Nhà văn Ambrose Bierce.
Nhà văn Ambrose Bierce.
Nhà văn Mỹ Ambrose Bierce là một trong những nhân vật bí ẩn nhất của thế kỷ XIX. Những điều bí ẩn về cái chết và tình trạng tâm lý cận kề thời điểm đó đã gợi nên sự chú ý. A.Bierce vẫn là một ẩn số mà người đương thời không lý giải được và cho đến ngày nay ông cũng vẫn là một bí mật chưa được khám phá. Vào một ngày đẹp trời ông đã biến mất không để lại dấu tích, cũng giống như những nhân vật trong các tác phẩm của ông vậy.

Ambrose Bierce sinh năm 1842 tại bang Ohio trong gia đình một chủ trại. Từ bé ông đã không được học hành một cách có hệ thống, điều này không phải là hiếm trong thời kỳ đó, tuy vậy ông vẫn say mê đọc sách. Con đường binh nghiệp là điều mong ước lớn nhất đối với con cái của những gia đình không giàu có.

Trong thời gian nội chiến A.Bierce đã ra trận chiến đấu, phục vụ dưới quyền của tướng Sherman, đứng về phe những người dân miền Bắc. Tuy nhiên, vào năm 1866 sau khi bị thương nặng ông đã trở lại cuộc sống dân sự, viết văn và làm báo. Ngoài những bài tiểu luận cho các báo và tạp chí, ông đã viết truyện, tiểu thuyết và thơ. Các nhà viết tiểu sử về A.Bierce nhận định rằng, ở mức độ nào đó thì ông là điển hình của sự nhận thức có tính bệnh lý về thực tại. Ông chú ý đến những sự bí ẩn của cái chết và trạng thái tâm lý cận kề khi đó. Nhiều tác phẩm của nhà văn chứa đầy cảnh tượng về những con người điên khùng từ các nấm mồ, những con quỷ thù địch với con người và nhiều điều phi lý khác nữa. Đa số những câu chuyện rùng rợn đẫm máu của Bierce được viết dưới dạng sáng tác nghệ thuật, minh họa sự những cố huyền bí khác nhau xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn như những truyện ngắn “Chim nhạn” và “Một trong những cặp song sinh” nói về mối liên quan siêu tự nhiên khó lý giải giữa cặp song sinh giống hệt nhau, “Sự thừa kế của Ghinson”, “Bí mật của thung lũng Makardzhera”, “Dự đoán về cái chết” ông viết về khả năng tồn tại dưới âm cung, “Lấp đầy khoảng trống” và “Công dân Karakoza” nói đến sự chuyển dịch thời gian.

Những sự mất tích bí ẩn của con người đã gợi nên sự chú ý đặc biệt của Bierce. Ông đã cho ra đời một số tiểu luận về đề tài này trong tuyển tập văn thơ “Điều đó là có thể không?”. Chính A.Bierce lần đầu tiên đã kể về Charles Esmor, một chàng trai tuổi vị thành niên đã biến mất khi đi ra giếng lấy nước. Những dấu vết của cậu ta để lại trên tuyết đã bị mất hút giữa chừng trên đường ra giếng. Một thời gian sau, các thành viên của gia đình Charles đã nghe thấy giọng nói thì thầm của cậu như được vọng tới từ một nơi xa xăm nào đó …

Vài thập kỷ sau, các cuốn sách của A.Bierrse năm 1893 với những phiên bản khác nhau đã xuất hiện những bài viết nói về một người nào đó có tên Oliver Lerche từ Indiana đã mất tích cũng trong những hoàn cảnh hệt như vậy. Về điều xảy ra đó đã có một số nghiên cứu, (kể cả nghiên cứu về đĩa bay) khẳng định rằng Lerche đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc – trước khi mất tích dường như những người thân của ông đã nghe thấy những tiếng cầu cứu: “Hãy giúp tôi! Có người đã bắt tôi!”. Chỉ đến năm 1983 thì trên tờ tạp chí “Đức tin” mới đăng một tuyên bố bác bỏ – hóa ra là cả câu chuyện không hơn gì một tin vịt và trên thế gian không có một Oliver Lercha nào cả! Một trường hợp khác được mô tả trong cuốn sách- về cơ bản rõ ràng là một câu chuyện hư cấu kể về sự mất tích của người chủ trại ở Tennesse là David Lang được công bố vào năm 1953 trên tạp chí “Đức tin”. Bài bút ký của A.Bierce có tên là “Khó đi qua cánh đồng”.

Vào tháng 7/1854 người chủ đồn điền họ Williamson đang ngồi với vợ và con nhỏ bên hiên nhà của mình. Ngôi nhà đứng đằng sau con đường, phía đối diện là bãi chăn thả và cạnh đó là cánh đồng, là nơi những nô lệ da đen đang làm việc dưới sự giám sát của một viên cai. Bỗng nhiên Williamson sực nhớ rằng cần phải thông báo điều gì đó cho viên cai. Ông ra khỏi nhà, băng qua đồng cỏ phía trước ngôi nhà và đi ra cánh đồng. Trên đường ông có chào hỏi người hàng xóm của mình là Armop Renon đang ngồi trên chiếc xe ngựa bốn bánh đi ngang qua đó cùng với con trai mình. Bỗng nhiên một trong số những con ngựa bị vấp. Khi đó Renon và con trai lại đưa mắt nhìn sang chỗ mà họ vừa mới gặp Williamson thì ông này đã biến mất mà không để lại chút dấu vết nào. Rõ ràng bà Williamson và các gia nhân đã quan sát được cảnh tượng mất tích đó, họ đã gào lên man dại và chạy bổ ra cổng. Từ lúc đó người phụ nữ đã bị mất trí. Các gia nhân chắc hẳn là có thể kể điều gì đó nhưng trong quá trình điều tra thì sự làm chứng của những người da đen đã không được coi là hợp lệ. Họ không được kể về những gì mình đã nhìn thấy trên thực tế. Lẽ dĩ nhiên là người ta đã không tìm thấy Williamson ở đâu cả.

Thật là nghịch lý nhưng chính bản thân Ambrose Bierce cũng đã biến mất một cách bí ẩn. Vào năm 1913 nhà văn 71 tuổi này đã đến Mexico khi mà ở đó không khí cách mạng đang sục sôi. Ngày 16 tháng 12 thư ký của ông đã nhận được bức thư có đóng dấu từ Laredo (Texac) gửi đến. Trong thư A.Bierce thông báo rằng ông đang tới Mexico, ở đó có một việc gấp gì đó đang đợi ông, thực chất là việc gì thì ông không tiết lộ. Và rồi từ đó không ai còn được nghe tin tức gì về ông nữa. Theo giả thiết chính thức thì Ambrose Bierce đã qua đời vào cuối năm 1913 hoặc là đầu năm 1914. Có thể là ông đã mất trong thời gian diễn ra những sự kiện cách mạng. Thế nhưng thi thể của ông cũng không tìm thấy ở đâu cả và cũng không hề có thông tin gì về những việc đã xảy ra với nhà văn sau ngày 16 tháng 12.                                     

Ngọc Bích (Theo Rian.ru)

Nguồn: Vannghequandoi.com.vn.