô ăn quan. Bao giờ Thảnh cũng nhường tao đi trước. Có lần Thảnh bảo: Diêu đẹp lắm. Tao không tin, về rửa mặt rồi lấy gương soi. Tao nhìn thấy tao trong gương: thế này là đẹp ư? Thế rồi tao tin Thảnh nói đúng. Chúng tao chơi trốn tìm. Một lần Thảnh núp trong góc xồ ra ôm chặt người tao. Tao thấy đau ở ngực, bảo Thảnh buông ra, Thảnh càng ôm chặt hơn rồi anh ấy úp mặt vào ngực tao thì thầm: lớn lên chúng mình làm vợ chồng nhé. Chắc làm vợ chồng thích lắm. Tao gật. Thảnh bảo: thề đi. Tao thề. Rồi anh ấy phải theo bố đi làm ăn xa. Trước khi đi anh ấy hẹn: khi nào có nhiều tiền, sẽ về cưới Diêu.

Tao chờ, chờ mãi. Rồi tao lớn. Bọn đàn ông trầm trồ: đẹp quá. Thảnh vẫn không tin tức.

Hết cấp ba, tao thèm vào đại học quá, chả lẽ cứ làm đậu suốt đời. Không ai cho con của một tên phản quốc chạy vào Nam để học đại học cả. Tao không có gì ngoài sắc đẹp trời phú. Thế là tao đem đánh đổi để lấy một bản lý lịch trong sạch. Tao bán trinh tiết đời con gái để cứu cuộc đời đen bạc của mình. Thằng cha tổ chức dê già ấy đã có bốn con…

Trời ơi! tao căm ghét bọn đàn ông. Tao trả thù tất cả bọn chúng… Không ai trong chúng biết rằng tao cũng có một trái tim.

Tôi bịt tai lại. Thôi mày im đi Diêu. Nhưng nó vẫn lạnh lùng kể.

Tao nhận những đồng tiền, những gói quà, những vật trang sức đắt tiền của họ để tao tự tôn tao lên làm bà chúa. Nhưng chẳng có ai trong tất cả bọn họ làm tao quên được Thảnh. Thế đấy, giờ thì Thảnh đã về. Tao không biết nên vui hay nên buồn nữa…

Diêu úp mặt vào vai tôi. Những giọt nước mắt ấm nóng của nó ngấm vào da thịt tôi. Diêu ơi cũng tại mày quá ghê sợ cảnh nghèo hèn nên mới ra nông nỗi này. Nhưng tôi có quyền gì mà lên án nó như vậy. Nếu như tôi cũng vào hoàn cảnh ấy…

 

*

 

Sau đó ít lâu thì chúng tôi ra trường. Diêu được về dạy ở thị xã của nó (không biết có ông tổ chức nào lo cho vụ này không?).

Tôi lấy anh chàng hiệp sĩ của tôi và chuyển về quê chồng dạy học. Tôi như được ru trong hạnh phúc, thứ hạnh phúc cần mẫn của những câu ca dao trong các quyển sách tập đọc.

Bỗng dưng tôi nhận được thư nó. “Tao đã lấy chồng. Hè này mày lên chơi nhé. Mẹ tao cứ nhắc suốt…”.

Tôi thu xếp lên thăm Diêu.

Diêu ở riêng. Ngôi nhà khang trang nằm trong một vườn cây xanh mát.

Tôi điên tiết:

– Thảnh đâu? Tại sao không phải là Thảnh, hở? Bây giờ thì không có gì biện hộ cho mày nữa, hiểu chưa Diêu.

Diêu ngồi ỉu xìu trong xó ghế. Trông nó lại càng lộng lẫy hơn xưa.

– Thì từ từ đã nào – Nó đấu dịu.

– Tao không chịu được mày nữa rồi. Thế mà gọi tao đến làm gì. Khoe hả? Sướng rồi, nhà giàu thế này – Tôi lia xéo khắp căn phòng, liếc mấy tấm ảnh cưới – Chồng trông cũng tốt mã, đẹp đôi đấy.

– Thôi mà, tao xin mày Tâm ơi. Tao không thể lấy Thảnh được. Suốt một thời gian anh ấy không tin là tao đã không còn trinh trắng… Nhưng khi anh ấy tha thứ cho tao thì chính tao lại không thể tha thứ cho mình. Tao không thể lấy Thảnh được vì đã có biết bao thằng đàn ông giày xéo lên tấm thân này. Thảnh là hình ảnh tao tôn thờ. Tao không thể làm ô uế hình ảnh ấy, không thể, mày hiểu không.

– Bây giờ anh ấy đâu?

– Sắp lấy vợ rồi, một cô bé mới lớn, xấu, nhưng biết điều. Anh ấy cần phải có con.

– Chồng mày làm gì?

– Lái xe.

– Yêu  mày chứ?

– Làm gì có cái thứ xa xỉ ấy. Hắn thỏa thuận với tao: tôi mất tiền cưới cái thân ô uế của cô về vì cô đẹp quá, tôi trưng cho thiên hạ ghen tị. Bù lại, tôi có quyền ăn nằm với bất cứ đứa con gái còn trinh trắng nào mà tôi thích. Mẹ kiếp – hẳn chửi – có phá nát hàng nghìn cái cũng không bù lại được một cái đã mất. Nhưng mà thôi. Có điều, cô phải đẻ cho tôi một đứa con. Đứa con của tôi với cô. Hiểu chưa? Tao đồng ý. Hắn không cho tao đi dạy nữa. Hắn bảo cái mặt tao mà dạy học gì, dạy đánh đĩ thì có. Lâu lâu hắn về hù dọa tao đủ thứ.

Nó trật vú cho tôi xem. Tôi rú khẽ. Một đầu vú nát bấy.

– Hắn mới đi hôm qua. Đêm hắn cắn xé tao thế đấy. Tao hứa sẽ không ngủ với thằng nào ngoài hắn. Tao phải đẻ một đứa con với chồng. Sau đó ra sao thì ra.

Nó nhe nhởn cười. Ôi, thiên thần của tôi! Con yêu tinh đáng thương của tôi!

 

*

 

Một thời gian dài, tôi dốc lòng cho chồng con. Lâu lắm tôi không đi đâu được. Không phim ảnh. Không thăm bạn bè. Quanh quẩn với đám học trò nhếch nhác. Suýt nữa tôi phải lòng một tay lái lợn chỉ vì anh ta thì thầm vào tai tôi sau khi nhúng đôi tay dính đầy phân lợn vào cái chậu men trắng:

– Cô bé xinh thế này, nuôi lợn lam lũ phí đi.

“Cô bé”. “Xinh”. Lâu lắm không có ai thì thầm với tôi như vậy. Lâu lắm tôi không nghĩ gì đến mình. Lâu lắm tôi không được là tôi mà là vợ của chồng tôi. Không còn hình ảnh chàng hiệp sĩ hào hoa ngày nào. Tất cả là sự mưu cầu nhọc nhằn đến méo mó.

Thỉnh thoảng được tin Diêu tôi càng buồn. Nó vẫn chưa có con, bị chồng đánh liên tục. Tôi nhớ lời Diêu phán xử tôi trước đây: mày sẽ là nạn nhân của chính sự tuyệt đối của mày. Tôi thu xếp định đi thăm Diêu, để tôi được là TÔI trong ít hôm thì nghe tin dữ: Diêu bị chồng đánh đến đọa  thai đã chết. Nghe đâu cái thai không phải của chồng. Cũng không phải của những kẻ đỗ ô tô con san sát kiếm cớ đợi chờ trước cửa nhà người đàn bà đẹp kỳ ảo. Họ bảo đó là của một anh chàng nghèo kiết xác nào đó.

 

*

 

Diêu ơi…! Tôi vừa chạy vừa gào. Khu nghĩa địa đen thẳm lạnh lẽo. Một mảnh khói hương vật vờ lịm trong gió. Tôi vuốt nước mắt. Bên mộ Diêu, người đàn ông gầy gò, hốc hác đang quỳ gục. Tôi tới gần, đứng lặng im rất lâu mà anh vẫn không ngẩng lên.

Mãi sau, tôi lên tiếng:

– Dẫu sao thì anh vẫn còn nguyên vẹn trong nó.

Anh ngẩng lên nhìn tôi như không hiểu. Tôi nhắc lại:

– Dẫu sao thì anh vẫn là một vị thánh đối với nó.

Anh đẫn đờ xua tay. Bỗng dưng tôi thèm ngủ với người đàn ông ấy kinh khủng.

 

– Đêm tháng 10.1991 –