Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử của Đảng, là tâm sự của một người con vĩ đại đã suốt đời hi sinh hạnh phúc riêng tư, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc, nhân dân. Nhận rõ quy luật của cuộc đời “tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp”, Bác đã chuẩn bị “mấy lời” này từ lâu và đã được viết, bổ sung, sửa đi sửa lại trong suốt bốn năm từ 1965 đến 1969. Người cân nhắc từng ý, từng câu, từng chữ. Bởi từng câu, từng ý là lý luận, là thực tiễn, là nỗi đau đáu của vị lãnh tụ bao nhiêu năm ít có đêm nào trọn giấc vì đất nước còn chia cắt, đồng bào chiến sĩ còn kinh qua bao gian khổ, hi sinh xương máu để đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, để nước Nam liền một dải.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử của Đảng, là tâm sự của một người con vĩ đại đã suốt đời hi sinh hạnh phúc riêng tư, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc, nhân dân. ẢnhTL. Nguồn Internet

Trong Di chúc Bác dặn lại có nhiều phần, nhiều việc, đều là những việc quan trọng, cần kíp, là những công việc lớn của Đảng, dân tộc trước mắt và lâu dài. Những việc lâu dài thì như chúng ta đã thấy đến hôm nay, mặc dù đất nước đã thống nhất 44 năm, vẫn còn phải phấn đấu hết mình vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ mới có được cơ đồ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong những công việc lớn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về nhân dân, về con người, về thế hệ trẻ, về phong trào cộng sản quốc tế… Bác dặn điều trước hết là nói về Đảng:“Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, từ những ngày đầu cách mạng Bác đã có nhiều bài nói, bài viết quan trọng nói về vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản và công tác xây dựng Đảng. Từ năm 1927, khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, để chuẩn bị tài liệu huấn luyện đội ngũ cốt cán, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết Đường Cách mệnh. Bác chỉ rõ:“Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng; ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Có thể nói đây là bài học đầu tiên, bài học sơ khai về Đảng. Đảng là người vận động, người tổ chức, là người cầm lái con thuyền đưa dân tộc thoát khỏi đêm đen nô lệ, giành lấy quyền sống, quyền làm người. Một Đảng chân chính, chắc chắn như thế hỏi làm sao dân không tin, không đi theo? Từ bài học buổi đầu ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết truyền đến những người con của công nông lý luận cách mạng, con đường cách mạng, đạo đức, lối sống của người cách mạng. Bác nói về Đảng, về những định hướng lớn trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất giản dị, thiết thực, dễ hiểu. Điều đó thể hiện nổi bật trong các tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc; Dân vận; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân…và nhiều bài nói, bài viết của Người. Cho đến trước lúc vĩnh biệt thế giới này, vị lãnh tụ thiên tài tiếp tục dành những điều trăn trở, tâm huyết nhất nói về Đảng.

Bác dặn việc thực hành dân chủ trong Đảng; việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất; tự phê bình, phê bình, phê bình; việc trau dồi đạo đức cách mạng. Thật là những tiên đoán, những lời dặn của một thiên tài. Bởi sau nửa thế kỷ những điều Bác tiên đoán vẫn đang nóng hổi trong cuộc sống thường ngày, vẫn là những điều mỗi chi bộ, mỗi đảng viên đang quan tâm, lo lắng hằng ngày. Chỉ có điều nhận thức và thực hành về dân chủ, đoàn kết, phê bình, đạo đức người cán bộ, đảng viên đã có những điểm khác trước. Đáng lo ngại là những biến tướng sau cái vẻ ngoài đạo đức, là sự nhân danh, khoác áo dân chủ, là mối nguy hại đoàn kết xuôi chiều, “đoàn kết” vì lợi ích nhóm. Biểu hiện cụ thể của những biến tướng đó là tình trạng “nói vậy mà không phải vậy”, nói không đi đôi với làm, “nói như quả núi làm như hòn cuội”; là bệnh quan liêu, tham nhũng nặng nề; là hiện tượng chạy chức chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy bằng cấp…; là bệnh cơ hội, kiêu căng, tự mãn; là tràn lan tình trạng “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”, “cả nhà, cả họ làm quan”… Từ điển xã hội trong những năm đầu thế kỷ 21 có lẽ sẽ có rất nhiều mục từ mới cho những căn bệnh, những hiện tượng xấu đáng khinh bỉ và lên án này!

Những biến tướng đó khiến cho uy tín và sức mạnh Đảng giảm sút, lòng dân không yên, niềm tin của Dân với Đảng không còn mặn nồng như thời “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”(Tố Hữu).

*

Hơn ai hết Đảng đã nhận rõ điều đó. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là mệnh lệnh, là lương tâm của một Đảng cầm quyền. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Có thể kể đến một số Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 2/1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 01/2012) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Mới đây nhất, Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”

Từ chỗ nhận rõ tình hình, thấy rõ những ưu điểm, thiếu sót, sai lầm trong Đảng và công tác xây dựng Đảng đến việc sửa chữa, khắc phục, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt, dũng cảm. Bởi như Bác Hồ đã nói chống chủ nghĩa cá nhân là chống thứ giặc ở trong lòng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã có không ít cán bộ có cương vị công tác cao, thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mắc sai lầm, vi phạm pháp luật phải nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí phải vào tù. Thật là đau xót, nhưng vì cơ thể khỏe mạnh của Đảng mà buộc lòng phải cắt đi những ung nhọt. Như thế chính là thực hiện lời Bác dặn trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Có người đặt câu hỏi: Vì sao đã bao năm nay chúng ta phấn đấu thực hiện tốt những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về công tác xây dựng Đảng mà những yếu kém, khuyết điểm vẫn còn trầm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên sa sút về lý tưởng, đạo đức, nhân cách? Điều này chính Bác đã nói với chúng ta từ rất sớm. Tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18/6/1968, để bàn về xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt, Bác căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Đúng là có những cán bộ đã từng có cống hiến cho cách mạng, đã từng chịu nhiều gian khổ, hi sinh, nhưng họ đã sa ngã khi có chức quyền, khi bổng lộc ùa đến, khi những lời xun xoe, nịnh nọt bủa vây. Chủ nghĩa cá nhân khi gặp quyền lực ngất trời sẽ là mảnh đất màu mỡ để một cán bộ tưởng mình, coi mình là “vua” trong chế độ dân là chủ. Bây giờ phải làm gì để quét sạch chủ nghĩa cá nhân? Bác đã dặn dò kỹ lưỡng trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân: “Những người trong công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Còn nay Đảng ta đang tập xây dựng, giám sát chặt chẽ cơ chế kiểm soát quyền lực, làm sao “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

*

Hôm nay đọc lại Di chúc của Bác Hồ càng thấm thía những điều Người căn dặn. Một tấm lòng bao dung nhân ái, một trí tuệ, một tầm nhìn vượt thời đại. Trước hết bác dặn dò về công việc của Đảng và cuối cùng Bác để lại “muôn vàn tình thân yêu” cho đất nước, cho Đảng, cho dân. Xứng đáng với tình thân yêu ấy chúng ta phấn đấu làm thật tốt những điều Bác căn dặn. Và điều trước hết là xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, để đất nước mạnh giàu, để niềm tin của Dân với Đảng lại hồng hào, tươi sáng như thời dựng Đảng, như thời “sông núi trên vai”, cả dân tộc kề vai sát cánh chiến đấu và chiến thắng./.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019